Bồ Đề (An Tức Hương -Styrax tonkinensis)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật) 

  Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (Nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Ericales (Đỗ quyên)

Họ(familia)

Styracaceae (An tức hương)

Chi(genus)

Styrax

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Styrax tonkinensis

Bồ Đề (An Tức Hương -Styrax tonkinensis)

Bồ đề (An Tức Hương) được sử dụng rộng rãi bởi công dụng trị hen suyễn, giảm đau. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Bồ đề thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Bồ đề

Bồ đề còn có tên gọi khác là Bồ đề trắng, mọc rải rác trong rừng thứ sinh, ở độ cao 1000-1800m.

Tên khoa học của Bồ đề là Styrax tonkinensis, thuộc họ Bồ đề (Styracaceae). Dưới đây là hình ảnh quả Bồ đề cũng như cây, lá và hoa.

Nhựa cây còn được gọi là An Tức Hương, được để khô, lấy ở thân cây Bồ Đề với tên khoa học là Stryrax tonkinensis (Pierre) Craib.ex Hardw.

Hình ảnh cây Bồ đề
Hình ảnh cây Bồ đề

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ cao tới 20m, có thân gỗ cành cao 15m và chu vi 130m. Nhánh hình trụ, màu nâu vàng, phủ lông hình sao màu hung vàng, rồi nhẵn. Lá hình trứng hoặc hình trứng thuôn, dai 4,5-13cm, rộng 2-8cm, gốc gần tròn hoặc hơi nhọn, chóp có mũi nhọn, mép nguyên hay hơi có răng, mặt trên màu xanh, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc; gân bên 7-9 đôi, lồi ở mặt dưới; cuống lá dài 6-15mm. 

Cụm hoa mọc ở nách lá hay ở ngọn thành hình chùy phân nhánh dài tới 15cm. Lá bắc và lá bắc con hình dải, dễ rụng. Hoa nhiều, màu trắng dài 12-15mm, có cuống 3-5mm. Đài hình chén, phủ đầy lông hình sao, có 5 răng. Tràng có ống dài 2,5-3mm, có 5 thùy lợp, hình trứng – ngọn giáo, có lông hình sao màu vàng. Bầu hình trứng. Nhị dài bằng ⅔ các thùy của tràng. Quả hình trứng, dài 1-2cm, rộng 5-7mm, phủ lông hình sao màu xám, mở bởi 3 van. Hạt 1, ít khi 2, vỏ sần sùi lỗ tổ ong, dày, màu cam.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Nhựa cây, được gọi là An tức hương; đôi khi dùng lá.

Nhựa được thu thập thông qua các vết cắt sâu trên cành lớn và thân cây, đông đặc thành phiến màu vàng dễ gãy, mùi vani.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và được trồng ở Lâm Đồng. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia.

2 Thành phần hóa học

Hiện có khá ít nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của cây Bồ đề. Nhựa chứa 60-80% benzoat coniferyl, 2% cinnamat benzyl, 10-20% Acid benzoic tự do, acid hydroxy-19 oleanolic và các vết nanillin.

Triterpenoid cũng là nhóm hợp chất được tìm thấy nhiều trong nhựa Bồ đề, bao gồm 6beta-hydroxy-3-oxo-11alpha,12alpha-epoxyolean-28,13beta-olide; 3beta,6beta-dihydroxy-11alpha,12alpha-epoxyolean-28,13beta-olide; 3beta, 6beta-dihydroxy-11-oxo-olean-12-en-28-oic acid; 3beta-hydroxy-12-oxo-13Halpha-olean-28,19beta-olide; 19alpha -hydroxy-3-oxo-olean-12-en-28-oic acid; 6beta-hydroxy-3-oxo-olean-12-en-28-oic acid; sumaresinolic acid, siaresinolic axit, axit oleanolic; 3b,6b-dihydroxy-12-oxo13Ha-olean-28,19b-olide và 3-oxoolean-11,13(18)-dien-28,19b-olide.

Các neolignan cũng đã được phân lập trong nhựa Bồ đề, trong đó có tonkinensisin A, B và C. Cuối cùng, các hợp chất thơm được xác định trong nhựa Bồ đề gồm có axit benzoic, vanillin, dehydrodivanillin, axit vanillic, aldehyde coniferyl, trans-(tetrahydro-2-(4-hydroxy-3-metoxyphenyl)-5-oxofuran-3-yl)metyl benzoat và 3-(4-hydroxy-3-metoxyphenyl)-2- oxopropyl benzoat.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bạc hà – Thông tin về đặc điểm, tác dụng và cách dùng 

3 Tác dụng – Công dụng của Bồ đề

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống khối u

Các nghiên cứu đã xác định hoạt tính gây độc tế bào đối với năm dòng tế bào khối u (HepG-2, A549, Hela, MCF-7 và PC-3) của chiết xuất nhựa Bồ đề. Kết quả cho thấy nhựa này có hiệu quả trong việc chống lại các dòng tế bào khối u, được biết là nhờ tác dụng của neolignan và các triterpenoid.

3.1.2 Bảo vệ thần kinh và não bộ

Benzoinum từ Bồ đề có thể cải thiện đáng kể điểm chức năng thần kinh và giảm tỷ lệ nhồi máu não cũng như chỉ số tế bào biến tính. Ngoài ra, benzoinum làm giảm bớt sự thay đổi hình thái bệnh lý và quá trình chết theo chương trình trong mô não của chuột thiếu máu não do tắc động mạch não giữa. Kết quả biểu hiện hóa mô miễn dịch cho thấy benzoinum có thể có tác dụng bảo vệ thần kinh. Ngoài ra, Bcl2 tăng cường benzoinum, giảm Bax và Bax/Bcl-2 và Caspase 3, gợi ý rằng benzoinum cung cấp tác dụng bảo vệ thần kinh bằng cách ức chế quá trình chết theo chương trình của tế bào. Những phát hiện này cung cấp một loại thuốc đầy hứa hẹn để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Nhựa Bồ đề giúp an thần, dưỡng tâm, trị ho hen
Nhựa Bồ đề giúp an thần, dưỡng tâm, trị ho hen

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bạch đàn – Vị thuốc trị cảm lạnh, giúp thông thoáng đường thở

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Nhựa Bồ đề có tính ấm, vị cay, đắng, quy vào kinh tâm, tỳ, phế, có tác dụng khai khiếu trấn tĩnh, khư hủ sinh cơ, chỉ khái.

Trong đông y, An tức hương được dùng trong trị sản hậu huyết vựng, tâm phúc đông thống, trẻ em kinh giản, phong thấp đau lưng, trúng phong hôn mê, suyễn khan, cảm mạo, trúng thử, đau dạ dày và ngoại thương xuất huyết. Lá dùng trị ho do phế nhiệt.

4 Các bài thuốc từ cây Bồ đề

4.1 Chữa ho, viêm phế quản mạn tính

Dùng An tức hương pha thành siro hoặc luyện thành viên hoàn để uống.

4.2 Chữa trúng phong hôn mê, nhức đầu hoặc đau bụng lạnh dạ, thổ tả

An tức hương 2-4g sắc vài dạo, chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Hoặc mài 1-2g nhựa Bồ đề hòa với rượu uống dần.

4.3 Chữa vết thương, nẻ vú

An tức hương ngâm cồn bôi hoặc mài với Mật Ong bôi lên vết thương.

4.4 Chữa viêm nha chu

Dùng An tức hương hòa với rượu rồi ngậm 1 lúc xong nhổ bỏ. Hoặc dùng lá Bồ đề tươi rửa sạch, giã nát lấy nước ngậm hoặc súc miệng giúp giảm đau răng.

4.5 Trị chứng lãnh khí, hàn thấp hoặc hoắc loạn thế âm

Nguyên liệu: An tức hương 4g, Nhân Sâm, Phụ tử mỗi vị 8g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày tới khi bệnh thuyên giảm.

4.6 Chữa tức ngực, đau bụng do đầy hơi

Nguyên liệu: Bồ đề, Đại Hồi, hoắc hương, Hương Phụ, sa nhân, Mộc Hương và Cam Thảo, mỗi vị 9g; Trầm hương, Đinh Hương mỗi vị 6g.

Cách làm: Tán thành bột, luyện với mật ong làm viên hoàn, mỗi lần uống 3-4g với nước sắc lá Tía Tô.

4.7 Bột An tức hương chữa chứng tim bỗng nhiên đập nhanh, đau hoặc hồi hộp

An tức hương nghiền thành bột mịn, mỗi ngày uống 2g cùng nước sôi.

Bột An tức hương giúp dưỡng tâm, an thần
Bột An tức hương giúp dưỡng tâm, an thần

4.8 Chữa cấm khẩu, huyết vận hoặc huyết trướng ở phụ nữ sau sinh

Nguyên liệu: Nhựa Bồ đề 4g, Thủy phi 20g.

Cách làm: Tán thành bột mịn, khi dùng sắc một chút nước Gừng rồi pha với 4g bột này để uống.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Qian Xie và cộng sự (Ngày đăng 3 tháng 9 năm 2020). Benzoinum from Styrax tonkinensis (Pierre) Craib ex Hart exerts a NVU protective effect by inhibiting cell apoptosis in cerebral ischaemia rats, PubMed. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2023. 

2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bồ đề trang 218-219, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2023.

Để lại một bình luận