Cải Cúc (Rau Cúc, Tần Ô – Chrysanthemum coronarium L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Thực vật có mạch)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (Nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Asterales (Cúc)

Họ(familia)

Asteraceae (Cúc)

Chi(genus)

Chrysanthemum

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Chrysanthemum coronarium L.

Cải Cúc (Rau Cúc, Tần Ô - Chrysanthemum coronarium L.)

Cây Cải Cúc có tên khoa học là Chrysanthemum coronarium L. Cải Cúc thường được trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ, cây được sử dụng để làm thức ăn hoặc làm thuốc chữa ho. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cải Cúc

1 Rau Tần ô có tên gọi khác là gì?

Rau Cải cúc còn được gọi là rau Tần Ô hau rau cúc.

Tên khoa học: Chrysanthemum coronarium L.

Họ thực vật: Cúc Asteraceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh toàn bộ cây Cải Cúc
Hình ảnh toàn bộ cây Cải Cúc

Cải Cúc thuộc dạng cây thảo, sống theo năm. Thân cành mọc đứng và phân nhánh nhiều, chiều cao mỗi cây dao động khoảng 0,4 đến 0,6 mét, đôi khi lên đến 1 mét.

Cành có đặc điểm là mềm, non, những cành non có màu xanh lục, những cành già có màu nâu nhạt.

Lá cây mọc so le, phiến lá mọc dọc theo cuống. Phiến lá xẻ 2 lần lông chim, 2 mặt của lá Cải Cúc có bề mặt nhẵn, chiều dài khoảng 20cm, khi vò thấy có mùi thơm, hơi hắc.

Cụm hoa mọc riêng lẻ gồm hoa màu trắng hình lưỡi rồng ở bên ngoài, hoa màu vàng hình ống ở bên trong.

Lá bắc không đều, khô, thường xếp thành 2-4 hàng.

Quả bế, chiều dài quả khoảng 2-3mm.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 1 đến tháng 3.

1.2 Thu hái và chế biến

Hình ảnh lá cây Cải Cúc
Hình ảnh lá cây Cải Cúc

Bộ phận dùng: Lá và thân cây.

Thời điểm thu hái: Khi cần thiết.

Chế biến: Dùng tươi hoặc đem phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Đặc điểm thực vật của cây Cải Cúc
Đặc điểm thực vật của cây Cải Cúc

Cải Cúc phân bố gốc ở vùng Địa Trung Hải, sau này mới được du nhập sang các nước khác của Châu  u, Châu Á, Bắc Phi.

Ban đầu, mục đích trồng Cải Cúc sẽ khác nhau ở tùy khu vực như châu  u trồng làm cảnh, Trung Quốc và Nhật Bản trồng làm rau để ăn sống hay nấu canh.

Cải Cúc được du nhập vào nước ta không rõ thời điểm nào, hiện nay cây được tìm thấy ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Ở miền Nam, có thể tìm thấy Cải Cúc ở vùng khí hậu mát mẻ như Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cải Cúc vốn là loại cây trồng ngắn ngày, phát triển tốt trong những khu vực có thời tiết ẩm, ưa sáng. Cây có khả năng thích nghi được trên nhiều loại đất khác nhau. Cải Cúc khi được trồng ở nước ta đơm hoa kết trái tốt. Bên cạnh việc sử dụng làm rau nấu canh, Cải Cúc có thể được dùng để làm cảnh vì cây có hoa đẹp, mọc đều.

2 Thành phần hóa học

Cải Cúc có thể được trồng làm cảnh hoặc làm thức ăn
Cải Cúc có thể được trồng làm cảnh hoặc làm thức ăn

Trong thành phần của cây có chứa tinh dầu, các loại acid amin, cacbohidrat và một số thành phần khác.

3 Tác dụng – Công dụng của rau cải cúc

3.1 Rau tần ô có tác dụng gì?

Người dân Tây Ba Nha đã thử nghiệm tác dụng kháng khuẩn của 3 loại dịch chiết bao gồm dịch chiết nước, dịch chiết Ethanol và dịch chiết ether của thân, hoa, lá của cây. Kết quả cho thấy rằng, dịch chiết ethanol có tác dụng đối với Bacillus subtilis và Micrococcus luteus nhưng không có tác dụng đối với Escherichia coli.

Dịch chiết nước và dịch chiết ether không có tác dụng đối với các vi khuẩn này.

Cao chiết từ thân, lá, hoa không có tác dụng đối với các loại thực khuẩn thể.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Lá cây Cải Cúc
Lá cây Cải Cúc

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Ngọt, nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát.

Tác dụng: Kích thích ăn ngon, trừ đờm, cải thiện tiêu hóa, tán phong nhiệt.

3.2.2 Công dụng

Cải Cúc được sử dụng để chữa ho lâu ngày, nhức đầu, đau mắt.

Người dân Ấn Độ còn sử dụng Cải Cúc kết hợp với Hồ tiêu để chữa lậu. Hoa của cây Cải Cúc được sử dụng thay thế bị Đương Cam Cúc, có tác dụng như một chất thơm và lợi tiêu hóa với liều dùng được khuyến cáo là 30 đến 50g dạng thuốc pha, thuốc sắc hoặc có thể rửa sạch ăn sống.

3.3 Tác hại của rau Tần ô (Cải cúc)

Cải cúc hay tần ô được sử dụng làm rau tương đối phổ biến. Tuy nhiên, một số người có thể gặp tình trạng buồn nôn, đau đầu, nôn khi sử dụng loại rau này để ăn hay làm thuốc uống. Cần thông báo với bác sĩ để tránh những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.

3.4 Những ai không nên ăn rau Cải cúc?

Rau cải cúc có tính mát, giúp cải thiện tiêu hóa, tuy nhiên, dược liệu này không nên sử dụng cho người tiêu chảy, lạnh bụng vì có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.

3.5 Bầu mấy tháng ăn được rau cải cúc?

Bầu 3 tháng ăn được rau cải cúc không? là câu hỏi mà nhiều mẹ bầu thắc mắc. Cải cúc hay Tần ô là loại rau chứa nhiều vitamin, giúp cung cấp chất xơ hạn chế nguy cơ táo bón ở mẹ bầu. Do đó, mẹ hoàn toàn có thể sử dụng rau cải cúc trong các bữa ăn, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều để tránh nguy cơ xuất hiện các phản ứng không mong muốn.

3.6 Rau Tần ô (Cải cúc) kỵ với gì?

Không nên sử dụng rau tần ô cho trẻ dưới 1 tuổi, người cao huyết áp.

4 Một số cách trị bệnh từ rau Cải cúc (Tần ô)

4.1 Chữa ho cho trẻ

6g lá Cải Cúc, đem thái nhỏ, sau đó thêm Mật Ong hoặc đường, đem hấp hỗn hợp cho đến khi tiết nước ra, sử dụng nước này chia làm nhiều lần uống trong ngày.

4.2 Chữa ăn uống kém, đau mắt, viêm họng

Sử dụng Cải Cúc để ăn sống hoặc nấu canh.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cải Cúc, trang 314-315. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2024.

Để lại một bình luận