Bạch Linh (Bạch Phục Linh – Poria cocos Wolf.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Fungi (Nấm)

Basidiomycota (Nấm đảm)

Agaricomycetes (Nấm tán)

Bộ(ordo)

Polyporales (Nấm)

Họ(familia)

Polyporaceae (Nấm lỗ)

Chi(genus)

Wolfiporia

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Poria cocos Wolf.

Danh pháp đồng nghĩa

Pachyma cocos Elias Magnus Fries (1822)
Sclerotium cocos Schwein. (1822)
Daedalea extensa Peck (1891)
Macrohyporia cocos (Schwein.) I.Johans. & Leif Ryvarden (1979)
Macrohyporia extensa (Peck) Ginns & J.Lowe (1983)
Wolfiporia cocos (F.A.Wolf) Ryvarden & Gilb. (1984)

Bạch Linh (Bạch Phục Linh - Poria cocos Wolf.)

Với công dụng hiệu quả trong dưỡng tâm an thần, phục hồi thể lực, Bạch linh được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Bạch linh.

1 Bạch linh là gì?

Bạch Linh còn có tên gọi khác là Bạch Phục Linh, là phần sử dụng của nấm Phục linh, còn gọi là Nấm lỗ, mọc ở rừng thông có đất tơi xốp, pha cát và dễ thấm nước.

Tên khoa học của nấm Phục linh là Poria cocos Wolf., thuộc họ Nấm lỗ (Polyporaceae).

Hình ảnh nấm Phục linh
Hình ảnh nấm Phục linh

1.1 Đặc điểm thực vật

Nấm ký sinh hoặc hoại sinh trên rễ cây thông, có hình khối to nhỏ không đều nhau, nhỏ thì bằng nắm tay, to có thể lên tới 5kg. Mặt ngoài có vỏ màu nâu đen, sần sùi, có khi nổi các u bướu, mặt cắt lổn nhổn chứa chất bột gồm các khuẩn ty, bào tử, cuống đảm tử. Bạch linh mà chúng ta hay dùng là loại có mặt cắt màu trắng, ngoài ra còn có xích phục linh (màu hồng xám) và Phục Thần (loại có rễ thông xuyên vào giữa).

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng của Bạch Linh: Thể quả của nấm, có hình dạng không đều, đường kính 10-30cm hoặc hơn, nằm sâu dưới đất 20-30cm.

Thu hoạch sau 2 năm, loại tốt nhất phải sau 3-4 năm, chia làm các loại sau:

  • Phục Linh bì: Vỏ ngoài “củ” Phục linh.
  • Xích Phục linh: Lớp thứ hai sau phần vỏ, màu nâu nhạt hoặc pha hồng.
  • Bạch linh (Bạch phục linh): Phần màu trắng ở trong.
  • Phục thần: Phần có rễ thông ở trong.

1.3 Đặc điểm phân bố

Nấm Phục linh phân bố tự nhiên tại Trung Quốc, Nhật Bản, vùng Viễn Đông Liên bang Nga. Tại Việt Nam, đã tìm thấy nấm này tại các rừng thông ở Hà Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Gia Lai.

2 Thành phần hóa học

Vị thuốc Bạch linh chứa hai nhóm hóa chất chính, phần triterpene và phần polysacarit. Các hợp chất nhỏ khác cũng đã được mô tả, bao gồm steroid, axit amin, Choline, histidine và muối kali.

2.1 Triterpenoid

Đây là thành phần chính của chiết xuất Phục linh, được trình bày trong bảng dưới.

Loại triterpenoid Hợp chất
Lanostane Axit dehydrotrametenolic; axit trametenolic; 3-axit epi-dehydrotrametenolic; 16-axit α-hydroxytrametenolic; 3-O-acetyl-16α-hydroxytrametenolic axit; axit 3-O-axetyl-16α-hydroxydehydrotrametenolic; axit 16α-27-dihydroxydehydrotrametenoic; axit dehydrotrametenonic; axit 3β,16α-dihydroxylanosta-7,9(11),24-trien-21-oic
Eburicane Axit dehydroeburicoic; axit eburicoic; axit 16α-25-dihydroxydehydroeburicoic; axit dehydroeburinicic; axit 16α-hydroxyeburinic; axit 16α-25-dihydroxydehydroeburinicic; axit pachymic; axit dehydropachymic; axit 3-epi-dehydropachymic; axit 16α-hydroxydehydropachymic; axit 25-hydroxypachymic; axit tumulosic; axit dehydrotumulosic; axit 3-epi-dehydrotumulosic; axit 15α-hydroxydehydrotumulosic; axit 25-hydroxy-3-epi-tumulosic; axit 25-hydroxy-3-epi-hydroxytumulosic; axit 3β-hydroxybenzoyldehydrotumulosic; axit 5α-8α-peroxydehydrotumulosic; axit polyporenic C; axit 6α-hydroxypolyporenic C; axit 29-hydroxypolyporenic C; poriacosone A & B
seco-Lanostane Axit poricoic B; axit 16-deoxyporicoic; axit poricoic E, BM, G & GM
seco-Eburicane Axit poricoic A, C, D, F, H, AM, CM, DM & HM; axit 6,7-dehydroporicoic H; axit 25-hydroxyporicoic C & H; axit 26-hydroxyporicoic DM; axit 25-methoxyporicoic A

2.2 Polysaccharide

Các heteropolysaccharide trong chiết xuất muối và nước nóng của Phục linh chủ yếu bao gồm α-D-glucose, mannose và galactose, trong khi chiết xuất NaOH chủ yếu là (1 → 3)-α-D-glucan. Về chiết xuất từ axit formic đều là (1 → 3)-β-D-glucan. 

Gần đây, nghiên cứu đã phân lập sáu polysaccharide từ xơ cứng của Phục linh, đặt tên cho chúng là PCS1, PCS2, PCS3-I, PCS3-II, PCS4-I và PCS4-II, tùy thuộc vào độ hòa tan và trọng lượng phân tử của chúng. PCS1, PCS2 và PCS3-I được xác định là heteropolysaccharide có chứa D-glucose, D-mannose, D-fucose và dấu vết của D-xylose. PCS3-I là một heteropolysaccharide liên kết với protein trong khi PCS3-II là một (1 → 3)-β-D-glucan tuyến tính có độ tinh khiết cao cấu thành thành phần chính của xơ cứng. PCS4-I là nhánh liên kết (1 → 3)-β-D-glucan với ít β-(1 → 6), và PCS4-II là một nhánh được liên kết (1 → 3)-β-D-glucan với ít β-(1 → 2) và β-(1 → 6). 

2.3 Hợp chất khác

Các nghiên cứu đã phân lập metyl este của axit dehydroabietic, của axit 7-oxo-dyhydroxydehydroabietic, và (S)-(+)-turmerone, ergosterol peroxide, cùng với các triterpenoid đã biết khác. Các hợp chất không liên quan khác cũng đã được báo cáo trong Phục linh, bao gồm hyperin, ergosterol, choline, histidine và muối Kali, cùng với 15 axit amin.

Một số hợp chất chính trong Bạch linh
Một số hợp chất chính trong Bạch linh

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Đảng sâm – Vị thuốc bồi bổ cơ thể, chữa vàng da, viêm thận hiệu quả

3 Tác dụng – Công dụng của Bạch linh

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống viêm

Một chiết xuất hydroalcoholic từ Phục linh đã được chứng minh là có tác dụng ức chế chứng phù tai cấp tính do 12-O-tetradecanoylphorbol 13-acetate (TPA) và axit arachidonic gây ra, chứng phù chân do carrageenan gây ra, viêm da do TPA gây ra và chứng quá mẫn kiểu chậm gây ra bởi oxazolone. Sự phân lập sinh học của các hợp chất hoạt động dẫn đến việc xác định hai triterpenoid: axit pachymic và axit dehydrotumulosic. Các hợp chất được phân lập này đã ức chế phù tai cấp tính với các giá trị ID50 lần lượt là 4,7 và 0,68nmol/tai, điều này cho thấy khả năng chống viêm đáng kể.

3.1.2 Điều hoà miễn dịch

Chiết xuất Phục linh có tác dụng điều hòa miễn dịch, trong đó chúng làm thay đổi hoạt động của chức năng miễn dịch thông qua sự điều hòa năng động của các phân tử thông tin như cytokine. Chiết xuất etanol nóng 50% từ Phục linh làm tăng tiết Interleukin (IL)-1β và IL-6 trong bạch cầu đơn nhân máu ngoại vi của con người. Môi trường nuôi cấy chứa 10% chiết xuất cồn tuyệt đối của Phục linh đã ức chế IL-1β , IL-6, TNF-α và yếu tố kích thích khuẩn lạc bạch cầu hạt-bạch cầu đơn nhân bài tiết từ lớp đơn nhân bạch cầu; ngược lại, việc giảm nồng độ của chiết xuất tạo ra sự gia tăng bài tiết cytokine.

3.1.3 Chống ung thư

Dịch chiết methylene chloride từ xơ cứng thể hiện khả năng gây độc tế bào vừa phải đối với dòng tế bào ung thư biểu mô ruột kết ở người, thông qua ức chế chống lại DNA topoisomerase II, cũng như chống lại DNA topoisomerase I. Axit polyporenic C trong Phục linh làm giảm đáng kể sự tăng sinh tế bào thông qua việc gây ra quá trình chết theo chương trình đối với tế bào ung thư phổi không phải tế bào nhỏ A549. Triterpenoid trong Phục linh có tác dụng chống lại dòng tế bào ung thư phổi ở người A549 và dòng tế bào ung thư tuyến tiền liệt ở người DU145.

3.1.4 Trị tiểu đường

Chiết xuất thô trong methanol làm giảm lượng đường trong máu thông qua tăng độ nhạy Insulin. Nghiên cứu đã chứng minh tác dụng tích cực của Phục linh trên con đường PPAR-γ, với chiết xuất etyl axetat của nó đảo ngược sự ức chế TNF-α trước đó trong khi tăng cường các hoạt động PPAR-γ của các tế bào hình sao ở gan. Chiết xuất cũng ức chế hoạt động NF-κB gây ra bởi TNF-α và làm suy yếu protein và biểu hiện mRNA của α-actin cơ trơn.

3.1.5 Các tác dụng khác

Chiết xuất Phục linh đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm thận, chống virus viêm gan B, chống ký sinh trùng, bảo vệ thần kinh, chống nôn…

3.1.6 Tác dụng của Bạch linh trong làm đẹp

Chiết xuất Bạch linh có khả năng ngăn ngừa lão hóa da, giúp giảm nếp nhăn, chảy xệ, đồi mồi, nám, tàn nhang… nhờ chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa. Ngoài ra, nó cũng có đặc tính kháng khuẩn, có lợi trong việc điều trị và ngăn ngừa mụn trên da. 

Tác dụng của Bạch linh
Tác dụng của Bạch linh

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Lạc tiên – Vị thuốc bổ giúp an thần, chữa mất ngủ

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Bạch linh có tính bình, vị ngọt, nhạt, quy vào kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ, định tâm, an thần. Riêng Phục linh bì chủ yếu lợi tiểu, tiêu thũng, chống phù; Xích phục linh chính là hành thủy, lợi thấp nhiệt; Phục thần giúp an thần, chữa hồi hộp, mất ngủ, suy nhược.

Trong đông y, Bạch linh với công năng chữa suy nhược, chóng mặt, di mộng tinh, lợi tiểu chữa phù thũng, bụng đầy trướng, tiêu chảy, tỳ hư, ăn kém; an thần, trấn kinh, trị mất ngủ. Liều mỗi ngày là 4-20g ở dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên.

4 Các bài thuốc từ Phục linh 

4.1 Chữa phù thũng

Bài 1: Phục linh bì, Trần Bì, đại phúc bì, tang bạch bì, vỏ Gừng sống mỗi vị 16g; có thể thêm vỏ dướng, mộc thông cùng lượng. Sắc uống.

Bài 2: Phục linh, tang bạch bì mỗi vị 10g, mộc thông 5g. Sắc chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 3: Phục linh 8g, quế chi 4g, sinh khương, Cam Thảo mỗi vị 3g. Sắc chia 3 lần uống trong ngày.

Bài 4: Bạch linh, bạch truật, trư linh mỗi vị 10g, Trạch Tả 12g, quế chi 4g. Tán thành bột, mỗi lần uống 10g, ngày dùng 2-3 lần.

Bài 5: Phục linh, bạch truật, Bạch Thược, phụ tử mỗi vị 12g, sinh khương 8g. Sắc uống, chữa phù kèm sắc mặt xám, tim hồi hộp, đầy bụng.

Bài 6: Phục linh 250g, cám gạo mịn hoặc bột lúa mạch 60g. Tán thành bột, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần, chữa phù khi mang bầu, suy nhược, tim hồi hộp.

4.2 Chữa mất ngủ, ngủ không yên, hồi hộp, sợ hãi, tim yếu, hay quên, đãng trí

Bài 1: Phục thần, đẳng sâm, Liên Nhục, long nhãn, đại táo mỗi vị 16g, táo nhân sao, Viễn Chí, xương bồ mỗi vị 8g. Sắc uống hoặc tán thành bột, trộn mật làm viên, mỗi ngày uống 10-20g.

Bài 2: Phục linh, phục thần, đẳng sâm, xương bồ, viễn chí, long nhãn, đồng lượng. Tán thành bột, trộn mật làm hoàn, dùng chu sa làm áo viên. Mỗi lần uống 10-20g, ngày 2 lần vào chiều và tối trước khi ngủ.

4.3 Chữa suy nhược cơ thể, kèm tiêu chảy kéo dài do tỳ hư

Bài 1: Bạch linh, bạch truật, đẳng sâm mỗi vị 10g, chích cam thảo 3g, trần bì, Bán Hạ chế gừng mỗi vị 5g, mộc hương, sa nhân mỗi vị 4g. Tán thành bột, trộn với nước gừng làm viên bằng hạt đỗ xanh, mỗi lần uống 4-8g.

Sâm linh Bạch Truật tán: Bạch linh, bạch truật, đẳng sâm, hoài son, bạch biển đậu sao, hạt Sen, ý dĩ mỗi vị 80g, Cát Cánh, sa nhân, trần bì, chích cam thảo mỗi vị 40g. Trộn với nước sắc gừng và táo, làm viên với hồ bột gạo tẻ. Mỗi lần uống 4-8g, ngày 3 lần.

4.4 Chữa thấp khớp, phong hàn thấp tí hoặc nhiệt tí (Kinh phong bại độc tán)

Nguyên liệu: Bạch linh, Sài Hồ mỗi vị 120g, Kinh Giới, Phòng Phong mỗi vị 100g, khương hoạt, Độc Hoạt, tiền hồ, cát cánh, Chỉ Xác, xuyên khung, cam thảo mỗi vị 80g.

Cách làm: Nguyên liệu thái nhỏ, phơi khô, tán thành bột mịn. Đóng gói 10 hoặc 20g, người lớn mỗi lần 10g, ngày 2 lần; trẻ em bằng ½ liều người lớn, uống với nước chín trước ăn.

4.5 Chữa suy nhược, mệt mỏi, gầy yếu

Tứ quân tử thang: Bạch linh, nhân sâm, bạch truật mỗi vị 16g, cam thảo 8g; có thể thay Nhân Sâm bằng đẳng sâm 32g. Sắc kỹ chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

Lục quân tử thang: Bạch linh, nhân sâm, bạch truật mỗi vị 16g, trần bì, bán hạ chế mỗi vị 10g, cam thảo 8g; có thể thay nhân sâm bằng đẳng sâm 32g. Sắc kỹ chia làm 2-3 lần uống trong ngày.

Lục vị hoàn: Bạch linh, mẫu đơn, trạch tả mỗi vị 12g, Thục Địa hoặc Sinh Địa 32g, Sơn Thù, Hoài Sơn mỗi vị 16g. Tán bột, làm viên, mỗi ngày uống 20-30g hoặc sắc uống.

Quế phu bát vị hoàn: Bạch linh, sơn thù, hoài sơn mỗi vị 16g, thục địa 24g, nhục quế 12g, mẫu đơn, trạch tả, phụ tử mỗi vị 8g. Tán bột, làm viên, mỗi ngày uống 30-40g hoặc sắc uống.

Thập toàn đại bổ: Bạch linh, bạch truật mỗi vị 12g, đẳng sâm 16g, thục địa 20g, Đương Quy, bạch thược, Hoàng Kỳ sao mỗi vị 12g, cam thảo, Xuyên Khung mỗi vị 8g, nhục quế 4-8g. Làm viên với Mật Ong, mỗi lần uống 20g, ngày dùng 2 lần.

Tứ quân tử thang chữa mệt mỏi, suy nhược
Tứ quân tử thang chữa mệt mỏi, suy nhược

4.6 Chữa tâm hư, hồi hộp, hoảng sợ, khó ngủ, hay quên, sầu uất (Quy tỳ thang)

Nguyên liệu: Phục thần, bạch truật, hoàng kỳ mỗi vị 12g, đảng sâm, đương quy, long nhãn mỗi vị 8g, táo nhân sao, viễn chí, cam thảo nướng mỗi vị 4g, Mộc Hương 2g.

Cách làm: Tán thành bột mịn, luyện với mật làm viên, mỗi lần uống 20g, ngày 2 lần hoặc sắc uống.

4.7 Chữa bệnh khác

Chữa nôn nghén ở bà bầu (Tiểu bán hạ gia phục linh thang): Phục linh 6g, bán hạ 8g, sinh khương 3g. Sắc uống.

Chữa vết đen trên mặt: Phục linh tán thành bột mịn, bôi xát vào vết đen.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả José-Luis Ríos (Đăng vào năm 2011). Chemical Constituents and Pharmacological Properties of Poria cocos, Planta Med. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2023. 

2. Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bán năm 2006). Phục linh trang 526-529, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2023.

Để lại một bình luận