Cây Si (Cây Gừa – Ficus microcarpa L.f)

Cây Si (Cây Gừa - Ficus microcarpa L.f)

Cây Si hay còn được gọi là cây gừa. Cây Si là loại cây cảnh có giá trị cao trong y học cổ truyền. Nhiều bài thuốc trị sỏi thận, liệt nửa người được lưu truyền có sử dụng bộ phận của cây Si. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cây Si

1 Giới thiệu

Tên gọi khác: Cây gừa.

Tên khoa học: Ficus microcarpa L.f.

Họ thực vật: Họ Dâu tằm Moraceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh cây si

Đặc điểm cụm hoa của cây Gừa
Đặc điểm cụm hoa của cây Gừa

Cây gỗ, cao khoảng 15 đến 20m.

Rễ khí sinh mọc từ cành của cây.

Cành cây khi non có cạnh, sau lớn dần thành hình trụ, bên ngoài màu xám tro.

Lá dày, mọc so le, dài khoảng 6 đến 18cm, phiến lá rộng từ 3 đến 8cm.

Phía dưới gốc lá có hình tròn hoặc thuôn, mép nguyên, đầu nhọn.

Mặt trên lá có màu sẫm, bóng, mặt dưới lá có màu nhạt, lá non có lông, lá kèm nhỏ.

Cụm hoa có dạng quả sung, gần như không có cuống, cụm hoa mọc ở kẽ lá. Mỗi cụm hoa bao gồm cả hoa đực và hoa cái.

Quả có màu vàng, trên vỏ quả có vân màu đỏ.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

1.2 Thu hái và chế biến

Lá của cây Si
Lá của cây Si

Bộ phận dùng: rễ , lá.

Thu hái quanh năm, có thể dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Gừa được tìm thấy trong các quần thể rừng núi đá của Việt Nam hoặc rừng thứ sinh, đặc biệt ở các vùng ven biển và đảo.

Gừa cũng được trồng nhiều xung quanh làng bản hoặc các nơi công cộng để lấy bóng mát.

Khi còn nhỏ, Gừa có thể sống trên đá hoặc các cây khác theo dạng sống phụ sinh. Khi phát triển, Gừa trở thành cây gỗ lớn cùng nhiều rễ khí sinh.

Cây ra hoa quả hàng năm. Quả của cây Si là thức ăn cho nhiều loại chim rừng, hạt từ đó cũng được phát tán đi khắp nơi.

Gừa có thể sống hàng trăm năm, do bản chất gỗ nhẹ và mềm nên ít được sử dụng.

2 Thành phần hóa học

Trong vỏ cây Si có chứa:

  • 14 chất triterpenoid.
  • 8 steroid.
  • 1 alcol béo.
  • 1 flavan.
  • 1 coumarin.
  • 2 chất 4-hydroxybenzoate.
  • 1 chất tương tự Carotenoid.

Quả có chứa:

  • β-amyrin.
  • β-amyrin acetat.
  • acid maslinic.
  • acid oleanolic.
  • β-sitosterol.
  • Acid 2 alpha-hydroxy ursolic.

3 Tác dụng – Công dụng

3.1 Tác dụng dược lý

Chưa có nghiên cứu.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Cây Gừa có tác dụng gì?

Tính vị: Rễ có vị đắng, tính bình, lá có vị đắng, tính mát.

Tác dụng: Rễ có tác dụng thanh nhiệt, khử phong, giải độc, hoạt huyết. Lá có tác dụng tán ứ, hoạt huyết, giải nhiệt.

3.2.2 Công dụng

Theo kinh nghiệm lưu truyền, một số người sử dụng rễ cây Gừa phối hợp với các loại thuốc khác để chữa bệnh sỏi thận.

Ngoài ra, nhân dân cũng sử dụng Gừa để chữa bệnh liệt nửa người, cảm cúm, viêm kết mạc, ho gà. Liều dùng được khuyến cáo là 9-15g/ngày.

Lá Gừa được sử dụng để chữa cảm cúm, viêm phế quản mạn tính, viêm ruột, vết thương do đâm chém.

Nhựa mủ cây khi pha với giấm có tác dụng chữa hắc lào.

Gừa cũng được sử dụng làm cây cảnh hoặc cây lấy bóng mát. Dưới đây là một số hình ảnh của cây Gừa được dùng làm cây cảnh trang trí.

Cây Gừa (cây Si) được trồng làm cảnh hoặc lấy bóng mát
Cây Gừa (cây Si) được trồng làm cảnh hoặc lấy bóng mát

4 Một số cách trị bệnh từ cây Si

4.1 Chữa sỏi thận

  • 30g Rễ Gừa.
  • 20g rễ Nhàu.
  • 20g thân cây Muồng Trầu.
  • 10g cây Thài lài Trắng.
  • 10g vỏ thân cây Chân Chim.
  • 4g lõi Cỏ Bấc.

Thái nhỏ, phơi khô, cho 400ml nước vào sắc cho đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, nên uống từ 5-7 ngày.

4.2 Chữa liệt nửa người

  • 30g rễ Gừa.
  • 20g rễ Nhàu non hoặc vỏ thân cây Nhàu già.
  • 20g cây Trinh Nữ.
  • 20g cành lá cây Lức.
  • 20g cành lá cây Tầm Gửi.
  • 20g gỗ thân cây Cù Đèn.
  • 20g gỗ thân cây CHòi Mòi.
  • 10g rễ cây Cỏ Xước.
  • 10g rễ cây Duối Gai.
  • 10g Củ Gấu.
  • 10g cành và lá cây Dành Dành.

Thái nhỏ, sắc lấy nước uống trong ngày, dùng trong 10 ngày.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (tập 1). Gàu, trang 875-876). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2024.

Để lại một bình luận