Glycerol (Glycerin)

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

Tên chung quốc tế: Glycerol. 

Mã ATC: A06AG04, A06AX01. 

Loại thuốc: Thuốc nhuận tràng thẩm thấu. 

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Dạng uống: Glycerin 50% với Kali sorbat trong tá dược lỏng và vị chanh. 

Viên đạn trực tràng: 1 g; 1,2 g; 2 g; 2,1 g; 82,5% (các cỡ phù hợp cho trẻ em và người lớn). 

Dung dịch thụt trực tràng: 2,3 g; 5,6 g; 3 g; 9 g. 

Thuốc nhỏ mắt: Dung dịch 10 mg/ml, dung dịch 1% (có chứa Benzalkonium clorid). 

2 Dược lực học 

2.1 Tác dụng toàn thân 

Glycerol là một tác nhân loại nước qua thẩm thấu, có các đặc tính hút ẩm và làm trơn. Khi uống, glycerol làm tăng tính thẩm thấu huyết tương, làm cho nước thẩm thấu từ các khoang ngoài mạch máu đi vào huyết tương. 

Glycerol được dùng để làm giảm tạm thời nhãn áp và thể tích dịch kinh trước và sau phẫu thuật mắt và để phụ trị trong điều trị glôcôm cấp. Thuốc bắt đầu tác dụng nhanh (10 – 30 phút), làm giảm tối đa nhãn áp khoảng 1 – 1,5 giờ sau khi uống một liều. Thời gian tác dụng kéo dài khoảng 5 giờ. Glycerol đã được dùng uống hoặc tiêm tĩnh mạch để giảm áp lực nội sọ trong các trường hợp bệnh nhồi máu não hoặc đột quỵ, hội chứng Reye, viêm màng não nhiễm khuẩn. Dung dịch uống thường có vị khó uống, có thể cho uống lạnh hoặc kèm hương vị để dễ uống. Tiêm tĩnh mạch phải hết sức thận trọng vì có thể gây tan huyết, hemoglobin niệu và suy thận cấp. 

2.2 Tác dụng tại chỗ

Glycerol có thể dùng ngoài để giảm phù nề giác mạc, nhưng vì tác dụng là tạm thời nên chủ yếu chỉ được dùng để làm thuận lợi cho việc khám và chẩn đoán nhãn khoa (thuốc tra mắt Ophthalgan). Glycerol thường được dùng qua đường trực tràng dưới dạng thuốc đạn hoặc dung dịch để tăng áp lực thẩm thấu trong đại tràng và do đó thúc đẩy thải phân khi táo bón. Thuốc thường có tác dụng trong vòng 15 – 30 phút. Thuốc còn có tác dụng kích thích đại tràng tại chỗ, gây trơn và làm mềm phân. 

3 Dược động học 

Dược động học của Glycerol
Dược động học của Glycerol

Khi uống: Glycerol dễ dàng hấp thu ở ống tiêu hóa.

Đặt trực tràng: Hấp thu kém. 

Chuyển hóa: Glycerol chuyển hóa chủ yếu ở gan, 20% chuyển hóa ở thận. Chỉ có một phần nhỏ thuốc không chuyển hóa đảo thải vào nước tiểu. Thời gian đạt được nồng độ đỉnh trong huyết thanh khi uống trong vòng 60 – 90 phút. 

Nửa đời thải trừ: 30 – 45 phút. 

4 Chỉ định 

4.1 Toàn thân

Giảm thể tích thủy tinh thể và áp lực nội nhãn trước và sau phẫu thuật mắt (hiện nay ít được sử dụng). 

Giảm áp lực nội sọ (ít sử dụng trên lâm sàng). 

4.2 Tại chỗ

Giảm phù nề giác mạc. 

Trị táo bón. 

5 Chống chỉ định 

Quá mẫn với glycerol. 

Phủ phổi, mất nước nghiêm trọng, khó tiểu tiện. 

Khi gây tê hoặc gây mê vì có thể gây nôn. 

6 Thận trọng 

Thận trọng với người bệnh bị bệnh tim, thận hay gan vì glycerol làm tăng gánh tuần hoàn gây phù phổi cấp. Glycerol có thể gây tăng Glucose huyết và glucose niệu, vì thế cần thận trọng khi dùng cho người bệnh đái tháo đường. 

Thận trọng với người bệnh bị mất nước, người bệnh cao tuổi. Glycerol có thể gây kích ứng khi dùng tại chỗ. 

7 Thời kỳ mang thai 

Tính an toàn của thuốc chưa được xác định. Glycerol có thể sử dụng trong quá trình mang thai nếu thực sự cần thiết. 

Tính an toàn của Glycerol trong thai kỳ chưa được xác định
Tính an toàn của Glycerol trong thai kỳ chưa được xác định

8 Thời kỳ cho con bú 

Chưa được biết glycerol có vào sữa hay không, nhưng do tính an toàn của thuốc chưa được xác định nên phải thận trọng đối với phụ nữ cho con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Các ADR bao gồm: buồn nôn, nôn, đau đầu, lú lẫn và mất định hướng. Trường hợp nặng có thể gây mất nước trầm trọng, loạn nhịp tim, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng. 

9.1 Thường gặp 

TKTW: đau đầu. 

Tiêu hóa: nôn. 

9.2 Ít gặp 

TKTW: choáng váng, lú lẫn. 

Tiêu hóa: ỉa chảy, buồn nôn. 

Các triệu chứng khác: khát.

9.3 Hiếm gặp 

Tim mạch: loạn nhịp tim. 

TKTW: đau. 

Nội tiết và chuyển hóa: tăng glucose huyết, mất nước. 

Tại chỗ: kích ứng trực tràng, đau rát, co rút. 

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Khi sử dụng tại chỗ hay ở trực tràng, glycerol có thể gây kích ứng. Có thể sử dụng thuốc tê trước khi dùng glycerol tại chỗ để giảm khả năng gây phản ứng đau nếu cần. 

11 Liều lượng và cách dùng 

11.1 Toàn thân

Người lớn và trẻ em: 

  • Giảm áp lực nhãn cầu: Uống với liều 1 – 1,8 g/kg thể trọng trước khi mổ 1 – 1,5 giờ, cách 5 giờ uống 1 lần. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi uống từ 10 – 30 phút và kéo dài trong vòng 4 – 8 giờ. Giảm áp lực nội sọ: Uống với liều 1,5 g/kg/ngày, chia làm 6 lần hoặc 1 g/kg/lần, cách 6 giờ uống 1 lần. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi uống từ 10 – 60 phút và kéo dài trong vòng 2 – 3 giờ.

11.2 Tại chỗ

Giảm phù nề giác mạc trước khi khám: Mỗi 3 – 4 giờ nhỏ 1 – 2 giọt dung dịch nhỏ mắt vào mắt. 

Chữa táo bón qua đường trực tràng: 

  • Mỗi lần dùng một liều đơn và không nên dùng thường xuyên, chỉ dùng khi cần thiết và thường không nên dùng quá một tuần. Thuốc nhuận tràng dùng trong thời gian dài phải có sự theo dõi của bác sĩ. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau khi dùng khoảng từ 15 – 30 phút. Nếu thuốc không có tác dụng cũng không nên dùng thêm liều nữa. Trẻ sơ sinh: Liều 0,5 ml/kg, dưới dạng dung dịch thụt.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Dùng 1 viên đạn trực tràng trẻ em nếu cần, hay 2 – 5 ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt. 
  • Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn: Dùng 1 viên đạn trực tràng người lớn nếu cần, hay 5 – 15ml glycerol dưới dạng dung dịch thụt. 

12 Tương kỵ 

Các chất oxy hóa mạnh kết hợp với glycerin tạo thành một hỗn hợp gây nổ. Glycerol cùng với Bismuth subnitrate hay Kẽm oxyd bị biến màu đen khi để ra ánh sáng. 

13 Quá liều và xử trí 

Quá liều có thể gây ỉa chảy nặng, nôn, loạn nhịp tim, kích ứng trực tràng, đau rát trực tràng và co rút, tăng glucose huyết. 

Trường hợp quá liều nặng phải ngừng thuốc và đưa người bệnh vào bệnh viện. 

Cập nhật lần cuối: 2017. 

Để lại một bình luận