Bầu Đất (Kim Thất, Thiên Hắc Địa Hồng- Gynura procumbens)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Asterales (Cúc)

Họ(familia)

Asteraceae (Cúc)

Chi(genus)

Gynura

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Gynura sarmentosa DC.

Danh pháp đồng nghĩa

Gynura procumbens Lour.

Bầu Đất (Kim Thất, Thiên Hắc Địa Hồng- Gynura procumbens)

Bầu đất thuộc dạng cây thảo mọc bò, cây hơi leo. Thân cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, có khía rõ, chiều dài thân khoảng 40-80cm. Thường trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Gynura sarmentosa DC.

Tên đồng nghĩa: Gynura procumbens Lour.

Tên gọi khác: Rau lúi, Kim thất, Dây chua lè, Thiên hắc địa hồng.

Họ thực vật: Cúc Asteraceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Bầu đất thuộc dạng cây thảo mọc bò, cây hơi leo. Thân cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, có khía rõ, chiều dài thân khoảng 40-80cm.

Lá cây mọc so le, phiến lá dày, mọng nước, có dạng hình bầu dục, tròn hoặc tù ở gốc, đầu lá nhọn, chiều dài mỗi lá khoảng 3-8cm, chiều rộng từ 1,5 đến 3,5m, có khía lông chim, nhiều răng cưa to ở đầu lá. Mặt trên của lá nhẵn, màu lục sẫm, mặt dưới của lá có lông mịn, màu đỏ tía. Cuống lá hơi có cánh, gốc có 2 tai nhỏ nhìn gần giống như lá kèm.

Cụm hoa mọc thành ngù kép ở ngọn và kẽ lá, gồm 1-3 đầu, có khi 5 đầu. Hoa nhiều màu, tràng mảnh, nhị 5, bầu hình trụ, nhẵn.

Quả bế, có dạng hình trụ, nhẵn, khía 10, đỉnh quả có mào lông màu trắng.

Mùa hoa quả là từ tháng 1 đến tháng 4.

Hình ảnh mặt dưới lá
Hình ảnh mặt dưới lá

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Mùa hạ.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.

1.3 Cách trồng

Cây thường được lấy từ hoang dại, một số nơi trồng Bầu đất để làm rau ăn.

Thời điểm trồng thường là vào mùa xuân, đất sau khi bừa, tiến hành dọn cỏ, làm luống cao từ 15 đến 20cm, chiều rộng mỗi luống khoảng 1 đến 1,2 mét. Bón lót bằng phân chuồng, lấy những đoạn thân Bầu đất có chiều dài từ 25 đến 30cm, đặt xiên xuống sau đó lấp đất sao cho ⅓ thân thò lên khỏi mặt đất.

Cây sau khi trồng không cần chăm bón nhiều, ít bị sâu bệnh, có thể tưới phân chuồng để đất đủ ẩm. Có thể tìm hiểu phương pháp nhân giống bằng hạt.

Mặt trên lá
Mặt trên lá

1.4 Đặc điểm phân bố

Chi Gynura Cass. gồm nhiều loài chủ yếu là cây thảo, có một số loài là cây bụi nhỏ, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới, ôn đới ẩm và cận nhiệt đới.

Tại nước ta, chi này có khoảng 10 loài, trong đó có khoảng 4-5 loài được sử dụng để làm thuốc.

Bầu đất được trồng để làm rau ăn, các tỉnh trồng Bầu đất chủ yếu là Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai.

Bầu đất có bản chất là loài ưa ẩm, ưa sáng, thường mọc ở những khu vực đất đai màu mỡ hoặc xung quanh nương rẫy. Cây ra chồi khỏe, mọc nhanh do đó có thể trồng để làm rau ăn nhiều lần. Những cây ít bị ngắt ngọn cho ra hoa quả nhiều.

2 Công dụng của cây Bầu đất theo Y học cổ truyền

2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Cay, ngọt, tính bình.

Tác dụng: Thanh nhiệt, hoạt lạc, giải độc, tiêu thũng, tiêu viêm, chỉ thống, chỉ khái.

2.2 Công dụng

Bầu đất mới được sử dụng trong phạm vi nhân dân, thường được phối hợp trong các bài thuốc khác, được dùng làm thuốc hạ sốt khi bị sởi, phát ban.

Nhân dân một số nơi còn sử dụng Bầu đất trong trường hợp kinh nguyệt không đều, viêm bàng quang, bạch đới, khí hư, đái dầm ở trẻ em.

Nhân dân một số nơi còn nấu Bầu đất để ăn thay rau. Nhân dân Trung Quốc sử dụng cây Bầu đất sắc lấy nước uống trong trường hợp bị thương do hung khí, viêm khớp, viêm phế quản.

Có thể dùng Bầu đất hầm với thịt để ăn trong các trường hợp viêm phế quản, viêm phổi.

Bầu đất có thể trồng để làm rau ăn
Bầu đất có thể trồng để làm rau ăn

3 Một số cách trị bệnh từ cây Bầu đất

3.1 Chữa phụ nữ viêm bàng quang mạn tính, bạch đới, khí hư

10-15g Bầu đất.

10-15g Thổ Tam Thất.

10-15g Ý dĩ sao.

Mỗi ngày sắc nước uống 2 lần.

3.2 Chữa đái són, đái dầm, đái buốt

40-80g cây Bầu đất tươi.

Nấu canh hoặc đem sắc lấy nước uống.

3.3 Chữa vết thương ở phần mềm

Lá cây Bầu đất tươi, đem giã nát đắp tại chỗ.

3.4 Chữa đau mắt

Lá cây Bầu đất tươi, đem rửa sạch, thêm muối.

Giã nhỏ, đắp lên mắt.

4 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bầu đất, trang 192-193. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2024.

Để lại một bình luận