Cây mào gà trắng là loại cây cỏ được trồng nhiều ở nước ta. Cây có công dụng rất tốt giúp cầm máu, chữa chảy máu ruột, thổ huyết, thu liễm… Trong bài viết sau đây, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Cây mào gà trắng.
1 Giới thiệu về Cây mào gà trắng
Cây mào gà trắng còn được gọi bằng các tên gọi như cây mồng gà trắng, mào gà dại, đuôi lươn, dã kê quan, thanh tương tử.
Tên khoa học của cây mào gà trắng là Celosia argentea L. (C.linearis Sw.).
Thuộc rau dền – Amaranthaceae.
Hạt chín được đem phơi hay sấy khô của cây mào gà trắng được biết với tên gọi là vị thuốc thanh tương tử (Semen Celosiae).
2 Mô tả thực vật
Mào gà trắng là một loại cỏ mọc quanh năm, sống hàng năm, thân mọc thẳng, nhẵn, có nhiều vạch dọc, mang nhiều cành, cao 0,3 m thậm chí đến 2 m.
Lá cây mọc so le, hình mũi mác, nguyên, cuống ngắn, đầu nhọn, gốc lá cũng hơi nhọn, dài 8 cm tới 10 cm, rộng 2-4 cm.
Cây ra nhiều hoa vào mùa thu hay mùa hạ, hoa không có cuống, hoa mào gà dại mập dài 3-10 cm, mọc ở đầu cành, bông có màu hồng ở phần trên, màu trắng ở phần dưới. Lá bắc khô xác, chẻ đôi ở đầu, lá đài 5, đầu nhọn, khô xác, nhị 5, dính nhau ở gốc thành một vòng bao quanh bầu hình trứng.
Quả nang mở theo hình hộp, có nhiều hạt dẹt màu đen nhỏ hay nâu đỏ, mặt bóng, đường kính 1 mm. Khi nhìn qua kính lúp thấy mặt hạt có những vân và một điểm hõm là tễ. Vỏ hạt dễ vỡ, giòn, không mùi, vị nhạt.
Mùa hoa quả hàng năm vào tháng 5 đến tháng 10
3 Phân bố, thu hái và chế biến
3.1 Phân bố
Cây được du nhập sang nước ta từ khá lâu, có nguồn gốc ở đông Ấn Độ. Vùng phân bố tự nhiên của cây bao gồm toàn bộ các nước vùng Nam Á, Đông Nam Madagasca và Nam Trung Quốc.
Tại nước ta, cây được trồng làm cảnh và thuốc. Cây mào gà trắng phân bố rộng rãi khắp nơi. Cây thường mọc thành đám nhỏ ở bãi sông, trong các ruộng ngô ở đồng bằng và trung du. Ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang…, dòi khi cây mọc thành những quần thể lớn trên các nương rẫy mới bỏ hoang, hoặc dọc theo các đường đi.
Trồng cây bằng hạt vào mùa xuân. Biên độ sinh thái của cây rộng, ưa ẩm, ưa sáng
3.2 Thu hái, chế biến
Vào tháng 9-10, khi hạt chín, hái hoa về phơi khô, đập lấy hạt sẩy loại hết tạp chất, phơi lần nữa cho thật khô.
Ngoài hạt, còn dùng cả lá và hoa nhưng ít hơn.
4 Thành phần hóa học
Trong hạt mào gà trắng có chứa chất béo và một polysaccharid acid là celosian chất này có tác dụng bảo vệ gan.
Phần trên mặt đất của mào gà trắng chứa 21, 41% protein, nhiều K, isoflavon (5-methoxy- 6,7 – methylendioxy-2-hydroxyisoflavon).
Hơn 79 hợp chất từ cây này đã được phân lập và xác định, chủ yếu bao gồm saponin, peptide, phenol, axit béo và axit amin, trong đó Saponin được coi là thành phần đặc trưng và hoạt động của Celosia argentea.
5 Tác dụng dược lý
Toàn cây mào gà trắng dưới dạng cao cồn 50 độ có các dụng ức chế amip lỵ Entamoeba histolytica in vitro và in vivo, ức chế co bóp hồi tràng cô lập chuột lang, và hạ nhiệt.
Bằng chứng thực nghiệm cho thấy Celosia argentea sở hữu các hoạt tính sinh học có tác dụng bảo vệ gan, điều trị khối u, chống tiêu chảy, chống tiểu đường, chống oxy hóa, chống cao huyết áp và điều trị một số bệnh về mắt.
Celosian trong hạt có tác dụng bảo vệ chống độc hại cho gan và điều hoà miền dịch.
6 Công dụng và liều dùng
6.1 Tính vị, công năng
Theo tài liệu cổ: Thanh tương tử (hạt của cây mào gà trắng) vị đắng, hơi hàn, quy vào can kinh. Có tác dụng khử phong nhiệt, thanh can hỏa, làm sáng mắt, chữa đau mắt
6.2 Công dụng
Mào gà trắng là thuốc thu liễm, cầm máu, chữa xích bạch đới, chảy máu ruột, thổ huyết, chảy máu cam, chảy máu tử cung, rong kinh, lòi dom, ỉa lỏng bệnh về gan, mắt sưng đỏ, nhiều tia máu, rắn cắn.
Ngày dùng 6 – 12g, hoa hoặc hạt dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc viên.
Dùng ngoài chữa lở ngứa.
Ở Ấn Độ, hạt màn gà trắng được dùng để chữa lỵ, bệnh về máu, loét miệng, bệnh về mắt.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người đồng tử mở rộng
7 Bài thuốc có mào gà trắng
7.1 Chữa trĩ ra máu
Dùng thanh tương tử và hoa mào gà trắng 8 – 15g, sắc uống trong ngày
Cách khác đen thanh tương tử và hoa mào gà trắng sấy khô, tán nhỏ, chế thành viên hoàn, chia nhiều lần uống trong ngày
7.2 Chữa máu hôi không thông sinh đau bụng sau khi đẻ
Sắc uống 30g hoa mào gà trắng
7.3 Chữa đau mắt sưng đỏ, sợ sáng, chảy nước mắt và đau đầu
Dùng 12g mỗi vị hạt mào gà trắng, lá dâu, hoa cúc vàng, cỏ tháp bút, 4g cỏ thanh ngâm đem sắc uống và xông
7.4 Chữa hen phế quản
Cách 1: Sắc uống 30g lá cây mào gà trắng phơi khô
Cách 2: Lá cây mào gà trắng, Là bồng bồng, lá xương sông (để tươi), dây tơ hồng (sao), mỗi vị 20g, sắc uống
8 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Mào gà trắng trang 234 – 235, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 03 tháng 07 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Cây mào gà trắng trang 291 – 292, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 03 tháng 07 năm 2023.
- Tác giả: Ying Tang và cộng sự (Ngày đăng: năm 2016). Review on research of the phytochemistry and pharmacological activities of Celosia argentea, sciencedirect. Truy cập ngày 03 tháng 07 năm 2023.