Furosemide

Bài viết biên soạn theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

FUROSEMID 

Tên chung quốc tế: Furosemide. 

Mã ATC: C03CA01. 

Loại thuốc: thuốc lợi tiểu quai. 

Cấu trúc 3D của Furosemide
Cấu trúc 3D của Furosemide

1 Dạng thuốc và hàm lượng 

Viên nén: 20 mg, 40 mg, 80 mg. 

Dung dịch uống: 20 mg/4 ml, 40 mg/5 ml, 10 mg/ml. 

Thuốc tiêm: 10 mg/ml, 20 mg/2 ml, 40 mg/4 ml, 50 mg/5 ml. 

2 Dược lực học 

Furosemid là dẫn chất sulfonamid có tác dụng lợi tiểu mạnh, nhanh và phụ thuộc liều lượng. Thuốc tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, vì vậy được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai. Cơ chế tác dụng chủ yếu của furosemid là ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+ – K+– 2Cl ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ những chất điện giải này kèm theo tăng bài xuất nước. Thuốc cũng làm giảm tái hấp thu Na+, Cl và tăng thải trừ K+ ở ống lượn xa và có thể tác dụng trực tiếp cả trên ống lượn gần. Furosemid không ức chế carbonic anhydrase và không đối kháng aldosteron. Furosemid làm tăng đào thải Ca2+, Mg2+, hydrogen, amoni, bicarbonat và có thể cả phosphat qua thận. Thải trừ nhiều kali, hydro và clor có thể gây ra kiềm chuyển hóa. Do làm giảm thể tích huyết tương nên thuốc có thể gây ra hạ huyết áp nhưng thường chỉ giảm nhẹ. 

Furosemid có tác dụng giãn mạch thận, giảm sức cản ở mạch thận và làm tăng dòng máu qua thận. Khi dùng liều cao ở bệnh nhân suy thận mạn, tốc độ lọc cầu thận có thể tăng lên tạm thời. Tuy nhiên nếu tác dụng lợi tiểu quá mức, thuốc làm giảm thể tích huyết tương, do đó làm giảm dòng máu qua thận và giảm tốc độ lọc cầu thận. Furosemid ít tác động lên nồng độ Glucose huyết hơn thiazid, tuy nhiên có thể gây tăng glucose huyết, glucose niệu và thay đổi dung nạp glucose. Đây có thể là hậu quả của hạ Kali huyết. 

3 Dược động học 

3.1 Hấp thu

Thuốc được hấp thu nhanh qua đường uống, thời gian thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu từ 30 phút đến 1 giờ. Sinh khả dụng đường uống từ 60 – 70%. Khi uống, tác dụng lợi tiểu xuất hiện nhanh sau 1/2 giờ, đạt tác dụng tối đa sau 1 – 2 giờ và duy trì tác dụng từ 6 – 8 giờ. Khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng lợi tiểu của thuốc xuất hiện sau khoảng 5 phút, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 20 – 60 phút và kéo dài khoảng 2 giờ. Sau khi tiêm bắp, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 30 phút; tác dụng lợi tiểu xảy ra muộn hơn so với sau khi tiêm tĩnh mạch. Nồng độ thuốc cần thiết để có tác dụng lợi tiểu tối đa chưa được xác định, nhưng mức độ đáp ứng không tương quan với nồng độ tối đa hoặc nồng độ trung bình của thuốc trong máu. 

3.2 Phân bố

Tỷ lệ thuốc liên kết với protein huyết tương lên đến 99%. Thuốc có thể qua hàng rào nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ.

3.3 Chuyển hóa

Thuốc bị chuyển hóa 1 lượng nhỏ tại gan tạo thành chất chuyển hóa acid 4-cloro-5-sulfamoylanthranilic. 

3.4 Thải trừ

Furosemid thải trừ chủ yếu ở thận dưới dạng chưa chuyển hóa. Furosemid không bị loại bỏ bằng thẩm tách máu. Nửa đời thải trừ của thuốc có sự khác biệt trong các nghiên cứu, dao động từ 30 phút đến 2 giờ ở người tình nguyện khỏe mạnh và kéo dài hơn ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận. Ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận, nửa đời thải trừ khoảng 4 đến 6 giờ. 

4 Chỉ định 

Chỉ định của Furosemide
Chỉ định của Furosemide

Phù do suy tim, xơ gan hoặc bệnh thận. 

Hỗ trợ điều trị phù phổi cấp. 

Tăng huyết áp. 

Điều trị thiểu niệu trong suy thận cấp hoặc mạn. 

5 Chống chỉ định 

Mẫn cảm với furosemid, sulfonamid và các dẫn chất sulfonamid.

Giảm thể tích máu, mất nước, hạ kali huyết nặng, hạ natri huyết nặng.

Tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan kèm xơ gan. 

Vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.

Bệnh Addison. 

Bệnh porphyria.

Nhiễm độc Digoxin. 

Phụ nữ cho con bú. 

6 Thận trọng 

Theo dõi các chất điện giải, đặc biệt là kali và natri, tình trạng hạ huyết áp, bệnh gút, đái tháo đường, suy thận, suy gan. Tránh dùng ở bệnh nhân suy gan nặng. Giảm liều khi sử dụng cho người cao tuổi để giảm nguy cơ độc trên thính giác. Khi nước tiểu ít, phải bù đủ thể tích máu trước khi dùng thuốc. 

Ở trẻ sinh non có hội chứng suy hô hấp, sử dụng furosemid trong những tuần đầu tiên làm tăng nguy cơ còn ống động mạch. Hậu quả này có thể do ảnh hưởng của prostagladin E. Mất thính lực đã được báo cáo ở trẻ sơ sinh dùng prostagladin. 

Ù tai, suy giảm thính lực hoặc điếc có hồi phục có thể xảy ra sau tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp nhanh furosemid liều trên liều thông thường 20 – 40 mg. Nguy cơ này tăng lên ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng hoặc bệnh nhân đang dùng các thuốc gây độc cho tai khác. Truyền tĩnh mạch chậm thay vì tiêm tĩnh mạch có thể giảm độc tính trên tai do hạn chế nồng độ đỉnh cao trong huyết tương. Tốc độ truyền tĩnh mạch không quá 4 mg/phút và cần truyền chậm hơn ở bệnh nhân suy thận, hội chứng gan thận hoặc suy gan. 

Furosemid có thể gây co cứng cơ (tetani) do giảm calci huyết. Dung dịch uống furosemid có chứa Sorbitol nên có thể gây tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ khi dùng liều cao. Ở trẻ em, đau bụng nhẹ đến trung bình đã được báo cáo sau khi dùng furosemid đường tĩnh mạch.

7 Thời kỳ mang thai 

Thuốc đi qua hàng rào nhau thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy furosemid có thể gây sảy thai hoặc chết thai. Dữ liệu về tính an toàn của furosemid trên phụ nữ mang thai rất hạn chế. 

Không sử dụng furosemid cho phụ nữ mang thai trừ trường hợp  bắt buộc. Furosemid chỉ nên được dùng cho các trường hợp phù không liên quan đến thai kỳ. Không sử dụng furosemid để điều trị phù và tăng huyết áp do thai kỳ vì thuốc làm giảm thể tích ở mẹ và  tưới máu cho thai nhi. 

8 Thời kỳ cho con bú 

Thuốc bài tiết vào sữa mẹ đồng thời ức chế bài tiết sữa. Không nên dùng furosemid trong thời kỳ cho con bú. 

9 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

9.1 Thường gặp 

Tuần hoàn: giảm thể tích máu trong trường hợp điều trị liều cao, hạ huyết áp tư thế. 

Chuyển hóa: mất cân bằng nước và điện giải bao gồm giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magnesi huyết, giảm calci huyết, nhiễm kiềm giảm clor huyết. 

Thận, tiết niệu: bệnh thận ở trẻ sơ sinh. 

9.2 Ít gặp 

Hệ tạo máu: thiếu máu bất sản. 

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa. 

Chuyển hóa: tăng acid uric huyết và bệnh gút, rối loạn lipid huyết, tăng đường huyết. 

Mắt: rối loạn thị giác, mờ mắt, vàng mắt. 

Tim mạch: rối loạn nhịp tim, còn ống động mạch trong giai đoạn sớm của trẻ sơ sinh. 

Tiêu hóa: khô miệng, khát nước, nôn/buồn nôn, rối loạn nhu động ruột, tiêu chảy, táo bón. 

Thận, tiết niệu: giảm bài niệu, tiểu tiện không tự chủ, tắc nghẽn đường tiểu. 

Tai: điếc có thể không hồi phục, đặc biệt ở bệnh nhân dùng cùng các thuốc có độc tính với tai. 

9.3 Hiếm gặp 

Da: ban da, dị cảm, mày đay, ngứa, ban xuất huyết, viêm da tróc vảy, phản ứng mẫn cảm với ánh sáng (có thể nghiêm trọng). 

Phản ứng quá mẫn: viêm mạch, viêm thận kẽ, sốt. 

Máu: ức chế tủy xương, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu. 

Chuyển hóa: glucose niệu. 

Viêm tụy và vàng da ứ mật. Tai: ù tai, giảm thính lực.

9.4 Hướng dẫn cách xử trí ADR 

Kiểm tra thường xuyên điện giải đồ. Bổ sung kali hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ kali khi người bệnh có nguy cơ cao hạ kali huyết. Tránh tiêm bắp hoặc tĩnh mạch nhanh và vượt quá liều thông thường điều trị 20 – 50 mg để giảm bớt nguy cơ gây ù tai, giảm thính lực, điếc. 

Giảm liều hoặc ngừng điều trị nếu ADR ở mức độ trung bình hoặc nặng. 

10 Liều lượng và cách dùng 

10.1 Cách dùng 

Furosemid thường dùng đường uống. Có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần tác dụng lợi tiểu nhanh hoặc khi bệnh nhân không thể uống được. 

Khi tiêm tĩnh mạch, phải tiêm chậm. Chuyển sang đường uống ngay khi có thể. Tiêm tĩnh mạch 80 mg furosemid nên được tiêm chậm trong tối tiểu 1 – 2 phút. Nếu cần thiết phải điều trị furosemid liều cao đường tĩnh mạch, nên dùng thuốc dưới dạng tiêm truyền có kiểm soát với tốc độ không quá 4 mg/phút ở người lớn.

Trẻ từ 17 tuổi trở xuống: truyền tĩnh mạch tốc độ không quá 1 mg/ kg trong 2 phút, không quá 10 phút. Tiêm tĩnh mạch chậm với tốc độ 1 mg/kg trong ít nhất 1 đến 2 phút. 

Để truyền tĩnh mạch, pha loãng furosemid trong các dung dịch natri clorid 0,9%, Ringer lactat. 

10.2 Liều dùng 

10.2.1 Điều trị phù do suy tim, xơ gan hoặc bệnh thận

Đường uống: 

  • Người lớn: Khởi đầu 40 mg, uống 1 lần vào buổi sáng. Tác dụng lợi tiểu xảy ra nhanh chóng sau khi uống, sau đó có thể giảm liều hoặc duy trì theo đáp ứng. Liều thường dùng là 20 – 40 mg/ngày, có thể tăng lên 80 mg/ngày. Trong trường hợp phù nặng, có thể thận trọng điều chỉnh liều lên tới 600 mg/ngày. 
  • Trẻ sơ sinh: 0,5 – 2 mg/kg mỗi 12 – 24 giờ. Đối với trẻ thiếu tháng dưới 31 tuần, liều dùng là 0,5 – 2 mg/kg mỗi 24 giờ. 
  • Trẻ 1 tháng – 11 tuổi: 0,5 – 2 mg/kg/lần, 2 – 3 lần/ngày. Đối với trẻ thiếu tháng dưới 31 tuần, liều dùng là 0,5 – 2 mg/kg mỗi 24 giờ. Có thể sử dụng liều cao hơn trong trường hợp phù kháng trị. Liều tối đa là 12 mg/kg/ngày hoặc 80 mg/ngày. 
  • Trẻ 12 – 17 tuổi: 20 – 40 mg/ngày, sau đó điều chỉnh liều theo đáp ứng. Liều có thể tăng lên 80 – 120 mg/ngày trong trường hợp phù kháng trị. 

Đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch:

  • Người lớn: Liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khởi đầu 20 – 50 mg. Nếu không đáp ứng với liều đầu tiên, liều tiếp theo có thể tăng thêm 20 mg, nhưng không được cho sớm hơn 2 giờ mỗi lần, cho tới khi đạt được đáp ứng lợi tiểu mong muốn. Liều trên 50 mg nên được truyền tĩnh mạch. Tối đa 1,5 g/ngày. 
  • Trẻ sơ sinh: tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 – 1 mg/kg mỗi 12 – 24 giờ. Đối với trẻ thiếu tháng dưới 31 tuần, liều dùng là 0,5 – 2 mg/kg mỗi 24 giờ. 
  • Trẻ 1 tháng – 11 tuổi: tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 – 1 mg/kg mỗi 8 giờ theo đáp ứng (tối đa mỗi lần 40 mg). Tối đa 6 mg/kg/ngày. 
  • Trẻ 12 – 17 tuổi: tiêm tĩnh mạch chậm 20 – 40 mg mỗi 8 giờ theo đáp ứng. Liều dùng có thể tăng lên ở bệnh nhân phù kháng trị.

Đường truyền tĩnh mạch 

  • Người lớn: Liều khởi đầu 20 – 50 mg. Nếu không đáp ứng với liều đầu tiên, liều tiếp theo có thể tăng thêm 20 mg, nhưng không được cho sớm hơn 2 giờ mỗi lần, cho tới khi đạt được đáp ứng lợi tiểu mong muốn. Khi truyền tĩnh mạch với liều lớn, chú ý tốc độ truyền không quá 4 mg/phút. Liều tối đa có thể lên đến 1,5 g/ngày 
  • Trẻ em: truyền tĩnh mạch 0,1 – 2 mg/kg/giờ. Đối với trường hợp phù sau phẫu thuật tim mạch, khởi đầu với liều 0,1 mg/kg/giờ, sau đó gấp đôi liều mỗi 2 giờ cho đến khi đạt lượng nước tiểu 1 ml kg/giờ. 

10.2.2 Hỗ trợ điều trị phù phổi cấp 

Người lớn: tiêm tĩnh mạch chậm 40 mg furosemid trong 1 – 2 phút. Nếu liều ban đầu không tạo ra tác dụng mong muốn trong vòng 1 giờ, có thể tăng liều lên 80 mg tiêm tĩnh mạch trong tối thiểu 1 – 2 phút. 

Trẻ em: Khởi đầu tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp 1 mg/kg. Có thể tăng 1 mg/kg nhưng không sớm hơn 2 giờ so với liều trước đó. Liều tối đa là 6 mg/kg/lần. Với trẻ sơ sinh thiếu tháng, liều tối đa là 1 mg/kg/ngày. 

10.2.3 Điều trị tăng huyết áp 

Đường uống:

  • Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: liều thường dùng 20 – 40 mg/lần, 2 lần/ngày. Nếu liều 80 mg/ngày không kiểm soát tốt huyết áp, nên phối hợp thêm thuốc điều trị tăng huyết áp khác thay vì tăng liều furosemid. 

Đường tiêm:

  • Người lớn: Liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm (không quá 4 mg/phút) khởi đầu 20 – 50 mg. Nếu không đáp ứng với liều đầu tiên, liều tiếp theo có thể tăng thêm 20 mg, nhưng không được cho sớm hơn 2 giờ mỗi lần, cho tới khi đạt được đáp ứng lợi tiểu mong muốn. Liều trên 50 mg nên được truyền tĩnh mạch. Khi truyền tĩnh mạch với liều lớn, chú ý tốc độ truyền không quá 4 mg/phút. Liều tối đa có thể lên đến 1,5 g/ngày. 

10.2.4 Điều trị thiểu niệu trong suy thận cấp hoặc mạn 

Đường uống:

  • Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: Khởi đầu với liều 250 mg. Liều dùng có thể tăng 250 mg mỗi 4 – 6 giờ nếu cần thêm tác dụng lợi tiểu. Liều tối đa là 2 g/ngày. 

Đường tiêm: 

  • Người lớn: Liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm (không quá 4 mg/phút) khởi đầu 20 – 50 mg. Nếu cần dùng liều lớn hơn, nên dùng đường truyền tĩnh mạch. 

Đường truyền tĩnh mạch:

  • Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: truyền tĩnh mạch với liều khởi đầu 250 mg với tốc độ truyền không quá 4 mg/phút. Nếu lượng nước tiểu sau khi truyền 1 giờ không đáp ứng, tăng liều lên 500 mg và điều chỉnh tình trạng mất nước của bệnh nhân. Nếu lượng nước tiểu sau khi truyền 1 giờ không đáp ứng, tăng liều lên 1 g. Nếu sau liều thứ 3 không có hiệu quả, cân nhắc lọc máu. 
  • Trẻ 1 tháng – 11 tuổi: 2 – 5 mg/kg, có thể dùng lên tới 4 lần/ngày. Liều tối đa 1 g/ngày. 

10.2.5 Sử dụng thuốc trên người cao tuổi 

Quá trình thải trừ thuốc kéo dài hơn trên người cao tuổi, do đó tăng dần liều cho đến khi đạt hiệu quả mong muốn. 

11 Tương tác thuốc 

Các thuốc lợi tiểu khác làm tăng tác dụng của furosemid. Các thuốc lợi tiểu giữ kali có thể làm giảm sự mất kali khi dùng furosemid. Trong khi đó, lợi tiểu thiazid làm tăng nguy cơ hạ kali huyết.

Cisplatin: Làm tăng độc tính với tai và thận.

Corticosteroid: Tăng nguy cơ giảm kali huyết, đối kháng với tác dụng lợi tiểu. 

Glycosid tim làm tăng độc tính của glycosid trên tim do furosemid làm hạ kali huyết. Cần theo dõi kali huyết và điện tâm đồ.

Kháng sinh: Cephalosporin làm tăng độc tính với thận, aminoglycosid làm tăng độc tính với tai và thận, Vancomycin làm tăng độc tính với tai của furosemid. 

Muối lithi: Furosemid làm tăng nồng độ lithi trong máu. Tránh sử dụng phối hợp nếu không theo dõi được nồng độ lithi huyết chặt chẽ.

NSAID: Furosemid làm tăng nguy cơ độc với thận, giảm tác dụng lợi tiểu. 

Probenecid: Làm giảm tác dụng của furosemid. Đồng thời furosemid cũng làm giảm thanh thải qua thận của probenecid.

Sucralfat, colestyramin làm giảm hấp thu furosemid qua đường uống. Nên dùng các thuốc cách nhau ít nhất 2 giờ. 

Thuốc chống động kinh: Phenytoin làm giảm tác dụng của furosemid, phối hợp đồng thời furosemid và carbamazepin làm tăng nguy cơ giảm natri huyết. 

Thuốc gây kéo dài khoảng QT: Sử dụng đồng thời furosemid và thuốc kéo dài khoảng QT làm tăng độc tính trên tim mạch do furosemid gây giảm kali và magnesi huyết. 

Các thuốc điều trị đái tháo đường: Furosemid làm giảm tác dụng hạ glucose huyết của thuốc điều trị đái tháo đường. 

Thuốc điều trị tăng huyết áp: Furosemid làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Phối hợp furosemid và thuốc ức chế men chuyển có thể gây suy thận. 

Thuốc điều trị loạn nhịp: Tăng nguy cơ độc tính trên tim mạch do furosemid gây giảm kali huyết. Tác dụng của lidocain, tocainid hoặc mexiletin có thể bị đối kháng bởi furosemid.

Thuốc giãn cơ không khử cực: Làm tăng tác dụng giãn cơ. 

12 Tương kỵ 

Furosemid có thể kết tủa dung dịch pH thấp. Không được trộn lẫn hoặc pha loãng trong dung dịch glucose hay phối hợp bất cứ thuốc gì vào dịch truyền hoặc bơm tiêm có chứa furosemid. 

13 Quá liều và xử trí 

13.1 Triệu chứng

Các triệu chứng bao gồm mất nước, rối loạn điện giải và hạ huyết áp do lợi tiểu quá mức. Ở bệnh nhân xơ gan, quá liều furosemid có thể dẫn đến hôn mê gan. 

13.2 Xử trí

Bù dịch và điều chỉnh cân bằng điện giải. Nên ngừng thuốc, tiến hành bù nước và điện giải, kết hợp theo dõi chặt chẽ nước, điện giải. Đảm bảo dẫn lưu đầy đủ ở bệnh nhân bị tắc nghẽn đường niệu (ví dụ phì đại tuyến tiền liệt). 

Thẩm phân máu không làm tăng thải trừ furosemid. 

Cập nhật lần cuối: 2021.

Để lại một bình luận