Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) |
Cucurbitales (Bầu bí) |
Họ(familia) |
Cucurbitaceae (Bầu bí) |
Chi(genus) |
Trichosanthes |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Trichosanthes cucumerina L. |
Bầu rắn mọc rải rác ở các bãi hoang hoặc thảm cây bụi. Cây được tìm thấy từ Đồng Nai đến An Giang. Ngoài ra, Bầu rắn còn được tìm thấy ở các khu vực khác như Lào, Ấn Độ, Campuchia. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Trichosanthes cucumerina L.
Tên gọi khác: Dưa núi, Bát bát trâu.
Họ thực vật: Bầu bí Cucurbitaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Bầu rắn thuộc dạng dây leo, bề mặt nhánh cây mịn, không có lông hoặc chỉ phủ một ít lông ngắn.
Phiến lá tròn hoặc có dạng hình thận, lõm sâu tạo thành hình tim ở gốc lá, mặt trên có phủ một ít lông, mặt dưới có nhiều lông hơn mặt trên, chiều dài mỗi lá khoảng 7-10cm, chiều rộng từ 8-12cm, chia thành 5 thùy nhọn hoặc tròn, mép lá có răng cưa lượn sóng, chiều dài mỗi cuống khoảng 2-7cm, vòi chẻ thành 2-3 nhánh.
Hoa màu trắng cùng gốc, hoa đực xếp thành 8-12 cái thành chùm thưa, chiều dài từ 10-15cm. Hoa cái mọc đơn độc, cánh hoa có rìa, bầu thuôn.
Quả có dạng hình trái xoan hay hình trứng, chiều dài khoảng 5-6cm, bề mặt quả có màu xanh có những sọc trắng khi chín. Thịt quả đắng, có màu đỏ, mỗi quả chứa 8-10 hạt thuôn, chiều dài khoảng 11-12cm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bầu rắn mọc rải rác ở các bãi hoang hoặc thảm cây bụi. Cây được tìm thấy từ Đồng Nai đến An Giang. Ngoài ra, Bầu rắn còn được tìm thấy ở các khu vực khác như Lào, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Philippin, Malaysia, Indonesia.
2 Thành phần hóa học
Hạt của cây bầu rắn có chứa nhiều chất béo, trong đó chứa nhiều acid béo.
Các hoạt chất khác của Bầu rắn bao gồm: Flavonoid, Carotenoid, axit phenolic và chất xơ hòa tan.
Cây còn chứa protein, chất béo, chất xơ, carbohydrate, khoáng chất và Vitamin A và E ở mức cao. Các nguyên tố khoáng chiếm hàm lượng cao là Kali (121,6mg/100g) và phốt pho (135 mg/100g) và natri, Magie và Kẽm cũng được tìm thấy với hàm lượng khá cao.
3 Tác dụng của Bầu rắn
Bầu rắn chứa chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do. Bầu rắn được coi là nguồn dinh dưỡng chức năng tự nhiên có thể mang lại nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể con người.
Toàn bộ cây bao gồm rễ, lá, quả và hạt được báo cáo là có đặc tính y học như chống đái tháo đường, kháng khuẩn, chống viêm, tẩy giun, hạ sốt, bảo vệ dạ dày và hoạt động chống oxy hóa.
Bầu rắn là một trong những thành phần chính trong một số chế phẩm thảo dược ở Sri Lanka để dùng cho bệnh nhân để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
4 Công dụng trong Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Toàn cây có tác dụng bồi bổ cơ thể, trợ tim, giải khát, giải nhiệt, hạ sốt.
Quả của cây có vị rất đắng, tính mát có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng.
Hạt của cây Bầu rắn được dùng để hạ sốt, trị giun.
Dịch lá có tác dụng gây nôn.
Dịch rễ của cây Bầu rắn có tác dụng gây xổ.
4.2 Công dụng
Trong y học cổ truyền, Bầu rắn được sử dụng để điều trị đau đầu, rụng tóc, sốt, khối u bụng, sỏi mật, nhọt, tiêu chảy cấp tính, tiểu ra máu và dị ứng da.
Quả có vị rất đắng nhưng vẫn được dùng để làm rau ăn, có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Toàn cây bầu rắn còn được dùng để trị nhọt, trị giun.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng thân và lá cây để chữa rối loạn mật, các bệnh ngoài da, điều kinh.
Người ta cũng sử dụng Bầu rắn trong trường hợp bị sốt rét bằng cách hãm cách đêm 10g dây với 10g hạt mùi và sáng hôm sau thêm Mật Ong chia làm 2 lần uống trong ngày.
Hạt được dùng trong trường hợp rối loạn ở dạ dày.
Nhân dân Malaysia sử dụng hạt để trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn Đường tiêu hóa, hạ nhiệt, trừ giun. Dùng chồi non của cây và quả khô để hãm nước uống giúp kích thích vị giác hoặc sắc nước uống với đường để kích thích tiêu hóa.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Dưa núi, trang 829. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2024.
Tác giả Ruvini Liyanage và cộng sự (Ngày đăng năm 2016). Comparative Analysis of Nutritional and Bioactive Properties of Aerial Parts of Snake Gourd (Trichosanthes cucumerina Linn.), NCBI. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2024.