Cây Muối (Sơn Muối – Rhus chinensis Mill.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Sapindales (Bồ hòn)

Họ(familia)

Anacardiaceae (Đào lộn hột)

Chi(genus)

Rhus

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Rhus chinensis Mill.

Danh pháp đồng nghĩa

Rhus semialata Murr.

Cây Muối (Sơn Muối - Rhus chinensis Mill.)

Muối thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao của cây dao động khoảng 2 đến 8 mét. Ngũ bội tử là dược liệu lấy từ nốt sần trên lá cây có tác dụng chữa đi ngoài, nôn trớ ở trẻ em. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Rhus chinensis Mill.

Tên đồng nghĩa: Rhus semialata Murr.

Tên gọi khác: Sơn muối, Chu môi, Sơn bút, Diêm phu mộc, ngũ bội, bầu bí.

Họ thực vật: Đào lộn hột Anacardiaceae.

1.1 Cây muối là cây gì?

Muối thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao khoảng 2 đến 8 mét. Cành cây khi còn non có phủ một lớp lông mềm có màu hung.

Lá cây mọc kép lông chim lẻ, lá cây mọc so le có chiều dài khoảng 25 đến 40cm. Có khoảng 9 đến 13 lá chét mỏng, phiến lá chét có dạng hình mũi mác, mỗi lá dài từ 8-10cm, rộng từ 4-6cm. Gốc lá thuôn, đầu lá nhọn. Mặt trên của lá có màu sỉn, mặt dưới có màu nhạt. Gân lá rõ, mép khi răng.

Cuống lá có dạng hình trụ.

Trên mặt lá có nhiều bướu sần sùi do côn trùng và ấu trùng sâu gây nên, các nốt sần có kích thước không đều nhau.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn cành. Cụm hoa mọc thành chùy, phân nhánh nhiều. Hoa có màu trắng hơi ngà.

Quả cây muối thuộc dạng quả hạch, có dạng gần giống hình tròn, bên ngoài phủ một lớp lông mềm, màu vàng hoặc màu đỏ.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 10 đến tháng 1.

Dưới đây là hình ảnh cây muối rừng:

Hình ảnh cây muối
Hình ảnh cây muối

Hình ảnh cây muối miền tây:

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Ngũ bội tử (nốt sần trên lá cây) do Melaphis chinensis (Bell) Baker là một loại côn trùng tạo thành.

Thời điểm thu hái: Mùa thu.

Chế biến: Nhúng lá cây vào nước sôi hoặc đồ lá cho khi mặt bên ngoài có màu xám.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Rhus L. trên thế giới có khoảng 200 loài thường được tìm thấy ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở cả 2 bán cầu. Tuy nhiên, các loại này thường được tìm thấy ở những khu vực khô hạn, có thời tiết thay đổi theo mùa. Tại nước ta, chỉ có 2 loài thuộc chi này được ghi nhận.

Cây muối được phân bố ở nhiều quốc gia khác nhau, từ Đông Ấn Độ, đến Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Tại nước ta, cây được tìm thấy nhiều trong tự nhiên, phân bố ở nhiều tỉnh khác nhau, từ khu vực vùng núi có độ cao 1000 mét đến vùng trung du, đôi khi còn gặp ở các vùng đồng bằng ven biển, các đảo lớn.

Là loài cây ưa sáng, cây muối có thể sinh trưởng và phát triển ở những khu vực có đất khô cằn. Cây ra hoa quả nhiều.

Vào mùa đông, lá chuyển sang màu vàng úa, quả bắt đầu già và rụng xuống đất.

Cây có khả năng tái sinh từ hạt. Phần thân và gốc sau khi chặt cũng có khả năng nảy chồi.

Toàn cây
Toàn cây

2 Thành phần hóa học

Ngũ bội tử chứa: 60-77% Gallotannin.

Hạt chứa tanin, acid galic, Nhựa, lipid, tinh bột, acid hữu cơ, acid tartric, acid citric, Flavonoid.

Rễ chứa flavon, phenol, acid hữu cơ, dầu béo,

3 Tác dụng – Công dụng của cây muối

3.1 Tác dụng dược lý

Cây muối đã được chứng minh có tác dụng chống herpes (HSV) và làm tăng tác dụng chống HSV của Acyclovir khi tiến hành nghiên cứu trên in vitro và in vivo.

Hai hợp chất chống HSV của cây là acid moronic và acid betulonic.

Methyl galat và acid galic là 2 thành phần được phân lập từ Ngũ bội tử cho thấy tác dụng ức chế một số vi khuẩn như Bacteroides fraglis, Escherichia coli,…

Cao chiết với n-hexan toàn thân cây muối có chứ acid 6-pentadocylsalicyclic có tác dụng kháng thrombin và kéo dài thời gian đông máu. Tác dụng này phụ thuộc vào liều lượng sử dụng.

3.2 Công dụng của cây Muối

Cây Muối
Cây Muối

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Ngũ bội tử có vị chát, hơi chua, tính bình. Dược liệu quy vào phế, thận, đại trường. Ngũ bội tử có tác dụng cầm máu, liễm phế, làm săn.

Lá và rễ của cây có vị mặn, tính mát có tác dụng cầm máu, hạ sốt.

3.2.2 Công dụng

Ngũ bội tử được sử dụng để chữa ho, lỵ, tiêu chảy, nôn ra máu, vàng da, chảy máu cam, ngộ độc, ra nhiều mồ hôi.

Khi sử dụng ngoài, cây có tác dụng trị mụn nhọt, lở loét.

Liều dùng thông thường là 2-5g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngậm Dung dịch với hàm lượng 5-10% để trị các vết lở loét trong miệng.

Sử dụng 40g lá và rễ của cây đem sắc lấy nước uống có tác dụng chữa ho ra máu, cảm sốt.

Lá cây có tác dụng giải nhiệt, dự phòng cảm, có thể dùng để đắp ngoài.

Nhân dân một số nước Đông Nam Á sử dụng Ngũ bội tử để làm thuốc săn, trị tiêu chảy, trị chảy máu, đắp ngoài trị lở loét, mụn nhọt.

Nhân dân Trung Quốc sử dụng ngũ bội tử làm thuốc bổ, hạ nhiệt, giải độc. Ngoài ra, dược liệu này còn được dùng để trị di tinh, bỏng, súc miệng trị các vết loét trong miệng.

Nhân dân Ấn Độ dùng ngũ bội tử làm thuốc long đờm, bôi ngoài trị vết thương. Quả của cây được dùng trong các trường hợp tiêu chảy, lỵ.

Quả cây Muối
Quả cây Muối

4 Một số cách trị bệnh từ Ngũ bội tử

4.1 Đái dầm ở trẻ em

Ngũ bội tử sau khi thu hái về giã nhỏ, thêm nước tạo thành hỗn hợp dính tay, đắp vào rốn.

4.2 Chữa đau bụng đi ngoài

Ngũ bội tử đem tán nhỏ thành bột.

Làm thành từng viên có kích thước bằng hạt đậu xanh.

Mỗi ngày uống 15-20 viên. Uống cùng với nước pha Bạc Hà.

Ngũ bội tử
Ngũ bội tử

4.3 Chữa trẻ bị trớ

3g Ngũ bội tử, một nửa để sống, một nửa đem nướng chín.

Trích Cam Thảo 20g.

Các vị tán nhỏ, mỗi lần dùng 2g chiêu với nước cơm hoặc nước cháo.

4.4 Chữa trẻ bị loét miệng

Đem ngũ bội tử mài với nước, sau đó bôi lên chỗ bị loét.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cây Muối, trang 386-388. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.

Để lại một bình luận