Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Fabales (Đậu) |
Họ(familia) |
Fabaceae (Đậu) |
Phân họ(subfamilia) |
Faboideae (Đậu) |
Chi(genus) |
Pueraria (Sắn dây) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Pueraria thomsonii B. |
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cảm sốt, giải nhiệt, Cát căn được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Cát căn.
1 Giới thiệu về cây Cát căn
Cát Căn còn có tên gọi khác là Sắn dây, mọc hoang ở trong rừng và được trồng nhiều để lấy củ ăn, làm bột và làm thuốc.
Tên khoa học của Cát căn là Pueraria thomsonii B., thuộc họ Đậu (Fabaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Sắn dây là loài thân thảo, dây leo mọc bò lan trên mặt đất hoặc trên thân cây khác hay các giàn được làm sẵn. Cây có rễ to khỏe, phát triển thành củ có nhiều tinh bột. Một số rễ có thể phát triển đến độ sâu 3,5m và nặng từ 90-130kg. Dây leo có thể mọc 30cm mỗi ngày và dài tới 18m vào mùa hè. Thân cây có thể đạt đường kính từ 1,2-10cm. Lá kép gồm 3 lá chét to, có phiến nguyên hoặc chia 2-3 thùy trên mỗi lá.
Những bông hoa là những cụm nhỏ có mùi thơm, mọc thành chùm ở nách lá, nở từ tháng 7 đến tháng 9. Quả hình đậu dài, màu vàng nhạt, có lông phẳng.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ – gọi là Cát căn.
Rễ củ đào về, rửa sạch đất cát, làm sạch vỏ bẩn bên ngoài, cắt khúc dài 10-15cm, nhỏ thì để nguyên, to thì chẻ nhỏ, hoặc cắt lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô.
Mô tả dược liệu: Cát căn có mặt cắt màu trắng hoặc hơi ngà ngà, mặt ngoài đôi khi sót lại vỏ màu nâu hoặc nâu vàng. Mặt cắt ngang thấy rõ các vòng libe gỗ, mặt cắt dọc thấy các vân vạch dọc vàng nhạt xen giữa lớp thịt tinh bột trắng. Vị ngọt nhẹ, mát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Sắn dây có ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở khắp mọi nơi, được trồng nhiều tại các vùng đồng bằng và trung du.
2 Thành phần hóa học
Hơn 70 thành phần hóa học của Radix Puerariae (Cát căn – rễ Sắn dây) đã được xác định từ những năm 1950 bao gồm isoflavon, isoflavon glycoside và, với hàm lượng thấp hơn, coumarin, puerarol, but-2-enolide và các dẫn xuất của chúng. Ngoài ra, triterpen và triterpenoid glycoside đã được xác định.
Các hợp chất polyphenolic, đặc biệt là isoflavon và isoflavon glycoside, được coi là phong phú nhất và chịu trách nhiệm cho các hoạt động điều trị của Radix Puerariae. Hơn 20 isoflavon và glycoside của chúng đã được phân lập từ các loại thực vật thuộc chi Pueraria, bao gồm Yege, Fenge và các loài khác, trong đó puerarin, daidzin và daidzeina là ba thành phần phong phú nhất. Trong số các thành phần isoflavon được phân lập từ Radix Puerariae, puerarin là thành phần phong phú nhất và lần đầu tiên được phân lập từ rễ Puerariae lobata. Daidzein, cùng với daidzin, là 7-O-glycoside của daidzein, ban đầu được phân lập từ đậu nành. Trong khi genistin, genistein và formononetin, ba hợp chất isoflavon khác từ Radix Puerariae, thường được phát hiện từ cây họ đậu. Ngoài ra, với một lượng ít hơn nhiều, triterpen loại oleanen và triterpenoid glycoside cũng đã được phân lập và xác định từ Radix Puerariae, đặc biệt là Yege hoặc Gegen
3 Tác dụng – Công dụng của Cát căn
3.1 Tác dụng dược lý
Nhiều thí nghiệm in vitro và in vivo và điều tra lâm sàng cho thấy chiết xuất thảo dược hoặc tổng số flavon của Radix Puerariae và các sản phẩm của nó có thể cải thiện vi tuần hoàn, tăng lưu lượng máu, ngăn ngừa bệnh động mạch vành và hạ huyết áp. Gần đây hơn, các nghiên cứu dược lý về Radix Puerariae tập trung vào các thành phần tinh khiết chính đơn lẻ của nó, chẳng hạn như puerarin, daidzin, daidzein, genistin và genistein. Trong số các thành phần tích cực này từ Radix Puerariae, puerarin được coi là chịu trách nhiệm về tác dụng bảo vệ tim mạch và chống tăng huyết áp.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cát căn có tính mát, vị ngọt, quy vào kinh tỳ, vị, có tác dụng giải hỏa nhiệt, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả.
Trong đông y, Cát căn được dùng trong chữa sốt, cảm nóng, khát nước, ban sởi mới phát, giải nhiệt, cầm tiêu chảy.
4 Các bài thuốc từ Cát căn
4.1 Trị cứng cổ, sợ gió, không ra mồ hôi, khát nhiều
Nguyên liệu: Cát căn 12g, ma hoàng, sinh khương mỗi vị 9g, thược dược, Quế chi, Cam Thảo mỗi vị 6g và đại táo 12 quả.
Cách làm: Sắc với 1L nước tới khi còn khoảng ⅓, chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.2 Trị viêm dạ dày ruột, lỵ kèm sốt
Nguyên liệu: Hoàng Cầm, cam thảo, cát căn và Hoàng Liên đồng lượng.
Cách làm: Sắc đặc thành cao, nặn viên hoàn 0.623g/viên. Uống 3-4 viên/lần x 3 lần/ngày.
4.3 Trị sởi ở trẻ nhỏ
Nguyên liệu: Ngưu bàng tử, cam thảo, Thăng Ma mỗi vị 10g, cát căn 5 – 10g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày.
4.4 Trị sốt, giảm đau
Nguyên liệu: Bạch Chỉ 10g, Địa Liền 3g, cát căn 12g.
Cách làm: Sắc đặc thành cao, nặn thành 100 viên hoàn, mỗi viên 0,25g. Uống 2-3 viên/lần x 2-3 lần/ngày.
4.5 Trị say rượu bất tỉnh
Nguyên liệu: Cát căn sống.
Cách làm: Sắc lấy nước uống liên tục, khi nào tiểu được là hết
4.6 Trị ngộ độc thuốc, nôn mửa, bứt rứt hoặc nhiệt khát lâu ngày ở trẻ
Nguyên liệu: Cát căn khô.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.7 Trị đau thắt lưng, chảy máu cam
Nguyên liệu: Cát căn sống.
Cách làm: Nhai lấy nước mỗi ngày.
4.8 Thăng ma cát căn thang
Nguyên liệu: Thăng ma 6 – 10g, Thược dược 8 -12g, Cát căn 8 – 16g, Chích thảo 2 – 4g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang, trị sởi khó mọc ở trẻ, sốt, sợ gió, mắt đỏ…
4.9 Dự phòng nhiệt bệnh do gió độc
Nguyên liệu: Sinh Địa 1 thăng, hương kỷ ½ thăng và cát căn 2 thăng.
Cách làm: Tán thành bột, chia ra uống với nước cơm 3-5 lần mỗi ngày.
4.10 Trị viêm ruột cấp, lỵ
Nguyên liệu: Hoàng liên 4g, hoàng cầm, cát căn mỗi thứ 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.11 Trị sốt mới phát, nóng nảy, khát nước
Nguyên liệu: Cam thảo, tri mẫu mỗi vị 8g, sinh thạch cao 20g, cát căn 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.12 Trị gáy lưng co quắp, viêm tủy xám ở trẻ
Nguyên liệu: Thạch cao, cát căn mỗi vị 8g, hoàng cầm, Kim Ngân Hoa, Bạch Thược mỗi vị 4g, toàn yết 2 con, hoàng liên 2.8g, ngô công 2 con, cam thảo 2g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.13 Trị cảm mạo đau đầu, khó ngủ, nóng nhiều, tứ chi yếu ớt
Nguyên liệu: Khương hoạt, hoàng liên, thược dược, Sài Hồ, bạch chỉ mỗi thứ 4g, cát căn, thạch cao mỗi thứ 8g, sinh khương 3 lát, đại táo 2 quả.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.14 Trị sởi giai đoạn đầu chưa mọc hết
Nguyên liệu: Ngưu bàng tử, cát căn, Kinh Giới mỗi thứ 12g, Cát Cánh, uất kim mỗi thứ 8g, cam thảo, thuyền thoái mỗi thứ 4g, liên kiều 16g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.15 Trị tiểu đường
Nguyên liệu: Mạch Môn 12 – 16g, Ngũ Vị Tử 6 – 8g, cát căn 16 – 20g, sa sâm, Khổ Qua, đơn bì, Thạch Hộc, Thỏ Ty Tử mỗi vị 12g, cam thảo 3g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.16 Trị ngộ độc rượu
Nguyên liệu: Hoàng liên 4g, cam thảo 15g, hoa sắn dây, hoạt thạch mỗi vị 30g.
Cách làm: Tán nhỏ thành bột, chế thành viên, uống 3g mỗi lần với nước mát.
4.17 Trị huyết áp cao
Nguyên liệu: Câu Đằng, Cát căn đồng lượng.
Cách làm: Thái phiến, sấy khô, mỗi lần sắc 30g với nước rồi uống.
4.18 Trị khát nhiều ở người mắc bệnh tim mạch
Nguyên liệu: Đan sâm 180g, cam thảo 60g, Bạch Linh 90g và cát căn 200g.
Cách làm: Sấy khô, tán nhỏ, uống 40g mỗi ngày, sắc với nước trong 20 phút.
5 Phân biệt sắn dây và khoai mì (sắn củ)
Sắn dây và khoai mì đều chứa tinh bột, nhưng giữa 2 loại này có những điểm khác nhau mà bạn đọc cần lưu ý:
- Củ sắn là cách gọi của người miền Bắc, miền Nam gọi là khoai mì, thường được sử dụng để làm thức ăn hoặc bột năng.
- Sắn dây là thực vật có rễ phình to tạo thành củ, được sử dụng để làm thức ăn, làm bột và làm thuốc.
- Trong thành phần của sắn củ có chứa xyanua, nếu ăn một lượng lớn có thể gây say sắn.
- Lá của sắn củ thường chia thành nhiều thùy, cây cao 2-3 mét trong khi đó, lá của sắn dây thường có phiến nguyên, cây bò trên mặt đất hoặc trên thân của cây khác.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Zhen Zhang, Tai-Ning Lam, Zhong Zuo (Ngày đăng 16 tháng 5 năm 2013). Radix Puerariae: An overview of Its Chemistry, Pharmacology, Pharmacokinetics, and Clinical Use, ACCP. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Sắn dây trang 265-266, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2023.