Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) |
Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) |
Croton |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Croton tiglium L. |
Ba đậu thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng 3 đến 6 mét. Bề mặt vỏ thân và vỏ cành nhẵn. Những cành còn non có dạng hình trụ, màu nâu nhạt, bên trên có nhiều lỗ bì. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây ba đậu là cây gì?
Tên khoa học: Croton tiglium L.
Tên gọi khác: Bã đậu, Ba đậu tàu, Mần để, Ba nhân, Lão dương tử, Mác vát.
Họ thực vật: Thầu Dầu (Euphorbiaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Ba đậu thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng 3 đến 6 mét.
Bề mặt vỏ thân và vỏ cành nhẵn. Những cành còn non có dạng hình trụ, màu nâu nhạt, bên trên có nhiều lỗ bì.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục, gốc lá tròn, có 2 tuyến nhỏ, đầu nhọn, phiến lá có chiều dài khoảng 6-8cm, chiều rộng từ 4-5cm. Lá khi khô có màu vàng, mép có khía răng. Những lá khi còn non có màu hồng đỏ, gồm 3 gân chính tỏa ra từ gốc lá.
Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm, chiều dài cụm hoa khoảng 10 đến 20cm, gồm hoa cái ở dưới và hoa đực ở trên. Hoa đực có cuống mảnh và nhẵn, hoa cái có cuống phủ lông tơ hình sao.
Quả nang hình trứng, đôi khi có dạng hình cầu, mặt ngoài nhẵn, có màu vàng nhạt.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.
Dưới đây là hình ảnh cây Ba đậu:
1.2 Thu hái và chế biến
Hạt thu hái khi quả chưa nứt vỏ (thường từ tháng 8 đến tháng 9) sau đó phơi khô, khi phơi để nguyên cả quả để tiện bảo quản.
Có thể dùng lá và rễ.
Hạt của cây Bã đậu có chứa dầu rất độc nên khi dùng cần phải khử để giảm độc tính.
Phương pháp làm giảm độc tính của cây:
- Bỏ vỏ, giã nhỏ nhân hạt sau đó quấn hạt trong giấy bản rồi đem đi ép để thấm dầu. Trong quá trình ép cần thay giấy nhiều lần, ép đến khi kiệt rồi đem sao vàng. Sản phẩm sau khi chế được gọi là Ba đậu sương.
- Tiến hành tương tự như trên nhưng sao cho đến khi hạt có màu đen, sản phẩm sau khi chế được gọi là Hắc ba đậu có độc tính thấp hơn.
1.3 Đặc điểm phân bố
Ba đậu thuộc dạng cây gỗ, khi còn nhỏ hơi chịu bóng sau đó ưa sáng. Cây mọc lẫn trong các đám cây bụi, dây leo khác loài trong những khu rừng thứ sinh, các đồi cây bụi, nương rẫy.
Những cây mọc từ hạt sau 2-3 năm bắt đầu ra hoa kết trái. Tuy nhiên, chỉ những cây nhận đủ ánh sáng mới kết quả nhiều. Số cây con tái sinh từ hạt tương đối lớn.
Ba đậu là loài cho gỗ cứng, thường được dùng làm cán cuốc, cán xẻng.
2 Cách trồng
Ba đậu là loài không kén đất, có khả năng chịu hạn nhưng không cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt khi vào mùa hè, thời điểm tàn lụi là vào mùa đông. Ba đậu chủ yếu được trồng ở khu vực vườn cây thuốc, trong các gia đình hoặc vườn thực vật.
Cây nhân giống được bằng hạt và bằng cành nhưng phương pháp nhân giống bằng hạt thường phổ biến hơn.
Thời điểm gieo hạt là vào tháng 2 đến tháng 3. Cây con được trồng vào tháng 8 đến tháng 9 hoặc vào mùa xuân năm sau.
Có thể sử dụng nhiều loại đất trồng khác nhau tuy nhiên nên chọn các loại đất có khả năng thoát nước tốt. Khi trồng, đào hố sâu 60cm, các hố cách nhau từ 4 đến 6 mét và chiều rộng mỗi hố từ 50-70cm.
Trộn phân chuồng cùng với đất sau đó trồng cây, tưới nước thường xuyên để cây đủ ẩm.
Hàng năm cần tiến hành xới đất, bón thúc cho cây.
3 Thành phần hóa học
Hạt chứa dầu, protein, crotin (một loại Albumin rất độc), glucosid, alcaloid. Ngoài ra, hạt còn chứa acid amin, đường sucrose,…
Dầu Ba đậu là một chất lỏng có dạng sền sệt, có vị cay nóng, hơi phát quang, thành phần gây tiêu chảy tan trong cồn.
Dầu Ba đậu chứa các acid béo thông thường, một số loại acid đặc biệt như valerianic, tiglic, crotonic, capronic,…
Tác dụng tẩy có trong dầu Ba đậu là chất Nhựa croton, là một albumin gồm 2 protein rất độc gồm croton globulin và croton albumin. Các chất này gây độc với nguyên sinh chất (protoplasma) gây vón máu. Nhiệt độ cao có tác dụng làm giảm bớt độ độc của các chất này.
4 Cây Ba đậu có tác dụng gì?
Dầu Ba đậu là một loại thuốc tẩy mạnh nhất trong số các loại thuốc có tác dụng tẩy. Việc sử dụng liều nhỏ cũng có gây nôn và tẩy mạnh, ngoài ra, dầu Ba đậu còn gây sung huyết da mạnh, sau khi bôi da sẽ bị phỏng và phồng lên, mụn nước sau khi vỡ sẽ gây tróc da.
5 Công dụng trong Y học cổ truyền
Ba đậu có vị cay, tính nóng, rất độc, quy vào 2 kinh gồm vị và đại tràng, có tác dụng phá tích, trục đàm, hành thủy.
Hạt của cây Ba đậu rất độc, được xếp vào nhóm thuốc độc bảng A, do đó thường dùng ở dưới dạng Ba đậu sương hoặc Hắc ba đậu.
Ba đậu được dùng trong các trường hợp bụng đầy chướng, hàn tích đình trệ, đại tiện bí kết, thủy thũng, ho nhiều có đờm.
Liều dùng được khuyến cáo là 0,01 đến 0,05g Ba đậu sương, có thể bào chế thành viên hoặc chế thành cao hoặc phối hợp cùng với các vị thuốc khác.
Y học Ấn Độ sử dụng dầu Ba đậu trong một số sản phẩm thuốc xoa gây sung huyết da, các trường hợp viêm phổi, đau dây thần kinh hông và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, các biện pháp này được coi là không an toàn vì có thể gây tróc da. Ba đậu còn được dùng trong thuốc bôi dẻo gây rộp ra ở thú ý, ít khi dùng làm thuốc tẩy. Gỗ cây có tác dụng làm chảy mồ hôi khi dùng ở liều nhỏ, liều lớn có tác dụng tẩy và gây nôn.
Nhân dân của một địa phương vùng Đông Bắc Ấn Độ còn sử dụng Ba đậu trong một bài thuốc chữa vàng da.
Kiêng kỵ: Do có độc tính mạnh nên không sử dụng Ba đậu cho người có thể trạng hư yếu, người đang sốt nóng, phụ nữ có thai.
Trong quá trình bào chế cần tráng để cho dầu Ba đậu dính vào tay và mắt vì có thể gây rộp da.
Không dùng cùng với hạt Bìm Bìm biếc hay còn được gọi là khiên ngưu tử.
Chú ý: Ba đậu rất độc do đó không được sử dụng quá liều, nếu dùng mà không đi tiểu được thì cho bệnh nhân uống thêm nước cháo nóng, trường hợp bệnh nhân đi tả không dứt thì cần cho uống nước cháo lạnh. Trường hợp ngộ độc Ba đậu thì cho bệnh nhân uống Hoàng Liên hoặc dùng đậu đen hoặc đậu xanh nấu nước uống.
6 Một số cách trị bệnh từ cây Ba đậu
6.1 Tam vật bạch thang dùng chữa viêm niêm mạc dạ dày cấp tính, đau bụng
1g Ba đậu sương.
3g Cát Cánh.
3g Bối mẫu.
Các vị đem tán thành bột sau đó trộn đều.
Mỗi lần uống 0,20g chiêu cùng với nước ấm.
6.2 Chữa đau bụng, viêm dạ dày
0,5g Ba đậu sương.
3g Nhục Quế.
2g Trầm hương.
3g Đinh Hương.
Các vị đem tán thành bột mịn, sau đó trộn đều. Mỗi lần dùng 0,5g đến 1g chiêu cùng nước.
6.3 Chữa thủy thũng
200mg Ba đậu.
3g Hạnh nhân.
Các vị đem bào chế thành từng viên có kích thước bằng hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 3-6 viên, uống đến khi tiểu tiện và đi ngoài dễ dàng thì dừng lại.
6.4 Chữa tỳ vị lạnh trệ, đại tiện bí kết
Sử dụng một lượng bằng nhau các vị Ba đậu sương, đại hoàng đem tán thành bột mịn sau đó làm viêm với mật, mỗi lần uống 0,5 đến 1g.
7 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Ba đậu, trang 85-88. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2024.