Cam Thảo Dây (Cây Chi Chi, Tương Tư Tử – Abrus precatorius L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Fabales (Đậu)

Họ(familia)

Fabaceae (Đậu)

Chi(genus)

Abrus

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Abrus precatorius L.

Cam Thảo Dây (Cây Chi Chi, Tương Tư Tử - Abrus precatorius L.)

Cam thảo dây thuộc dạng dây leo dài, thường xanh. Thân cành mỏng, bên trên phủ một lớp lông rất nhỏ. Lá kép lông chim chẵn, lá mọc so le, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5 đến 10cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Abrus precatorius L.

Tên gọi khác: Dây chi chi, Dây cườm cườm, Cườm thảo, Tương tư đằng.

Họ thực vật: Fabaceae (Đậu).

Cây Cam thảo dây
Cây Cam thảo dây

1.1 Đặc điểm thực vật

Cam Thảo dây thuộc dạng dây leo dài, thường xanh. Thân cành mỏng, bên trên phủ một lớp lông rất nhỏ.

Lá cam thảo dây hay lá chi chi thuộc dạng kép lông chim chẵn, lá mọc so le, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5 đến 10cm, mang 8 đến 15 đôi lá chét, các phiến lá chét có kích thước to dần khi ở gần ngọn, có dạng hình bầu dục, gốc tròn, đầu tù có mũi nhọn. Mặt trên của lá có màu xanh lục, mặt dưới của lá có màu xám nhạt, cả 2 mặt lá đều phủ một lớp lông.

Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc ở đầu cành, chiều dài cụm hoa khoảng từ 3 đến 6cm, hoa có màu hồng, xếp xít nhau.

Quả đậu, hơi dày, có lông, hai đầu của quả hơi vát, mỗi quả gồm 3 đến 7 hạt, có dạng hình trứng, vỏ cứng, màu đỏ chót.

Rễ, thân và lá có vị ngọt, nhưng không thơm và vị không đậm như Cam thảo bắc.

Mùa hoa từ tháng 7 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 10.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Thân rễ và lá nên thu hái khi cây mới ra hoa, sau đó đem thái ngắn và phơi khô.

Hạt khi chín đem phơi khô, thỉnh thoảng cũng dùng hạt.

1.3 Cam thảo dây mọc ở đâu?

Cam thảo dây là loài ưa sáng, ưa ẩm, khi cây còn nhỏ thì hơi chịu bóng. Cam thảo dây khi trồng ở các tỉnh thành phía bắc thì thường rụng lá vào mùa đông, khi trồng ở các tỉnh thành phía Nam thì rụng lá vào mùa khô.

Cây sinh trưởng và phát triển mạnh khi thời tiết vào mùa xuân hè, thời kỳ ra hoa là từ cuối hè hoặc đầu thu. Quả chín tự mở, hạt rơi vãi ra ngoài và nảy mầm vào cuối mùa xuân năm sau. Có tài liệu cho rằng, tỷ lệ hạt nảy mầm trong tự nhiên chỉ khoảng 40% và có thể tăng lên nếu được xử lý.

Cam thảo dây có khả năng tái sinh khỏe sau khi bị chặt.

Hoa của cây Cam thảo dây
Hoa của cây Cam thảo dây

2 Cách trồng Cam thảo dây

Cam thảo dây là loài không kén đất, được trồng ở nhiều nơi với mục đích làm cảnh và làm thuốc, cây ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng do đó trong quá trình chăm sóc cần lưu ý.

Cây được trồng bằng hạt hoặc bằng dây, thời điểm gieo trồng tốt nhất là vào mùa xuân. Hiện nay, cây chưa được trồng trên quy mô lớn mà chỉ trồng rải rác trong nhân dân. Khu vực trồng nên chọn những nơi cao ráo, có khả năng thoát nước tốt, đào hố với độ sau khoảng 40-50cm, rộng 40x40cm, bón thêm phân chuồng để lấp hô sau khi trồng. Nếu gieo hạt thì mỗi hốc nên gieo từ 3-5 hạt sau khoảng 10 ngày thì cây con bắt đầu nảy mầm. Khi cây đạt chiều cao khoảng từ 10 đến 15cm thì tiến hành tỉa bớt, giữ lại những cây khỏe. Nếu trồng bằng dây thì nên chọn những đoạn dây gần gốc, có rễ, cắt thành từng đoạn khoảng 25 đến 30cm.

Khi trồng cam thảo dây cần làm cọc hoặc giàn để cho cây theo, mỗi giàn có thể trồng 3-4 hốc, giàn quá cao hoặc quá rộng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, sau mỗi lần thu hoạch thì tiến hành bón phân bổ sung cho cây.

Cam thảo dây là loài khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh. Thời kỳ cây còn nhỏ có thể bắt gặp sâu xám hoặc sâu róm. Trung bình sau 3 tháng có thể bắt đầu thu hoạch và sau 2 tháng có thể tái thu hoạch 1 lần. Lá được hái từ dưới gốc lên, giữ lại ngọn và 1-2 lá non. Nếu cây được chăm sóc tốt, mỗi cây có thể thu hoạch liên tục trong 2-3 năm.

3 Thành phần hóa học

Thân và lá cây có chứa L-abrin, precatorin, trigonelin, hypaphorin, cholin.

Lá chứa glycyrizin.

Hạt chứa abrus aglutinin va fnhuwnxg chất lectin.

Rễ chứa abrin, precatorin, hypaphorin, cholin, abrol, precasin, abruquinon.

Thành phần hóa học
Thành phần hóa học

4 Cam thảo dây (Chi chi) có tác dụng gì?

4.1 Hạt của cam thảo dây có độc không?

Abrin là một toxalbumin có trong hạt của cây Cam thảo dây, hoạt chất này thể hiện độc tính sau khi tiêm dưới da động vật ở liều 0,005 đến 0,01 mg/kg thể trọng.

Nước sắc từ hạt đem nghiền nát hoặc Dung dịch abrin khi nhỏ vào mắt có thể gây phù tấy, hư hại giác mạc một cách vĩnh viễn, một số trường hợp có thể tử vong do bị hấp thu abrin. Về bản chất, abrin có thể gây kích ứng mạnh, bầm máu, gây phù khi thuốc qua da, nhưng sau khi vào dạ dày lại trở nên không độc.

Abrin kém độc hơn so với ricin là một thành phần có trong hạt Thầu Dầu, tuy nhiên, tác dụng của chúng cũng gần như nhau. Abrin có tính chất của một kháng nguyên do đó sau khi vào cơ thể, sẽ kích thích cơ thể sản xuất kháng thể, hoạt chất này gây vón hồng cầu một cách nhanh chóng và dễ dàng, tuy nhiên, nhiệt độ có thể làm giảm độc tính của abrin.

Hạt của cây Cam thảo dây cho thấy tác dụng ngừa thai và gây sảy thai khi sử dụng trên thỏ và chuột trắng thí nghiệm. Cơ thể là do ngăn cản sự hình thành, tồn tại và phát triển của màng rụng ở tử cung, gây ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của trứng, ngăn cản quá trình thụ thai và gây sảy thai.

Phần trên mặt đất của cây có tác dụng trên huyết áp khi nghiên cứu ở mèo và chó.

Cao cồn lá của cây Cam thảo dây cho thấy tác dụng ức chế co thắt gây ra bởi acetylcholin trên cơ thẳng bụng của cóc và tiêu bản dây thần kinh hoành – cơ hoành của chuột.

Abridin gây vô sinh ở 100% chuột sau khi tiêm một ngày hoặc sau khi giao hợp.

Cam thảo dây có tác dụng gì?
Cam thảo dây có tác dụng gì?

4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng

Rễ, dây và lá có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Hạt của cây có độc, có tác dụng sát trùng, cửu khiếu, tiêu viêm.

4.2.2 Công dụng

Cây và lá dùng trong trường hợp bị ho, giải độc, giải cảm, điều hòa các vị thuốc khác, trị hoàng đản do viêm gan siêu vi trùng. Liều dùng là 8-16g mỗi ngày đem sắc lấy nước uống.

Có thể dùng Cam thảo dây thay cho Cam thảo bắc.

Hạt của cây chỉ để dùng ngoài với mục đích sát trùng, làm mụn nhọt nhanh chóng vỡ mủ, tiêu viêm, trị vú sưng đau do tắc tia sữa. Hạt của cây có độc do đó khi dùng cần chú ý.

Nhân dân một số khu vực ở châu Phi sử dụng lá để chữa rắn độc cắn.

Các tài liệu nước ngoài ghi chép rằng, lá có vị ngọt nhiều hơn rễ, nước sắc từ lá và rễ được dùng khi bị đau bụng, sốt, ho. Lá và rễ nhai nuốt lấy nước khi bị khản tiếng, có thể dùng ngoài khi bị bệnh ngoài da. Hạt của cây dùng làm thuốc tẩy, kích thích, ngộ độc trong thú y, gây nôn, trị rối loạn thần kinh.

Hạt của cây Cam thảo dây có độc không?
Hạt của cây Cam thảo dây có độc không?

5 Một số cách trị bệnh từ cây Cam thảo dây

5.1 Chữa cảm nắng, sốt nóng, viêm họng

15g lá Cam thảo dây đem sắc nước uống hoặc có thể đem phối hợp cùng với cam thảo sống nhằm mục đích thanh nhiệt giải độc.

5.2 Thuốc giải độc

50-60g Cam thảo dây đem sắc nước uống có thể hòa thêm bột đậu xanh nghiền sống, uống càng nhiều càng tốt.

5.3 Chữa cảm cúm

12g Cam thảo dây.

60g Lá lức.

12g Cây lức.

12g Lá Bạc Hà.

12g Vỏ quýt.

12g Phèn chua.

10g Củ xương bồ.

Cây lức đem rửa sạch, thái nhỏ, sao qua. Lá lức đem đồ chín, xương bồ thái mỏng phơi hoặc sấy khô, phèn phi cho hết nước.

Các vị đem đập dập, sắc và chia thành 2 lần uống trong ngày.

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

5.4 Chữa hen suyễn có phong hàn biểu chứng

12g Cam thảo dây.

20g Hành hương.

12g Gừng sống.

12g Quế chi.

12g Tía Tô.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

6 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Cam thảo dây, trang 331-333. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Cam thảo dây, trang 330-331. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận