Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) |
Bộ(ordo) |
Fabales (Đậu) |
Họ(familia) |
Fabaceae (Đậu) |
Phân họ(subfamilia) |
Faboideae (Đậu) |
Tông(tribus) |
Phaseoleae |
Chi(genus) |
Lablab (Đậu ván) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Lablab purpureus L. |
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ giải độc, bổ tiêu hóa, Bạch biển đậu (Đậu ván) được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Thuốc Gia Đình xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Bạch biển đậu.
1 Giới thiệu về cây Đậu ván
Đậu ván còn có tên gọi khác là Bạch biển đậu, được trồng ở ven hàng rào, dưới gốc cây gỗ cao hoặc bắc giàn, ở độ cao tới 1600m.
Tên khoa học của Đậu ván là Lablab purpureus L., thuộc họ Đậu (Fabaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Đậu ván là một loại cây thân thảo sống lâu năm, có thời gian sống ngắn, thân bụi hoặc leo và phân nhánh, thường được trồng hàng năm. Nó tạo ra các thân xoắn có thể dài 6 – 9m. Cây có rễ cái phát triển tốt với nhiều nhánh bên và rễ phụ phát triển tốt. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét hình trứng có một ít lông ở mặt dưới.
Các chùm hoa mọc ở ngọn cành hoặc nách lá, màu tím hồng sáng. Quả dài khoảng 8-10cm, màu xanh lục nhạt, khi chín chuyển màu vàng ngà, đầu có mỏ nhọn cong lại. Bên trong quả chứa nhiều hạt, hình trứng tròn dẹt, dài 8-15mm, rộng 6-8mm, dày 2-4mm. Vỏ hạt màu trắng ngà, đôi khi có chấm đen, nhẵn, hơi bóng, có mép ở rốn lồi lên, màu trắng.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt (Bạch biển đậu), đôi khi cũng dùng lá và rễ.
Cây được thu hái khi quả đã chín già và khô dưới trời nắng ráo, bóc bỏ lớp vỏ ngoài để lấy hạt, rồi phơi hoặc sấy khô, khi dùng sao vàng. Lá tươi dược thu hái quanh năm.
1.3 Đặc điểm phân bố
Đậu ván là loài cổ nhiệt đới, được trồng rải rác khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi thấp, tập trung nhiều ở Phú Yên, Bình Thuận. Nó cũng có mặt ở nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt khác.
2 Thành phần hóa học
Alkaloid, glycoside, carbohydrat, protein, steroid, flavonoid, axit amin và terpenoid là những hóa chất chính được xác định trong nhiều bộ phận của Đậu ván, bao gồm hạt, lá và rễ. Người ta phát hiện thấy hạt khô có thành phần tinh bột khoảng 30-35%, protein 20-25%, hàm lượng chất xơ cao 7,2% và hàm lượng chất béo thấp 0,8%. Nồng độ cao nhất của protein thô, chất béo thô (lên đến 13%) và tro (lên đến 4%) đã được báo cáo từ loại cây này. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy một lượng đáng kể Kali, Canxi, Kẽm và Sắt. Các tác nhân kháng dinh dưỡng chính như tannin, haemagglutinin, cyanogenic glucoside, oxalat, phytat, Saponin và chất ức chế trypsin đã được xác định. Hoạt động của các yếu tố này không thể dễ dàng bị phá hủy bởi các enzyme gia nhiệt. Tuy nhiên, ảnh hưởng có thể giảm đi khi áp dụng các phương pháp chế biến khác nhau như loại bỏ vỏ hạt, ngâm hoặc nấu.
Nồng độ cao của axit glutamic và axit aspartic, leucin và lysin đã được xác định và phân lập từ loại cây này. Các nhà nghiên cứu đề cập đến sự hiện diện của steroid brassinolide, castasteron, dolicholide, homodolicholide và alkaloid spermidin, spermin, andtrigonellin.
6 rotenoid đã được phân lập từ chiết xuất Đậu ván: deguelin, dehydrodeguelin, rotenol, rotenon, tephrosin và sumatrol.
Một số Flavonoid cũng được xác định từ các bộ phận khác nhau, bao gồm cả genistein, 2′-hydroxygenistein, kieviton, luteolin, dimethylvestitol, laxifloran, cosmosiin…
Hạt thô có độc. Hạt trưởng thành có hàm lượng cao glucoside cyanogen và trypsine độc hại, và phải được nấu chín kỹ trước khi ăn, sẽ phá hủy hoàn toàn độc tố.
3 Tác dụng – Công dụng của Đậu ván
3.1 Tác dụng dược lý
Các tác dụng dược lý của chiết xuất Đậu ván đã được nghiên cứu chứng minh, bao gồm:
- Chống oxy hóa: Chiết xuất Đậu ván cho thấy hoạt tính chống oxy hóa thông qua yếu tố hạt nhân ERF2 – trung gian hemeoxygenase-1 thông qua sự kích hoạt p38 và ERF, do đó làm giảm sự chết của tế bào và giảm ROS trong tế bào.
- Chống viêm và giảm đau: Các hóa chất trong chiết xuất Đậu ván có khả năng giảm số lượng các cơn co thắt mặc dù phụ thuộc vào liều so với các loại thuốc giảm đau tiêu chuẩn như aspirin; đồng thời ức chế interleukin-6 khử lipopolysaccharide và sản xuất TNF-alpha bởi các tế bào đơn nhân máu ngoại vi của con người bằng cách ức chế kích thích mô phỏng các cytokine.
- Kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm: Chiết xuất Đậu ván có tác dụng chống lại sự gây hại của một số dòng vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Proteus vulgaris ,Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumonia, E.coli; một số chủng nấm như Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Candida albicans và một số loại virus như HIV, virus cúm A…
- Chống khối u: Nhờ chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như flavonoid, chiết xuất Đậu ván có thể ngăn ngừa sự tăng sinh của các dòng tế bào gây ung thư như tế bào A549 – P10 (thận phôi người), MCF-7 – P9 (ung thư vú) và HEK293 – P10 (ung thư phổi ở người)…
- Ngoài ra, chiết xuất Đậu ván cũng có nhiều tiềm năng hứa hẹn trong vai trò cải thiện tiểu đường, hỗ trợ điều trị thiếu máu thiếu sắt, giúp làm giảm mỡ máu, chống đông máu, bảo vệ gan và diệt côn trùng hiệu quả.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Bạch biển đậu có tính ấm, vị ngọt, quy vào kinh tỳ, vị, có tác dụng bổ tỳ vị, điều hòa nội tạng, dịu phong, giải cảm nắng, trừ thấp và giải độc.
Trong đông y, Bạch biển đậu được dùng trong trị cảm nắng, khát nước, bạch đới, tỳ vị hư yếu, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm dạ dày ruột cấp, đau bụng, nôn ọe, ngộ độc (rượu, cá nóc, thức ăn). Lá chữa hóc xương, yết hầu sưng đau, tiểu máu, rắn cắn. Rễ dùng trong hỗ trợ trị bệnh đậu lào, điên, đan giật, co quắp tứ chi.
4 Các bài thuốc từ cây Đậu ván
4.1 Trị nhiệt bệnh, thổ tả đau bụng dữ dội, nôn mửa
Nguyên liệu: Bạch biển đậu.
Cách làm: Sao vàng, tán thành bột, uống với giấm.
Hoặc: Lá Đậu ván, lá Hương Nhu mỗi thứ một nắm.
Cách làm: Rửa sach, sắc lấy nước uống; hoặc giã nát, thêm giấm, vắt lấy nước cốt uống.
4.2 Trị rối loạn kinh nguyệt, kinh bế lâu ngày, kém ăn mỏi mệt
Nguyên liệu: Bạch biển đậu.
Cách làm: Sao vàng, tán nhỏ, uống mỗi ngày 3 lần với nước cơm và lượng bằng nhau.
4.3 Trị ngộ độc thịt chim
Nguyên liệu: Bạch biển đậu.
Cách làm: Sao vàng, nghiền thành bột pha với nước uống.
4.4 Món ăn trị phân lỏng, tiêu chảy ở trẻ
Nguyên liệu: Bạch biển đậu.
Cách làm: Ngâm với nước qua đêm, bóc vỏ, nấu thành cháo loãng cho ăn.
4.5 Món ăn giúp giải nhiệt mùa hè, trị mệt mỏi, ăn uống không ngon
Nguyên liệu: Bạch biển đậu, lá Sen non.
Cách làm: Nấu thành chè uống, lợi thấp khai vị.
4.6 Trị tỳ vị kém, đại tiện ít nát ở người già
Nguyên liệu: Bạch biển đậu, mì.
Cách làm: Nấu canh Bạch biển đậu với mì cán nát, ăn thay bữa sáng và bữa trưa.
4.7 Trị ban xuất huyết
Nguyên liệu: Đường phèn 50g, hồng táo 20 trái và bạch biển đậu 100g.
Cách làm: Sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.8 Trị mồ hôi nhiều, nắng nóng do nhiệt
Nguyên liệu: Cam Thảo 10g, sâm đại hành 16g, bạch biển đậu 12g, Cát Căn 20g và khoai lang khô (sao vàng) 30g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.9 Trị khí hư ở phụ nữ
Nguyên liệu: Trạch lan, bạch biển đậu mỗi vị 16g, uất kim 10g, rễ bạch đồng nữ (thái mỏng, sao vàng), hạ liên châu mỗi vị 20g, Bạch Linh 10g, Hương Phụ 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Smitha S Bhat và cộng sự (Ngày đăng tháng 4 năm 2022). Biomedical importance of Lablab purpureus: A review, ResearchGate. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Đậu ván trang 916-917, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2023.