Cây Trôm (Sterculia foetida L.)

Cây Trôm (Sterculia foetida L.)

Cây trôm được biết đến nhiều trong thực phẩm bởi cây cho nhựa mủ có thể pha nước giải khát, nấu chè… Ngoài ra, cây trôm còn có nhiều tác dụng khác như nhuận tràng, làm ra mồ hôi và lợi tiểu. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về cây trôm.

1 Cây trôm là cây gì?

Cây Trôm hay còn có tên gọi khác là Trôm hôi, chim chim rừng, may trôm, cây quả mõ, có danh pháp khoa học là Sterculia foetida L., thuộc họ Trôm – Sterculiaceae

Tên của chi bắt nguồn từ tiếng Latin “stercus” có nghĩa là phân, liên quan đến mùi khó chịu của hoa và lá của một số loài; tên của loài, là tính từ tiếng Latinh “foetidus, a, um” có nghĩa là hôi thối, liên quan đến mùi khó chịu của hoa.

Hình ảnh các bộ phận của cây trôm
Hình ảnh cây mủ trôm

1.1 Mô tả thực vật

Cây trôm là cây gỗ lớn, có thể cao tới 25-30m, thân thẳng, hình trụ, cành mọc khoẻ và trên cành có những sẹo lá hình tim. Vỏ cây màu xám và các nhánh gần như nằm ngang xếp thành các đốt dọc (3 hoặc nhiều hơn mọc trên cùng một đốt).

Lá cây mủ trôm kép chân vịt, các lá nhóm lại ở đầu cành trên một cuống lá dài 10-30 cm, có dạng lá cọ với 5-9 lá chét từ hình elip đến hình mũi mác, dài 6-15 cm và rộng 2-5 cm, có mép nguyên và dài, đỉnh nhọn, lúc đầu có lông, sau nhẵn, màu xanh bóng và mùi khó chịu.

Chuỳ hoa xuất hiện một lượt với lá, có mùi thối. cụm hoa mọc ở ngọn gồm những chùm hẹp, nhẵn, dài 15-20cm. Hoa tạp tính, màu đỏ; đài đỏ ở trong hình ống, không lông, cuống nhị mang 12-15 bao phấn; cuống nhuỵ mang 5 lá noãn. Hoa đực có cuống bộ nhị mở thành dạng chén ở đầu, hoa cái có bầu hình cầu.

Quả trôm gồm 1-5 quả đại, dài 9cm, vách dày, khi chín màu đỏ, khi xanh màu xanh lục, nhẵn, có lông, mỗi đại khi mở trông giống cái mõ. Hạt 10-15, màu đen bóng, dài 18-20mm. 

Cây trôm là cây gỗ lớn
Quả trôm gồm 1-5 quả đại

1.2 Cây mủ trôm trồng ở đâu?

Cây trôm được coi là cây gỗ cổ nhiệt đới, mọc rải rác trong rừng thứ sinh. Lá rụng vào tháng 3. Ra hoa tháng 2-3, muộn nhất đến tháng 4, ra quả tháng 5-9. Cây con mọc từ hạt vào cuối mùa xuân hay mùa hè.

Tại Việt Nam, cây trôm phân bố tại các vùng rừng cây lá rộng thường xanh, trên núi đất hay núi đá, ở các tỉnh như: Gia Lai, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu,… Cây cũng được trồng làm cây bóng mát ở đường phố, vườn hoa. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc có ở vùng từ Nam Trung Quốc trở xuống, Campuchia, Thái Lan, Malaixia,…

1.3 Bộ phận dùng

Hạt, vỏ cây và lá – Semen, Cortex et Folium Sterculiae Foetidae. Dầu hạt, nhựa mủ trôm cũng được dùng. 

Lá và vỏ cây thu hái quanh năm, thường dùng tươi. Hạt thu hái ở những quả già vào tháng 12 và tháng 1, dùng chế dầu. 

Hạt trôm thường để chế dầu
Hạt trôm thường để chế dầu

2 Thành phần hoá học

Hạt chứa dầu béo có lệ thay đổi từ 30,80% đến 51,78%. Hạt cũng giàu protein khoảng 21% và tinh bột 12%. 

Trong cây trôm còn tìm thấy một lượng nhỏ chất acid béo cyclopropenoid, có tác dụng chống nấm

3 Tính vị, tác dụng

Dầu hạt trôm có màu vàng nhạt, dịu; có tác dụng nhuận tràng, lợi trung tiện.

Nhựa mủ giải khát, dùng pha nước uống hay nấu chè, nấu thức ăn.

Mủ trôm dùng để pha nước, nấu chè
Mủ trôm

Vỏ cây có tác dụng phát hãn và lợi tiểu. Vỏ thân và hạt dùng với liều lớn có thể gây sẩy thai

Lá có mùi hôi; có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm, nhuận tràng.

Nước sắc vỏ quả có chất nhầy làm săn da. 

4 Công dụng

Dầu Trôm có thể dùng để ăn, nhưng cũng thường dùng để thắp sáng. Tuy nhiên nếu ăn nhiều dầu trôm gây nôn, chóng mặt, có tác dụng tẩy

Bột của hạt ăn được và dùng chế các loại bánh. 

Ở Campuchia, thường dùng dầu để rửa mặt và khô dầu được dùng chữa ghẻ ngứa. Nhựa mủ tiết ra từ cây ăn mát. Vỏ cây sắc uống dùng chữa phong thấp, thống phong. Ở Campuchia, người ta dùng vỏ cây để chế thuốc cảm sốt. Lá sắc nước rửa những chỗ phát ban lở loét, các bệnh về da, bệnh về tóc và da đầu, bong gân, các vết cắn, vết đứt và các vết thương khác. 

Ở Java và Philippin vỏ thân và lá non từ cây trôm được dùng để chữa thấp khớp, thủy thũng. Nước sắc lá trôm để rửa vết thương đã mưng mủ. Dịch ép từ lá non chữa sốt, phối hợp với vị thuốc khác chữa ho.

Một vài công dụng của cây trôm
Một vài công dụng của cây trôm

5 Tài liệu tham khảo

  • Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2021). Trôm trang 1083, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.
  • Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Trôm trang 1023-1024, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

Để lại một bình luận