Bã Thuốc (Sang Dinh – Lobelia pyramidalis Wall.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Anthophyta (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Asterales (Cúc)

Họ(familia)

Lobeliaceae (Hoa chuông)

Chi(genus)

Lobelia

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Lobelia pyramidalis Wall.

Bã Thuốc (Sang Dinh - Lobelia pyramidalis Wall.)

Cây Bã Thuốc (Lobelia pyramidalis Wall.). Bã Thuốc thuộc dạng cây thảo, chiều cao chỉ khoảng 1 đến 1,5 mét. Bã Thuốc được dùng để chữa mụn nhọt, hen, ho đờm. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Bã Thuốc

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Lobelia pyramidalis Wall.

Tên gọi khác: Sang Dinh.

Họ thực vật: Lô biên Lobeliaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh toàn cây Bã Thuốc
Hình ảnh toàn cây Bã Thuốc

Bã Thuốc thuộc dạng cây thảo, chiều cao chỉ khoảng 1 đến 1,5 mét. Là loại cây sống lâu năm. Bề mặt thân nhẵn, cây phân cành nhiều ở ngọn.

Lá mọc so le, phiến lá hình mác, chiều dài khoảng 10 đến 20cm, chiều rộng khoảng 1 đến 3cm. Lá gần như không có cuống, đầu lá nhọn, gốc thuôn. Trên mép lá có khía nhiều tăng nhỏ. Lá có Nhựa mủ trắng.

Cụm hoa mọc thành chùm dài ở kẽ lá và ngọn thân. Hoa nhiều, có màu trắng.

Lá đài 5, tràng 5.

Bầu hạ, có 2 ô.

Quả của cây có dạng hình cầu, đường kính mỗi quả khoảng 0,7 đến 1cm. Mỗi quả có nhiều hạt nhỏ, hạt có màu nâu vàng.

Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.

1.2 Thu hái và chế biến

Cây Bã Thuốc dùng để chữa mụn nhọt
Cây Bã Thuốc dùng để chữa mụn nhọt

Bộ phận dùng: Toàn cây.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại nước ta, cây Bã Thuốc được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc với độ cao phân bố từ 1300 đến 1600 mét.

Bã Thuốc là loài cây ưa ẩm, ưa sáng, có thể chịu bóng một phần, thường được tìm thấy ở các khu vực nương rẫy, ven đường.

Cây con mọc hàng năm từ hạt, đặc biệt là vào tháng 4 đến tháng 5, vào tháng 8 đến tháng 9, cây bắt đầu ra hoa.

Mặc dù cây có khu vực phân bố rộng nhưng hiện nay, Bã Thuốc vẫn được xếp vào loại cây tương đối hiếm, do đó cần có biện pháp bảo vệ và nhân giống.

2 Thành phần hóa học

Thành phần chính có trong cây Bã Thuốc là Lobelin với hàm lượng 0,35%, được tìm thấy ở lá khô và chồi non của cây.

Hạt chứa acronarcotic là một chất độc.

Quả của cây có chứa acid uronic, polysaccharide, đường trung tính.

Ngoài ra, cây cũng chứa một lượng nhỏ acid glutamic và galacturonic.

3 Tác dụng – Công dụng của cây Bã thuốc

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng trên hô hấp

Lobelin được tìm thấy trong cây có tác dụng kích thích trung tâm hô hấp ở hành tủy, làm tăng biên độ hô hấp cũng như tần số hô hấp.

3.1.2 Tác dụng trên hệ thần kinh

Khi sử dụng liều nhỏ Lobelin, người ta nhận thấy rằng, hoạt chất này có tác dụng kích thích thần kinh trung ương.

3.1.3 Tác dụng trên huyết áp

Lobelin cũng có tác dụng giải phóng adrenalin từ nang chứa vào trong hệ tuần hòa chung do đó làm tăng huyết áp.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị cay, đắng, tính bình, có độc.

Tác dụng: Thanh nhiệt, tiêu nhọt, giải độc, sát trùng.

3.2.2 Công dụng

Nhân dân sử dụng lá của cây đem giã nát hoặc băm lá để lấy nhựa, sau đó bôi lên các vùng có mụn nhọt, mỗi ngày bôi 2-3 lần.

Lá của cây còn được sử dụng để chữa hen, ho đờm.

Bã Thuốc ít khi dùng theo đường uống vì bản chất đây là loại cây có độc.

Theo Y học hiện đại, Bã Thuốc là loại cây được sử dụng làm nguyên liệu để chiết lobelin đóng thành ống tiêm có dung tích 10mg hoặc 3mg nhằm mục đích kích thích hô hấp, chữa ho đờm, hen đặc biệt là trong những trường hợp cấp cứu như suy hô hấp do ngộ độc thuốc ngủ, khó thở, nhiễm khuẩn nặng, trẻ sơ sinh bị ngạt thở.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng ống 10mg để tiêm bắp, ống 3mg để tiêm tĩnh mạch chậm.

Cần lưu ý rằng, lá cây có chứa Lobelin, đây là một chất có tác dụng dược lý mạnh, độc tính cao do đó, không sử dụng Bã Thuốc để uống khi chưa xác định được hàm lượng hoạt chất có trong cây.

4 Một số cách trị bệnh từ cây Bã Thuốc

Cây Bã Thuốc
Cây Bã Thuốc

4.1 Chữa hen, ho đờm

Sử dụng một lượng bằng nhau lá của cây Bã Thuốc và cây Cà Độc Dược.

Mỗi lần sử dụng 0,05 đến 1g bột lá khô.

Tiến hành làm thành điếu thuốc để hút.

4.2 Chữa viêm loét miệng

Sử dụng một lượng bằng nhau lá cây Bã Thuốc và lá Đào.

Đem giã nát, đắp tại vùng tổn thương.

5 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam, tập 1. Cây Bã Thuốc, trang 369-370. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2024.

Để lại một bình luận