Cây Sao Đen (Hopea odorata Roxb)

Cây Sao Đen (Hopea odorata Roxb)

Cây Sao Đen theo y học cổ truyền có tác dụng làm săn da, cầm máu, điều trị viêm lợi, sâu răng… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cây Sao Đen.

1 Giới thiệu về Cây Sao Đen

Cây Sao Đen còn có tên gọi khác là Cây san, Mạy khèn, danh pháp khoa học là Hopea odorata Roxb, thuộc họ Dầu – Dipterocarpaceae

1.1 Mô tả thực vật

Cây to cao 20-40m, thân thẳng, vỏ đen, xù xì và nhiều xơ, cành non có lông.

Lá mọc so le, hình trứng hay hình bầu dục – thuôn, thon và nhọn, đầu tù, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm, đen, cuống dài khoảng 1 cm, gân cấp 2 có 7-16 đôi, dài 6-13cm, rộng 3-5cm, mặt dưới nhạt hơn mặt lá trên.

Cây Sao Đen có hoa không? Cây sao đen thường ra hoa và quả vào tháng 5-6 hàng năm. Cụm hoa mọc thành chùm ngắn hơn lá hay dài bằng lá, trên có phủ một lớp lông tơ màu tro, phân nhiều nhánh, có 10-12 nhánh, mỗi nhánh có 4-6 hoa mọc cạnh nhau và xếp lệch về một bên, đài có lông ở những lá ngoài nhưng lại nhẵn ở những lá trong, cánh hoa cũng có lông, cánh có hình lưỡi liềm, mép hoa có khía răng, nhị 15-19, chỉ nhị dẹt, bầu hoa có lông

Hoa của cây sao đen
Hoa của cây sao đen

Quả hình tháp, bao bọc trong lá đài tồn tại, trong đó có 2 cánh dài tầm 5-6 cm, có 7-11 gân song song và không đều. 

Dưới đây là hình ảnh Cây sao đen

Cây sao đen
Hình ảnh Cây sao đen

1.2 Phân bố, thu hái và chế biến 

Chi Hopea Roxb có khoảng 110 loài ở các vùng nhiệt đới châu Á

Cây Sao Đen tại Việt Nam mọc phổ biến chủ yếu ở các tỉnh miền Nam. Ở Hà nội, vài phố có những hàng cây sao đen trồng làm cây bóng mát. Còn mọc và được trồng ở Malaixia, đảo Bocntt. 

Cây là cây gỗ điển hình, thường trồng chủ yếu làm cây bóng mát và lấy gỗ đóng đồ dùng, đóng thuyền, làm cầu và các công trình kiến thiết lớn. 

Cây thường mọc hoang trong các loại rừng kín thưỡng xanh mưa mùa nhiệt đới có độ cao lên tới 1000 m.

Cây ưa sống tại nơi có đất ẩm, nhiều mùn, có tầng đất mặt sâu. Cây ra quả khá nhiều hàng năm, sau khi quả rụng, hạt thường nảy mầm sớm trong mùa mưa cùng năm, cây khi còn nhỏ có khả năng chịu bóng tốt

Người ta dùng vỏ cây và nhựa. Thu hái gần như quanh năm. Dùng tươi hay khô đều được

Cây thường nảy mầm từ hạt quả vào mùa mưa
Cây thường nảy mầm từ hạt quả vào mùa mưa

2 Thành phần hóa học

Trong cây sao đen có chất nhựa được dùng trên thị trường quốc tế với tên dammar. Tên dammar còn được dùng để chỉ nhiều loại nhựa chích từ nhiều cây khác thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae) như Hopea, Balanocarpus, Vatica, Dryobalanops, Shorea, Vateria; họ Thông Abietaceae như Dammara, Pinus; họ Trám Burseraceae như Canarium, Aucumea; họ Măng cụt Guttiferae như Garcinia. 

Nhựa dammar của sao đen có màu vàng nhạt đến vàng đỏ hoặc nâu sẫm. mùi nhẹ, mặt bẻ bóng. Có loại tốt gần như không màu. Tỷ trọng 0,900 (loại không màu), đến 1,055 (loại có màu), độ chảy 110°C (loại không màu), 141°C (loại có màu), chỉ số axit 53, chỉ số xà phòng 81. 

Thành phần chủ yếu của nhựa dammar sao đen là các axit damarolic và các damaresen alpha và beta. 

Mặt trong của vỏ cây hay cành lớn còn chứa một tỷ lệ cao tanin (14,57 %) có thể dùng trong thuộc da. 

Lá chứa 11%, và gỗ chứa 10% tanin 

Một 3,4-seco-cycloartane mới, được xác định là (24R,25S)-dihydroxy-26-O-nonadecylcarbonyloxy-3,4-secocycloarta-4(28)-en-3-oic acid, đã được phân lập từ lá cây sao đen, cùng với axit hiếm 3,4-seco-cycloart-4(28),24-diene-3,26-dioic (2 hoặc abiesatrine J) và sáu hợp chất đã biết khác

3 Tác dụng, công dụng

3.1 Tính vị, công năng

Vỏ cây sao đen có vị chát (do chứa tanin), có tác dụng cầm máu, làm săn da và chắc chân răng

Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy chiết xuất methanol của cây sao đen có tiềm năng như một phương thuốc thảo dược có chức năng chống viêm, tuy nhiên, vẫn còn cần nghiên cứu thêm công dụng này trên các nghiên cứu lâm sàng.

3.2 Công dụng

Vỏ cây sao đen được dùng ở nhiều nơi trong nước ta làm vỏ ăn trầu (Trầu Không). 

Nhưng công dụng phổ biến nhất tại nhiều tỉnh miền Nam là chữa các bệnh viêm lợi, apxe lợi, sâu răng. Thuốc làm cho lợi răng chắc lại, răng chậm rụng.

Nhựa sao đen được chích trên thân và cành to. Người ta dùng nhựa sao đen trong công nghiệp sơn, vecni, công nghiệp thuốc ảnh. 

Công dụng của cây sao đen
Công dụng của cây sao đen

4 Bài thuốc chữa viêm lơi, áp-xe lợi, sâu răng có Cây sao đen

4.1 Cách 1

Ngâm 50 – 100 g vỏ sao đen đã cạo sạch lới vỏ đen ở ngoài, thái mỏng, phơi khô với 100ml rượu 30 hay 40 độ (rượu nhân dân vẫn uống), trong ba ngày, để càng lâu càng hiệu quả, thu được Dung dịch chiết màu nâu đen hơi đỏ. Dùng rượu này súc miệng ngày 3 lần, mỗi lần súc 3 ngụm liền: Ngậm 15 đến 20 phút rồi nhổ đi. Thường chỉ súc một lần đã thấy đỡ đau nhức. 

4.2 Cách 2

Có thể sắc vỏ với nước: 50g vỏ, thêm một bát nước (300ml), cho nước vào đun sôi, giữ sôi trong 15 phút. Dùng nước này súc miệng. Cho vào miệng, ngậm trong 15-20 phút. Ngày làm 2 hay 3 lần. Dùng luôn trong 3-4 ngày. Có khi người ta phối hợp vỏ sao đen với một vị thuốc khác. 

5 Tài liệu tham khảo

  • Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Sao đen trang 672-674, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023.
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Sao đen trang 576-577, Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023
  • Tác giả: Malai Satiraphan và cộng sự (Ngày đăng: năm 2015). A new 3,4-seco-cycloartane from the leaves of Hopea odorata Roxb, Pubmed. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023.
  • Tác giả: Yanyan Yang và cộng sự (Ngày đăng: năm 2013). Methanol extract of Hopea odorata suppresses inflammatory responses via the direct inhibition of multiple kinases, Pubmed. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023.

Để lại một bình luận