Cam Thảo (Glycyrrhiza spp. Fabaceae)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Fabales (Đậu)

Họ(familia)

Fabaceae (Đậu)

Phân họ(subfamilia)

Faboideae (Đậu)

Tông(tribus)

Glycyrrhizeae

Chi(genus)

Glycyrrhiza

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Glycyrrhiza uralensis

Danh pháp đồng nghĩa

Glycyrrhiza eglandulosa X.Y.Li, 1993

Glycyrrhiza gobica Grankina, 2001

Glycyrrhiza grandiflora Tausch, 1831

Glycyrrhiza korshinskyi Grig., 1930

Glycyrrhiza krasnoborovii Grankina, 2011

Glycyrrhiza orientalis Grankina & Letjaeva, 2011

Glycyrrhiza sergievskiana Grankina & Aralbaev, 2006

Glycyrrhiza shiheziensis X.Y.Li, 1989

Glycyrrhiza soongorica Grankina, 2001

Glycyrrhiza uralensis f. elongata Malzeva, 1977

Glycyrrhiza uralensis f. intermedia Malzeva, 1977

Glycyrrhiza uralensis f. rariflora Malzeva, 1977

Glycyrrhiza viscida Grankina, 2007

Cam Thảo (Glycyrrhiza spp. Fabaceae)

Cam thảo được biết đến khá phổ biến với công dụng trị cảm, ho mất tiếng, viêm họng, sâu răng, đau dạ dày và ngộ độc. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cam thảo.

1 Giới thiệu về cây Cam thảo

Cam Thảo hay còn được gọi là Cam thảo bắc, Licorice (Anh), tên khoa học của Cam thảo bắcGlycyrrhiza spp. Fabaceae (họ Đậu).

Có 3 loài được Dược Điển Việt Nam quy định sử dụng làm thuốc là: Glycyrrhiza uralensis Fisch., Glycyrrhiza glabra L. và Glycyrrhiza inflata Bat. 

Ngoài ra còn có các loại Cam thảo khác được biến đến như:

  • Cam thảo Nam (tên gọi khác: Cam thảo đất, Dã cam thảo, Thổ cam thảo), tên khoa học là Scoparia dulcis L., Plantaginaceae (họ Mã Đề). 
  • Cam thảo dây (tên gọi khác: Cườm thảo, Dây chi chi, Dây cườm cườm, Tương tư đằng), tên khoa học là Abrus precatorius L., thuộc họ Đậu – Fabaceae.
  • Cam thảo Đá Bia, tên khoa học là Telosma procumbens (Blanco) Merr., thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae.
Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
Hình ảnh cây Cam thảo đất (Nam), dây và Đá Bia

1.1 Đặc điểm thực vật 

Glycyrrhiza uralensis Fisch là một loại cây thảo sống lâu năm, cao khoảng từ 0,30 đến 1 m. Thân cây có tính khí sinh, được phủ bởi lông mềm và thân ngầm phát triển mạnh. Rễ dài có màu vàng nhạt. Thân có lông mềm và ngắn. Lá cây có hình dạng lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9-17 lá chét, có hình dạng trứng và mép nguyên. Hoa màu tím nhạt mọc thành chùm bông ở kẽ lá; hoa tương đối nhỏ, tràng hoa hình cánh bướm. Quả của cây có hình dạng cong như lưỡi liềm, dài khoảng 3-4 cm, rộng 6-8 mm, có màu nâu đen, bên ngoài có lớp lông cứng, dày, bên trong chứa 2-8 hạt nhỏ, dẹt và có màu nâu bóng. Cây thường ra hoa vào tháng 6-7 và cho quả vào tháng 8-9.

Glycyrrhiza glabra L. là một loài thực vật rất giống với loài trên, nhưng khác biệt ở một số chi tiết. Lá cây thuôn dài hơn, có hình dạng trái Xoan tù; hoa có màu xanh lơ nhạt và họp lại thành chùm dài mọc đứng. Quả của loài này cũng rất dẹt, có hình dạng đậu thuôn, thẳng hoặc hơi cong, dài khoảng 2-3 cm, rộng 3-4 mm, có bề mặt nhẵn bóng hoặc có lớp lông ngắn, và ít hạt hơn so với loài trên (2-4 hạt). Loài này thường ra hoa vào khoảng từ tháng 6 đến 8 và cho quả vào khoảng từ tháng 7 đến 9.

Dưới đây là hình ảnh cây Cam thảo bắc:

Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
Hình ảnh cây Cam thảo loài Glycyrrhiza uralensis và Glycyrrhiza glabra

1.2 Bộ phận dùng Cam thảo bắc

Bộ phận dùng: Rễ và thân rễ.

Cam thảo được thu hoạch vào khoảng năm thứ năm, thường vào mùa đông khi cây tàn lụi. Vào thời điểm này, rễ của cây chắc, nặng, nhiều bột và có chất lượng tốt. Sau khi chải sạch đất bằng bàn chải, rễ được phân loại thành các phần to và nhỏ, sau đó phơi khô cho đến khi đạt đến 50%. Sau đó, các phần này được bó lại và chỉ phơi đầu cắt, không phơi cả rễ, để giữ cho vỏ rễ giữ được màu nâu đỏ đẹp.

Cam thảo có thể được sử dụng dưới dạng Sinh thảo, Chích thảo hoặc bột Cam thảo. 

  • Để làm Sinh thảo, rễ Cam thảo cần được rửa sạch và thái thành phiến mỏng 2mm khi còn nóng hoặc ngâm trong nước lã để ủ mềm trước khi thái. Sau đó, rễ được sấy hoặc phơi khô.
  • Để làm Chích thảo, rễ Cam thảo sau khi sấy khô được tẩm mật và sau đó sao vàng thơm. Nếu muốn dùng ít, rễ có thể được cắt khúc 5-10cm, cuộn vài lần giấy bản, nhúng qua nước cho đủ ướt, vùi vào tro nóng và thái thành lát mỏng khi giấy đã khô.
  • Để làm bột Cam thảo, vỏ ngoài của rễ được cạo sạch và sau đó thái thành miếng tròn trước khi sấy khô và tán thành bột mịn vừa. Bột được bảo quản trong thùng kín và nơi khô ráo.

Dược liệu Cam thảo là các đoạn thân rễ cứng chắc, khó bẻ gãy và có nhiều xơ dọc. Rễ chưa cạo bỏ lớp bần có màu nâu đỏ hay nâu xám với các vết nhăn dọc, lỗ vỏ và vết tích của rễ con; trong khi dược liệu đã được cạo vỏ thì có màu vàng nhạt và có mùi và vị ngọt đặc trưng.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Glycyrrhiza có phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm của châu Á, châu Âu và Bắc Phi, trong đó tập trung nhiều ở Liên Bang Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, Afghanistan và Iran. Cây này ưa sáng và chịu khô hạn, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất. Thu hoạch Cam thảo sau 5 năm trồng, có thể trồng bằng hạt hoặc thân rễ. Cây ưu thích đất cát vùng núi cao và giàu Canxi. Loài Cam thảo trồng trong 3 năm sẽ ra hoa, nhưng tỷ lệ kết quả thấp. Tuy nhiên, khi trồng trong 5 năm, cây sẽ ra hoa nhiều hơn và đạt kết quả tốt hơn.

Tại Việt Nam, Cam thảo thường được nhập từ Trung Quốc và trồng ở các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội và Hưng Yên.

Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
Phân bố cây Cam thảo

2 Cách trồng

Cam thảo bắc được nhập từ Trung Quốc, Liên Xô về trồng ở nước ta vào những năm 1958-1960, cây được trồng thử ở Viện Dược liệu. Dược liệu có khả năng sinh trưởng tốt vào màu xuân đến mùa thu, cây rụng lá vào mùa đông và sang mùa xuân năm sau thì bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới. Những cây được trồng từ hạt sau 3 năm vẫn chưa ra hoa, những cây trồng từ thân ngâm có ra hoa nhưng hầu như không kết hạt. Cho đến nay, việc trồng Cam thảo bắc ở nước ta vẫn chưa thực sự thành công. Kinh nghiệm trồng cây Cam thảo bắc ở nước ngoài như sau:

2.1 Nhân giống

Có thể nhân giống bằng hạt hoặc nhân giống vô tính.

Nếu nhân giống bằng hạt thì cần bảo quản hạt cẩn thận, nhiệt độ tối ưu để hạt nảy mầm là 15 độ C nhưng tỷ lệ nảy mầm thấp. Tiến hành xử lý hạt bằng tia X ở liều 100-150 rad cho thấy tỷ lệ nảy mầm tăng đến 60%, năng suất rễ và hàm lượng hoạt chất thu được cũng tăng theo. Nhân dân Trung Quốc thường gieo hạt vào tháng 4 hàng năm, các hạt được gieo cách nhau 17cm, mỗi hecta đất gieo từ 300 đến 600kg hạt, sau khi cây có 7 lá thật thì tỉa cây để khoảng cách duy trì là 13cm.

Nếu nhân giống vô tính thì sử dụng rễ, thân ngầm hoặc cành để giâm. Nếu dùng cành thì nên dùng những đoạn có đường kính từ 1 đến 1,5cm, chiều dài khoảng 10 đến 15cm, mỗi đoạn cành chứa ít nhất một đốt thân. Rế và thân ngầm chứa mắt ngủ nên có khả năng tái sinh mạnh hơn, phương pháp này có tỷ lệ thành công cao hơn.

2.2 Đất đai

Cam thảo bắc trong tự nhiên thường mọc ở những nơi khô cằn, đất là đất pha cát hoặc cát vàng, những cây trồng trên đất đen thường có sinh trưởng yếu, cho chất lượng kém. Nhân dân Trung Quốc thường đào hố trên nền đất cứng, sau đó dùng đất trộn với phân rồi lấp lại.

2.3 Phân bón

Các tài liệu của Trung Quốc chưa đề cập đến việc bón phân cho cây.

2.4 Sâu bệnh

Cam thảo bắc ở Trung Quốc thường bị ốc sên, nhện đỏ, dế phá hoại.

3 Thành phần hóa học

Trong rễ cây cam thảo, saponin glycyrrhizin (6-14%) tồn tại dưới dạng muối Ca và Mg và có độ ngọt gấp 60 lần đường.; các flavonoid như liquiritin, isoliquiritin, liquiritigenin, isoliquiritigenin, neoliquiritin, neoiso-liquiritin và licurazid, cùng với các dẫn xuất coumarin như umbeliferon và herniarin. Ngoài ra, rễ cây còn chứa các hợp chất estrogen có tác dụng với hàm lượng thấp.

3.1 Tác dụng của Glycyrrhizin

Glycyrrhizin là thành phần hoạt chất chính của rễ cam thảo và được sử dụng trong y học cổ truyền để giảm viêm phế quản, viêm dạ dày và vàng da. Có báo cáo cho thấy glycyrrhizin có hoạt tính chống viêm và chống oxy hóa, và có thể kích thích sản xuất Interferon bên trong cơ thể. Nó cũng được chứng minh là có khả năng điều hòa mức độ chất trung gian tiền viêm trong trường hợp nhiễm độc gan do CCl4 gây ra. Glycyrrhizin cũng có tác dụng ức chế bài tiết HBeAg, dẫn đến hoạt động kháng virus viêm gan B. Hoạt động chống xơ hóa của glycyrrhizin có thể là do hoạt động ức chế của nó đối với yếu tố bền vững NF-κB.

Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
Glycyrrhizin – Hoạt chất chính của rễ Cam thảo

3.2 Tác dụng của Flavonoid

Hơn 300 loại flavonoid có khung C 6 -C 3 -C 6 cơ bản, có nguồn gốc từ rễ cây cam thảo, được biết đến hiện nay. Các loại flavonoid bao gồm flavanone, flavon, flavonol, chalcon, Isoflavone, isoflavanone, isoflavan và isoflaven, có tính chất đa dạng về cấu trúc và có khả năng chống viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng virus, bảo vệ dạ dày, và các tác dụng khác. Các nghiên cứu lâm sàng đã thử nghiệm tác dụng điều trị của flavonoid cam thảo đối với các bệnh về Đường tiêu hóa và da. Các tính chất sinh học khác của flavonoid cam thảo, bao gồm khả năng kháng vi-rút, kháng khuẩn, điều trị đái tháo đường, chống hen suyễn và chống ung thư, đã được chứng minh ở cấp độ tế bào và động vật, và cần được xác nhận trong các nghiên cứu lâm sàng.

4 Cam thảo bắc có tác dụng gì?

4.1 Tác dụng dược lý 

Các thành phần trong Cam thảo có nhiều tác dụng khác nhau. Saponin giúp giảm ho, long đờm, chống loét dạ dày, ức chế tác dụng của histamin gây ra tăng tiết dịch vị, và có tác dụng chống viêm và dị ứng. Flavonoid có tác dụng làm lành vết thương, chống loét dạ dày và kháng Helicobacter pylori trong các thử nghiệm. Acid glycyrrhizic có tác dụng kháng viêm và kháng virus, và cũng có tác dụng giải độc mạnh đối với các độc tố bạch hầu, chất độc của cá nóc, và nọc rắn.

Những nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng cam thảo làm giảm khả năng tình dục ở nam giới. Tức là cao thảo không những không có tác dụng tráng dương, mà còn có khả năng làm “liệt dương”. Như vậy, có người suy đoán rằng, câu nói của Lý Thời Trân khả năng là do đời sau sao chép sai câu “trị liệt âm”. Co nên nam giới khi sử dụng cam thảo cần lưu ý.

cam thao 11
Sơ đồ trị liệu của Cam Thảo

4.2 Vị thuốc Cam thảo – Công dụng theo y học cổ truyền

Tính vị, tác dụng:  Cam thảo có ngọt, tính bình. Sinh thảo có tác dụng giải độc, thanh nhiệt; cam thảo được tẩm mật sao vàng (còn gọi là chích thảo) có tính ấm, có tác dụng bồi bổ (ôn trung), dưỡng phế, cân bằng các vị thuốc. Các tác dụng của cam thảo đã được nghiên cứu thực nghiệm bao gồm giảm ho, giải co thắt trơn, ức chế thần kinh trung ương, kích thích tiết mật, chống viêm và dị ứng, tác dụng estrogen, giải độc, hỗ trợ tiểu tiện, và nhuận tràng…

Tác dụng của cam thảo đối với trẻ em và người lớn: Cam thảo được sử dụng để chữa trị nhiều bệnh như cảm, ho mất tiếng, viêm họng, sâu răng, đau dạ dày, ngộ độc, giảm loét, giảm co thắt cơ, giảm tiết acid clohydric và bệnh Addison. Khi kết hợp với mật ong, cam thảo có hiệu quả đặc biệt. Cam thảo cũng được dùng làm tá dược cho thuốc viên, thuốc họ và thuốc giải độc. Ngoài ra, cam thảo được sử dụng để tạo hương thơm trong các hỗn hợp thuốc xông, làm thuốc chống co thắt trong các nước uống làm nhuận tràng, chế nước chiết tinh hay khô, sử dụng trong mỹ phẩm, chế nước uống giải khát và làm mứt kẹo.

Trong cuốn sách Thần Nông Bản Thảo Kinh có đề cập rằng theo Học thuyết ngũ hành: Cam thảo vị ngọt thuộc hành Thổ. Người xưa cho rằng: “Vật độc nhập vào Thổ, độc tự hóa giải”. Cho nên người ta cho rằng: “Cam thảo có thể giải trăm vị độc”, “giải độc của thảo mộc, côn trùng, cá, chim, thú”. Khoa học thời cận đại đã chứng minh, cam thảo có thể kết hợp rối hóa giải chất độc trong cơ thể, đào thải ra ngoài, lại có thể hấp thụ các chất độc. Điều này và câu nói của người xưa “chất độc nhập Thổ, độc tự hóa giải” đã xác định được tỉnh năng thần dược của cam thảo. Vì thế, trong dân gian thường dùng cam thảo nấu thành canh để trị trúng độc do ăn uống, thảo dược có độc tính, thuốc trừ sâu… đều cho thấy hiệu quả trị liệu đặc biệt. Đồng thời, với các vết thương, phù thũng bên ngoài, cam thảo cũng có thể điều trị. Ngoài ra, trong Bản thảo cương mục có ghi: Cam thảo còn có khả năng trị độc cho trẻ sơ sinh, có thể giáng hỏa chỉ thống, tiêu trừ phiền nhiệt ở ngực, an định tinh thần, ngủ được sâu giấc… Ngoài ra, cam thao vị ngọt tính bình, có thể tách nhiệt ở các dược liệu có hỏa tính, chế hàn ở các dược liệu có tính hàn, được tôn là “chúa tể của các dược phẩm”. Đông y thường sử dụng vị thuốc này.

Cách sử dụng cam thảo khô: Sinh thảo được dùng để chữa cảm, ho, mất tiếng, viêm họng, mụn nhọt, đau dạ dày, ỉa chảy, ngộ độc.

Chích thảo được sử dụng để chữa tỳ vị hư nhược, ỉa chảy, mệt mỏi, kém ăn, khát nước do vị hư, ho do phế hư. Liều dùng hàng ngày từ 4-20g, có thể sử dụng dưới dạng thuốc bột, thuốc hãm, nước nấu hoặc cao mềm.

Cách pha nước cam thảo: Sử dụng 2 đến 4 lát cam thảo khô kết hợp với 5g thảo mộc khác như hoa cúc, hoa nhài, đậu biếc… cho vào bình pha trà dung tích trên 200ml. Sôi 220-250ml nước trước khi cho vào bình pha trà. Trong khi đun nước, rửa sạch các dược liệu bằng nước lọc rồi cho vào bình pha trà.

Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
Tác dụng của Cam thảo bắc

5 Bài thuốc từ cây Cam thảo

5.1 Đơn thuốc Kavet trị đau dạ dày

Kavet là thuốc được sử dụng để chữa đau bao tử. Mỗi viên thuốc chứa 0,03g Cao Cam thảo, 0,1g bột Cam thảo, 0,15g Natri bicarbonat, 0,2g Magné carbonat, 0,5g bismutnitrate basic, 0,02g bột Đại hoàng và các chất phụ gia cần thiết. Liều dùng để chữa loét dạ dày là 2 – 4 viên/lần, ngày dùng 2 – 3 lần.

5.2 Trị trẻ nhỏ gầy yếu

Lấy 93g cam thảo, sao đen, nghiền thành bột, dùng Mật Ong nặn thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng 5 viên với nước ấm. Mỗi – ngày uống 2 lần.

5.3 Trị ngứa âm đạo

Cam thảo đun lấy nước, ngày rửa 3-5 lần.

5.4 Trị trẻ nhỏ đầy tháng chưa mở mắt

Lấy cam thảo dài khoảng 1 ngón tay, nướng với mật lợn rồi tán thành bột, uống với một chút nước cơm.

5.5 Trị da nứt nẻ vì lạnh

Dùng cam thảo ép lấy nước rửa qua vùng da bị nứt nẻ. Sau đó lấy Hoàng Liên, Hoàng Cầm nghiền nhỏ trộn với Dầu Mè, thêm ít Khinh Phấn, rồi bôi vào vết nứt nẻ.

5.6 Uống nước cây cam thảo có tác dụng gì?

5.6.1 Chữa ho lao, ho lâu dài

Cần sử dụng Cam thảo nướng 120g, tán bột và uống 4g mỗi lần, 3-4 lần mỗi ngày.

5.6.2 Loét dạ dày

Cần sử dụng cao Cam thảo 2 phần hoà tan trong 1 phần nước cất. Uống 1 thìa cà phê, 3 lần mỗi ngày và không sử dụng quá 3 tuần.

5.6.3 Chữa tâm phế suy nhược, khó thở, mệt mỏi, huyết áp thấp hoặc đường huyết thấp

Cần sử dụng Cam thảo 12g, Đương Quy 10g, Nhị sâm 8g, tán bột và uống 4g mỗi lần, 3-4 lần mỗi ngày, hoặc sắc uống khi gặp nguy cấp.

5.6.4 Chữa mụn nhọt, ngộ độc

Cần sử dụng cao mềm Cam thảo và uống 1-2 thìa cà phê mỗi ngày.

Lưu ý: Người có tỳ vị nhiệt, bụng đầy trướng, nôn mửa, cao huyết áp, tiểu đường hoặc phụ nữ có thai không nên sử dụng. Ngoài ra, không nên sử dụng với Đại Kích, Nguyên Hoa, Cam Toại, Hải tảo.

Ngoài Cam thảo bắc, Cam thảo dây (còn được gọi là Cườm, Dây chi chi – Abrus precatorius L. Pataceae) được sử dụng thay thế ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Mỹ.

Tác dụng phụ của Cam thảo: Nếu sử dụng Cam thảo trong thời gian dài, có thể gây hiện tượng phù giữ nước.

5.6.5 Trị táo bón ở trẻ sơ sinh

Cam thảo, vỏ quýt, mỗi thứ 3g. Các vị thuốc trên dun với nửa bát nước rồi cho trẻ uống.

5.6.6 Trị bệnh tiểu đám ở trẻ nhỏ

Dùng cam thảo nấu thành canh. Mỗi đêm uống trước khi đi ngủ.

5.6.7 Tri tiêu ra máu ở trẻ nhỏ

Dùng 37g cam thảo, thêm 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, trẻ 1 tuổi uống hết trong ngày.

5.6.8 Trị tắc miệng do sưng lưỡi

Dùng cam thảo nấu thành canh đặc, uống khi còn nóng, cho tới khi nôn ra được đờm dãi.

5.6.9 Trị bệnh đậu mùa

Cam thảo nướng, rễ qua ủy nhân, sắc lấy nước uống.

5.6.10 Trị bệnh uốn ván ở trẻ nhỏ

Lấy 7,8g cam thảo, sắc lấy nước uống cho đến khi nôn ra đờm dãi. Sau đó nhỏ vài giọt sữa vào miệng trẻ.

5.6.11 Trị đi kiết lẫn máu

Cam thảo xắt lát mỏng, sắc với 1.500ml nước còn 800ml nước thuốc, dùng uống.

Cam thảo - Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
Dược liệu Cam thảo

6 Phân biệt Cam thảo bắc và Cam thảo nam

Từ lâu Cam thảo đã được sử dụng trong Y học cổ truyền với nhiều công dụng với sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều loại Cam thảo khác nhau, dưới đây chúng tôi sẽ phân biệt 2 loại cam thảo phổ biến là Cam thảo bắc và Cam thảo nam để bạn đọc dễ nhận diện.

 

Cam thảo bắc

Cam thảo nam

Tên khoa học

Glycyrrhiza uralensis Fisch.

Scoparia dulcis L.

Bộ phận dùng

Rễ Toàn cây

Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống lâu năm, chiều cao khoảng từ 0,3 đến 1 mét, rễ có màu vàng nhạt

Thân phủ lông mềm, ngắn

Lá kép lông chim lẻ, lá mọc so le, gồm 9-17 lá chét, phiến lá chét có dạng hình trứng, mép lá nguyên

Cụm hoa mọc thành bông ở kẽ lá, hoa có màu tím nhạt

Quả đậu, cong lưỡi liềm

Hạt nhỏ, dẹt, màu nâu bóng

Cây thảo, mọc đứng, gốc cây hóa gỗ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,3 đến 1 mét

Thân cây nhẵn, có dạng hình trụ

Lá mọc vòng, mỗi vòng gồm 3 lá hoặc mọc đối, cuống lá ngắn, phiến lá có dạng hình mác hay hình bầu dục, nửa phía trên của lá có khía răng tù

Hoa mọc ở kẽ lá, gồm 3-5 cái, hoa có màu trắng

Quả nang nhỏ, gần giống hình cầu

Hạt nhỏ, nhăn nheo

Phân bố

Cam thảo bắc thường mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác nhau ở vùng Trung Á, đôi khi còn thấy cây mọc ở những khu rừng lá rộng ôn đới

Độ cao phân bố của Cam thảo bắc là từ 200 đến 3000 mét

Cam thảo bắc được nhập trồng về nước ta nhưng hiện nay vẫn chưa thành công, nguồn Cam thảo bắc vẫn còn rất hạn chế

Cam thảo đất có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của Châu Mỹ, hiện nay mọc hoa dại ở nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới của Nam Á, Trung Quốc, Đông Nam Á

Từ độ cao trên 1000 mét thì Cam thảo đất (Cam thảo nam) trở nên hiếm dần

Nguồn Cam thảo nam ở nước ta tương đối phong phú, đáp ứng nhu cầu làm thuốc và sử dụng

Tác dụng, công dụng

Cam thảo bắc được dùng trong trường hợp ho mất tiếng, cảm, viêm họng, đau dạ dày, mụn nhọt, ngộ độc, ỉa chảy

Cam thảo chích được dùng trong trường hợp kém ăn, thân thể suy nhược

Y học cổ truyền Trung Quốc còn sử dụng Cam thảo bắc trong trường hợp xuất huyết não, cao huyết áo, loạn thần kinh, đau dây thần kinh, nhức đầu,…

Cam thảo nam có thể được dùng thay Cam thảo bắc trong các trường hợp ngộ độc, sốt, say sắn

Cây còn dùng để chữa ho, kinh nguyệt quá nhiều, sởi, viêm họng

Hoạt chất amellin chiết xuất từ Cam thảo nam được dùng trong trường hợp tiểu đường, Albumin niệu, thiếu máu, biến chứng ở những bệnh nhân đái tháo đường

Phân biệt Cam thảo bắc và Cam thảo nam
Phân biệt Cam thảo bắc và Cam thảo nam

7 Câu truyện về vị ngọt của thuốc Đông Y

Cam thảo là loại thảo dược có vị ngọt đặc biệt quan trọng của Đông y. Dựa vào các nghiên cứu Y học hiện nay cho thấy, sở dĩ cam thảo có vị ngọt, nguyên nhân là phần và gốc thân có chứa glycyrrhizin, có tác dụng giảm bớt tính đắng của các loại dược liệu khác, khiến cho vị thuốc Đông y uống dễ hơn. Ngoài ra, người ta còn cho thêm một chút đường khi uống, hoặc là sau khi uống ăn thêm ít đường, để giảm bớt vị đắng của thuốc Đông y. Tuy nhiên, cách dùng này đều làm giảm hiệu quả của thuốc. Để giải quyết vấn đề đó, hiện nay các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chất ngọt trong thực vật, tạo cảm giác ngọt trong miệng, không phải là đường, nhưng có thể cải thiện vị đắng trong thuốc Đông y, không ảnh hưởng đến công dụng điều trị của thuốc. Vị ngọt chủ yếu này có:

  • Đường Stevia: Độ ngọt gấp 200 – 300 lần đường mía, ổn định trong môi trường nóng, chua, mặn, tính an toàn cao.
  • Proteoglycan: Độ ngọt gấp 180 – 300 lần đường mía, không chịu được nhiệt độ cao.
  • Xylitol: Độ ngọt tương đương với đường mía, chất ngọn đậm, tính an toàn cao.
  • High-fructose: Độ ngọt tùy thuộc vào hàm lượng Fructose (độ ngọt gấp 1,5 lần đường mía).
  • Đường hóa học sodium cyclamate: Độ ngọt gấp 50 lần đường mía.

8 Một số câu hỏi thường gặp

8.1 Cách pha nước cam thảo

Có thể sử dụng chế phẩm cao mềm cam thảo để pha nước, mỗi ngày uống từ 1-2 thìa cà phê trong trường hợp bị ngộ độc, mụn nhọt.

8.2 Uống cam thảo có tăng cân không?

Cam thảo chích trong Y học cổ truyền có tác dụng bồi bổ, chữa tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, kém ăn. Do đó, việc sử dụng Cam thảo có thể giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn, tăng cân hiệu quả.

8.3 Giá cam thảo bắc là bao nhiêu?

Cam thảo bắc hiện nay vẫn chưa được trồng thành công ở nước ta mà vẫn phải nhập về, do đó, giá thành có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian mua. Bạn đọc nên lựa chọn những địa chỉ uy tín để tìm mua Cam thảo bắc khô, tránh tình trạng mua phải dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng.

9 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Cam thảo trang 100 – 102, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cam thảo trang 329 – 339, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
  3. Tác giả Shadma Wahab và cộng sự (Đăng tháng 12 năm 2021). Glycyrrhiza glabra (Licorice): A Comprehensive Review on Its Phytochemistry, Biological Activities, Clinical Evidence and Toxicology, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 02 năm 2023.
  4. Tác giả Yufan Wu và cộng sự (Đăng ngày 27 tháng 01 năm 2022). Pharmacological Effects and Underlying Mechanisms of Licorice-Derived Flavonoids, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 02 năm 2023.
  5. Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2023). Cam thảo, trang 47-49. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.

Để lại một bình luận