Cải Xoong (Nasturtium officinale R. Br.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (Nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Brassicales (Cải)

Họ(familia)

Brassicaceae (Cải)

Chi(genus)

Nasturtium

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Nasturtium officinale R. Br.

Danh pháp đồng nghĩa

Rorippa nasturtium (Moench) Beck.

Cải Xoong (Nasturtium officinale R. Br.)

Cải xoong là loại rau có vị ngọt và có nhiều giá trị dinh dưỡng. Bên cạnh đoa, Cải xoong còn được biết đến với công dụng trị ho, chảy máu răng, viêm đường phế quản, ngộ độc cây nicotin. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc thông tin về cây cải xoong.

Hình 1: Cải xoong
Hình 1: Cải xoong

1 Tổng quan

1.1 Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cải xoong, Xà lách sơn, Đậu ban thái, Thủy điều thái, Tây dương thái, Phiắc cát nặm, Phiắc pháu (Tày).

Tên khoa học: Nasturtium officinale R. Br.

Tên đồng nghĩa: Rorippa nasturtium (Moench) Beck.

Họ: Brassicaceae (Cải).

1.2 Đặc điểm thực vật

Cải xoong là cây thân thảo sống lâu năm, thích sống ở nơi nước trong, dòng nước chảy nhẹ và liên tục. Thân Cải xoong dài từ 10 đến 40cm, thân màu xanh lục mọc rễ, bò.

Lá mọc so le, mọc kép như lông chim, trong đó bao gồm từ 1 tới 4 đôi lá chét. Lá chét của cải xoong có hình trứng, hình dạng không đều, lá nguyên hay hơi có khía tai bèo. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, nhỏ, màu trắng.

Quả khô, vỏ nứt thành 4 đường dọc thành hai mảnh khi chín, để vách giả cũ của bầu mang hạt lại ở giữa. Giác có cuống ngắn, mỏ ngắn ở đầu, có nhiều hạt bên trong. Toàn cây có mùi đặc biệt nhưng chỉ khi vò mới có mùi hơi đắng và hắc.

Hình 2: Đặc điểm Nasturtium Officinale r br
Hình 2: Đặc điểm Nasturtium Officinale r br

Vụ rau vào mùa đông xuân. Mùa ra hoa vào tháng 4 – 5. Cải xoong được sử dụng để làm thuốc thì hái trước khi ra hoa hoặc đang ra hoa.

1.3 Phân bố, thu hái, chế biến

Cải xoong được trồng khắp nơi ở Việt Nam và được sử dụng để nấu canh hay làm rau ăn sống.

Cải xoong mọc hoang dại trên các khu vực có khí hậu ôn đới hay nhiệt đới và thường chỉ dùng tươi.

1.4 Bộ phận sử dụng

Thân và lá.

2 Thành phần hoá học

Khi giã và ép lấy nước, Cải xoong tươi cho khoảng 70% dịch.

Trong Cải xoong có một hợp chất đắng,  sắt, phốt pho, iốt (1mg trong 100g) Vitamin C và một glycoside có tên là naturtioside khi vò nát hoặc nghiền nát. Naturtioside tiếp xúc với enzyme myrosine trong các tế bào khác tạo ra Senevol Phenylethylethyl, chất này khiến thuốc có mùi đặc biệt và có tác dụng chống ho. Tỷ lệ tinh dầu khoảng 0,05%.

Hình 3: Thành phần hóa học của Cải Xoong
Hình 3: Thành phần hóa học của Cải Xoong

3 Công dụng

3.1 Theo y học cổ truyền

Theo Đông y: Cải xoong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau thanh phế quản.

Cải xoong không những được dùng làm thức ăn mà còn được dùng làm thuốc chữa ho (lao phổi), viêm phế quản mãn tính, làm thuốc bổ chữa bệnh scocbut (chảy máu lợi).

Cải xoong có tác dụng thanh nhiệt cho phổi và dạ dày. Nó cũng có hiệu quả với chứng huyết nóng. Ngày hè nóng nực, người mệt mỏi nóng nảy: Cải xoong 60g, rửa sạch, đâm nát , thêm nước, lọc, cho thêm đường và uống. Cũng có thể xay sinh tố để uống.

Một số người dùng để chữa bệnh tiểu đường và các bệnh ngoài da, nhưng cần lưu ý rằng có một số người dùng Cải xoong hay bị đau bàng quang rất khó chịu.

Hình 4: Công dụng của Cải Xoong
Hình 4: Công dụng của Cải Xoong

3.2 Tác dụng dược lý

Thí nghiệm thấy nếu cho chuột bạch 1g Cải xoong mỗi ngày thì không mắc scocbut, bào chế thành thuốc tiêm và tiêm cho chuột thì thấy có tác dụng hạn chế sự phát triển bệnh ung thư thực nghiệm.

Cải xoong có cải thiện sự bài tiết của phổi do chứa chất senevol.

4 Liều dùng & cách dùng

60 – 150g rau tươi và ép lấy nước để uống. Nếu sắc, senevol sẽ bay hơi làm giảm tác dụng.

5 Bài thuốc có chứa Cải xoong

5.1 Phụ trợ trị lao phổi

Buổi sáng: Nấu canh bằng 150g Cải xoong và 150g phổi heo.

Buổi chiều: 100 g thịt bò xào tái ưn cùng Cải xoong trộn giấm.

Món ăn bài thuốc này vừa ngon miệng lại hỗ trợ làm mát phổi, giảm khó thở, tức ngực do đó nên ăn liên tục trọng  nhiều ngày.

5.2 Trị viêm phế quản

Sắc 150g Cải xoong, 50g lá Tía Tô, 5g Gừng tươi với ba chén nước để còn lại 1 chén. Uống 3 lần 1 ngày.

5.3 Nhuận phế hóa đờm

Những người luôn cảm thấy nóng trong phổi, ho nhiều đờm do phổi bị nhiệt, nên nấu canh Cải xoong cùng với quả la hán và thịt nạc, ăn hàng ngày.

Người lúc nào cũng cảm thấy nóng, nhất là vùng ngực và vùng dạ dày

Nấu Cải xoong chung với cà rốt rồi chắt nước uống.

5.4 Phụ trị tiểu đường

Ép mỗi loại 100g bao gồm Cải xoong, củ cải, Cần Tây, mùi tây, cà rốt, cải bắp lấy nước uống, giúp giảm được lượng đường. Ngoài ra 100g Cải xoong chỉ chứa 48calo, không lo tăng nhiệt lượng. Cải xoong cung cấp nhiều chất xơ, giúp người bệnh no hơn, giảm cảm giác thèm.

5.5 Trị ngoài da lở loét, rụng tóc

Đắp Cải xoong giã nát lên chỗ đau hoặc da đầu.

5.6 Trị phù thũng

Rau Cải xoong nấu cá chép trong bữa ăn hàng ngày.

5.7 Trị tàn nhang

Dùng 3 phần dịch Cải xoong cùng 1 phần Mật Ong khuấy đều, dùng vải mềm tẩm thuốc xoa ngày 2 lần sáng và chiều, để khô rồi rửa sạch.

5.8 Giúp cai nghiện thuốc lá

Người nghiện hút thuốc lá nên ăn nhiều Cải xoong.

Làm chắc chân răng và làm đỡ hôi miệng

Súc miệng bằng nước ép Cải xoong.

6 Tài liệu tham khảo

1. Những Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ờ Việt Nam (xuất bản năm 2006). Cải xoong trang 319-323, Những cây thuốc và động vật làm thuốc ờ Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.

2. Hamzeh Amiri và cộng sự (Ngày đăng: năm 2012). Volatile constituents and antioxidant activity of flowers, stems and leaves of Nasturtium officinale R. Br, Pubmed. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2023.

Để lại một bình luận