Cây Sậy (P.communis Trin.)

Cây Sậy (P.communis Trin.)

Sậy được sử dụng rộng rãi bởi công dụng cầm máu, giải độc, bổ phế. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Sậy thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Cây Sậy là cây gì?

Sậy còn có tên gọi khác là Sậy nam, đôi khi gọi là Lau sậy. Cây Sậy sống ở đâu? Cây mọc hoang trên đất ẩm dọc các bờ sông suối và đầm lầy.

Tên khoa học của Sậy là Phragmites australis (Cav.) Trin. ex Steud. (P.communis Trin.), thuộc họ Lúa (Poaceae).

Hình ảnh cây Sậy
Hình ảnh cây Sậy

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo dạng bụt, sống nhiều năm, rễ bò dài, rất khỏe. Thân cao 1,8-4m, thân thẳng đứng, rỗng ở giữa; thân rễ có khi phình thành củ. Lá thường khô vào mùa rét, mọc so le, xếp xa nhau, phẳng, hình dải hay hình ngọn giáo, dài 30-60cm, rộng 2-5cm, có mỏ nhọn kéo dài, không ôm lấy thân ở phía gốc, nhẵn hoặc rất ít lông, gân mảnh song song, mép lá ráp; bẹ lá dài, nhẵn, ôm thân, có tai; lưỡi bẹ dạng vòng lông ngắn.

Cụm hoa hình chùy mọc ở ngọn thân, màu tím hoặc nâu nhạt, hơi rủ cong, dài 15-45cm, cuống chung thường có lông mềm dày đặc ở gốc, trục chính mang nhiều nhánh hình sợi, nhánh rất mảnh, nhẵn hoặc hơi ráp, mọc gần vòng. Bông chét mang 3-6 hoa, hoa ở phía dưới đôi khi là trung tính, nhẵn, không có mày hoa; hoa sinh sản có mày dài, mảnh, không lông, xòe ra khi chín, rất nhọn, thường nguyên ở đỉnh, nhị 3, bao phấn hình dải, bầu thuôn, nhẵn. Mày hoa hình trái xoan, xẻ đôi ở đỉnh. Quả nhẵn, bao bọc bởi mày hoa. Mùa hoa vào tháng 11 tới tháng 1 năm sau.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá, hoa, thân, thân rễ, măng. Trong Đông y, thân rễ được gọi là Lô căn.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Ninh Bình. Ngoài ra còn có ở Ngan, Trung Quốc và nhiều nước khác.

2 Thành phần hóa học

Các nghiên cứu về hóa chất thực vật đã chỉ ra rằng các thành phần chính có trong thân rễ Sậy bao gồm axit p-coumaric, polysacarit, Vitamin C, Vitamin B1, Vitamin B2, axit béo, axit amin, sterol và polyphenol.

Phenylpropanoid: Theo các tài liệu thu thập được, 9 hợp chất phenylpropanoid có trong thân rễ Sậy, bao gồm axit p-hydroxycinnamic, 2,3-dihydroxy-1-(4-hydroxy-3,5-dimethoxyphenyl)-1-propanone, axit caffeic, axit ferulic, eugenol, anethole, 4′-hydroxy-3′-methoxycinnamaldehyde, coniferyl aldehyde, và n-propylbenzene.

Steroid: 4 hợp chất steroid có mặt trong thân rễ Sậy, bao gồm stigmasta-3,5-dien-7-one, -sitosterol, stigmasterol và daucosterol.

Axit hữu cơ: Tổng cộng có 12 axit hữu cơ từ thân rễ Sậy được phân lập, bao gồm axit vanillic, axit p-coumaric, axit syringic, axit p-hydroxy benzoic, axit palmitic, axit heptadecanoic, axit gentisic, axit pelargonic, axit 2,5-dihydroxybenzoic, crystal Ⅵ, axit L-ascorbic và L-proline.

Alkaloid: 10 alkaloid có trong thân rễ Sậy, bao gồm phranisines B, phranisines A, moschamindole, N-p-coumaroyl serotonin, N-p-coumaroyl-tryptamine, aurantiamide acetate, N-[2-(5-hydroxy-1H-indol3-yl)ethyl]-p-coumaramide, Riboflavin, coixol và (-)-democolcine.

Carbohydrat: 5 loại carbohydrate có trong thân rễ Sậy, chủ yếu bao gồm -D-glucose, -D-glucose, D-L-xylose, L-(+)-arabinose và n-butyl–D-fructopyranoside.

Quinon: Cho đến nay, 2 quinon, physcion và 2,5-dimethoxybenzoquinone, đã được phân lập từ thân rễ Sậy.

Terpenoid: Có 14 terpenoid trong thân rễ Sậy, bao gồm simiarenol, β-caryophyllene, linalool, (1R)-(+)-camphor, (R)-linalool, -humulene, axit oleanic, b-amyrin, widdrene, cedrol, β-amyrin, taraxerol, 2-etylbutyl methacrylate và taraxerone.

Flavonoid: Ngoài ra, 2 Flavonoid là tricin 7-O-glucopyranoside và tricin được tìm thấy trong thân rễ Sậy.

Phenol: 6 hợp chất phenolic có mặt trong thân rễ Sậy, bao gồm guasol, vanillin, syringaldehyde, apocynin, tocopherol, và homopolymer 4-hydroxybenzaldehyde.

Hợp chất khác: Ngoài ra, 19 hợp chất khác được tìm thấy trong thân rễ Sậy như 5-hydroxymethylfurfural, 7-chloroarctinone B, widdrene, dioctyl phthalate, furfural phenylacetaldehyde, nonanal, 13-methyl-pentadecanoic acid methylester, ethyl hexadecanoate, 11-methyl-nonadecanoic acid methyl este, axit 6,9,12,15-octadecatetraenoic, metyl este, thiarrubrin A, arctinal, vitamin B1, fmoc-Asn(Trt)-OPfp, bis(2-etylhexyl) phthalat, metyl linoleat, 3-butylphtalen và phenyletyl alcohol.

Thành phần của thân rễ Sậy (Lô căn)
Thành phần của thân rễ Sậy (Lô căn)

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cát căn – Vị thuốc giải nhiệt nóng, trị sốt khát, say rượu hiệu quả

3 Tác dụng – Công dụng của Sậy

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống viêm và giảm đau

Nghiên cứu cho thấy stigmasta-3,5-dien-7-one từ thân rễ Sậy có thể làm giảm đáng kể mức độ của các yếu tố tiền viêm như NO, PGE2, TNF-α, IL-1β và IL-6 được biểu hiện bởi các đại thực bào RAW246.7 thông qua việc ức chế con đường truyền tín hiệu của yếu tố hạt nhân kappa-B. Một nghiên cứu khác cho thấy các polysaccharid có tính axit từ thân rễ Sậy cũng là một thành phần chính trong việc ức chế biểu hiện NO bởi các đại thực bào RAW246.7. 

Chiết xuất metanol, ether dầu hỏa và carbon tetrachloride từ các bộ phận trên mặt đất của Sậy có hoạt tính giảm đau ngoại vi tốt ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ theo cách phụ thuộc vào liều lượng.

3.1.2 Chống oxy hóa

Các chất chiết xuất từ cồn của rễ, thân, lá và nước của Phragmites đều có khả năng chống oxy hóa nhưng với khả năng thu dọn các gốc tự do khác nhau. Tác dụng chống oxy hóa của thân rễ Sậy có liên quan đến polyphenol, flavonoid và polysacarit. Polysaccharid không chỉ làm tăng đáng kể hoạt động của superoxide dismutase (SOD) và Glutathione Peroxidase (GSHPx) mà còn làm giảm hàm lượng lipid peroxide trong huyết tương, não và mô gan của chuột già và làm giảm bớt sự teo tuyến ức, lá lách, và các mô não gây ra bởi sự lão hóa.

3.1.3 Kháng khuẩn, kháng virus

Các oligosacarit trong thân rễ Sậy có tác dụng kháng khuẩn đáng kể với sự ức chế lớn nhất đối với Staphylococcus aureus khi dùng ở nồng độ 100 μg/mL, tiếp theo là Bacillus subtilis và Escherichia coli.

Dịch chiết lá Phragmites có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus herpes bò loại 1 (BoHV-1) theo cách phụ thuộc vào liều lượng.

3.1.4 Chống khối u, điều hòa miễn dịch

Axit p-hydroxycinnamic trong thân rễ Sậy có thể cải thiện đáng kể tình trạng nhiễm độc tủy do Doxorubicin gây ra như giảm bạch cầu, bạch cầu trung tính và hồng cầu; thúc đẩy quá trình sự tăng sinh của các tế bào lách và tuyến ức nguyên phát mà không có độc tính rõ ràng đối với các tế bào soma bình thường của con người (đặc biệt là tế bào gan). Tế bào ung thư, tế bào khối u như tế bào A549, tế bào HeLa và tế bào B16 rất nhạy cảm với các chất chiết xuất từ thân rễ Sậy và bị ức chế mạnh.

3.1.5 Bảo vệ gan, thận, phổi

Bảo vệ gan: Dịch chiết thân rễ Sậy làm giảm bớt sự gia tăng transaminase theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Chiết xuất từ cả rễ và lá Phragmites đã cải thiện đáng kể tổn thương tế bào gan do CCl4 gây ra.

Bảo vệ thận: Chiết xuất từ thân rễ Sậy có thể ức chế sự hình thành sỏi thận bằng cách tăng bài tiết Canxi oxalate và ức chế sự biểu hiện của osteopontin trong mô thận. Polysaccharide có tác dụng bảo vệ đối với tổn thương gan và thận do cadmium gây ra ở chuột.

Bảo vệ phổi: Với tác dụng thanh nhiệt, thân rễ Sậy thường được dùng để điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho và viêm họng. Chiết xuất từ thân rễ Sậy có thể được sử dụng như một chất phụ gia cho thuốc lá để giảm tác hại cho cơ thể do hút thuốc thông qua việc cải thiện mùi thơm và giảm kích ứng. Cơ chế là ức chế đáng kể sự biểu hiện của TGF-β và IL-6 trong các tế bào biểu mô phế quản của con người, làm giảm phản ứng viêm đường thở và thúc đẩy quá trình sửa chữa tế bào.

Tác dụng của Sậy
Tác dụng của Sậy

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Rau má – Vị thuốc mát với lợi ích sức khỏe tuyệt vời

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Sậy có tính hàn, vị ngọt; hoa có tác dụng chỉ huyết, giải độc; thân rễ thanh nhiệt lợi niệu, sinh tân chỉ khái, nhiệt phế hóa đàm, chỉ tả.

Vai trò của cây lau sậy: Trong đông y, lá Sậy được dùng trong chữa thổ tả, thổ huyết, phế ung, phát bối; thân trị phế ung, phiền nhiệt; thân rễ trị cảm nóng, khát nước, bứt rứt, bán trái, sốt phát ban, tiểu tiện đau buốt, viêm bàng quang, đau dạ dày nôn mửa, phổi nóng ho khan, phổi có mủ, ho khạc ra máu mủ, miệng khô khát, nhiệt phiền khát, tiểu rắt, tiểu đỏ, thống phong.

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Sậy

4.1 Cách dùng

Liều dùng 20-40g, hãm với 1L nước sôi trong 15 phút, uống trong ngày. Hoặc dùng dạng cao lỏng, liều 2-3g mỗi ngày.

Cây Sậy có ăn được không? Mọi người thường dùng măng Sậy và đọt Sậy (phần ngọn non) để làm thực phẩm, có thể xào tỏi, xào tép… ngon, giòn như món ăn hàng ngày.

4.2 Bài thuốc

4.2.1 Chữa cúm

Nguyên liệu: Rễ sậy, liên kiều mỗi vị 6g, tang diệp 10g, hạnh nhân, Cát Cánh mỗi vị 8g, Cúc Hoa, bạc hà, Cam Thảo mỗi vị 4g.

Cách làm: Sắc uống, một ngày uống 1-2 thang.

4.2.2 Chữa sởi ở thời kỳ sởi bay

Nguyên liệu: Rễ sậy, tang bạch bì, Mạch Môn, sa sâm mỗi vị 8g, hoàng cầm, địa cốt bì mỗi vị 12g.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.

4.2.3 Chữa thủy đậu thể nhẹ

Bài 1: Rễ sậy, Kim Ngân Hoa mỗi vị 10g, lá tre 16g, tang diệp 12g, cam thảo đất, hoa cúc, Kinh Giới mỗi vị 8g, Bạc Hà 6g.

Bài 2: Rễ sậy, Hoàng Đằng mỗi vị 8g, cam thảo dây, sinh địa, kim ngân hoa, vỏ đậu xanh mỗi vị 12g, lá tre 10g.

Đều sắc uống ngày 1 thang.

4.2.4 Chữa viêm não Nhật Bản B ở giai đoạn khởi phát và toàn phát chưa biến chứng

Nguyên liệu: Rễ sậy, kim ngân hoa mỗi vị 16g, thạch cao 40g, liên kiều, Hoàng Cầm mỗi vị 12g, bạc hà 8g. Nếu sốt nặng, thêm hoắc hương 12g, bội lan 8g, hậu phác 6g.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.

4.2.5 Chữa bại liệt ở trẻ em giai đoạn khởi phát

Nguyên liệu: Rễ sậy 8g, kim ngân 12g, liên kiều, kinh giới, ngưu bàng mỗi vị 6g, đậu sị 4g, cát cánh, bạc hà, cam thảo mỗi vị 2g. Nếu ho, thêm tiền hồ 8g, nôn mửa thêm trúc nhự 4g.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.

4.2.6 Chữa loét miệng

Nguyên liệu: Rễ sậy, Sinh Địa mỗi vị 20g, thạch cao 40g, lá tre, ngọc trúc, Huyền Sâm, tri mẫu mỗi vị 12g, Thăng Ma 8g, mộc thông 6g, cam thảo 4g.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang.

4.2.7 Chữa viêm loét lợi, chảy máu, miệng hôi

Nguyên liệu: Rễ sậy, thạch cao mỗi vị 40g, lá tre 12g.

Cách làm: Nấu nước đặc, ngậm rồi nhổ đi, làm nhiều lần trong ngày.

4.2.8 Chữa rắn cắn

Nguyên liệu: Chồi non cây sậy, rau cần trôi, Rau Đắng biển, dây mơ lông, lá mướp đăng, Rau Má mỗi vị 100g tươi, giã nhỏ, thêm chút nước, chắt uống, bã đắp vào vết cắn.

4.2.9 Chữa viêm tai giữa từ cây Sậy

Nguyên liệu: Sậy non 2 cây.

Cách làm: Rửa sạch, để ráo nước. Hơ nóng phần bẹ trên lửa. Giã nát, ép lấy nước cốt nhỏ vào tai, mỗi lần 1 giọt, 3 lần mỗi ngày.

Chữa viêm tai giữa từ Sậy
Chữa viêm tai giữa từ Sậy

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Yuan Ren và cộng sự (Ngày đăng 23 tháng 2 năm 2022). Traditional Uses, Phytochemistry, Pharmacology and Toxicology of Rhizoma phragmitis: A Narrative Review, Chinese Journal of Integrative Medicine. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023. 

2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Sậy trang 681-682, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.

Để lại một bình luận