Bình Vôi (Stephania rotunda)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Ranunculales (Mao lương)

Họ(familia)

Menispermaceae (Tiết dê)

Chi(genus)

Stephania

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Stephania rotunda L.

Danh pháp đồng nghĩa

Stenaphia Lour. ex A.Rich., 1847
Clypea Blume, 1825
Ileocarpus Miers, 1864
Homocnemia Miers, 1864

Bình Vôi (Stephania rotunda)

Bình vôi được biết đến khá phổ biến với công dụng an thần, giảm đau nhức.  Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bình vôi.

1 Giới thiệu về cây Bình vôi

Bình Vôi còn có tên gọi khác là Ngải tượng, Củ một, Dây mối tròn, mọc hoang nhiều trên các triền núi đá vôi, thường gặp ở các khe đá và dưới vực, có củ nặng đến trên 20kg.

Tên khoa học của Bình vôi là Stephania rotunda L., thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).

Hình ảnh cây Bình vôi
Hình ảnh cây Bình vôi

1.1 Đặc điểm thực vật

Bình vôi là một loại dây leo cao từ 5 đến 15 m, thân nhỏ dài, hình trụ, không có gai; trong khi thân non, cuống và gân lá có màu xanh hoặc hơi hồng tím thì gốc thân phình thành củ, hình cầu, nằm nửa chìm nửa nổi trên mặt đất. Củ to, có màu hung và tròn, kết thúc bằng một chồi dài và thẳng đứng giống như sợi chỉ. Trọng lượng của củ này có thể đạt tới 50 kg. Những chiếc lá hình tam giác, đôi khi gần như tròn, dài 5-11cm, rộng 3-11cm, có lông hoặc không có lông và có một cuống lá cách gốc lá khoảng 1/3. 

Cụm hoa bao gồm những bông hoa màu vàng mọc thành xim ở nách lá hoặc cành già; hoa đực và cái khác gốc, đực có 5-6 lá đài, 3-4 cánh hoa và 3-6 nhị, cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa, bầu hình trứng. Quả hạch hình cầu hơi dẹt, lúc chín màu đỏ; có hạt hình móng ngựa.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Củ.

Củ Bình vôi được thu hái quanh năm, đào lấy củ, rửa sạch, sau khi cạo bỏ vỏ đen thì thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.

Bình vôi thuộc dạng dây leo
Bình vôi thuộc dạng dây leo

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, Bình vôi được thấy ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn tới Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Lào, Thái Lan.

2 Thành phần hóa học

Thành phần hoạt tính chính trong củ Bình vôi là alkaloid. Ngoài ra còn có tinh bột, đường, acid malic.

2.1 Isoquinoline

Trong số các isoquinoline được phân lập, cycleanine 3, thalifoline 4, 5-hydroxy-6,7-dimethoxy-3,4-dihydroisoquinolin-1(2H)-one 5, 7,8-dihydro-[1,3]dioxolo[4, 5-g]isoquinoline 6, và cycleanine thể hiện đặc tính chống ký sinh trùng và chống HIV-2.

2.2 Protoberberine

Tám hợp chất từ họ này được phân lập ở Bình vôi từ Việt Nam: jatrorrhizine, columbamin, dehydrocorydalmine, stepharanine, palmatine, pseudopalmatine, palmarubine, fissisaine và stepharotudine.

2.3 Tetrahydroprotoberberin (THP)

Tám THP đại diện dưới đây được phân lập từ Bình vôi: l-tetrahydropalmatine, xylopinine, corydalmine, rotundine, stepholidine, thaicanine 4-O–D-glucoside, (-)-thaicanine N-oxide, và corynoxidine.

2.4 Aporphin và oxoapomorphin

Dehydroroemerine, roemerine, liriodenine, isocorydine, stephanine, sinomenine và vireakine được phân lập từ Bình vôi thu thập ở Campuchia.

Oxoxylopine và oxostephanine được phân lập từ Bình vôi thu hoạch ở Việt Nam. Cả hai đều có cấu trúc tương tự như apomorphine, nhưng chúng không phát huy tác dụng bảo vệ thần kinh của nó.

Một số alkaloid trong Bình vôi
Một số alkaloid trong Bình vôi

3 Tác dụng – Công dụng của Bình vôi

3.1 Tác dụng dược lý

Các nghiên cứu đã chứng minh chiết xuất Bình vôi có những tác dụng sau:

3.1.1 Tác dụng chống nhiễm trùng

Bao gồm hoạt động chống ký sinh trùng, hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống virus và chống sốc nhiễm khuẩn.

3.1.2 Tác dụng chống viêm

Các alkaloid trong Bình vôi có tác dụng chống viêm bằng cách điều chỉnh sự giãn mạch, tạo bờ và tạo màng tế bào hoặc bạch cầu: Cepharanthine ức chế NF- B, IL-8 và NO; fangchinoline tăng cường sự hình thành C5-convertase và ức chế các cytokine IL-1, cyclooxygenase (35%) và IL-6; jatrorrhizine làm giảm biểu hiện TNF- alpha và tromboxane B2; palmatine có tác dụng tương tự đối với tromboxane B2; fangchinoline và jatrorrhizine làm giảm biểu hiện E-selectin, hạn chế hiện tượng bạch cầu lăn dọc theo bề mặt bên trong mạch máu.

3.1.3 Tác dụng điều hòa miễn dịch

Bao gồm cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thích nghi mà có được, thông qua trình diện kháng nguyê, lymphocyte, chống lại các bệnh tự miễn…

3.1.4 Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương

Bao gồm: Bảo vệ tế bào thần kinh, chống loạn thần, chống nghiện, cải thiện đau nửa đầu, chứng tâm thần phân liệt và mất ngủ…

Bình vôi có tác dụng an thần hiệu quả
Bình vôi có tác dụng an thần hiệu quả

3.1.5 Giảm đau

Trong y học cổ truyền Campuchia, lá Bình vôi được dùng làm thuốc giảm đau đầu và đau ngực. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sinomenine có thể chịu trách nhiệm cho hoạt động giảm đau này. Phân tử này có tác dụng ức chế COX-2 trong ống nghiệm cao hơn so với COX-1. Nó làm giảm biểu hiện mRNA và protein của COX-2 và sản xuất prostaglandin, ngăn chặn hoạt động của NF-B. Sinomenine cũng gây ra tác dụng giảm đau tại chỗ và giãn cơ.

Ngoài ra, Bình vôi còn có các tác dụng khác như: Hoạt tính chống dị ứng, chống loãng xương và chống viêm khớp, hạ đường huyết, chống oxy hóa, chống ung thư, bảo vệ tim mạch, bảo vệ gan thận, chống rụng tóc…

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Bình vôi có tính mát, vị đắng, hơi ngọt, quy vào kinh can, tỳ, có tác dụng an thần, dưỡng huyết, giảm đau, điều hòa tim phổi, hô hấp, chống co quắp, hạ huyết áp.

Trong đông y, cây Bình vôi được dùng trong trị đau lưng, nhức mỏi, đau đầu, mất ngủ, sốt nóng, đau dạ dày do nhiệt, đau tim, hen suyễn, ho đờm, khó thở.

Liều lượng: Ngày dùng từ 6g – 12g dạng thuốc sắc, thuốc bột hay rượu thuốc.

Củ bình vôi sau khi sơ chế
Củ bình vôi sau khi sơ chế

4 Các bài thuốc từ cây Bình vôi

4.1 Trị mất ngủ

Nguyên liệu: Củ Bình vôi, rượu trắng.

Cách làm: Củ Bình vôi tán nhỏ thành bột, ngâm rượu với tỷ lệ 1:5 hoặc 1:10, dùng 5-15ml mỗi ngày, có thể thêm đường.

Hoặc: Củ Bình vôi 8g, hạt Sen, long nhãn, táo nhân mỗi vị 10 – 15g, lá vông 12g.

Cách làm: Hạt Sen, long nhãn, táo nhân sao vàng. Sắc tất cả nguyên liệu lấy nước uống trước khi ngủ 30 phút.

Hoặc: Củ Bình vôi, Lạc Tiên, Vông Nem mỗi vị 12g, liên tâm, Cam Thảo mỗi vị 6g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

Rượu bình vôi giúp an thần, giảm đau
Rượu bình vôi giúp an thần, giảm đau

4.2 Trị suy nhược thần kinh

Nguyên liệu: Củ Bình vôi, Câu Đằng, Thiên Ma, Viễn Chí mỗi thứ 12g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

4.3 Trị đau dạ dày, loét dạ dày

Nguyên liệu: Củ Bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm, hạt Mã Đề mỗi thứ 12g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày.

4.4 Trị viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm phế quản mãn tính

Nguyên liệu: Bình vôi, Huyền Sâm, Cát Cánh mỗi thứ 12g.

Cách dùng: Sắc lấy nước uống triong ngày.

4.5 Trị phong thấp tê đau, phù chân, nôn hoặc ho máu

Nguyên liệu: Củ Bình vôi 6-9g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày.

4.6 Trị đau bụng

Nguyên liệu: Củ Bình vôi.

Cách làm: Tán thành bột rồi pha với nước uống, trẻ em 0,025g bột, người lớn 0,05g mỗi ngày.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Camille Desgrouas và cộng sự (Ngày đăng 25 tháng 4 năm 2014). Ethnobotany, phytochemistry and pharmacology of Stephania rotunda Lour, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bình vôi trang 87-88, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bình vôi trang 179-180, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  4. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Bình vôi, trang 1083 – 1084, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 21 tháng 09 năm 2023.

Để lại một bình luận