Bìm Bìm Biếc (Hắc Sửu, Khiên Ngưu – Ipomoea nil (L.) Roth)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Solanales (Cà)

Họ(familia)

Convolvulaceae (Bìm bìm)

Chi(genus)

Ipomoea

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Ipomoea nil (L.) Roth

Danh pháp đồng nghĩa

Pharbitis nil (L.) Choisy

Pharbitis purpurea (L.) Voigt

Ipomoea hederacea (L.) Jacq.

Bìm Bìm Biếc (Hắc Sửu, Khiên Ngưu - Ipomoea nil (L.) Roth)

Bìm bìm biếc thuộc dạng dây leo bằng thân quấn. Thân và cành mảnh, có phủ lông rải rác. Lá cây mọc so le, cuống lá dài, chia làm 3 thùy, gốc lá có dạng hình tim, đầu nhọn, chiều dài khoảng 14cm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Pharbitis nil (L.) Choisy

Tên đồng nghĩa: Ipomoea nil (L.) Roth, Pharbitis purpurea (L.) Voigt, Ipomoea hederacea (L.) Jacq.

Tên gọi khác: Khiên ngưu, Hắc sửu, Bạch sửu. 

Họ thực vật: Convolvulaceae (Bìm bìm).

Hoa bìm bìm biếc
Hoa bìm bìm biếc

1.1 Đặc điểm thực vật

Bìm Bìm biếc thuộc dạng dây leo bằng thân quấn. Thân và cành mảnh, có phủ lông rải rác.

Lá cây mọc so le, cuống lá dài, chia làm 3 thùy, gốc lá có dạng hình tim, đầu nhọn, chiều dài mỗi phiến lá khoảng 14cm, rộng 12cm. Mặt trên của lá nhẵn, có màu lục, mặt dưới có màu nhạt hơn, phủ lông ở gân, gân gốc 5-7, cuống dài khoảng 5 đến 9cm.

Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá, gồm 1-3 hoa có kích thước lớn, màu hồng tím hoặc màu lam nhạt. Cuống hoa ngắn, có lông, 2 lá bắc mọc đối, đài hình chuông, 5 răng, nhị 5, không đều, bầu 3 ô, mỗi ô đựng 2 noãn.

Quả nang có dạng hình cầu nhẵn, đường kính mỗi quả khoảng 8mm, bao bọc bởi một đài đồng trưởng, gồm 2-4 có 3 cạnh, màu đen, mặt ngoài của vỏ có lông mềm.

Mùa hoa quả là từ tháng 9 đến tháng 11.

Cần tránh nhầm lẫn với các loài bìm bìm khác có kiểu dáng cây và màu hoa tương tự.

Dưới đây là hình ảnh cây Bìm bìm biếc

Toàn cây Bìm bìm biếc
Toàn cây Bìm bìm biếc
Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Hạt đã phơi hay sấy khô. Hạt có kích thước nhỏ, hình cung có chiều dài khoảng 8mm, rộng 3-5mm. Mặt ngoài của hạt có màu nâu đen nên gọi là hắc sửu, một số hạt có màu vàng gọi là bạch sửu, mặt lưng hơi nhô lên, trên hạt có một rãnh rộng. Phần dưới có rốn hạt hình điểm lõm xuống. Hai bên hạt phẳng, thỉnh thoảng có chỗ gồ ghề.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật
Hạt bìm bìm biếc
Hạt bìm bìm biếc

1.3 Đặc điểm phân bố

Bìm bìm biếc là loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ thời gian nhập vào nước ta là khi nào. Cây hiện nay mọc hoang dại ở bờ rào, ven đường đi, khu vực phân bố chủ yếu là Thái Nguyên, Tam Đảo, Lào Cai, Yên Bái và một số khu vực khác.

Bìm bìm biếc là loài ưa ẩm, khi vào màu đông có hiện tượng tàn lụi, số lượng cây con mọc từ hạt xung quanh cây mẹ thấy nhiều. Những cây bị chặt phá vẫn có khả năng tái sinh.

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

2 Thành phần hóa học

Hạt chứa pharbitin, chất béo, acid nilic, isopeniclavin, chanoclavine.

Pharbitin là hoạt chất cấu tạo bởi acid pharbitic, acid nilic, acid tiglic, acid valeric, acid d-alpha-methyl butyric. 

Hoa bìm bìm biếc
Hoa bìm bìm biếc

3 Tác dụng của cây Bìm bìm biếc

3.1 Tác dụng dược lý

Dạng chiết bằng nước hoặc bằng cồn từ hạt của cây Bìm bìm biếc khi tiến hành thí nghiệm nghiên cứu trên chuột nhắt trắng bằng cách cho chuột uống với liều 1,5mg/kg đã cho thấy tác dụng tẩy xổ.

Thành phần Pharbitin chiết từ hạt đã được nghiên cứu và cho thấy tác dụng co bóp trên chuột thỏ cô lập và tử cung cô lập của chuột trắng. Khi dùng liều 1,0mg/kg đối với chó tiêm tĩnh mạch và thỏ gây mê thì không thấy tác dụng đối với huyết áp và hô hấp.

Hạt của cây còn có tác dụng lợi tiểu, diệt giun đũa, gây sảy thai.

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Hạt có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, quy vào kinh thận, đại tràng, phế, có tác dụng tiêu thũng, diệt trùng, lợi tiểu, trục đờm, công tích trễ.

3.2.2 Công dụng

Hạt của cây Bìm bìm biếc được dùng trong các trường hợp như phù thũng cổ trướng, hen suyễn có đờm, đau bụng do giun gây ra, táo bón. Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo là từ 3-4g sắc lấy nước uống. Nếu dùng Nhựa thì dùng liều 0,2 đến 0,4g mỗi ngày.

Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai, thận trọng khi dùng cho người ốm yếu, suy nhược cơ thể. Không phối hợp với Ba Đậu.

Hoa bìm bìm biếc
Hoa bìm bìm biếc

4 Một số cách trị bệnh từ cây Bìm bìm biếc

4.1 Chữa đại tiểu tiện không thông, phù thũng

Hạt Bìm bìm biếc đem nghiền nhỏ thành bột. Mỗi lần lấy 3,5g hạt uống với nước sôi để nguội.

4.2 Chữa đau bụng do giun

Hạt bìm bìm biếc phối hợp cùng với hạt cau, đại hoàng với lượng bằng nhau.

Các vị đem nghiền thành bột.

Mỗi lần dùng 2,5 đến 3,5g, uống cùng với nước đun sôi để nguội.

Hoa bìm bìm biếc
Hoa bìm bìm biếc

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bìm bìm biếc, trang 207-208. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Khiên Ngưu trang 444-446. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận