Actiso (Cynara scolymus L.)

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (Nhánh Cúc)

Bộ(ordo)

Asterales (Cúc)

Họ(familia)

Asteraceae (Cúc)

Chi(genus)

Cynara (Atiso)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Cynara scolymus L.

Danh pháp đồng nghĩa

Folium Cynarae scolymi.

Actiso (Cynara scolymus L.)

Thuocgiadinh.com – Actiso là loài thực vật được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Với nhiều công dụng bồi bổ cơ thể, giải độc mát gan, actiso trở thành loại dược liệu hữu ích. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về loại dược liệu này.

1 Giới thiệu về cây Actiso

Actiso còn có tên gọi khác là Atiso, mọc ở vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới, ưa khí hậu khô lạnh, ở độ cao đến trên 1500m; hiện đã trở thành cây thuốc được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở Việt Nam.
Tên khoa học của Actiso là Cynara scolymus L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). 

Theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2, dược liệu lá của cây Actiso có tên khoa học là Folium Cynarae scolymi.

Hình ảnh cây Actiso ngoài tự nhiên
Hình ảnh cây Actiso ngoài tự nhiên

1.1 Đặc điểm thực vật

Actiso là cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao khoảng 1-1,2m. Thân ngắn, mọc thẳng, cứng, có các khía dọc thân, bên ngoài phủ lông trắng mềm. Lá cây to dài, mọc so le nhau, cuống lá kích thước to và ngắn. Ở gốc, phiến lá to hơn, xẻ thùy lông chim 2-3 lần; càng về ngọn, phiến lá càng thu nhỏ lại; phiến lá ở ngọn cây gần như nguyên. Mặt trên lá có màu xanh lục, mặt dưới nhạt hơn nhiều lông trắng mịn bao phủ.

Cụm hoa hình đầu mọc ở đầu ngọn cành, với nhiều hoa hình ống, có màu lam tím, đính trên một đế hoa nạc có đường kính 6-15cm. Gốc của đế hoa được bao bọc bởi nhiều lá bắc to, đầu nhọn, mọng nước. Quả bế nhẵn với các tơ trắng dài hơn quả và dính nhau ở gốc, thành vòng để tách ra khi quả chín. Hạt không có nội nhũ. Cây có thể trồng bằng hạt hoặc chồi non.

Dược liệu Actiso được mô tả như sau: Lá nhăn nheo có thể dài tầm hơn 1m, rộng 0,5m hay được chia nhỏ hơn. Phiến lá xẻ thùy sâu hình lông chim, mép thùy khía răng cưa to, đỉnh răng cưa thường có gai nhỏ, mềm. Phần mặt trên lá có màu nâu hay lục còn mặt dưới màu xám trắng, lồi nhiều và có những rãnh dọc nhỏ, song song. Lá có nhiều lông trắng vón vào nhau. Dược liệu lá Actiso có vị mặn và hơi đắng.

Mùa hoa Actiso từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm. 

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận sử dụng: Toàn cây (lá, thân, rễ, cụm hoa).

Lá Actiso được thu hái quanh năm, nhất là lúc cây sắp ra hoa và sau khi đã lấy cụm hoa, rọc lấy phiến lá, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô ở nhiệt độ 50 – 60 độ C. Lá cần ổn định trước rồi mới bào chế thuốc, có thể dùng nước sôi áp suất cáp để xử lý nhanh rồi phơi hay sấy đến khô. Thân và rễ cũng được thu hái khi cây phát triển đầy đủ. Cụm hoa được thu hái lúc sắp nở, dùng tươi làm rau ăn hoặc phơi hay sấy khô làm thuốc. 

1.3 Đặc điểm phân bố

Actiso có nguồn gốc Nam Âu, quanh vùng Địa Trung Hải. Ở Việt Nam, cây được trồng với diện tích lớn tại Đà Lạt và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Lâm Đồng; ngoài ra còn có ở Lào Cai, Sơn La, Hà Nội.

2 Thành phần hóa học

Lá Actiso chứa các dẫn chất của acid mono-caffeoylquinic (acid chlorogenic, 3-caffeoylquinic), các dẫn xuất acid dicaffeoylquinic (cynarin, 1,5-dicaffeoylquinic), Flavonoid (cynarosid, scolymosid). Trong đó, cynarin và acid chlorogenic được coi là thành phần hoạt chất chính của Actiso. 

Trong lá cây có một chất kết tinh, thường là phức hợp với calcium, magnesium, kalium và natrium, là một glucosid mà người ta gọi là Cynarin, mang hai phân tử acid cafeic và một phân tử acid quinic. Ngoài ra, lá Actiso còn chứa tannoid, cyanosid và scolymosid. Từ năm 1956 người ta tổng hợp được Cynarin. Người ta nhận thấy các hợp chất polyphenol có trong lá non nhiều hơn lá già, ở phiến lá nhiều hơn cuống lá, ở chóp lá nhiều hơn gốc lá.

Cụm hoa chứa 3 – 3.15% protid; 0.1 – 0.3% lipid; 11 – 15.5% đường (gồm chủ yếu là Inulin, cần cho người bệnh tiểu đường), 82% nước; còn có các chất khoáng như Mangan, phosphor, Sắt, các loại vitamin: vitamin A, Vitamin B1, Vitamin B2, 10mg Vitamin C. 100g Actiso cung cấp cho cơ thể 50-70 calo.

Rễ cây chứa cynaropicrin có vị đắng.

3 Tác dụng – Công dụng của Actiso

3.1 Tác dụng dược lý

Theo các nghiên cứu, chiết xuất Actiso cho thấy tác dụng đáng kể trong các hoạt động chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ gan, thải độc và bảo vệ hệ tim mạch.

Tác dụng dược lý của Actiso
Tác dụng dược lý của Actiso

Theo Y học cổ truyền, Lá Actiso có vị khổ, lương, tuy kinh can, đởm, có tác dụng lợi mật, giảm đau. Chủ trị tiêu hóa kém và các bệnh viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật.

3.2 Công dụng của Actiso

Actiso có tác dụng gì? Khi được sử dụng như thực phẩm, hoa Actiso rất bổ dưỡng, giúp nâng cao thể lực, ăn ngon hơn, bổ gan, bổ tim mạch, lợi tiểu, đồng thời giúp thải độc, tăng tiết sữa ở mẹ nuôi con bú. Tác dụng lợi mật của Actiso chủ yếu là do cynarin và acid-alcool tạo nên; và còn có những tác dụng khác như giảm cholesterol – huyết, bảo vệ gan, làm tăng sự bài niệu. Ở người, Cynarin có tác dụng loại trừ các acid mật làm giảm cholesterol – huyết và lipoprotein.

Cây Actisô còn non có thể dùng luộc chín hay nấu canh ăn, những bộ thường được dùng làm rau là cụm hoa bao gồm phận đế hoa mang các hoa, các lông tơ và các lá bắc có phần gốc mềm màu trắng ở quanh. Người ta mang về, chẻ nhỏ theo chiều thành 6-8 miếng rồi đem hầm với xương, thịt dọc để ăn cả cái và nước. Bông Actisô là loại rau cao cấp, khi nấu chín rất dễ tiêu hóa, dùng trị đau gan, giảm đau dạ dày, rất cần cho những người bị bệnh đái đường.

Còn lá, thân Actisô được chỉ định dùng chữa: thiểu năng gan, chứng vàng da, chống tăng cholesterol- huyết, vữa xơ động mạch với các dấu hiệu phối hợp (choáng, ù tai, đau đầu, hiện tượng ruồi bay, cảm giác ngón tay tê liệt, trạng thái quá thừa huyết, tạng khớp, đau gan ản thận, urê-huyết, thừa thống phong, thấp khớp, sỏi niệu đạo, thủy thũng, sốt rét (hỗ trợ). Actisô là cây thuốc lợi mật được biết từ nhiều thế kỷ. Có thể nói vị thuốc Actisô và các chế phẩm của nó tạo nên một nhân tố kinh điển của thực vật PA TU liệu pháp nhằm kích thích sự bài tiết mật, kích thích tiêu hóa và tăng năng bài tiết thận và tiêu hóa. 

Liều lượng: Dùng 8g – 10g dưới dạng thuốc sắc mỗi ngày.

4 Các bài thuốc từ cây Actiso

4.1 Điều trị tiểu đường

Lấy lá và hoa của Actiso rửa sạch, luộc và ăn như rau hàng ngày.

Ngoài ra, hoa Actiso phơi hoặc sấy khô, tán thành bột rồi pha trà uống mỗi ngày cũng giúp làm giảm nồng độ đường trong máu.

Bài thuốc trị tiểu đường khác: Chuẩn bị 50g hoa Atiso, 100g khoai tây, 50g cà rốt, 150g xương sườn lợn. Rửa sạch nguyên liệu. Ninh sườn lợn tới mềm vừa ăn, thêm các nguyên liệu khác và gia vị, hầm thành canh ăn 1 lần mỗi ngày, dùng liên tục trong 5-10 ngày.

4.2 Bồi bổ sức khỏe

Nguyên liệu: Lá Atiso: 100g; Ý dĩ: 50g; Gan lợn: 100g.

Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu. Hầm thành canh để ăn, nên dùng 5 ngày một lần.

4.3 Giải nhiệt cơ thể, giải độc gan

Nguyên liệu: 2 cụm hoa Atiso lớn, 3,5 lít nước, 1 bó lá dứa, 60 gram đường phèn.

Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu. Đun sôi nước, thêm hoa Actiso ninh tới khi nhừ, thêm lá dứa và đường phèn đun thêm 10 phút. Lọc lấy phần nước, để nguội, đổ vào bình/cốc/chai, có thể để lạnh và dùng dần, uống mỗi ngày thay thế nước.

4.4 Giảm cholesterol máu

Nguyên liệu: 40 gram thân cây Atiso, 40 gram rễ, 20 gram cụm hoa.

Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, đem phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ. Lấy 2g thành phẩm hãm với nước sôi thành trà, uống mỗi ngày. 

Ngoài ra, có thể dùng hoa Actiso nấu với giò heo hoặc lá lách lợn, hầm thành canh ăn.

Trà Actiso - Giải độc, mát gan, giảm mỡ máu
Trà Actiso – Giải độc, mát gan, giảm mỡ máu

4.5 Giải độc gan, tăng cường chức năng gan

Nguyên liệu: 50 gram hoa Atiso, 100gram gan lợn.

Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu. Hầm hoa Actiso với gan lợn thành canh ăn 1-2 lần mỗi ngày, dùng liên tục trong 5-10 ngày.

5 Sản phẩm từ Actiso

Actiso hiện được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên uống, Dung dịch uống, siro, trà…, một số ví dụ:

  • Chophytol: Viên nén bao đường, dung dịch uống…
  • BAR: Viên bao đường – Pharmedic.
  • Cynara-phytol: Viên bao – XNDP Lâm Đồng.
  • Orthocynar – XNDP TW 25.
  • Phytol, Betasiphon: ống uống – Nadypha.
  • Các loại trà túi lọc, cao Actiso…

6 Phân biệt Actiso và Bụp giấm

Mọi người thường nhầm lẫn hoa của cây bụp giấm với tên gọi “Actiso đỏ”; tuy nhiên, đây là hai loài hoàn toàn khác nhau. Phần đài hoa này có màu đỏ, vị chua thanh, thường được ngâm để làm siro giải nhiệt mùa hè, đôi khi cũng dùng để nấu canh chua.

Actiso và Bụp giấm là hai loài khác nhau
Actiso và Bụp giấm là hai loài khác nhau

7 Tài liệu tham khảo

  1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Actiso trang 62-63, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Actiso trang 45-46, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
  3. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Actiso (Lá) trang 1063, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 15 tháng 09 năm 2023.
  4. Tác giả Ahmed Zayed, Ahmed Serag, Mohamed A.Farag (Ngày đăng tháng 6 năm 2020). Cynara cardunculus L.: Outgoing and potential trends of phytochemical, industrial, nutritive and medicinal merits, ScienceDirect. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.

Để lại một bình luận