Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) |
Lamiaceae (Hoa môi) |
Chi(genus) |
Mentha |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Mentha arvensis L. |
Bạc hà được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị tiêu hóa kém, viêm đau… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Bạc hà.
1 Giới thiệu về cây Bạc hà
Bạc Hà còn có tên gọi khác là Dọc mùng hay Bạc hà nam, mọc ở vùng núi cao, nơi nhiều ánh sáng, là cây của vùng u, Á ôn đới. Ngoài ra, còn có Bạc hà cay (còn gọi là Bạc hà u), Bạc hà lá tròn và Bạc hà lục.
Tên khoa học của các loại cây Bạc hà là Mentha arvensis L. (Bạc hà nam), Mentha piperita L. (Bạc hà cay), Mentha rotundifolia L. (Bạc hà lá tròn), Mentha spicata L. (Bạc hà lục), thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Trong số đó, phân bố rộng rãi và phổ biến nhất là Bạc hà nam.
Hình ảnh cây Bạc hà
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây mọc thành đám với nhiều chồi non mọc ngầm, khí sinh cùng với thân thảo nhẹ, xốp, có tiết diện vuông, đường kính 0,15-0,3cm. Cây có chiều cao 0,3-0,7m, đôi khi lên tới 1m, phân thành nhiều nhánh. Thân cây chia thành nhiều đốt, các đốt cách nhau 3-7cm, màu nâu tía hoặc xanh xám. Mặt cắt ngang thân có màu trắng, ở các thân già có thể bị rỗng ở giữa. Lá mọc đối, thuôn hoặc hình mũi giáo, dài 4-6cm, rộng 1,5-2,5cm, có màu xanh lục hoặc lục pha hồng tía, đầu lá thuôn nhọn hoặc hơi tù, mép lá có răng cưa. Cuống lá dài 0,5-1,5cm.
Hoa mọc thành bông dày liên tục hoặc bị ngắt quãng, cụm hoa mọc ở nách lá, gồm nhiều hoa nhỏ, màu trắng hồng, hoặc tím hồng. Thân và lá có nhiều lông tơ bao phủ và có mùi thơm. Có thể trồng quanh năm bằng thân cây, tuy nhiên trồng vào mùa xuân cho năng suất cao nhất, mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 10-11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất, lá để lấy tinh dầu bạc hà, menthol chiết tách từ tinh dầu.
Bạc hà được thu hái sau khi cây vừa ra hoa hoặc bắt đầu phân nhánh, thời tiết khô ráo, sau khi loại bỏ tạp chất được phơi hoặc sấy nhẹ tới khô, lá khô dễ vụn nát. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, muốn thu tinh dầu thì dùng lá tươi hoặc hơi héo.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bạc hà được du nhập từ châu u vào nước ta, phân bố rộng rãi khắp các tỉnh thành, từ Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội vào Sài Gòn, Cà Mau.
2 Thành phần hóa học
Thành phần chính của Bạc hà là tinh dầu (0,5-1,5%), chủ yếu là L-menthol (65-85%). Các nhà khoa học đã tinh chế được một số este phenolic, không tan trong etanol của Bạc hà. Ngoài ra, các liên hợp “không hòa tan” của axit caffeic, ferulic và p-coumaric cũng đã được phát hiện. Hai anthocyanin acyl hóa có chứa axit p-coumaric và axit caffeic cũng thu được từ bột axeton. Nó chứa lượng xanthophyll tổng số cao nhất. Linarin từ chiết xuất hoa đã được phân lập.
Các thành phần dễ bay hơi trong tinh dầu của các bộ phận khác nhau (thân chồi, lá chồi, thân đốt, lá thân) của Bạc hà trồng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới bán khô hạn đã được khảo sát. Lá chồi cho sản lượng dầu cao nhất (0,62%), trong khi thân cây sản xuất lượng dầu không đáng kể (0,02%). Menthol là thành phần chính của tất cả các loại dầu, với tỷ lệ cao nhất trong dầu thân chồi (78,16%) và thấp nhất trong dầu thân stolon (43,7%). Oxyde β-caryophyllen có mặt trong dầu chồi (thân và lá), trong khi α-phellandren và terpinolen được xác định trong dầu stolon (thân và lá), cũng giàu limonen, menthon và pulegon hơn so với dầu chồi. Thân rễ ngầm của cây bạc hà không tạo ra bất kỳ loại tinh dầu nào. Sự xuất hiện của menthofuran (0,01-0,04%) được xác định.
Thành phần hóa học của tinh dầu Bạc hà
Phân loại lipid và thành phần axit béo của các mô ăn được được thực hiện, hàm lượng lipid trên cơ sở trọng lượng khô là 6,2% và 2,0% – trong lá và thân. Trong số các lipid không phân cực, sắc tố là thành phần chính. Monogalactosyl diglyceride và digalactosyl diglyceride là thành phần chính của glycolipid. Phosphatidylcholin là Phospholipid chiếm ưu thế trong số các axit béo cấu thành, được xác định bằng sắc ký khí-lỏng, những chất chính là linolenic (18:3) và palmitic (16:0) trong lá và các mô khác.
3 Tác dụng – Công dụng của Bạc hà
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn
Hoạt tính kháng khuẩn của mẫu tinh dầu chiết xuất từ Bạc hà đã được đánh giá chống lại mầm bệnh đường ruột bao gồm Salmonella spp., E.coli, Campylobacter jejuni và Clostridium perfringens.
3.1.2 Hoạt động chống dị ứng và chống viêm
Hoạt tính chống viêm và chống dị ứng của chiết xuất etanolic và nước (lá, thân và rễ) của Bạc hà đã được xác định. Lá Bạc hà là nguồn cung cấp các thành phần hóa thực vật phong phú, mang lại tác dụng điều trị chống lại các bệnh dị ứng và viêm nhiễm. Kết quả chống dị ứng cho thấy rằng chất chiết xuất từ Ethanol của lá và rễ có hoạt tính ức chế rõ rệt, tương ứng là 57% và 53%. Khả năng chống viêm được thể hiện bởi chiết xuất etanol của các bộ phận của cây như sau: lá (68,3%), rễ (48,8%), thân (10,70%) và được so sánh với khả năng ức chế của chất chứng Diclofenac natri (77,87%).
3.1.3 Hoạt động chống oxy hóa
Cineole, eugenol và thymol, có trong bạc hà được báo cáo là chất chống oxy hóa tốt và ức chế quá trình peroxy hóa lipid. Các Flavonoid như quercetin, có trong bạc hà đã được báo cáo là có khả năng loại bỏ các gốc tự do OH và superoxide và cũng ức chế quá trình peroxy hóa lipid. Các eugenol, terpen và flavonoid có trong chiết xuất bạc hà cũng có khả năng chống oxy hóa tốt và là chất điều biến các enzyme xenobiotic, đặc biệt là các enzyme Giai đoạn 2 như glutathione-s-transferase và Glutathione. Các nghiên cứu cho thấy Bạc hà có thể là tác nhân trị liệu mạnh và mới lạ để loại bỏ NO và điều chỉnh các tình trạng bệnh lý do tạo ra quá nhiều NO và sản phẩm oxy hóa của nó, peroxynitrite. Đặc tính chống oxy hóa tiềm năng của Bạc hà bao gồm khử Sắt (III), thải sắt (II), loại bỏ gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl và khả năng ức chế quá trình peroxy hóa phospholipid não qua trung gian gốc hydroxyl được xúc tác bởi sắt (III)-ascorbate.
Ngoài ra, Bạc hà còn được chứng minh là có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, bảo vệ gan, chống tăng sinh tế bào và giảm đau.
Tác dụng dược lý của Bạc hà
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây Bạc hà có tính mát, vị cay, mùi thơm, có tác dụng hạ sốt, giúp ra mồ hôi, giảm đau họng, đau mô mềm, giúp tiêu hóa khỏe mạnh, tiêu sưng, giảm ngứa. Ngoài ra, sử dụng tại chỗ tinh dầu bạc hà giúp sát trùng, gây tê nhẹ, giảm đau.
Trong đông y, cây Bạc hà được dùng trong chữa cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, sốt, viêm đau họng, lá Bạc hà trị ho; sởi giai đoạn đầu; khó tiêu, chướng hơi, đau bụng; ngứa ngáy, dị ứng; sưng đau ngoài da.
4 Các bài thuốc từ cây Bạc hà
4.1 Trị cảm cúm, sổ mũi, đau viêm họng, ho
Nguyên liệu: Bạc hà 30g, lá tràm 50g, lá đại bi 20g, Kinh Giới 10g, Hương Nhu, hạt mùi, an tức hương.
Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, phơi khô, ngâm với cồn 80 độ trong 15 ngày. Lọc lấy phần dịch cồn, dùng ½ thìa cà phê mỗi lần, pha vào nước sôi và xông hít.
Ngoài ra, cũng có thể dùng Bạc hà 5g, hạt Quan âm, Cúc Hoa vàng mỗi vị 10g, Kinh giới 7g, Kim Ngân Hoa 15g, sắc lấy nước để uống. Nếu đau họng nhiều, có thể dùng Bạc hà 5g, Ngưu bàng, Huyền Sâm, Cát Cánh, Cam Thảo mỗi vị 10g, sắc uống tới khi khỏi.
4.2 Trị ngứa da
Nguyên liệu: Bạc hà, thuyền thoái (đồng lượng).
Cách làm: Tán nhỏ nguyên liệu, pha với rượu nóng để uống, mỗi lần dùng 4g.
4.3 Trị nôn, lợi tiêu hóa
Nguyên liệu: Thân, lá bạc hà 5g.
Cách làm: Pha với 200ml nước sôi, cứ 3 giờ uống một lần; có thể thay bằng rượu cồn, mỗi lần uống 5-10 giọt.
Trà Bạc hà giúp trị nôn, lợi tiêu hóa
4.4 Trị cảm mạo đau đầu
Nguyên liệu: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, Phòng Phong 5g, Bạch Chỉ 4g, hành hoa 6g.
Cách làm: Hãm với nước sôi trong 20 phút rồi uống lúc còn nóng.
4.5 Cách sử dụng lá Bạc hà tươi trị chảy máu cam, ong đốt, mắt mờ
Nguyên liệu: Lá bạc hà tươi.
Chảy máu cam: Giã lấy nước nhỏ vào mũi hoặc thấm bằng bông chèn vào mũi.
Ong đốt: Giã nát đắp vào vết ong chích.
Mắt mờ: Ngâm với Gừng tươi sau một đêm, lấy nước để rửa mắt.
5 Các chế phẩm từ chiết xuất Bạc hà
Tinh dầu bạc hà, menthol, cao Bạc hà được sử dụng nhiều trong các chế phẩm khác nhau, bao gồm:
- Gel, kem, cao, dầu xoa… dùng ngoài da giúp giảm sưng đau, giảm ngứa.
- Nước súc miệng, kem đánh răng, dầu gội, dung dịch vệ sinh, xịt chống côn trùng…
- Dung dịch xịt họng, viên ngậm giảm ho, đau rát họng…
- Chế phẩm uống lợi tiêu hóa.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Baban Thawkar và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2016). Phytochemical and pharmacological review of Mentha arvensis, ResearchGate. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bạc hà trang 67-69, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bạc hà trang 74-75, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.