Cây Bông (Gossypium barbadense L.)

Cây Bông (Gossypium barbadense L.)

Cây Bông là loại cây quan trọng trong ngành công nghiệp dệt may, không chỉ có vậy, các bộ phận khác như hạt bông, vỏ rễ cây còn có rất nhiều công dụng trị bệnh. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Cây Bông.

1 Cây Bông là cây gì?

Cây Bông còn được gọi là Cây Bông Vải, Bông Hải Đảo, tên tiếng Anh là cotton Plant, Silk Cotton Tree.

Danh pháp khoa học của Cây Bông là Gossypium barbadense L., thuộc họ Hồng – Malvaceae. 

Một số cây có ứng dụng tương tự Cây Bông Vải là:

  • Bông Cỏ gồm Gossypium herbaceum L. và Gossypium arboreum L.
  • Hay Bông Luồi: Gossypium hirsutum L.
Cây bông vải
Cây Bông Vải

2 Mô tả thực vật

Cây nhỡ có thể cao đến 2-3m. Thân cành có lông, màu tím, điểm chấm đen

Lá có cuống dài, mọc so le, hình tim rộng, phiến lá non có lông về sau khi già lông không còn, lá có 5 thuỳ sâu đến một nửa hình trứng hoặc bầu dục, thùy giữa dài, thùy bên to

Hoa to khoảng 5-8cm, màu vàng nhạt, tâm đỏ bầm, cuống hoa có tuyến màu đen; lá đài phụ rời nhau hay dính nhau ít, có khía rất sâu; đài hình chén; ống nhị dài 1,5cm.

Hoa Bông Vải
Hoa Bông Vải

Quả nang xoan hay hình bầu dục, 3-4 mảnh; hạt nhiều, hình trứng nhọn, màu vàng nhạt, có lông trắng dễ tróc. 

3 Phân bố, sinh thái

3.1 Phân bố

Cây có nguồn gốc ở Trung Mỹ (vùng Ăngti) được trồng tại nhiều nơi ở Việt Nam. Còn có ở nhiều nước nhiệt đới khác. 

3.2 Sinh thái

Cây Bông được trồng từ lâu ở nước ta, có thời gian sinh trưởng dài, phẩm chất xơ tốt nhất (dài 36-38mm, đến 70mm, độ mịn cao), chịu sâu bệnh tốt do lá thưa, nhưng năng suất thấp hơn bông luồi. 

Cây Bông là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Cây thích nghi với điều kiện khí hậu hơi khô hạn của vùng nhiệt đới và á nhiệt đới ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam, bóng được trồng nhiều nhất ở vùng Bình Thuận, Ninh Thuận và Đồng Nai. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 đến 24 độ C. Lượng mưa thấp, khoảng 1500mm/năm. Ở Sơn La, Lai Châu và Ở Hòa Bình, đồng bào Thái vẫn còn trống những giống bông địa phương. So với các giống bông trồng ở miền Nam, giống bông ở Tây Bắc tỏ ra thích nghi tốt hơn trong điều kiện khí hậu ẩm ướt hơn. 

Mùa hoa quả: tháng 6 – 10. 

4 Bộ phận dùng

Sợi bông dùng để dệt vải, có tầm quan trọng đặc biệt trong ngành công nghiệp may mặc.

Ngoài ra, trong y học người ta còn sử dụng hạt và dầu hạt – Semen et Oleum Gossypii. 

Hay dùng rễ Cây Bông, được thu hoạch vào mùa thu, đào rễ về bóc vỏ phơi khô.

Nhiều bộ phận của Cây Bông được sử dụng
Nhiều bộ phận của Cây Bông được sử dụng

5 Thành phần hóa học

Các bộ phận của cây, nhất là hạt, chứa nhiều Gossypol. Dầu hạt bông có các Acid béo: Acid Linoleic (41,7%), Acid Oleic (35,2%), Acid Palmitic (20,2%) và Acid Stearic (2,0%). Dầu bông ép nguội có màu vàng nhạt, không mùi vị, có chứa Vitamin E.

Hạt bông có chứa hai chất độc: Gossypola vàng và Gossypola đỏ. Cả hai chất này đều có chứa trong lá mầm. Gossypola là một chất có chứa Phenol và Aldehyde. Gossypola uống ít độc, tiêm mạch máu độc hơn, tiêm 0,50g vào phúc mạc con thỏ sẽ chết sau 4 ngày. Gossypola bị phá bởi nhiệt để cho một chất ít độc hơn, cho nên khô dầu bông ép nóng ít độc hơn khô dầu ép nguội. Muốn tìm Gossypola thêm H2SO4, vào dầu sẽ thấy màu đỏ, hoặc nếu thêm FeCI3 sẽ có màu xanh lục. 

Dầu ép từ hạt bông với tỷ lệ 15% sau khi loại bỏ gossypol được dùng làm dầu ăn, công nghiệp đồ hộp, xà phòng. Trong khô dầu hạt bông có các Flavonoid là các Glucosid của Quercetol và Kaempferol. 

Vỏ rễ bông chứa Gossypol (1 – 2%). Cây càng lâu năm có hàm lượng Gossypol càng nhiều. Ngoài ra, còn có Vitamin E, Catechin và một chất gây co mạch, thúc đẻ.

Hoa chứa nhiều Flavonoid, sơi bông gồm 90% cellulose. 

6 Công dụng

6.1 Theo y học cổ truyền

Một số công dụng theo y học cổ truyền
Một số công dụng theo y học cổ truyền

Tinh vị, tác dụng: Hạt làm dịu. 

Hạt bông có vị cay, nóng, có tác dụng ôn thận, bổ hư nhược, chỉ huyết (cầm máu), có độc khi dùng phải cẩn thận. 

Rẻ và vỏ rễ có tác dụng bổ hư nhược, bình suyễn, điều kinh 

Công dụng:

  • Hạt bông sau khi đã lấy sợi đi rồi, ép lấy dầu để thắp và nấu xà phòng hoặc để ăn sau khi đã loại chất Gossypola gây độc. 
  • Theo y văn cổ, hạt bông chữa lòi dom, bạch đới, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều, ít sữa sau khi đẻ.
  • Vỏ rễ và rễ bông chữa ho, hen suyễn, rối loạn kinh nguyệt, khí hư, sa tử cung. 
  • Lá bông chữa lỵ dưới dạng nước ép. Và quả bông chữa nấc, sắc nước uống như chè. 
  • Ở Ấn Độ, người ta dùng hạt để trị lỵ và có thể làm thuốc bổ phổi. Dầu hạt dùng làm tan các vết chàm và vết tàn nhang ở da. 
  • Ở Vân Nam (Trung Quốc), nhiều bộ phận khác nhau của cây (hạt, lông của hạt, dầu hạt, vỏ quả ngoài, rễ) cũng được sử dụng.

Liều dùng: hạt bông: 3 – 5g/ngày; rễ bông: 5 -10g/ngày. 

6.2 Tác dụng dược lý 

6.2.1 Hạt bông

  • Người ta thấy hạt bông sau khi đã loại chất Gossypola có tác dụng lợi sữa, trong sữa tỷ lệ bơ và cadein tăng lên. Làm thuốc lợi sữa dùng với liều 5g, dưới dạng thuốc sắc. 
  • Tác dụng cai đẻ: Hạt bông và chất gossypol chiết tách từ hạt bông có tác dụng cai đẻ trên động vật giống đực và nam giới. Trên chuột cống đực, bột hạt bông trộn vào thức ăn dùng hàng ngày, dầu thô hạt bông cho uống qua dạ dày với liều 0,5ml/mỗi chuột, gossypol dùng với liều 25mg/mỗi chuột, liên tục trong 30 – 60 ngày có tác dụng chống sinh đẻ rõ rệt. Gossypol là thành phần có tác dụng. Sau khi dùng thuốc, tinh trùng hoàn toàn không hoạt động và có biến dạng, tác dụng diệt tinh trùng xuất hiện từ từ, phải dùng thuốc ít nhất là 3 tuần lễ mới xuất hiện tác dụng và sau khi ngừng thuốc, khả năng sinh đẻ lại hồi phục.
    Đối với nam giới đã trưởng thành, mỗi ngày uống 15mg Gossypol; liên tục trong vòng 15 – 90 ngày, các tế bào sinh tinh đều bị ảnh hưởng, tinh trùng không hoạt động, giảm dần về số lượng và dần dần biến mất trong tinh dịch. Do thuốc có độ độc cao, nên Gossypol chưa thể sử dụng làm thuốc cai đẻ trên làm sàng. 
  • Tác dụng chống ung thư: Thí nghiệmcho thấy Gossypol có tác dụng ức chế sự phát triển một số tế bào ung thư người như ung thư tuyến tuỵ, ung thư tuyến vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt…
  • Tác dụng đối với tử cung: Dạng chiết nước từ hạt bbông có tác dụng kích thích tử cung cô lập chuột lang, cho sản phụ uống có tác dụng tăng cường co bóp tử cung.
  • Độc tính: Gossypol có độ độc tương đối cao.

6.2.2 Rễ và vỏ rễ

  • Vỏ rễ cây bông có tác dụng tăng cường co bóp tử cung. Ở Liên Xô trước đây, vỏ rễ cây bông được dùng làm thuốc cầm máu tử cung. 
  • Trên chuột nhắt trắng với mô hình gây ho bằng phun xông amoniac, nước sắc vỏ rễ cây bông có tác dụng giảm ho rõ rệt. Phần Nhựa chiết tách từ vỏ rễ thí nghiệm trên chuột nhắt trắng có tác dụng long đờm. 
  • Nước sắc và các dạng chiết từ vỏ rễ bông đều có tác dụng ức chế phế cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Rễ cây bông được chứng minh có tác dụng lợi tiểu. 

7 Đơn thuốc có Cây Bông

7.1 Lợi sữa

Hạt bông sao vàng 5g, Cam Thảo 2g, nước 60ml, đem sắc còn 200ml. Chia ba lần uống trong ngày. Xưa kia Nhật Bản có một số biệt dược lợi sữa chế từ hạt bông với tên Lactaogon, Mamain, lactomin… 

7.2 Chữa khí hư bạch đới

Hạt Bông, Phúc Bồn Tử, Hương Phụ sao giấm, Gương Sen đốt thành than (mỗi thứ 30g), nghiền thành bột mịn, mỗi lần uống 6 – 9g với rượu. 

7.3 Chữa rối loạn kinh nguyệt

Vỏ rễ Cây Bông (5g), nước 300ml sắc còn 100ml, uống trong ngày.

7.4 Chữa sa tử cung 

Rễ Cây Bông (10g), Chỉ Xác tươi (12g), sắc nước uống, chia làm 2 lần trong ngày. 

8 Tài liệu tham khảo

  1. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bông vải trang 240 -241, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 28 tháng 07 năm 2023.
  2. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Bông trang 254 – 257, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 28 tháng 07 năm 2023.
  3. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Hạt Bông trang 48,Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 07 năm 2023.

Để lại một bình luận