Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (Nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Solanales (Cà) |
Họ(familia) |
Solanaceae (Cà) |
Chi(genus) |
Datura |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Datura metel L. |
Cà độc dược được sử dụng rộng rãi bởi công dụng trị ho, trừ suyễn, chống nôn. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Cà độc dược thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Cà độc dược
Cà độc dược còn có tên gọi khác là Mạn đà la, Cà dược, Cà diên, mọc ở khắp mọi nơi, thích hợp nhất ở đất hoang, mùn, ẩm ướt.
Tên khoa học của Cà độc dược là Datura metel L., thuộc họ Cà (Solanaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Cà độc dược.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo cao đến 2m, sống hàng năm, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều.
Hoa to, thường mọc đơn độc, hướng lên trên, đôi khi xếp thành từng đôi ở nách lá; đài hoa dính liền nhau, hình ống, màu xanh, phía trên có 5 răng; cánh hoa màu trắng hoặc phớt tím, dính liền nhau thành hình phễu dài đến 20cm nhưng vẫn thấy 5 thùy; có 5 nhị đính trên cánh hoa; bầu trên, có hai lá noãn, hàn liền nhau, chứa nhiều noãn. Quả hình cầu màu xanh lục, đường kính 3cm, có nhiều gai mềm mỏng ở mặt ngoài, khi quả chín tách thành 4 mảnh, bên trong chứa nhiều hạt nhăn nheo, màu nâu nhạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, hoa, đôi khi dùng cả hạt.
Lá được thu hái quanh năm, nhất là khi cây sắp hoặc đang ra hoa (tháng 5-6 trở đi), sau đó phơi hoặc sấy khô, đôi khi dùng tươi. Hoa thu hái vào mùa thu (tháng 8-10) rồi phơi hoặc sấy khô. Hạt lấy từ quả chín, phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, hiện có ở Campuchia, Lào, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, các nước nhiệt đới châu Phi. Tại Việt Nam, cây được trồng và mọc hoang ở Sơn La, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa tới TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
2 Thành phần hóa học
Nhiều loại alkaloid khác nhau được tìm thấy trong toàn bộ cây Cà độc dược, chúng tăng dần theo độ tuổi của cây. Thành phần chính của cây là một số lượng lớn các alkaloid tropan (hyoscyamine, hyoscine, littorine, acetoxytropine, valtropine, fastusine, fastusinine), một số withanolide và các este trigloyl khác nhau của tropine và pseudotropine. Calystegines, các nortropane alkaloid có hoạt tính ức chế glycosidase, cũng đã được tìm thấy ở nhiều loài Datura khác nhau. Rễ chứa lượng Atropine cao hơn so với các bộ phận khác. Các bộ phận trên mặt đất thường tích lũy lượng Scopolamine tương đối cao hơn và lượng atropine tương đối thấp hơn so với rễ của cây.
Hyoscyamine và scopolamine là hai loại thuốc gây mê, chống co thắt và kháng cholinergic quan trọng về mặt thương mại, cũng là hai loại alkaloid quan trọng nhất được sản xuất trong rễ và sau đó được chuyển đến các bộ phận trên mặt đất của cây Cà độc dược.
Withanolides được phân lập từ Cà độc dược là một nhóm các lactone steroid, có thể ức chế sự tăng sinh tế bào khối u và sự hình thành mạch. Ba glycoside withanolide có tên daturametelins, cùng với hai loại đã biết, daturataturin và 7,27-dihydroxy-1-oxowitha-2,5,24-trienolide, được phân lập từ chiết xuất metanol của các bộ phận trên mặt đất của Cà độc dược.
Hạt Cà độc dược đã được phân tích để tìm các axit béo và các hợp chất hoạt tính sinh học hòa tan trong chất béo. Lượng lipid tổng số trong hạt Cà độc dược là 55 g/kg trọng lượng và chủ yếu là axit linoleic, tiếp theo là axit oleic, palmitic và stearic. Chiết xuất n-hexane thô được đặc trưng bởi một lượng phytosterol tương đối cao cùng với stigmasterol,-sitosterol, lanosterol, ∆5-avenasterol và sitostanol. Trong chiết xuất này, γ-tocopherol là thành phần chính chiếm hơn 80% tổng số tocopherol được phát hiện. dịch chiết n-hexan của hạt Cà độc dược chỉ có thể dập tắt 40 % gốc DPPH. Hạt Cà độc dược chứa một lượng dầu đáng kể và có thể là nguồn cung cấp axit béo thiết yếu và các hoạt chất sinh học hòa tan trong lipid. Sự hiện diện của tocopherol và sterol có thể có tầm quan trọng về y học đối với con người.
Bộ phận | Thành phần hóa học |
Lá | Atropine, hyoscyamine và scopolamine, l-oxo-21,24S-epoxy-(20S,22S-witha-2,5,25-trienolide, pyrrole derivative (2′-(3,4-dimethyl-2,5-dihydro-1Hpyrrol-2-yl)-1′-methylethyl pentanoate) |
Hạt | Hyoscyamine, daturanolone và fastusic acid cùng nhiều tropane alkaloid khác |
Rễ | Hyoscyamine, 3α,6β-Ditigloyloxytropane, 3α, 6β-ditigloyloxytropan-7β-ol, tigloidine, apohyoscine, hyoscine, 3α-tigloyloxytropane, norhyoscine, meteloidine, hyoscyamine, cuscohygrine và tropine |
Hoa | Withanolide (baimantuoluoline A, B, C và withafastuosin E và withametelin C), withametelins I, J, K, L, M, N, O, P, 12β-hydroxy-1,10-seco-withametelin B và 1,10-seco-withametelin B |
Quả | β-sitosterol, triterpene, daturanolone và daturadiol |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bạch đàn – Vị thuốc trị cảm lạnh, giúp thông thoáng đường thở
3 Cà độc dược có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Trị viêm khớp dạng thấp
Hoạt tính ức chế xanthine oxidase đã được thử nghiệm. Hơn 50% hoạt tính ức chế xanthine oxidase (trong ống nghiệm) đã được quan sát thấy trong dịch chiết metanol của Cà độc dược, hoạt tính này có thể so sánh với thuốc chống gút tiêu chuẩn, Allopurinol. Dịch chiết bằng metanol cũng đã được sàng lọc về hoạt tính giảm axit uric máu in vivo chống lại chứng tăng axit uric máu do Kali oxonate gây ra ở chuột và dịch chiết được cho là có hiệu quả.
3.1.2 Hoạt động kháng nấm
Các phần hexane, chloroform, acetone và methanolic đã được nghiên cứu về đặc tính kháng nấm, bao gồm cả ba loài Aspergilli (A.fumigatus, A.flavus và A.niger). Một hợp chất mới được phát hiện là có hoạt tính chống lại tất cả các loài được thử nghiệm, cụ thể là Candida albicans, C.tropicalis, A.fumigatus, A.flavus và A.niger. Dịch chiết nước và metanol được đánh giá trong ống nghiệm chống lại Ascochyta rabiei.
3.1.3 Hoạt tính kháng khuẩn
Chiết xuất nước và Ethanol thô của lá, vỏ thân và rễ của Cà độc dược đã được nghiên cứu chống lại tám chủng vi khuẩn lâm sàng (Streptococcus betahemolytic, S. dysenteriae Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Bacillus cereus và Salmonella typhi). Chiết xuất lá và vỏ thân đối kháng với các loài vi khuẩn thử nghiệm có vùng ức chế và S.aureus bị ức chế nhiều nhất chủ yếu với dịch chiết ethanol.
3.1.4 Hoạt động hạ đường huyết
Hạt của Cà độc dược đã được nghiên cứu về hoạt động hạ đường huyết ở chuột bạch tạng Wistar bình thường và chuột mắc bệnh tiểu đường. Tình trạng hạ đường huyết phụ thuộc vào liều lượng đã được quan sát thấy ở động vật được điều trị. Do đó, việc sử dụng hạt Cà độc dược trong dân gian để kiểm soát bệnh tiểu đường có thể được xác nhận.
3.1.5 Hoạt động chống oxy hóa
Các chiết xuất nước của lá, vỏ thân và rễ của Cà độc dược cho thấy các hoạt động hóa học và chống oxy hóa. Chiết xuất nước của cây cho thấy hoạt tính chống oxy hóa trong khoảng 49,30-23,82% và có thể coi cây là nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cam thảo – Trị cảm, ho, viêm họng, sâu răng và đau dạ dày hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Hoa Cà độc dược có tính ôn, vị cay, có độc, quy vào kinh phế, có tác dụng trừ suyễn, giảm ho, giảm đau. chống co thắt.
Trong đông y, Cà độc dược được dùng trong trị ho, suyễn thở, ngực bụng lạnh đau, giảm đau dạ dày, ruột và các cơn đau khác, phong thấp, trẻ em cam tích, chống say, chống nôn mửa, đau thần kinh tọa, đau răng, động kinh, lòi dom. Dùng ngoài trị mụn nhọt.
4 Các bài thuốc từ cây Cà độc dược
4.1 Điều trị đau nhức xương khớp
Dùng cành, lá, hoa và rễ cây cà độc dược đem rửa sạch, phơi khô và ngâm với rượu trong 10 ngày. Khi dùng lấy rượu để xoa bóp lên cùng xương khớp bị đau mỗi ngày.
4.2 Trị đau thần kinh tọa
Dùng 1 nắm lá cà độc dược đem hơ trên lửa rồi đắp lên vùng bị đau nhức 1 lần mỗi ngày, dùng trong 7 ngày tới khi giảm đau hẳn.
4.3 Chữa hen suyễn và ho
Dùng lá Cà độc dược rửa sạch, thái nhỏ, phơi đến khô, bọc vào giấy rồi cuộn lại như điếu thuốc và hút, liều 1g lá khô mỗi ngày, nếu có biểu hiện nhiễm độc cần dừng ngay.
4.4 Trị mụn nhọt gây sưng đau
Dùng lá Cà độc dược ngâm rượu, đắp lên nốt mụn, giúp giảm sưng và đau.
4.5 Trị nôn mửa
Rửa sạch lá Cà độc dược, đem đi ngâm rượu rồi uống mỗi ngày 15ml.
4.6 Chữa viêm xoang
Rửa sạch 3-4 ;á Cà độc dược, cho vào vỏ lon sữa bột rỗng, đậy kín, đun lửa nhỏ tới khi thấy có khói bay lên. Dùng giấy hoặc bìa cuốn thành hình phễu hoặc dùng phễu Nhựa úp phần to lên miệng lon hứng lấy khói, phần nhỏ của phễu đưa hướng vào mũi, hít lấy khói và thở bằng miệng trong vòng 3-6 phút, làm 2 lần mỗi ngày trong vòng 1 tháng sẽ thấy đỡ.
5 Một số lưu ý khi sử dụng Cà độc dược
5.1 Cà độc dược có ăn được không?
Không nên sử dụng Cà độc dược làm thức ăn vì rất dễ gây ngộ độc nếu chế biến không đúng cách, nhiều trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu vì lý do này.
5.2 Tác hại của Cà độc dược
Cây Cà độc dược có độc không? Cà độc dược chứa nhiều alkaloid, có độc, nếu ngộ độc nhẹ sẽ bị khô miệng, nhịp chậm, giảm tiết mồ hôi, trường hợp nặng hơn có thể gặp nhịp nhanh, giãn đồng tử, mê sảng, hôn mê… Lá có độc, khi trúng độc cần được giải bằng đường vàng và Cam thảo.
Ngoài ra, những người bị tăng nhãn áp cũng không nên sử dụng chế phẩm có Cà độc dược.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Khaton M Monira, Shaik M Munan (Ngày đăng 10 tháng 4 năm 2012). Review on Datura metel: A potential medicinal plant, ResearchGate. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Cà độc dược trang 96-97, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2023.
3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cà độc dược trang 284-285, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2023.