Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
CALCITONIN
Tên chung quốc tế: Calcitonin.
Mã ATC: H05BA01 (calcitonin cá hồi tổng hợp).
H05BA02 (calcitonin lợn tự nhiên)
H05BA03 (calcitonin người tổng hợp).
Loại thuốc: Thuốc ức chế tiêu xương, chống loãng xương, chống tăng calci huyết.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc tiêm chứa calcitonin cá hồi: Ống tiêm 50 đvqt/ml, 100 đvqt/ml, 200 đvqt/ml, 400 đvqt/2 ml.
Thuốc tiêm chứa calcitonin người: Lọ bột pha tiêm 0,5 mg, kèm theo Dung dịch pha tiêm.
0,5 mg calcitonin ở người tương đương 50 đvqt calcitonin cá hồi.
2 Dược lực học
Calcitonin là hormon do tế bào cận nang của tuyến giáp bình thường ở các động vật và do tuyến cuối mang ở cá tiết ra, là polypeptid chứa 32 acid amin.
Ở người, quá trình bài tiết và sinh tổng hợp calcitonin được điều hòa bởi nồng độ calci huyết tương. Calcitonin có tác dụng hạ calci huyết chủ yếu do ức chế quá trình hủy cốt bào, và một phần trên việc tăng thải trừ calci và phosphat qua thận. Calcitonin có thể làm giảm nồng độ calci huyết thanh ở người tăng calci huyết do carcinom, đa u tủy xương hoặc cường tuyến cận giáp tiên phát. Nồng độ calci huyết thanh có khuynh hướng giảm mạnh hơn khi điều trị bằng calcitonin trên bệnh nhân có nồng độ calci huyết thanh cao. Calci huyết thanh giảm vào khoảng 2 giờ sau liều tiêm calcitonin cá hồi đầu tiên và kéo dài trong khoảng 6 – 8 giờ. Calcitonin có chức năng điều hòa đối với chuyển hóa chất khoáng, tích cực ngăn ngừa tiêu xương. Thuốc có thể được sử dụng để dự phỏng mất xương.
Trong bệnh xương Paget (viêm xương biến dạng), calcitonin làm giảm tốc độ chuyển hóa xương, do làm giảm sự tăng phosphatase kiềm trong huyết thanh và giảm bài tiết hydroxyprolin trong nước tiểu. Các thay đổi sinh hóa này làm xương được tạo ra bình thường hơn. Chuyển hóa xương thường giảm khoảng 30 – 50% sau khoảng 6 tháng dùng liệu pháp calcitonin. Tốc độ tiêu xương càng cao, tác dụng ức chế tiêu xương do điều trị bằng calcitonin càng rõ. Tác dụng dược lý của calcitonin cá hồi và calcitonin người giống nhau, nhưng với một khối lượng như nhau thì calcitonin cá hồi có hoạt tính mạnh hơn (khoảng 50 lần, so với calcitonin người) và có thời gian tác dụng dài hơn. Do vậy phần lớn các sản phẩm calcitonin trên thị trường hiện nay có nguồn gốc cá hồi.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Calcitonin là polypeptid nên bị phá hủy ở dạ dày, do đó thuốc được dùng theo đường tiêm.
Sau khi tiêm, calcitonin được hấp thu trực tiếp vào tuần hoàn. Nồng độ trong huyết tương đạt được 0,1 – 0,4 nanogam/ml sau khi tiêm dưới da 200 đvqt. Sau khi tiêm tĩnh mạch, calcitonin bắt đầu có tác dụng ngay.
Sau khi tiêm bắp hoặc dưới da, calcitonin bắt đầu có tác dụng sau khoảng 15 phút, hiệu lực tối đa đạt được sau khoảng 4 giờ và tác dụng kéo dài từ 8 – 24 giờ. Tác dụng kéo dài từ 30 phút – 12 giờ sau khi tiêm tĩnh mạch. Sinh khả dụng của thuốc theo đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da lần lượt là 66% và 71%.
3.2 Phân bố
Thuốc liên kết với protein huyết tương với tỷ lệ 30 – 40%. Thể tích phân bố của thuốc xấp xỉ 0,15 – 0,3 lít/kg.
Chuyển hóa: Calcitonin chuyển hóa nhanh chủ yếu ở thận, ở máu và mô ngoại biên.
Thải trừ: Nửa đời thải trừ của calcitonin người khoảng 60 phút, calcitonin cá hồi khoảng 70 – 90 phút. Các chất chuyển hóa không có hoạt tính và một lượng nhỏ (0,1%) calcitonin dưới dạng không đổi bài tiết ra nước tiểu.
4 Chỉ định
Dự phòng mất xương cấp tính do bất động đột ngột như bị gãy xương do loãng xương.
Điều trị bệnh Paget (viêm xương biến dạng), khi các điều trị khác không hiệu quả hoặc không thích hợp, ví dụ trong trường hợp bệnh nhân suy thận nặng.
Tăng calci huyết ác tính.
5 Chống chỉ định
Quá mẫn với calcitonin, protein cá hồi. Giảm calci huyết.
6 Thận trọng
Calcitonin cá hồi có bản chất là protein tự nhiên, cần cân nhắc nguy cơ phản ứng dị ứng toàn thân khi sử dụng thuốc, cần có sẵn các biện pháp điều trị hỗ trợ nếu phản ứng quá mẫn xảy ra. Phản ứng quá mẫn nặng đe dọa tính mạng đã được ghi nhận trên các bệnh nhân sử dụng calcitonin đường tiêm. Test kích ứng trên da nên được thực hiện trước khi khởi đầu điều trị trên các bệnh nhân nghi ngờ mẫn cảm với calcitonin.
Nguy cơ hạ calci huyết có thể xảy ra sau khi tiêm calcitonin. Cần có sẵn thuốc tiêm chứa calci đặc biệt trong một vài liều đầu sử dụng calcitonin dạng tiêm.
Bệnh nhân điều trị kéo dài với calcitonin đường tiêm nên định kỳ kiểm tra cặn nước tiểu do các chất thải có chứa tế bào biểu mô ống thận đã được ghi nhận trên một số người tình nguyện sử dụng calcitonin trong nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc trên loãng xương do bất động.
Trẻ em: Do còn thiếu dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn của thuốc cho trẻ em, không khuyến cáo dùng thuốc trên trẻ em. Tránh dùng calcitonin kéo dài vì có nguy cơ bị ung thư. Dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.
Thống kê trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng trên các bệnh nhân thoái hóa khớp và bệnh nhân loãng xương cho thấy calcitonin làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư so với placebo.
Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh nguy cơ mắc ung thư ở các bệnh nhân điều trị bằng calcitonin tăng khoảng 0,7% đến 2,4% so với giả dược khi điều trị lâu dài.
Bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng nói trên được điều trị bằng calcitonin dạng uống hoặc xịt mũi, tuy nhiên có khả năng có mối liên quan giữa nguy cơ ung thư và việc sử dụng calcitonin qua các đường khác như tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, đặc biệt khi sử dụng dài hạn. Do vậy, tất cả các chế phẩm có calcitonin không được dùng để điều trị loãng xương sau mãn kinh, đối với các bệnh khác, phải dùng liều nhỏ nhất có tác dụng và trong thời gian ngắn nhất.
7 Thời kỳ mang thai
Trong một nghiên cứu độc tính sinh sản trên động vật, tiêm dưới da calcitonin cho thỏ mang thai với liều gấp 14 – 56 lần liều khuyến cáo trên người đã làm giảm cân nặng của thỏ con khi sinh ra. Do calcitonin không qua nhau thai, nên ADR trên thai có thể do tác dụng của sản phẩm chuyển hóa của calcitonin. Chỉ dùng thuốc tiêm calcitonin cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cho mẹ lớn hơn nguy cơ cho thai nhi.
8 Thời kỳ cho con bú
Calcitonin ức chế tiết sữa ở động vật. Chưa biết liệu calcitonin có được phân bố vào sữa hay không. Cho đến nay vẫn chưa có các nghiên cứu xác định mức độ hấp thu calcitonin từ sữa ở trẻ bú mẹ. Không khuyến cáo dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR phụ thuộc vào liều, các triệu chứng thường gặp như đỏ bừng kiểu giãn mạch ở mặt và toàn thân, lạnh, viêm mũi, khó thở, buồn nôn có thể xảy ra ở 15 – 20% số người dùng thuốc, nhưng phần lớn không cần ngừng thuốc. Các triệu chứng này thường giảm dần khi tiếp tục điều trị. ADR nguy hiểm nhất là tăng tỷ lệ ung thư các loại do dùng calcitonin lâu dài (xem Thận trọng).
Thường gặp
Tim mạch: đỏ bừng, đỏ hoặc cảm giác châm kim ở mặt, ở tai, tay hoặc chân, tăng huyết áp.
Hô hấp: viêm mũi sung huyết, viêm xoang, viêm họng, co thắt phế quản, viêm đường hô hấp trên.
TKTW: trầm cảm, choáng váng, yếu mệt.
Thần kinh – cơ – xương: đau lưng, đau khớp, đau cơ, dị cảm.
Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy và chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, táo bón.
Mắt: viêm kết mạc, chảy nước mắt bất thường.
Da: ban đỏ.
Tại chỗ: phù ở chỗ tiêm.
Niệu – sinh dục: đái rắt, đa niệu, viêm bàng quang. Khác: hội chứng giống cúm, bệnh hạch bạch huyết.
Ít gặp
Tim mạch: hạ huyết áp, tim đập nhanh, phủ.
TKTW: ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, và hoa mắt.
Da: mày đay, và ngứa.
Hô hấp: thở ngắn.
Toàn thân: sốt.
Hiếm gặp
Sốc phản vệ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nên tiến hành thử phản ứng dị ứng ở da trước khi bắt đầu điều trị bằng calcitonin cho các bệnh nhân có nghi ngờ mẫn cảm với calcitonin hoặc có tiền sử dị ứng với các protein lạ. Phải sẵn sàng có ngay adrenalin để xử lý phản ứng có thể xảy ra.
Trong điều trị tăng calci huyết, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ calci huyết thanh, người bệnh nên dùng chế độ ăn ít calci và uống đủ nước.
Định kỳ theo dõi nồng độ phosphatase kiềm trong huyết thanh và lượng hydroxyprolin (nếu có thể) trong nước tiểu 24 giờ, đánh giá những triệu chứng của xương cho các bệnh nhân mắc chứng xương Paget để xác định hiệu quả và điều chỉnh liều dùng của calcitonin.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
0,5 mg calcitonin người tương đương 50 đvqt calcitonin cá hồi.
Tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch chậm. Dựa trên bằng chứng việc sử dụng lâu dài calcitonin làm tăng nguy cơ ung thư, thời gian điều trị ở tất cả các chỉ định cần được giới hạn ngắn nhất có thể và sử dụng ở mức liều thấp nhất mà vẫn có hiệu quả.
10.2 Liều dùng
Dự phòng mất xương cấp tính do bất động đột ngột, như bị gãy xương do loãng xương:
Người lớn: Liều khuyến cáo 100 đvạt, 1 lần/ngày hoặc 50 đvqt, 2 lần/ngày, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Giảm liều xuống 50 đvqt, 1 lần/ngày khi bệnh nhân bắt đầu có thể cử động.
Đợt điều trị được khuyến cáo kéo dài 2 tuần, tối đa là 4 tuần do tăng nguy cơ ung thư khi sử dụng lâu dài calcitonin.
Bệnh Paget:
Người lớn: Liều khuyến cáo 100 đvqt, 1 lần/ngày tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tuy nhiên mức liều tối thiểu 50 đvqt, 3 lần/tuần vẫn có hiệu quả sinh hóa và lâm sàng.
Mức liều nên được hiệu chỉnh phù hợp với tình trạng bệnh nhân. Việc điều trị nên kết thúc ngay sau khi bệnh nhân có đáp ứng và các triệu chứng thoái lui.
Thời gian điều trị thông thường tối đa là ba tháng do tăng nguy cơ ung thư khi sử dụng kéo dài calcitonin. Trong trường hợp ngoại lệ như bệnh nhân có khả năng bị gãy xương bệnh lý, thời gian điều trị có thể kéo dài tối đa 6 tháng.
Việc điều trị định kỳ có thể tiến hành ở các bệnh nhân nói trên sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ ung thư khi sử dụng lâu dài calcitonin.
Hiệu quả của calcitonin có thể được theo dõi bằng cách đánh giá các dấu hiệu tái cấu trúc xương, chẳng hạn như hoạt độ alkalin phosphatase huyết thanh hoặc nồng độ hydroxyprolin hoặcdeoxypyridinolin niệu.
Tăng calci huyết ác tính
Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp: Người lớn: 100 đvqt, mỗi 6 – 8 giờ (tối đa 400 đvqt/liều, trong mỗi 6 – 8 giờ), hiệu chỉnh liều theo đáp ứng.
Tiêm truyền tĩnh mạch: Người lớn: 10 đvqt/kg, trong các trường hợp nặng hoặc cấp cứu, tiêm truyền tĩnh mạch chậm trong thời gian trên 6 giờ.
Bệnh nhân suy thận: Do thuốc bị chuyển hóa chủ yếu ở thận do vậy cần giảm liều ở bệnh nhân suy thận.
11 Tương tác thuốc
Trong điều trị tăng calci huyết, dùng đồng thời calcitonin và những chế phẩm có chứa calci hoặc Vitamin D3 kể cả Calcifediol và Calcitriol có thể đối kháng với tác dụng của calcitonin. Trong điều trị những bệnh khác, phải dùng những chế phẩm có chứa calci và Vitamin D sau khi dùng calcitonin 4 giờ.
Calcitonin làm tăng hệ số thanh thải lithi ở thận, do đó cần theo dõi nồng độ lithi huyết thanh ở người bệnh khi bắt đầu dùng calcitonin.
Tránh dùng Ethanol trong khi dùng calcitonin, vì có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Do những ảnh hưởng trên nồng độ calci huyết thanh, cần hiệu chỉnh liều glycosid tim hoặc các thuốc chẹn kênh calci trên các bệnh nhân đang dùng calcitonin.
12 Tương kỵ
Tương tự các thuốc có bản chất peptid khác, calcitonin có thể được hấp phụ vào các dụng cụ bằng Nhựa dùng để tiêm truyền, do vậy dung dịch tiêm truyền nên chứa một số protein có tác dụng ngăn cản quá trình hấp phụ để tránh làm giảm tiềm lực của thuốc.
13 Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Quá liều calcitonin có thể gây hạ calci huyết. Triệu chứng của hạ calci huyết (nồng độ calci trong huyết thanh dưới 8 mg/dl) là tê cóng, cảm giác kim châm vùng xung quanh miệng, đầu ngón tay và ngón chân. Những dấu hiệu này có nguồn gốc thần kinh – cơ, bao gồm tăng phản xạ gân, dấu hiệu Chvostek dương tỉnh, chuột rút ở cơ và bụng, triệu chứng tương tự bệnh uốn ván với co cứng cổ tay, bàn chân, co giật (khi có thiếu hụt nặng), và kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ.
Xử trí: Khi hạ calci huyết xảy ra, phải ngừng điều trị calcitonin. Có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng cấp tính bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch calci gluconat hoặc Calci clorid. Người bệnh cần phải điều trị thay thế kéo dài, có thể uống calci lactat kèm theo vitamin D hoặc không.
Cập nhật lần cuối: 2017