Benzathin Penicillin G

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

BENZATHIN PENICILIN G 

(Benzathin benzylpenicilin) 

Tên chung quốc tế: Benzathine Benzylpenicillin. 

Mã ATC: J01CE08. 

Loại thuốc: Kháng sinh nhóm beta-lactam. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Bột pha tiêm: 300000 đơn vị, 600000 đơn vị, 1200000 đơn vị và 2400000 đơn vị penicilin G. 

2 Dược lực học 

Benzathin penicilin G có tác dụng kháng khuẩn tương tự benzylpenicilin (xem thêm trong chuyên luận Benzylpenicilin). 

Benzathin penicilin G là muối benzathin tetrahydrat của benzylpenicilin, được tạo thành từ phản ứng của một phân tử dibenzylethylendiamin diacetat và hai phân tử benzylpenicilin natri. 

Do benzathin benzylpenicilin có độ hòa tan thấp, sau khi tiêm bắp, thuốc được dự trữ tại mô cơ, sau đó, hấp thu và thủy phân từ từ giải phóng ra benzylpenicilin. Vì vậy, thuốc có tác dụng kéo dài hơn so với benzylpenicilin. Tuy nhiên, nồng độ benzylpenicilin trong máu đạt được tương đối thấp so với khi tiêm bắp một liều tương đương các dạng muối benzylpenicilin khác như Procain, natri hoặc kali. Do đó, benzathin penicilin G chỉ giới hạn sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn nhẹ đến trung bình và dự phòng nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm, hoặc trong giai đoạn duy trì sau khi tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch benzylpenicilin. 

Để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng cần duy trì nồng độ benzylpenicilin ở mức cao, cần khởi đầu điều trị bằng benzylpenicilin natri hoặc Kali đường tiêm. 

3 Dược động học 

Sau khi tiêm bắp liều đơn benzathin penicilin G, nồng độ tối đa của penicilin G trong huyết thanh đạt được sau 13 – 24 giờ và thường vẫn phát hiện được trong 1 – 4 tuần sau khi tiêm, tùy thuộc vào liều thuốc đã sử dụng. Nồng độ penicilin G trong huyết thanh sau 1, 14 và 32 ngày tiêm bắp liều đơn benzathin penicilin G 1200000 đơn vị lần lượt là 0,15; 0,03 và 0,003 đơn vị/ml.

Trong trường hợp tiêm bắp benzathin penicilin G liều 1200000 đơn vị cho người lớn, 4 tuần một lần, nồng độ penicilin G trung bình trong huyết thanh tại ngày thứ 21 sau khi tiêm đạt được ít nhất là 0,02 microgam/ml. Tuy nhiên, đến ngày thứ 28, thuốc chỉ phát hiện được trong huyết thanh của 44% số bệnh nhân và nồng độ trên 0,02 microgam/ml chỉ đạt được ở 36% số mẫu.

Ở trẻ từ 1,8 đến 10,7 tuổi, sau khi tiêm bắp liều đơn benzathin penicilin G 600000 đơn vị (với trẻ có cân nặng dưới 27 kg) hoặc 1200000 đơn vị (với trẻ có cân nặng trên 27 kg), nồng độ tối đa của penicilin G trong huyết thanh đạt được sau 24 giờ và dao động trong khoảng 0,11 – 0,2 microgam/ml.

Ở trẻ sơ sinh, sau khi tiêm bắp một liều đơn benzathin penicilin G 50 000 đơn vị/kg, nồng độ tối đa trong huyết thanh của penicilin G đạt được sau 24 giờ và dao động trong khoảng 0,38 – 2,1 mg/ml. 

Sau khi tiêm bắp benzathin penicilin G, penicilin G được phân bố rộng khắp cơ thể, với nồng độ rất khác nhau ở các cơ quan. Nòng độ đạt được cao nhất ở thận, thấp hơn ở gan, da và ruột. Thuốc phân bố vào dịch tự do trong ổ bụng, hoạt dịch, dịch màng phổi, dịch màng trong tim, dịch tiết xoang hàm, amidan và nước bọt. Thuốc đạt nồng độ rất thấp trong dịch não tủy, kể cả khi màng não bị viêm. Penicilin G qua được nhau thai và được bài tiết vào sữa. Tỷ lệ penicilin G liên kết với protein huyết thanh khoảng 60%. 

Do penicilin G được hấp thu chậm sau khi tiêm bắp benzathin pencilin G, thời gian thải trừ của penicilin G kéo dài sau khi dùng thuốc. Sau 12 tuần tiêm bắp một liều đơn benzathin penicilin G 1200000 đơn vị, vẫn phát hiện thấy penicilin G trong nước tiểu. Độ thanh thải qua thận của penicilin G bị giảm ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và ở bệnh nhân có suy thận. Ở người cao tuổi, thông số này cũng có thể bị giảm do khả năng bài tiết qua ống thận giảm. 

4 Chỉ định 

Benzathin penicilin G được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn do những vi khuẩn nhạy cảm cao với penicilin G ở nồng độ thấp và kéo dài, do đặc trưng của dạng thuốc này dẫn đến nồng độ benzylpenicilin đạt được trong máu tương đối thấp: 

Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên mức độ nhẹ đến trung bình do liên cầu khuẩn Streptococci. 

Điều trị các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục: giang mai, ghẻ cóc, bejel (bệnh do Treponema pallidum có phản ứng huyết thanh tương tự giang mai), pinta (bệnh da đốm màu do Treponema carateum rất nhạy cảm với penicilin). 

Dự phòng tái phát sốt thấp khớp và/hoặc múa giật. 

Benzathin penicilin G cũng được dùng để dự phòng thêm cho các bệnh thấp tim, viêm cầu thận cấp. 

5 Chống chỉ định 

Có tiền sử quá mẫn với bất kỳ kháng sinh penicilin nào. 

6 Thận trọng 

Benzathin penicilin G chỉ được sử dụng qua đường tiêm bắp. Nếu tiêm tĩnh mạch, thuốc có thể gây ngừng hô hấp – tuần hoàn và tử vong. Tiêm thuốc vào động mạch, tiêm vào hoặc tiêm gần các dây thần kinh ngoại vi lớn có thể gây hủy hoại thần kinh mạch nặng, phù nặng, tím tái hoặc hoại tử mô. Nguy cơ này tăng lên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Tiêu chảy liên quan đến Clostridium difficile có thể xảy ra với hầu hết kháng sinh, bao gồm cả benzathin penicilin G. Mức độ nặng của tình trạng này có thể dao động từ tiêu chảy nhẹ đến viêm đại tràng nặng, có khả năng tử vong. Vì vậy, bác sĩ cần lưu ý đến chẩn đoán tiêu chảy liên quan đến C. difficile có thể xuất hiện ngay cả sau khi dùng thuốc hai tháng. 

Phản ứng phản vệ nghiêm trọng, có khả năng tử vong đã được báo cáo ở bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh penicilin, bao gồm cả benzathin penicilin G. Nguy cơ này tăng lên ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicilin và/hoặc có tiền sử nhạy cảm với nhiều tác nhân dị ứng. Đã có báo cáo về những trường hợp bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với kháng sinh penicilin, và sau đó gặp phản ứng nặng khi được điều trị bằng kháng sinh cephalosporin. Vì vậy, cần khai thác cẩn thận tiền sử về phản ứng quá mẫn của bệnh nhân với kháng sinh penicilin, Cephalosporin hoặc các tác nhân dị ứng khác. Trong trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng, cần ngừng thuốc ngay và có biện pháp xử trí kịp thời. 

Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc/và hen phế quản nặng. 

Xơ hóa và teo cơ tứ đầu đùi đã được báo cáo sau khi tiêm liều lặp lại benzathin penicilin G vào cơ trước đùi ngoài. 

7 Thời kỳ mang thai 

Độ an toàn của thuốc khi sử dụng ở phụ nữ mang thai chưa được chứng minh rõ ràng. Do chưa có đầy đủ nghiên cứu được kiểm soát tốt tiến hành trên phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên chỉ dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trong trường hợp thực sự cần thiết. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Do penicilin G được bài tiết vào sữa, cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Thường gặp 

Da: ban da, mày đay. 

Tiêu hóa: nôn, buồn nôn. 

Huyết học: tăng bạch cầu ưa eosin. 

Miễn dịch: phản ứng Jarisch Herxheimer (khi sử dụng để điều trị giang mai). 

Khác: sốt 

9.2 Hiếm gặp 

Miễn dịch: phản vệ. 

Tiêu hóa: viêm đại tràng giả mạc. 

Thần kinh: kích động, ảo giác, động kinh. 

Hô hấp: phù thanh quản. 

Thận: suy thận. 

Huyết học: thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. 

9.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Trước khi sử dụng thuốc, cần khai thác cẩn thận bệnh nhân về tiền sử phản ứng thuốc với penicilin, cephalosporin và các dị ứng khác. 

Trong trường hợp xuất hiện mày đay, phát ban trên da hoặc các phản ứng tương tự bệnh huyết thanh sau khi dùng thuốc, có thể xử trí bằng các thuốc kháng histamin hoặc corticoid dùng đường toàn thân khi cần thiết. Khi xảy ra những phản ứng này, nên ngừng thuốc trừ trường hợp có quyết định của bác sĩ cho rằng thuốc này cần thiết để điều trị bệnh đe dọa tính mạng cho bệnh nhân và bệnh nhân chỉ đáp ứng điều trị bằng penicilin G. 

Trong trường hợp xảy ra phản vệ nghiêm trọng, cần ngừng thuốc, sử dụng ngay adrenalin và các thuốc chống dị ứng đặc hiệu, thở oxygen, bù nước, Dung dịch điện giải và không được dùng lại thuốc này. 

Trong trường hợp nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán xác định gặp tiêu chảy liên quan đến C. difficile, cần ngừng điều trị bằng benzathin penicilin G, bù nước và điện giải phù hợp, bổ sung protein và sử dụng phác đồ kháng sinh điều trị C. difficile. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Thuốc được tiêm bắp sâu, không tiêm tĩnh mạch trực tiếp hoặc trộn lẫn với các dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch khác do có thể gây ra ngừng tuần hoàn – hô hấp và tử vong. Không tiêm vào động mạch, gần động mạch hoặc dây thần kinh. Vô ý tiêm dưới da hoặc tiêm vào vùng có lớp mỡ gây đau và chai cứng vị trí tiêm. 

Ở người lớn, thường tiêm vào vị trí góc phần tư trên – ngoài mông hoặc mặt trước ngoài cơ tứ đầu đùi. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên tiêm vào giữa đùi ngoài. Khi sử dụng liều lặp lại nên thay đổi vị trí tiêm. 

10.2 Liều dùng 

10.2.1 Người lớn 

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn Streptococci: Tiêm bắp liều duy nhất 1200000 đơn vị. 

Dự phòng tái phát sốt thấp khớp: Tiêm bắp 1200000 đơn vị, cứ 1 tháng một lần hoặc 600 000 đơn vị, cứ 2 tuần một lần. 

Bệnh giang mai

  • Giang mai nguyên phát hoặc thứ phát, giang mai tiềm tàng giai đoạn sớm (kéo dài chưa đến 1 năm): Tiêm bắp liều duy nhất 2400000 đơn vị. 

  • Giang mai tiềm tàng muộn (kéo dài hơn một năm), giang mai thần kinh: Tiêm bắp 2400000 đơn vị, cứ 1 tuần một lần trong 3 tuần liên tiếp. 

Ghẻ cóc, bejel và pinta: Tiêm bắp liều duy nhất 1 200 000 đơn vị. 

10.2.2 Trẻ em 

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn Streptococci

  • Trẻ cân nặng dưới 27 kg: Tiêm bắp liều duy nhất 300000 – 600000 đơn vị. 

  • Trẻ cân nặng trên 27 kg: Tiêm bắp liều duy nhất 900000 đơn vị. 

Dự phòng tái phát sốt thấp khớp

  • Trẻ cân nặng dưới 27 kg: Tiêm bắp 600000 đơn vị, cứ 4 tuần một lần; đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao, cứ 3 tuần 1 lần. 

  • Trẻ cân nặng trên 27 kg: Tiêm bắp 1200000 đơn vị, cứ 4 tuần một lần; đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao, cứ 3 tuần 1 lần. 

Bệnh giang mai

  • Giang mai bẩm sinh: Tiêm bắp liều duy nhất 50000 đơn vị/kg cân nặng. Giang mai nguyên phát hoặc thứ phát, giang mai tiềm tàng giai đoạn sớm: Tiêm bắp liều duy nhất 50000 đơn vị/kg cân nặng, tối đa 2400000 đơn vị/liều. 

  • Giang mai tiềm tàng giai đoạn muộn hoặc giang mai không rõ thời gian tiềm tàng hoặc giang mai thần kinh: Tiêm bắp 50000 đơn vị/kg cân nặng, cứ 1 tuần một lần trong 3 tuần liên tiếp, tối đa 2 400 000 đơn vị liều. 

10.2.3 Bệnh nhân suy giảm chức năng thận 

Ở bệnh nhân suy thận, liều benzathin penicilin G được hiệu chỉnh theo độ thanh thải creatinin (Clcr):

  • Clcr trong khoảng 10 – 50 ml phút: Dùng 75% liều bình thường và giữ nguyên khoảng cách đưa liều;

  • Clcr< 10 ml/phút: Dùng 20 – 50% liều bình thường và giữ nguyên khoảng cách đưa liều. 

11 Tương tác thuốc 

Methotrexat: Tăng độc tính của methotrexat, tránh dùng phối hợp. Trong trường hợp bắt buộc dùng đồng thời, cần giảm liều methotrexat và theo dõi nồng độ methotrexat. 

Probenecid: Tăng và kéo dài nồng độ penicilin trong huyết thanh, do probenecid ức chế cạnh tranh bài tiết với penicilin tại ống thận, làm giảm Thể tích phân bố và làm chậm tốc độ thải trừ của penicilin.  

Tetracyclin: Đối kháng tác dụng diệt khuẩn của penicilin, tránh dùng đồng thời với kháng sinh penicilin. 

Vắc xin tả sống: Giảm đáp ứng miễn dịch với vắc xin tả, không tiêm kháng sinh 14 ngày trước khi chủng ngừa vắc xin. 

Warfarin: Tăng nguy cơ chảy máu, thận trọng khi phối hợp với kháng sinh penicilin. Nếu có thể, nên thay thế benzathin penicilin G bằng kháng sinh khác ít có nguy cơ chảy máu hơn. Trong trường bắt buộc phối hợp, cần theo dõi INR của bệnh nhân thường xuyên hơn, đặc biệt khi bắt đầu hoặc ngừng dùng thuốc. 

12 Quá liều và xử trí 

Triệu chứng: Kích thích thần kinh – cơ quá mức hoặc co giật. 

Xử trí: Ngừng dùng thuốc, điều trị triệu chứng và tiến hành các biện pháp hỗ trợ nếu cần thiết. Penicilin G có thể thẩm tách được. 

Cập nhật lần cuối: 2017

Để lại một bình luận