Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) |
Commelinales (Thài lài) |
Họ(familia) |
Haemodoraceae (Mạch môn) |
Chi(genus) |
Ophiopogon |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ophiopogon reptans Hook. f. |
Cao cẳng thuộc dạng cây thảo, sống lâu năm. Thân cây dài, mọc bò, rễ cây bén ở các mấu. Nhân dân thường sử dụng cây Cao cẳng trong các trường hợp sưng đau, tê nhức chân tay. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Ophiopogon reptans Hook. f.
Tên gọi khác: Cao cẳng lá nhỏ, Cỏ lưỡi gà.
Họ thực vật: Mạch Môn Haemodoraceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cao cẳng thuộc dạng cây thảo, sống lâu năm.
Thân cây dài, mọc bò, rễ cây bén ở các mấu.
Nhiều lá, phiến lá có dạng hình dải, đôi khi bắt gặp những lá có phiến hình liềm, chiều dài mỗi phiến lá khoảng 12-15cm, chiều rộng chỉ từ 3-4mm. Gốc lá thuôn tạo thành cuống và bẹ ôm lấy thân, đầu lá nhọn. Mặt trên và mặt dưới của lá cây Cao cẳng nhẵn, các gân chạy song song.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá trên một cán ngắn, mảnh. Hoa mọc riêng lẻ hoặc mọc 2 cái một, hoa mọc ở kẽ lá bắc, bao hoa gồm 6 phiến, các phiến xếp thành 2 vòng, 6 nhị, bầu không cuống, có 3 ô.
Quả mọng, có 1 hạt, hạt có dạng hình cầu.
Mùa hoa quả là từ tháng 7 đến tháng 10.
Dưới đây là hình ảnh cây cao cẳng rừng:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Ophiopogon Ker-Gawl trên thế giới có khoảng 30 loài, được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Tại nước ta, theo Nguyễn Tiến Bân có khoảng 13-15 loài (năm 1997), chủ yếu là các cây mọc tự nhiên ở rừng ẩm, trong đó có loài Cao cẳng.
Trên thế giới, Cao cẳng là loài phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Á đến Lào, Campuchia, Việt Nam, Nam Trung Quốc. Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình,… đặc biệt là các tỉnh giáp khu vực biên giới phía Bắc.
Cao cẳng có bản chất là loài ưa ẩm, ưa bóng, thường được tìm thấy dưới các tán rừng kín thường xanh với độ cao phân bố lên đến 1300 mét.
Cây mọc riêng lẻ hoặc mọc thành từng khóm trên đất ẩm, có nhiều mùn. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, mọc chủ yếu từ hạt, hạt của cây phát tán nhờ nước chảy do mưa tạo thành. Cây rất dễ trồng.
2 Cây cao cẳng có tác dụng gì?
Cao cẳng chủ yếu được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian, thường phối hợp thêm với các vị thuốc khác trong các trường hợp giảm đau, tiêu sưng, tê thấp, chân tay tê nhức, vết thương bầm tím.
Cây cao cẳng ngâm rượu:
- 30g rễ Cao cẳng, sao vàng.
- 20g rễ Thiên niên kiện, thái nhỏ, phơi khô.
- 20g rễ Gừng gió, thái nhỏ, phơi khô.
- 20g vỏ thân Ngũ gia bì, sao vàng.
- Các vị đem tán thành bột, ngâm với cồn 70 độ trong vòng từ 7-10 ngày. Trong quá trình ngâm thỉnh thoảng lắc đều.
- Gạn lấy phần rượu trong để uống, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ. Ngoài ra, có thể dùng bông tẩm thuốc đã hâm nóng để xoa bóp lên chỗ đau.
- Thân rễ của cây Cao cẳng còn được dùng để thay mạch môn trong các trường hợp bị ho, tê thấp.
3 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cao cẳng, trang 344-345. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024.