Bách Hợp (Lilium brownii F.E. Brown ex Mill. var. viridulum Baker)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Monocots (Thực vật một lá mầm)

Bộ(ordo)

Liliales (Loa kèn)

Họ(familia)

Liliaceae (Loa kèn)

Chi(genus)

Lilium (Loa kèn)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Lilium brownii F.E. Brown ex Mill. var. viridulum Baker

Bách Hợp (Lilium brownii F.E. Brown ex Mill. var. viridulum Baker)

Bách hợp được biết đến khá phổ biến với công dụng  trị suy nhược thần kinh, sốt, viêm phế quản, ho ra máu, ho có đờm quánh, ho khan, lao phổi. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bách hợp.

1 Giới thiệu về cây hoa Bách hợp

1.1 Hoa bách hợp là hoa gì?

Cây hoa Bách hợp hay còn được biết đến với các tên gọi khác như Tỏi trời, Tỏi rừng, có tên khoa học là Lilium brownii F.E. Brown ex Mill. var. viridulum Baker (L. brownii var. colchesteri Wilson ex Elwes), thuộc họ Hoa loa kèn – Liliaceae. Đây là một loài hoa phổ biến trong chi Lilium, được ưa chuộng vì giá trị trang trí đẹp mắt cũng như các ứng dụng trong y học và ẩm thực đáng chú ý.

Cây hoa Bách hợp - Loài hoa đẹp có lợi cho sức khỏe
Hình ảnh cây hoa bách hợp

1.2 Hình ảnh cây hoa bách hợp

Loài cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng 0,5-1 m. Thân cây nhẵn và dễ gãy, được tạo thành bởi nhiều vảy hành và to màu trắng đục hoặc hồng nhạt. Ở phần thân cây mọc trên mặt đất khi còn non, có điểm những đốm đỏ, còn phần trên thân thì mọc đứng, không phân nhánh, màu lục và nhẵn. Lá có hình dạng mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mép nguyên, gân lá hình cung, hai mặt nhẵn, mọc so le và có bẹ. Cụm hoa mọc ở đầu cành, bao gồm 2-6 bông hoa hình loa kèn lớn màu trắng hoặc hơi hồng. Quả nang chứa nhiều hạt nhỏ có hình trái xoan.

Cây hoa Bách hợp - Loài hoa đẹp có lợi cho sức khỏe
Hoa loa kèn và hoa bách hợp và hoa ly khác nhau

1.3 Thu hái và chế biến

Bộ phận sử dụng: Thân hành – Bulbus Lilii. Thân hành được tạo thành từ nhiều vẩy hành lớp trên lớp.

Thời điểm thu hoạch củ là vào cuối mùa hè, đầu mùa thu khi cây bắt đầu khô héo. Sau khi đào lên, củ được rửa sạch, tách riêng từng vẩy và ngâm trong nước sôi khoảng 5-10 phút để vừa chín tái. Sau đó, củ được phơi hoặc sấy khô.

Vẩy củ có hình dạng bầu dục, đỉnh nhọn, mép mỏng, không có răng cưa, có các gân màu trắng chạy dọc và hơi cong vào phía trong. Mặt ngoài vẩy có màu vàng nâu hoặc trắng ngà, và hơi tía. Củ có đặc tính dai và cứng, hơi đắng, không mùi, trơn bóng giống như sừng và có mặt gãy phẳng.

Cây hoa Bách hợp - Loài hoa đẹp có lợi cho sức khỏe
Hoa Bách hợp Trung Quốc

2 Đặc điểm phân bố

Bách hợp là loài cây tự nhiên sống hoang dã trên các đồi cỏ và ven suối tại các vùng núi có độ cao trên 1000 mét. Cây cũng được trồng để lấy thân hành làm thực phẩm. Bách hợp thích ánh sáng và ẩm ướt, vì vậy nó thường được trồng từ giâm cành hoặc trồng cây con từ hạt. Thời gian để cây phát triển và đạt khả năng ra hoa và quả là 18 tháng.

Cách trồng bách hợp tương tự như trồng hành hoặc tỏi, bằng cách sử dụng giâm cành. Sau một năm trồng, thường cắt hết hoa để thúc đẩy sự phát triển của củ. Bách hợp nở hoa từ tháng 5 đến tháng 7, và thường cho trái từ tháng 8 đến tháng 10.

Bách hợp phân bố rộng rãi ở các tỉnh Kon Tum, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Giang. Loài cây cũng được tìm thấy ở Trung Quốc.

Cây hoa Bách hợp - Loài hoa đẹp có lợi cho sức khỏe
Nguỵ hoa bách hợp

3 Thành phần hóa học

Thân hành chứa colchicein, Vitamin C, protid 4%, glucid 30% và lipid 0.1%. 

4 Công dụng – Tác dụng của cây hoa Bách hợp

4.1 Tác dụng dược lý 

Cây hoa Bách hợp không chỉ có tác dụng kháng khuẩn, hạ lipid máu, kháng viêm, chống mệt mỏi, kháng khối u, chống oxy hóa, hạ đường huyết và chống trầm cảm mà còn được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc như một loại thuốc giảm chứng mất ngủ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, củ của cây hoa Bách hợp có thể giúp cải thiện sự xáo trộn của hệ vi khuẩn đường ruột và các chất chuyển hóa do p -chlorophenylalanine gây ra, từ đó giảm thiểu triệu chứng mất ngủ hiệu quả. Vì vậy, cây hoa Bách hợp không chỉ là một loại thảo mộc dùng làm thuốc mà còn có thể được xem như một loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe, giúp làm giảm chứng mất ngủ ngày càng gia tăng trong tương lai.

Cây hoa Bách hợp - Loài hoa đẹp có lợi cho sức khỏe
Bó hoa Bách hợp

4.2 Vị thuốc Bách hợp – Công dụng theo y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng

Bách hợp là một loại thảo dược có vị đắng và tính hàn, được sử dụng để lợi tiểu, thanh nhiệt, an thần, dưỡng tâm, trị ho, tiêu đờm và nhuận phế. 

4.2.2 Công dụng của cây hoa Bách hợp

Bách hợp thường dùng trị suy nhược thần kinh, sốt, viêm phế quản, ho ra máu, ho có đờm quánh, ho khan, lao phổi. Ngoài ra, loại thảo dược này còn được sử dụng để chữa tim đập mạnh và giảm phù thũng.

4.3 Cách dùng dược liệu Bách hợp

Để sử dụng, người ta có thể dùng 8-20g dạng thuốc sắc hoặc bột. Nếu muốn chữa bệnh lao phổi, đau ngực, ho ra máu hoặc ho có đờm quánh, ho khan, thì có thể dùng Bách hợp tươi giã nát, ép nước uống.

Cây hoa Bách hợp - Loài hoa đẹp có lợi cho sức khỏe
Vị thuốc cây hoa Bách hợp

5 Bài thuốc từ Bách hợp

  • Để giúp cải thiện tâm lý khi bị suy nhược, lo âu, hồi hộp, buồn bực, ít ngủ, ho lâu và phổi yếu, ta có thể dùng Bách hợp, Sinh Địa, Mạch Môn với số lượng 20g mỗi loại, và 5g Tâm Sen sao dạng thuốc sắc uống.
  • Để giảm triệu chứng đau ngực và thổ huyết, ta có thể dùng Bách hợp tươi giã và lấy nước uống.
  • Để điều trị viêm phế quản và ho, có thể sử dụng bách hợp 30g, ý dĩ nhân 16g, tang bạch bì 12g, thiên môn đông 10g, mạch môn 10g và Bách Bộ 8g. Sắc các thành phần này với 1 lít nước, sau đó chưng còn lại 400ml và chia thành ba lần uống trong ngày.
  • Trong trường hợp đại tiện ra máu, có thể dùng hạt bách hợp đã được tẩm rượu sao và tán nhỏ. Liều lượng thường là 6-12g.
  • Để giảm đau dạ dày mạn tính và đau bụng thỉnh thoảng, ta có thể dùng Bách hợp 30g và Ô Dược 10g dạng thuốc sắc uống.

6 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bách hợp trang 71 – 73, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bách hợp trang 85, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
  3. Tác giả Yanpo Si và cộng sự (Đăng ngày 03 tháng 01 năm 2022). A comprehensive study on the relieving effect of Lilium brownii on the intestinal flora and metabolic disorder in p-chlorphenylalanine induced insomnia rats, PubMed. Truy cập ngày 29 tháng 03 năm 2023.

Để lại một bình luận