Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) |
Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) |
Lamiaceae (Hoa môi) |
Chi(genus) |
Marrubium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Marrubium vulgare L. |
Bạc hà đắng thuộc dạng cây thảo sống lâu năm, cây mọc thẳng đứng hoặc lan rộng, thân cây vuông, chiều cao mỗi cây Bạc hà đắng có thể lên đến 60cm, được bao phủ bởi một lớp lông tơ. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Marrubium vulgare L.
Tên gọi khác: Húng đắng lông trắng.
Họ thực vật: Hoa môi (Lamiaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Bạc Hà đắng thuộc dạng cây thảo sống lâu năm, cây mọc thẳng đứng hoặc lan rộng, thân cây vuông, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 60cm, được bao phủ bởi một lớp lông tơ.
Lá mọc đối, phủ lông tơ, chiều dài mỗi lá khoảng 1 đến 7cm, chiều rộng từ 0,8 đến 4,5cm, phiến lá có dạng hình trứng hoặc gần như tròn, mép răng cưa.
Hoa hình ống màu trắng, hoa dài từ 0,6 đến 1,2cm, mọc thành cụm ở các nách lá phía gần ngọn. Các hoa được bao quanh bởi 1 ống đài màu xanh lục.
Quả gồm 4 hạt, quả hạch vẫn còn đài hoa tồn tại.
Chiều dài mỗi hạt khoảng 1 đến 2,5mm, hình trứng, bề mặt hơi nhám.
1.2 Thu hái và chế biến
Các bộ phận trên mặt đất.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bạc hà đắng có nguồn gốc từ Bắc Phi, Châu u và một số vùng Châu Á, và đã được du nhập vào Nhật Bản, miền Nam Châu Phi, Châu Mỹ, Úc và New Zealand. Tại nước ta chưa tìm thấy tài liệu có ghi chép về loài này.
Bạc hà đắng được coi là một loài xâm lấn gây ảnh hưởng đến những loài khác. Cây nhân giống bằng hạt.
2 Thành phần hóa học
Các nhà khoa học đã báo cáo rằng, Bạc hà đắng sau khi sấy khô đến 17,20% khối lượng tươi có tổng hàm lượng chất xơ là 9,50%, tổng hàm lượng tro là 10,70%, hàm lượng tro không tan trong axit là 1,73% và hàm lượng tro tan trong nước là 8,90%.
Ngoài ra, Bạc hà đắng còn chứa một lượng nhỏ tinh dầu, thường nằm trong khoảng từ 0,03% đến 0,06% với các monoterpen như camphene, p-cymol, fenchene, Limonene, α-pinene, sabinene và α-terpinolene. Các dẫn xuất monoterpen không bay hơi cũng có trong cây với axit monoterpene marrubic và glycoside monoterpene sacranoside A (myrtenyl 6- O -α- l -arabinopyranosyl-β- d -glucopyranoside) là các hợp chất đã xác địn. Sesquiterpene lactone vulgarin, β-sitosterole, lupeol và β-amyrin các loại triterpenoid như axit oleanolic đã được xác định trong chiết xuất của Bạc hà đắng.
Loài cây này còn chứa diterpen loại labdane làm thành phần đắng chính, lên đến 3 mg/g trọng lượng tươi, trong đó marrubiin là thành phần chiếm ưu thế (0,12–1%) tiếp theo là tiền chất pre-marrubiin (0,13%), 12( S )-hydroxymarrubiin, 11-oxomarrubiin, 3-deoxo-15( S )-methoxyvelutine, marrubenol, marruliba-acetal, cyllenil A, polyodonine và preleosibirin. Ngoài ra, peregrinol, peregrinin, dihydroperegrinin, vulgarol, vulgarcoside A, deacetylvitexilactone, carnosol, deacetylforskolin có trong phân đoạn diterpenoid. Hàm lượng marrubiin ước tính trong chiết xuất methanol của Bạc hà đắng là 156 mg/g.
3 Tác dụng của cây Bạc hà đắng
Trong những năm gần đây, nhiều tác dụng dược lý của chiết xuất cây Bạc hà đắng đã được nghiên cứu. Bạc hà đắng là một tác nhân chống oxy hóa tốt đã chứng minh là rất hữu ích trong việc điều trị ung thư, bệnh tiểu đường và bệnh gan. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng loại cây này có tác dụng chống viêm và cầm máu, cũng như khả năng hạ huyết áp, an thần và kháng khuẩn.
3.1 Chống oxy hóa
Các nhà khoa học cho rằng, tác dụng chống oxy hóa của Bạc hà đắng có liên quan đến sự hiện diện của marrubiin, cùng với phenolic và Flavonoid tạo ra tác dụng hiệp đồng.
3.2 Bảo vệ gan
Chiết xuất methanol của cây Bạc hà đắng cho thấy tác dụng chống độc gan đáng kể bằng cách làm giảm đáng kể nồng độ AST, ALT và LDH. Tuy nhiên, mức giảm ALP không đáng kể. Đối với hoạt động chống oxy hóa, chiết xuất Bạc hà đắng làm tăng đáng kể hoạt động của GPx (Glutathione Peroxidase), GR (glutathione reductase) và GST (glutathione transferase) trong mô gan chuột. Ngoài ra, nó làm tăng hàm lượng GSH và làm giảm sản xuất mức MDA, góp phần làm giảm các thay đổi mô bệnh học ở gan chuột được điều trị bằng CCl4.
3.3 Tác dụng chống viêm
Nghiên cứu về tác dụng chống viêm của chiết xuất methanol của Bạc hà đắng đối với nhồi máu cơ tim do isoproterenol gây ra ở mô hình chuột cho thấy creatinine kinase-MB trong huyết thanh giảm 52,2–69,0% (tùy thuộc vào liều chiết xuất Bạc hà đắng). Ngoài ra, việc điều trị bằng chiết xuất Bạc hà đắng giúp làm giảm đáng kể hoạt động của myeloperoxidase cơ tim trong nhồi máu cơ tim. Kết quả của nghiên cứu này chứng minh rằng chiết xuất Bạc hà đắng có tác dụng bảo vệ mạnh chống lại nhồi máu cơ tim do isoproterenol gây ra và có thể khả năng bảo vệ này là kết quả của đặc tính chống viêm của loài cây này.
3.4 Chống đái tháo đường
Chiết xuất methanol của Bạc hà đắng dẫn đến việc hạ đáng kể nồng độ Glucose trong máu, ure huyết thanh, axit uric và creatinin, cũng như kiểm soát mức lipid khi so sánh với chuột bị tiểu đường do streptozotocin gây ra. Các chiết xuất methanol này làm tăng đáng kể sự hấp thu glucose của gan và cơ xương. Ngược lại, chúng làm giảm sự hấp thụ glucose ở hồi tràng của chuột. Những kết quả này cho thấy tác dụng của chiết xuất Bạc hà đắng có thể là do các cơ chế ngoài tụy. Tác dụng chống tiểu đường này là kết quả của việc điều chỉnh quá trình tổng hợp glycogen và ức chế sự hấp thụ glucose ở ruột.
Ngoài ra, chiết xuất Bạc hà đắng còn có tác dụng điều hòa huyết áp, hỗ trợ làm hạ lipid máu, bảo vệ dạ dày,…
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
Bạc hà đắng có tác dụng kích thích vị giác, tăng cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, loại cây này còn được sử dụng với mục đích long đờm trong các trường ho do cảm lạnh, điều trị triệu chứng khó tiêu như đầy hơi, chán ăn.
Y học cổ truyền sử dụng Bạc hà đắng như một loại thuốc bổ đắng, long đờm và lợi tiểu. Ngoài ra, nhân dân còn sử dụng Bạc hà đắng để điều trị vàng da, Đau Bụng Kinh, nhuận tràng khi dùng liều cao.
Bạc hà đắng có thể dùng ngoài trong các trường hợp tổn thương da, loét.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Milica Aćimović và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2020). Marrubium vulgare L.: A Phytochemical and Pharmacological Overview, NCBI. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.