Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
ACID URSODEOXYCHOLIC
Tên chung quốc tế: Ursodeoxycholic acid. Mã ATC: A05AA02.
Loại thuốc: Acid mật.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 150 mg, 250 mg, 300 mg, 500 mg.
Viên nang: 250 mg, 300 mg.
2 Dược lực học
Acid ursodeoxycholic là một acid mật tự nhiên, hiện diện một lượng nhỏ trong túi mật của người, có tác dụng làm giảm tổng hợp và bài tiết cholesterol ở gan và giảm hấp thu cholesterol ở ruột. Acid ursodeoxycholic được dùng để hòa tan sỏi túi mật giàu cholesterol.
3 Dược động học
Acid ursodeoxycholic hấp thụ qua Đường tiêu hóa, thải trừ qua mật và có chu kỳ gan – ruột. Thuốc liên hợp một phần tại gan trước khi thải qua mật. Dưới ảnh hưởng của vi khuẩn đường ruột, một phần của dạng tự do và dạng liên hợp bị thủy phân hydro để tạo thành acid lithocholic thải trực tiếp qua phân, phần còn lại được hấp thu và liên hợp chủ yếu với sulfat tại gan trước khi thải qua phân. Thuốc gắn 70% với protein. Thể tích phân bố rất nhỏ.
4 Chỉ định
Làm tan sỏi mật giàu cholesterol.
Xơ gan ở mật tiền phát.
Bệnh lý gan mật liên quan đến xơ nang ở trẻ em từ 6 – 18 tuổi.
Trào ngược dạ dày – thực quản.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc
Bệnh nhân có sỏi cholestent bị vôi hóa, sỏi cản quang trên phim X-quang, túi mật không hoạt động, viêm túi mật cấp, thường xuyên bị cơn đau quặn mật, viêm hoặc các nổi loạn khác của ruột non, đại tràng và gan làm ảnh hưởng đến tuần hoàn gan ruột của muối mật.
6 Thận trọng
Tránh dùng cho người có bệnh gan mạn tính (trừ trường hợp xơ gan ở mật tiên phát)
Không nên ăn chế độ ăn quá nhiều calo hoặc nhiều cholesterol. Chế độ ăn ít cholesterol có thể cải thiện hiệu quả của thuốc.
Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu hụt lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có dữ liệu về tính an toàn trên thai nhi. Tốt nhất nên tránh. Có khuyến cáo rằng thuốc làm tăng thải trừ cholesterol qua mật như dùng cho phụ nữ mang thai.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa đủ dữ liệu về tính an toàn của acid ursodeoxycholic trên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng acid ursodeoxycholic trên phụ nữ cho con bú
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
9.1 Thường gặp
Ngoài da: ban đỏ. Có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn.
Cơ – xương – khớp: đau lưng.
Thần kinh: chóng mặt.
Hô hấp: viêm phế quản, ho, viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên.
9.2 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Trong khi điều trị, nếu không nhìn thấy hình ảnh túi mật trên X-quang hoặc siêu âm, hoặc trường hợp sỏi mật bị calci hóa, giảm co bóp túi mật hoặc đau do co thắt túi mật từng cơn, cần ngừng thuốc. Nếu tiêu chảy xuất hiện, cần giảm liều và điều trị triệu chứng tiêu chảy. Nếu tiêu chảy kéo dài, dai dẳng, cần ngừng thuốc.
10 Tương tác thuốc
Resins gắn acid mật (colestyramine, colestipol…) và một số thuốc kháng acid (như Nhôm Hydroxyd…) có thể ức chế hấp thu và giảm hiệu quả của acid ursodeoxycholic, do đó nên tránh dùng các thuốc này đồng thời với acid, nên dùng cách nhau 2 giờ.
Than hoạt có thể làm giảm hấp thu acid ursodeoxycholic (UDCA).
UDCA có thể làm tăng hấp thụ của ciclosporin và tăng nồng độ ciclosporin trong huyết tương, do đó cần kiểm tra và giảm liều cyclosporin nếu cần thiết.
Trong một số trường hợp, UDCA có thể làm giảm hấp thu Ciprofloxacin.
UDCA làm giảm Cmax và AUC của các thuốc chẹn kênh calci như nitrendipin.
Tương tác làm giảm hiệu quả của dapson cũng được ghi nhận và báo cáo.
Nghiên cứu in vitro cho thấy UDCA có khả năng gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc cytochrom P450 3A.
Các hormon oestrogen, thuốc tránh thai đường uống và một số thuốc hạ cholesterol khác không nên dùng cùng acid ursodeoxycholic.
11 Liều lượng và cách dùng
11.1 Sỏi mật
Thuốc dùng để hòa tan sỏi mật với liều 8 – 12 mg/kg/ ngày, uống hàng ngày, dùng 1 lần trước khi đi ngủ hoặc chia làm 2 lần, trong khoảng 2 năm (tiếp tục dùng 3 – 4 tháng sau khi tan sỏi).
Liều dùng không nhất thiết phải chia đều, với liều lớn hơn uống vào buổi tối trước khi ngủ vì nguy cơ tăng cholesterol túi mật vào ban đêm.
Người béo phì có thể phải dùng liều 15 mg/kg/ngày.
Liều 300 mg, 2 lần/ngày, có thể dùng với mục đích phòng sỏi mật ở những bệnh nhân có giảm cân nhanh.
11.2 Xơ gan ứ mật tiên phát
12 – 16 mg/kg/ngày, chia 3 lần, trong 3 tháng, sau đó dùng 12 – 16 mg/kg/ngày, uống 1 lần trước khi ngủ.
Bệnh lý gan mật liên quan đến xơ nang ở trẻ em từ 6 – 18 tuổi: 20 mg/kg/ngày, chia 2 – 3 lần. Nếu cần thiết có thể tăng lên 30 mg/ kg/ngày.
11.3 Trào ngược dạ dày – thực quản
Người lớn (≥47kg): 250 mg/lần/ ngày, trong 10 – 14 ngày, dùng trước khi đi ngủ.
11.4 Theo dõi hiệu quả điều trị
Theo dõi chức năng gan (GGT, alkaline phosphatase, AST, ALT và bilirubin) hàng tháng trong 3 tháng sau khi bắt đầu điều trị, và sau đó cứ 6 tháng kiểm tra một lần
Cải thiện nồng độ enzym gan và cải thiện triệu chứng lâm sàng là thước đo hiệu quả điều trị.
12 Quá liều và xử trí
Quá liều do acid ursodeoxycholic ít khi xảy ra. Có thể xuất hiện tiêu chảy do hấp thu của acid ursodeoxycholic giảm theo liều nên sẽ tăng đào thải qua phân khi dùng liều quá cao. Không có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên resin trao đổi ion có thể dùng để gắn với acid mật ở ruột non. Điều trị triệu chứng tiêu chảy bằng bù nước – điện giải.
Cập nhật lần cuối: 2020