Brinzolamid

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

BRINZOLAMID 

Tên chung quốc tế: Brinzolamide. 

Mã ATC: S01EC04. 

Loại thuốc: Thuốc điều trị tăng nhãn áp và co đồng tử, thuốc ức chế carbonic anhydrase. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Hỗn dịch nhỏ mắt: 10 mg/ml. 

2 Dược lực học  

Carbonic anhydrase (CA) là một enzym được tìm thấy trong nhiều mô của cơ thể bao gồm cả mắt. Carbonic anhydrase xúc tác cho phản ứng thuận nghịch liên quan đến quá trình hydrat hóa CO2 và dehydrat hóa H2CO3 

CO2 + H2O → H2CO3 

H2CO3 → H+ + HCO

Ức chế CA trong mắt làm giảm bài tiết thủy dịch do làm chậm hình thành HCO3, cản trở vận chuyển Na+ và thủy dịch. Kết quả làm giảm nhãn áp, giảm yếu tố nguy cơ cho bệnh lý nhãn khoa như tổn thương thần kinh thị giác và mất thị lực. Brinzolamid là một chất ức chế đặc hiệu carbonic anhydrase II (CA-II), một isoenzym chủ yếu trong mắt, do vậy có tác dụng làm giảm bài tiết thủy dịch và giảm nhãn áp. 

3 Dược động học 

Hấp thu: Sau khi nhỏ mắt, brinzolamid có thể được hấp thu vào hệ thống tuần hoàn chung. 

Phân bố: Do ái lực cao với CA-II, brinzolamid phân bố chủ yếu trong hồng cầu. Thuốc gắn với protein huyết tương khoảng 60%. 

Chuyển hóa: Trong cơ thể, brinzolamid chuyển hóa thành N-desethylbrinzolamid, sản phẩm chuyển hóa còn hoạt tính. N-desethylbrinzolamid chủ yếu gắn với CA-I và tích lũy trong hồng cầu. Nồng độ của cả brinzolamid và N-desethylbrinzolamid trong huyết tương rất thấp (< 7,5 nanogam/ml) dưới mức có thể phát hiện. 

Thải trừ: Brinzolamid thải trừ chủ yếu theo cơ chế bài tiết ở thận (xấp xỉ 60%). Khoảng 20% liều ban đầu thải trừ vào nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa. Brinzolamid và N-desethylbrinzolamid là các thành phần chủ yếu trong nước tiểu cùng với < 1% các chất chuyển hóa khác N-desmethoxypropyl và O-desmethyl. Brinzolamid có nửa đời thải trừ dài vào khoảng 24 tuần. 

4 Chỉ định 

Hạ nhãn áp trong glôcôm góc mở. 

Tăng nhãn áp chống chỉ định hoặc không đáp ứng với các thuốc chẹn beta-adrenergic.  

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với brinzolamid. 

Tiền sử quá mẫn với các sulfonamid. 

Suy thận nặng. 

Nhiễm toan chuyển hóa tăng clorid huyết. 

6 Thận trọng 

Thuốc có thể được hấp thu toàn thân và gây ra ADR tương tự các sulfonamid khi sử dụng dưới dạng thuốc nhỏ mắt. 

Thuốc có thể gây nhiễm toan chuyển hóa do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân suy thận, trẻ sinh non hoặc dưới 1 tuần tuổi, bệnh nhân có ống thận chưa hoàn thiện hoặc bất thường. 

Các thuốc ức chế carbonic anhydrase có thể làm giảm khả năng thực hiện các công việc cần tỉnh táo hoặc phối hợp thể lực.

Brinzolamid dùng tại chỗ có thể hấp thu toàn thân và gây ra các tác dụng tương tự, do vậy cẩn thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân trên. Thận trọng khi sử dụng brinzolamid trên các bệnh nhân đang dùng các thuốc ức chế carbonic anhydrase đường uống do có thể làm tăng ADR toàn thân. 

Thận trọng khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân tăng nhãn áp giả bong bao và glôcôm sắc tố. Theo dõi chặt chẽ áp suất thủy dịch trên các bệnh nhân này. Không khuyến cáo sử dụng thuốc trên các bệnh nhân glôcôm góc đóng.

Thận trọng và theo dõi chặt chẽ bệnh nhân khi sử dụng thuốc trên các bệnh nhân có giác mạc bị tổn thương như bệnh nhân đái tháo đường hoặc loạn dưỡng giác mạc, đặc biệt trên bệnh nhân sử dụng kính áp tròng, do ảnh hưởng của thuốc lên chức năng tế bào nội mô của giác mạc chưa được nghiên cứu. Các thuốc ức chế carbonic anhydrase có thể ảnh hưởng đến quá trình hydrat hóa giác mạc, đeo kính áp tròng có thể làm tăng nguy cơ này. 

Các chế phẩm nhỏ mắt có chứa Benzalkonium có thể gây kích ứng mắt và làm mất màu kính áp tròng. Tránh để thuốc tiếp xúc với kính áp tròng. Bệnh nhân nên tháo kính áp tròng trước khi nhỏ thuốc, chi nên đeo lại kinh ít nhất 15 phút sau khi nhỏ thuốc. 

Hiệu quả và tính an toàn của brinzolamid ở trẻ em từ 0 – 17 tuổi chưa được chứng minh. Không khuyến cáo dùng thuốc trên trẻ em. 

7 Thời kỳ mang thai 

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây độc tính trên sinh sản khi dùng theo đường toàn thân. Chưa đủ dữ liệu về việc sử dụng brinzolamid dạng nhỏ mắt trên phụ nữ mang thai. Không khuyến cáo dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa rõ liệu brinzolamid hoặc các sản phẩm chuyển hóa của nó có được bài tiết vào sữa mẹ khi dùng dưới dạng nhỏ mắt hay không. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc được bài tiết vào sữa một lượng nhỏ sau khi dùng theo đường uống. Do không thể loại trừ nguy cơ của thuốc với trẻ bú mẹ, việc dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ cho con bú cần được cân nhắc dựa trên lợi ích – nguy cơ. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Thường gặp 

Mắt: nhìn mờ, kích ứng mắt, đau mắt, sung huyết mắt, thay đổi thị lực. 

Tiêu hóa: rối loạn vị giác. 

Ít gặp 

Nhiễm trùng: viêm mũi, viêm họng, viêm xoang. 

Máu và hạch lympho: giảm hồng cầu, tăng clorid huyết. 

Tâm – thần kinh: lãnh đạm, trầm cảm, giảm ham muốn tình dục, ác mộng, lo âu, hoảng sợ, rối loạn vận động, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu, dị cảm. 

Mất: lắng cặn trên giác mạc, viêm giác mạc, viêm giác mạc đốm, bệnh giác mạc, đổi màu giác mạc, rối loạn biểu mô giác mạc, viêm bờ mi, ngứa mắt, viêm kết mạc, sưng mắt, viêm tuyến meibomian, chói mắt, sợ ánh sáng, viêm kết mạc dị ứng, mộng thịt ở mắt, thay đổi sắc tố củng mạc, mỏi mắt, cảm giác bất thường trong mắt, khô mắt, mang dưới kết mạc, sung huyết kết mạc, ngứa mi mắt, rỉ mắt, tăng tiết nước mắt, mi mắt đóng vảy. 

Tim mạch: suy tim – phổi, nhịp tim chậm, hồi hộp. 

Hô hấp: khó thở, chảy máu cam, đau miệng – họng, đau họng – thanh quản, kích ứng họng, hội chứng ho mạn tính do bệnh lý đường hô hấp trên, chảy nước mũi, hắt hơi. 

Tiêu hóa: viêm thực quản, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đau bụng trên, khó chịu trong bụng – dạ dày, đầy hơi, tăng nhu động ruột, rối loạn dạ dày – ruột, giảm xúc giác, cảm giác khác thường trong miệng, khô miệng. 

Da: ban đỏ, ban dát sẩn, căng da. 

Cơ – xương – khớp: đau lưng, co thắt cơ, đau cơ. 

Thận: đau thận. 

Sinh sản: rối loạn cương dương. 

Toàn thân và tại vị trí đưa thuốc: đau, khó chịu trên ngực, mệt mỏi, cảm giác bất thường. 

Tổn thương, ngộ độc và biến chứng: dị vật trong mắt. 

Hiếm gặp 

Tâm – thần kinh: mất ngủ, suy giảm trí nhớ, ngủ mơ màng. 

Mắt: phủ giác mạc, song thị, giảm thị lực, lóa mắt, giảm xúc giác trên mắt, phù quanh hốc mắt, tăng nhãn áp, tăng tỉ lệ lõm/đĩa của dây thần kinh thị giác. 

Tai: ù tai. 

Tim mạch, hô hấp: đau thắt ngực, nhịp tim bất thường, phế quản kích thích, tắc nghẽn đường hô hấp trên, tắc nghẽn xoang, nghẹt mũi, ho, khô mũi. 

Da: mày đay, rụng tóc, ngứa toàn thân. 

Toàn thân và tại vị trí đưa thuốc: đau ngực, cảm giác bồn chồn, suy nhược, kích thích. 

Chưa xác định được tần suất 

Viêm mũi, quá mẫn, chán ăn, run, giảm xúc giác, mất vị giác, rối loạn giác mạc, rối loạn tầm nhìn, dị ứng mắt, rụng lông mi, rối loạn mi mắt, đỏ mi mắt, chóng mặt, loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, tăng/ giảm huyết áp, tăng nhịp tim, hen, bất thường chức năng gan, viêm da, ban đỏ, đau khớp, đau chi, đái rát, phủ ngoại vi, khó chịu. 

Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Ngừng thuốc khi xuất hiện các ADR nặng hoặc phản ứng quá mẫn. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng

Lắc đều chai thuốc trước khi sử dụng. Nhỏ thuốc vào túi kết mạc của mắt cần điều trị. Sau khi nhỏ thuốc nên nhắm mắt lại trong vòng 1 – 2 phút, điều này có thể làm giảm lượng thuốc hấp thu, làm giảm ADR toàn thân. Nếu sử dụng nhiều hơn 1 thuốc nhỏ mắt, cần đưa các thuốc cách nhau ít nhất 10 phút. 

10.2 Liều dùng 

Người lớn: Nhỏ 1 giọt vào túi kết mạc của mắt cần điều trị, 2 lần/ngày. Có thể tăng liều đến 3 lần/ngày nếu cần. 

Bệnh nhân suy thận: Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình. Brinzolamid và sản phẩm chuyển hóa chính của thuốc thải trừ chủ yếu qua thận. Do vậy chống chi định dùng thuốc trên bệnh nhân suy thận nặng (Clcr < 30 ml/phút). 

Bệnh nhân suy gan: Brinzolamid chưa được nghiên cứu trên bệnh nhân suy gan. Thận trọng khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy gan. 

Trẻ em: Hiệu quả và tính an toàn của thuốc cho trẻ < 17 tuổi chưa được chứng minh. Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ em. 

11 Tương tác thuốc 

Các thuốc ức chế carbonic anhydrase đường uống: Thận trọng khi phối hợp do có thể gây rối loạn thăng bằng acid – base. 

Các thuốc ức chế CYP3A4 (ketoconazol, itraconazol, clotrimazol, ritonavir và troleandomycin) có thể gây ức chế chuyển hóa của brinzolamid, cần thận trọng khi phối hợp. 

12 Quá liều và xử trí 

Triệu chứng: Mất cân bằng điện giải, toan hóa máu, ADR trên thần kinh có thể xảy ra. 

Xử trí: Chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Cần kiểm soát nồng độ các chất điện giải trong máu đặc biệt là Kali và pH máu. 

Cập nhật lần cuối: 2019

Để lại một bình luận