Vandetanib

Tên chung quốc tế: Vandetanib

Biệt dược thường gặp: Caprelsa

Phân loại: Các chất ức chế protein kinase

Mã ATC: L01EX04

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim chứa hàm lượng 300mg,100mg Vandetanib.

2 Dược lực học

Ung thư tuyến giáp (TC) chiếm khoảng 1% trong tổng số các loại ung thư và là khối u nội tiết ác tính phổ biến nhất. RET là một tiền gen ung thư mã hóa cho thụ thể xuyên màng tyrosine kinase và được biểu hiện trên các mô bắt nguồn từ mào thần kinh bao gồm các tế bào C tuyến giáp nhưng không có trong các tế bào nang tuyến giáp bình thường.

Vandetanib là thuốc ức chế tyrosine kinase hoạt động bằng cách chặn RET (được sắp xếp lại trong quá trình chuyển gen), thụ thể yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGFR-2, VEGFR-3), và thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì và ở mức độ thấp hơn là VEGFR-1, là những mục tiêu quan trọng trong ung thư tuyến giáp (TC).

Cơ chế Vandetanib
Cơ chế Vandetanib

3 Dược động học

3.1 Hấp thu

Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt giá trị cao nhất sau khoảng 6 giờ, trạng thái ổn định của thuốc đạt được sau khoảng 3 tháng.

3.2 Phân bố

Thuốc có Thể tích phân bố khoảng 7450L, tỷ lệ liên kết protein huyết tương là 90%.

3.3 Chuyển hoá

Vandetanib chủ yếu được chuyển hóa tại gan, con đường CYP3A4 chủ yếu chuyển đổi thành chất N-desmethyl-vandetanib và con đường FMO1 và FMO3 biến đổi thuốc thành vandetanib-N-oxide.

3.4 Thải trừ

Vandetanib được bài tiết qua nước tiểu 25% và 44% trong phân, thuốc có thời gian bán hủy trung bình khoảng 19 ngày.

4 Chỉ định

Vandetanib được FDA chấp thuận để điều trị ung thư tuyến giáp thể tuỷ không thể cắt bỏ, hoặc bệnh di căn khắp cơ thể ở người lớn.

Chỉ định Vandetanib
Chỉ định Vandetanib

5 Chống chỉ định

Người mẫn cảm với thành phần của Vandetanib.

Hội chứng kéo dài khoảng QT bẩm sinh.

6 Liều dùng – Cách dùng

6.1 Liều dùng 

Liều dùng khuyến cáo chỉ định điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy tiến triển liều 300mg /lần/ngày, uống đến khi bệnh tái phát trở lại hoặc gặp độc tính nghiêm trọng không thể chấp nhận.

Liều lượng có thể thay đổi tùy theo sự dung nạp và độc tính gặp phải, nếu không thể dung nạp thì ngừng điều trị.

Liều lượng ở trẻ em chưa có khuyến cáo.

6.2 Cách dùng 

Thuốc dùng đường uống,nuốt toàn bộ viên thuốc, không nhai hay nghiền hoà tan viên thuốc trong khi sử dụng. Không uống thuốc đã nứt, vỡ, nếu gặp phải thì báo ngay với nhân viên y tế để đổi thuốc.

Nên uống vào 1 thời điểm nhất định và trong trường hợp quên liều dưới 12 giờ thì nên uống lại càng sớm càng tốt, nhưng nếu quá 12 giờ thì nên bỏ qua liều và quay lại lịch trình thông thường vào hôm sau, không gấp đôi liều uống bù.

Thuốc Caprelsa
Thuốc Caprelsa

7 Tác dụng không mong muốn

7.1 Thường gặp

Tiêu chảy, viêm đại tràng, hạ Canxi máu, phát ban, ALT tăng, viêm da dạng mụn trứng cá, buồn nôn, tăng huyết áp, đau đầu, mệt mỏi, hạ đường huyết, nhiễm trùng đường hô hấp, giảm thèm ăn, đau bụng, tăng creatinin, da khô, nôn mửa, kéo dài QT, phản ứng nhạy sáng, bất thường giác mạc, rối loạn tiêu hoá, ngứa.

7.2 Ít gặp

Protein niệu, trầm cảm, giảm bạch cầu trung tính, khô miệng, bất thường ở móng tay, nhìn mờ, giảm tiểu cầu, rụng tóc, rối loạn vị giác, giảm Magie máu, suy giáp, co thắt cơ.

7.3 Hiếm gặp

Suy tim, viêm tuỵ, thủng ruột.

8 Tương tác thuốc

8.1 Chất cảm ứng CYP3A4, cây ban Âu

Sử dụng đồng thời chất cảm ứng CYP3A4 và vandetanib gây tương tác giảm nồng độ vandetanib trong máu, nên ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc, khuyến cáo tránh sử dụng cùng lúc.

8.2 Chất vận chuyển cation hữu cơ loại 2 (OCT2)

Sử dụng đồng thời gây ra tương tác tăng nồng độ Metformin trong huyết tương, làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. 

8.3 Digoxin

Tránh sử dụng cùng lúc Digoxin với Vandetanib vì nguy cơ làm tăng nồng độ Digoxin trong máu, tăng tác dụng phụ nghiêm trọng.

8.4 Thuốc kéo dài khoảng QT

Sử dụng đồng thời với Vandetanib gây ra tương tác tăng tác dụng kéo dài QT gây những biến chứng nghiêm trọng nếu không theo dõi kịp thời.

Hàm lượng Vandetanib
Hàm lượng Vandetanib

9 Thận trọng

Thuốc có thể gây hại cho thai nhi nên không dùng thuốc trong quá trình mang thai và cả nam và nữ cần tránh thai đến 4 tháng sau liều cuối cùng.

Thuốc gây tác động nghiêm trọng lên nhịp tim, chống chỉ định với người bị kéo dài khoảng QT bẩm sinh, nếu có triệu chứng đau tức ngực, khó thở cần thông báo ngay với bác sĩ.

Các phản ứng da nghiêm trọng đã được báo cáo như hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc.

Thuốc làm tăng nhạy cảm của da với ánh sáng nên cần sử dụng kem chống nắng, mặc đồ bảo hộ khi ra ngoài.

Các triệu chứng phổi nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng thuốc.

Thuốc làm tăng triệu chứng xuất huyết, nếu gặp hiện tượng chảy máu cam, ho ra máu, chảy máu kéo dài…nên thông báo với bác sĩ.

Nguy cơ gặp tình trạng suy tim sung huyết khi dùng thuốc với các triệu chứng như khó thở, nhịp tim không đều, sưng mặt…

Thuốc tăng nguy cơ tiêu chảy, nên thông báo bác sĩ để sử dụng thuốc hỗ trợ nếu triệu chứng nghiêm trọng.

Các triệu chứng về thị lực như mờ mắt, lú lẫn, đau đầu có thể cảnh báo bệnh não trắng sau hồi phục.

10 Thời kỳ mang thai và cho con bú

Không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi và với phụ nữ có thể mang thai cần tránh thai đến 4 tháng sau liều cuối cùng.

Chưa có nghiên cứu thuốc có vào sữa mẹ hay không nhưng có báo cáo trên động vật nên không cho con bú trong quá trình dùng thuốc và kéo dài đến 4 tháng cuối cùng.

11 Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào thuốc.

Để xa tầm tay của trẻ nhỏ.

12 Quá liều

Chưa có báo cáo, trong trường hợp quá liều nên ngừng thuốc và cấp cứu.

13 Tài liệu tham khảo

Chuyên gia Drugbank. Vandetanib. Drugbank. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2024.

Chuyên gia Drugs.com. Vandetanib Dosage. Drugs.com. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2024.

Chuyên gia Pubchem. Vandetanib. Pubchem.Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2024

Tác giả Katherine Thornton và cộng sự (ngày đăng 4 tháng 6 năm 2012) Vandetanib for the treatment of symptomatic or progressive medullary thyroid cancer in patients with unresectable locally advanced or metastatic disease: U.S. Food and Drug Administration drug approval summary. Pubmed. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2024

Để lại một bình luận