Calcium Folinate (Leucovorin Calcium)

Hoạt chất Calcium Folinate hay còn gọi là Leucovorin Calcium được sử dụng kết hợp với một số loại thuốc hóa trị để tăng cường khả năng tiêu diệt tế bào ung thư hoặc để giảm bớt tác dụng phụ có hại của chúng. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Calcium Folinate.

1 Calci Folinat là gì?

1.1 Đặc điểm của Calcium Folinate

Calcium Folinate là một loại thuốc được gọi là chất tương tự axit folic.

Danh pháp IUPAC: calcium;(2S)-2-[[4-[(2-amino-5-formyl-4-oxo-3,6,7,8-tetrahydropteridin-6-yl)methylamino]benzoyl]amino]pentanedioate.

Tên gọi khác của Calcium Folinate là Calci Folinat, Leucovorin Calcium, Leucovorin calcium salt,…

Mã ATC: A12AA20

1.2 Hình cấu tạo

Calcium Folinate có công thức phân tử là: C20H21CaN7O7.

Trọng lượng phân tử: 511,5 g/mol.

Công thức cấu tạo:

Công thức cấu tạo Calcium Folinate
Công thức cấu tạo Calcium Folinate

Calcium Folinate là một chất chuyển hóa hoạt động của axit folic (còn gọi là axit folinic và yếu tố citrovorum), được sử dụng chủ yếu như thuốc giải độc đối với các chất đối kháng axit folic.

2 Tác dụng dược lý 

2.1 Dược lực học

Calcium Folinate là một thuốc giải độc, chống lại hay vô hiệu quá tác dụng của các chất độc.

Điều trị hoặc ngăn ngừa các rối loạn tế bào máu nghiêm trọng như giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu gây ra do thuốc đối kháng axit folic.

2.2 Cơ chế tác dụng 

Calcium Folinate đi vào tế bào dưới dạng 5-methyl tetrahydrofolate và cung cấp cofactor bị chặn bởi Methotrexate. Nó ổn định sự liên kết của 5-dUMP và thymidylate synthetase, tăng cường hoạt động của fluorouracil và vô hiệu hóa tác dụng của thuốc đối kháng axit folic như Methotrexate nhưng làm tăng tác dụng của 5-fluorouracil.

2.3 Dược động học

  • Hấp thu: Hấp thu tốt theo đường uống, tiêm bắp.
  • Phân bố: Phân bố rộng rãi, tập trung ở gan và dịch não tủy.
  • Chuyển hóa: Tại gan, ruột, chuyển hóa thành 5-methyltetrahydrofolate có hoạt tính sinh học.
  • Thải trừ: Qua nước tiểu và một lượng nhỏ qua phân.

3 Chỉ định

3.1 Những ứng dụng trong lâm sàng

Thuốc Leucovorin Calcium được sử dụng riêng lẻ hay kết hợp với các thuốc khác để điều trị các tình trạng như:

  • Ung thư đại trực tràng: Leucovorin Calcium được kết hợp cùng Fluorouracil như một phương pháp điều trị giảm nhẹ ở những bệnh nhân mắc bệnh tiến triển.
  • Bệnh nhân bị thiếu máu: Calcium Folinate được sử dụng để điều trị  bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ xảy ra khi cơ thể không nhận đủ axit folic. 
  • Trong ung thư xương và một số loại ung thư khác: Leucovorin Calcium có tác dụng ngăn ngừa và điều trị tác dụng độc hại của methotrexate liều cao điều trị ung thư. Nó cũng được sử dụng để điều trị quá liều methotrexate hoặc các thuốc đối kháng axit folic khác.

4 Chống chỉ định

Không dùng Leucovorin Calcium cho những đối tượng sau:

  • Người quá mẫn với hoạt chất Leucovorin Calcium.
  • Người mắc thiếu máu ác tính và các bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ khác thứ phát do thiếu Vitamin B12.
  • Người đang gặp các bệnh về nội sọ hay não thất cần điều trị

5 Liều dùng – Cách dùng của Calcium Folinate

5.1 Liều dùng 

Điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu folate:

  • Người lớn dùng tối đa 1 mg/ngày, theo đường tiêm bắp.
  • Hoặc người lớn dùng 15 mg/ngày, theo đường uống.

Kết hợp cùng Fluorouracil trong ung thư đại trực tràng, tiêm tĩnh mạch:

  • Người lớn: 200 mg/m2 BSA (Diện tích bề mặt cơ thể) tiêm tĩnh mạch chậm trong ít nhất 3 phút, sau đó là 370 mg/m2 fluorouracil bằng tiêm tĩnh mạch. Điều trị được thực hiện trong 5 ngày liên tiếp và lặp lại trong khoảng thời gian 28 ngày trong 2 đợt. Sau đó, có thể lặp lại sau mỗi 4-5 tuần nếu bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn sau tác dụng độc hại của đợt điều trị trước đó.

Thuốc giải độc dùng đường uống để giải độc Methotrexate: 

  • Người lớn: Dùng 15 mg mỗi 6 giờ với 10 liều bắt đầu 24 giờ sau khi truyền Methotrexate. Tiếp tục dùng thuốc cho đến khi nồng độ Methotrexate trong huyết thanh < 0,05 micromol. Thuốc cũng có thể được tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp.

5.2 Cách dùng 

Tùy theo mục đích sử dụng, Calcium Folinate có thể dùng đường uống hay tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

==>> Xem thêm về hoạt chất: Etifoxine bảo vệ thần kinh, điều trị rối loạn lo âu

6 Tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng không mong muốn của Calcium Folinate đã được báo cáo là dị ứng mẫn cảm, ngứa, phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, nôn hay sốt…

7 Tương tác thuốc 

Leucovorin Calcium giảm độc tính của Methotrexate.

Tăng cường tác dụng gây độc tế bào và chống ung thư của Fluorouracil.

Tăng nguy cơ co giật ở bệnh nhân động kinh được điều trị bằng Primidone, Phenytoin, Phenobarbital và Succinimides.

Tương kỵ: Leucovorin Calcium không tương thích với Fluorouracil khi trộn ở nhiều tỷ lệ khác nhau và bảo quản trong hộp Nhựa PVC ở các nhiệt độ khác nhau.

==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Ezetimib: Liệu pháp mới điều trị tăng mỡ máu – Dược thư Quốc Gia 2022

8 Thận trọng khi sử dụng Calcium Folinate

Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ chưa được chẩn đoán, khối u phụ thuộc folate; thai kỳ.

Theo dõi nồng độ Canxi ở bệnh nhân được điều trị kết hợp 5-Fluorouracil/Calcium Folinate.

Calcium Folinate sẽ được tiêm theo đường tĩnh mạch khi có độc tính trên Đường tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn.

Theo dõi nồng độ Methotrexate trong huyết thanh để xác định liều lượng và thời gian sử dụng Calcium Folinate tối ưu. Theo dõi công thức máu, điện giải và xét nghiệm chức năng gan trước và thường xuyên trong quá trình điều trị.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo cũng như đường dùng các sản phẩm chứa Calcium Folinate, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ.

Bảo quản: Thuốc Calcium Folinate nên được bảo quản tại nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ từ 15 – 30 độ C, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp.

9 Các câu hỏi thường gặp về hoạt chất Calcium Folinate 

9.1 Có nên sử dụng Calcium Folinate cho trẻ em không?

Calcium Folinate chỉ được dùng cho trẻ em khi thật cần thiết và có chỉ định từ bác sĩ. Khi sử dụng, trẻ cần được theo dõi y tế sát sao bởi các bác sĩ chuyên khoa.

9.2 Phụ nữ có thai và cho con bú có dùng được Calcium Folinate không?

Calcium Folinate được FDA phân loại C là nhóm thuốc có nguy cơ khi sử dụng trong thai kỳ. Cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích – nguy cơ và chỉ dùng nếu thấy lợi ích vượt trội hơn nguy cơ.

Đối với bà mẹ cho con bú: Leucovorin (axit folinic) và đồng phân levo-isomer của nó, levoleucovorin, là dẫn xuất của axit folic và là thành phần bình thường của sữa mẹ, tuy nhiên, Calcium Folinate được sử dụng làm tác nhân điều trị với các thuốc gây độc khác, vậy nên cần xem xét tính an toàn của cả những loại thuốc kết hợp này.

10 Các dạng bào chế phổ biến của Calcium Folinate 

Calcium Folinate đã được bào chế ở dạng viên (viên nang, viên nén…), hay dạng bột pha tiêm, Dung dịch tiêm… với các hàm lượng như Leucovorin Calcium 5 mgThuốc Calci Folinat 100mg, Calcium Folinat 100mg/10ml

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Calcium Folinate trên thị trường có thể kể đến hiện nay như: Ausfebis, Rescuvolin 100mg, Rescuvolin 50mg, Calcinol – RB, Calcium Folinate-Belmed 100mg, BFS-Calcium folinate, Calcium Folinate 100mg/10ml,…

Hình ảnh:

Chế phẩm chứa Calcium Folinate 
Chế phẩm chứa Calcium Folinate

11 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả: Chuyên gia Pubchem (Cập nhật: Ngày 16 tháng 09 năm 2023). Calcium folinate, Pubchem. Truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2023.
  2. Tác giả: Chuyên gia Cancer.gov (Cập nhật: Ngày 06 tháng 09 năm 2023). Leucovorin Calcium, Cancer.gov. Truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2023.
  3. Tác giả: Chuyên gia MIMS (Cập nhật: Năm 2023). Calcium Folinate, Mims.com. Truy cập ngày 23 tháng 09 năm 2023.

Để lại một bình luận