Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Myrtales (Sim) |
Họ(familia) |
Sonneratiaceae (Bần) |
Chi(genus) |
Sonneratia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Sonneratia caseolaris (L.) Engl. |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Sonneratia acida L. |
Bần thuộc dạng cây gỗ, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 4 đến 5 mét, có khi có cây cao hơn. Rễ thở, mọc tập trung thành từng khóm ở xung quanh gốc thân, rễ cây mọc ngập sâu trong bùn. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Bần là cây gì?
Tên khoa học: Sonneratia caseolaris (L.) Engl.
Tên đồng nghĩa: Sonneratia acida L.
Tên gọi khác: Hải đồng.
Họ thực vật: Sonneratiaceae (Bần).
1.1 Đặc điểm thực vật
Bần thuộc dạng cây gỗ, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 4 đến 5 mét, có khi có cây cao hơn.
Rễ thở, mọc tập trung thành từng khóm ở xung quanh gốc thân, rễ cây mọc ngập sâu trong bùn.
Cành non có 4 cạnh, bề mặt nhẵn. Lá cây mọc đối, những lá còn non có hình mũi mác dài, những lá khi già có hình trái Xoan, phiến lá có chiều dài khoảng từ 5 đến 10cm, chiều rộng khoảng 3,5 đến 4,5m, gốc lá thuôn, đầu tù, phiến lá dày và dai, hơi mọng nước, lá giòn, gân nổi rõ, mùa đông thường rụng lá. Phần cuống lá và phần gân chính ở gốc có màu đỏ.
Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc ngọn thân, cuống hoa ngắn, mập, đài 6 răng, hàn liền, mặt ngoài có màu lục, mặt trong có màu tím hồng, tràng 6 cánh, nhị nhiều, bầu hình cầu dẹt.
Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 5, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả, vỏ, thân và cành.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Sonneratia L.f. gồm một số loài là cây gỗ, cây bụi mọc ở những vùng đất ngập mặn ven biển ở các đảo Thái Bình Dương, Đông Phi, Bắc Australia, khu vực nhiệt đới của châu Á. Tại nước ta, chi này có khoảng 4 đến 5 loài trong đó Bần là loài cây phổ biến, thường gặp ở các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Rạch Giá. Bần cũng được tìm thấy ở một số khu vực khác như Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippin.
Bần là cây gỗ phân cành nhiều, ưa sáng, có khả năng chịu mặn tốt do đó nên thường mọc ở những vùng đất nhão ở cửa sông. Cây thường mọc lẫn với những loài khác tạo nên quần thể rừng ngập mặn đặc trưng. Để thích nghi được với vùng đất bùn nhão có độ mặn cao thì Bần đã phát triển hệ thống rễ thở, mọc trồi lên khỏi mặt đất.
Cây ra hoa hàng năm, thụ phấn nhờ gió và các loài côn trùng. Hoa của cây Bần là thức ăn quan trọng của ong mật, cây còn được nhân dân trồng nhằm mục đích chắn sóng và bảo vệ vùng đất ngập mặn ven biển.
2 Thành phần hóa học
Quả Bần chứa 11% pectin (tính theo hàm lượng dược liệu khô).
Vỏ thân và vỏ cành chứa tanin thuộc nhóm tanin pyrogallic với hàm lượng lần lượt là 9-17% và 11,0 đến 11,9%.
Gỗ chứa chất màu và archin và archinin. Ngoài ra, còn có một hợp chất phenol là archinin.
3 Cây Bần trị bệnh gì?
Bần hiện nay mới được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian.
Rễ cây bần trị bệnh gì? Hiện nay, các tài liệu ghi chép về việc sử dụng rễ cây Bần trong điều trị bệnh còn rất hạn chế. Dưới đây là một số tác dụng của các bộ phận khác của cây Bần:
Lá bần ở các nước Đông Dương cũ dùng trong trường hợp vết thương bầm tím, bằng cách dùng lá giã với muối sau đó đắp tại vùng tổn thương.
Quả Bần được nhân dân Ấn Độ dùng làm thuốc đắp ngoài trong trường hợp bong gân sưng tấy. Dịch ép lên men từ quả cho thấy tác dụng cầm máu. Nhân dân Malaysia còn sử dụng quả già của cây để làm thuốc diệt giun, nước ép từ quả xanh của cây dùng làm thuốc giảm ho. Quả khi còn xanh có vị chua, dùng để tăng mùi vị cho món Cà Ri, quả khi chín có mùi giống quả bơ do đó có thể dùng để ăn trực tiếp hoặc nấu thành các món ăn khác nhau.
Hoa Bần ở Ấn Độ được ép để lấy nước, đây là một thành phần trong bài thuốc chữa đái ra máu.
4 Tác dụng của cây bần
Hiệu quả kháng khuẩn của nhiều chiết xuất khác nhau của S. caseolaris đã được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán đĩa đối với hai vi khuẩn Gram dương (Bacillus subtilis và Bacillus coagulans), hai vi khuẩn Gram âm (Escherichia coli và Proteus vulgaris) và một loại nấm (Saccharomyces cerevisiae). Nghiên cứu cho thấy vỏ cây Sonneratia caseolaris là một nguồn tiềm năng của các hợp chất hoạt tính sinh học có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa ổn định và có thể được sử dụng làm tác nhân kháng khuẩn/chống oxy hóa tự nhiên trong các ngành công nghiệp lâm sàng, dược phẩm và chế biến thực phẩm.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Bần, trang 138. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1, trang 187-188. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Aritra Simlai và cộng sự (Ngày đăng 29 tháng 8 năm 2014). Antimicrobial and antioxidative activities in the bark extracts of Sonneratia caseolaris, a mangrove plant, NCBI. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2024.