Clorpheniramin Maleat

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022

CLORPHENIRAMIN MALEAT 

(Clorphenamin maleat) 

Tên chung quốc tế: Chlorpheniramine maleate (Chlorphenamine maleate). 

Mã ATC: R06AB04. 

Loại thuốc: thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất.

Dạng thuốc và hàm lượng 

Thuốc được dùng dưới dạng clorpheniramin maleat.

Viên nén: 4 mg. 

Viên nén tác dụng kéo dài: 8 mg, 12 mg. 

Dung dịch uống (sirô): 2 mg/5 ml. 

Dung dịch tiêm: 10 mg/ml. 

1 Dược lực học 

Clorpheniramin maleat là thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất, thuốc cũng có tác dụng an thần (mức trung bình) nhưng cũng có thể kích thích nghịch thường (đặc biệt ở trẻ nhỏ), và kháng cholinergic. Clorpheniramin làm giảm hoặc làm mất các tác dụng chính của histamin trong cơ thể bằng cách cạnh tranh phong bế có đảo ngược trên các thụ thể H1 ở các mô; thuốc không làm mất hoạt tính của histamin hoặc ngăn cản tổng hợp hoặc giải phóng histamin. Clorpheniramin maleat được dùng chủ yếu để điều trị triệu chứng các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay, ngứa. 

2 Dược động học 

2.1 Hấp thu

Clorpheniramin maleat hấp thu tốt qua đường uống, nhưng thuốc bị chuyển hóa đáng kể ở niêm mạc Đường tiêu hóa và chuyển hóa bước đầu ở gan. Sau khi uống viên nén thông thường hoặc dạng dung dịch, thuốc xuất hiện trong huyết tương trong vòng 30 – 60 phút, đạt Cmax trong khoảng 2 – 6 giờ. Khoảng 25 – 45% và 35 – 60% liều đơn dạng viên nén thông thường hoặc dung dịch tương ứng vào được tuần hoàn chung dưới dạng không chuyển hóa. Thời gian tác dụng của thuốc kéo dài từ 4 – 6 giờ, ngắn hơn dự đoán so với các thông số dược động. Số liệu nghiên cứu có giới hạn cho thấy Sinh khả dụng dạng thuốc giải phóng kéo dài giảm so với dạng thuốc viên nén thông thường hoặc dung dịch uống.

2.2 Phân bố

Khi dùng đường tĩnh mạch, thuốc phân bố nhanh và rộng khắp cơ thể. Vd khi tiêm tĩnh mạch là khoảng 2,5 – 3,2 lít/kg (người lớn) và 3,8 lít/kg (trẻ em). Clorpheniramin được phân bố vào nước bọt, thuốc và/hoặc các chất chuyển hóa của nó được phân bố một lượng nhỏ vào mật. In vitro, thuốc liên kết với protein khoảng 70%.

2.3 Chuyển hóa

Clorpheniramin maleat trải qua quá trình N-dealkyl hóa thành dạng monodesmethylclorpheniramin và didesmethylclorpheniramin và một số chất (ít nhất là 2) chưa được xác định. Nồng độ clorpheniramin trong huyết thanh không tương quan đúng với tác dụng kháng histamin vì còn một chất chuyển hóa chưa xác định cũng có tác dụng. 

2.4 Thải trừ

Thuốc được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không đổi hoặc dạng chuyển hóa, sự thải trừ phụ thuộc vào pH và lưu lượng nước tiểu. Thải trừ thuốc giảm nhiều khi pH nước tiểu tăng và lưu lượng nước tiểu giảm. Chỉ một lượng nhỏ thải trừ qua phân. Người có chức năng gan và thận bình thường, t1/2 từ 12 – 43 giờ (ở người lớn), và 5,2 – 23,1 giờ (ở trẻ em). Ở người bệnh suy thận mạn đã phải thẩm tách máu, t1/2 kéo dài tới 280 – 330 giờ. 

3 Chỉ định 

Điều trị triệu chứng dị ứng do: viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi dị ứng quanh năm, mày đay, dị ứng thuốc hoặc thức ăn. 

Giảm ngứa do thủy đậu. 

Điều trị phản vệ (điều trị bổ trợ). 

4 Chống chỉ định 

Quá mẫn với clorpheniramin hoặc Dexclorpheniramin. 

Sử dụng thuốc IMAO trong vòng 14 ngày trước, do tác dụng kháng cholinergic của clorpheniramin được tăng cường bởi các chất ức chế monoamin oxidase. 

Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh. 

5 Thận trọng 

Không nên dùng chế phẩm điều trị ho, cảm lạnh có chứa clorpheniramin bán không cần đơn cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chế phẩm thông thường hoặc viên nén giải phóng kéo dài chỉ dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc dưới 12 tuổi tương ứng khi có chỉ định và sự theo dõi của thầy thuốc. 

Thuốc là thành phần phổ biến trong nhiều chế phẩm để điều trị họ, cảm lạnh, tuy vậy các chế phẩm này phải dùng thận trọng cho trẻ em và thường phải tránh dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, vì có nguy cơ gây tử vong. Đã có báo cáo về quá liều và độc tính (bao gồm cả tử vong) khi dùng chế phẩm không kê đơn chứa kháng histamin cho trẻ em dưới 2 tuổi. 

Clorpheniramin dùng thận trọng ở người bệnh động kinh, glôcôm, phì đại tuyến tiền liệt, tăng huyết áp nặng hoặc bệnh tim mạch, viêm phế quản, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, thở ngắn hoặc khó thở, bí tiểu, tắc môn vị tá tràng, nhược cơ, nhiễm độc giáp, suy gan, suy thận. 

Tác dụng an thần của clorpheniramin tăng lên khi uống rượu và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác. 

Dùng thận trọng ở trẻ em và với người cao tuổi (>60 tuổi) vì những người này thường tăng nhạy cảm với tác dụng kháng cholinergic ở thần kinh. 

Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mở và suy giảm tâm thần vận động trong một số người bệnh, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy. Cần tránh dùng cho người đang lái xe hoặc điều khiển máy móc. 

6 Thời kỳ mang thai 

Chưa có bằng chứng thuốc gây quái thai ở người. Tuy nhiên, nên tránh dùng thuốc kháng histamin ở người mang thai, chỉ dùng khi thật cần thiết. Dùng thuốc trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể dẫn đến những phản ứng nghiêm trọng (như cơn động kinh, kích thích nghịch lý, run) ở trẻ sơ sinh. 

7 Thời kỳ cho con bú 

Không có bằng chứng khẳng định clorpheniramin có thể được tiết sữa mẹ hay không nhưng các thuốc kháng H1 khác được tìm thấy trong sữa. Vì các thuốc kháng histamin có thể gây phản ứng nghiêm trọng với trẻ bú mẹ, nên cần cân nhắc hoặc không cho con bú hoặc không dùng thuốc, tùy thuộc mức độ cần thiết của thuốc đối với người mẹ.

8 Tác dụng không mong muốn (ADR) 

Khi dùng với liều điều trị, ADR phổ biến nhất là buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, mất phối hợp động tác và tác dụng kháng muscarin nhẹ, các ADR này thường hết sau vài ngày điều trị. Trẻ em (đặc biệt là sơ sinh) và người cao tuổi rất nhạy cảm với tác dụng kháng cholinergic. 

8.1 Thường gặp 

Ức chế hệ TKTW: ngủ nhẹ đến ngủ sâu, mệt mỏi, chóng mặt, phối hợp bất thường (đôi khi kích thích nghịch lý, đặc biệt ở trẻ nhỏ, dùng liều cao ở người cao tuổi hay trẻ em). Nhức đầu, rối loạn tâm thần – vận động. 

Tác dụng kháng muscarin: khô miệng, đờm đặc, nhìn mờ, bí tiểu, táo bón, tăng trào ngược dạ dày, buồn nôn. 

8.2 Ít gặp 

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau vùng thượng vị. 

Tim mạch: đánh trống ngực, loạn nhịp tim. 

Da: phát ban, phản ứng mẫn cảm (co thắt phế quản, phù mạch và phản vệ). 

8.3 Hiếm gặp 

Huyết học: mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu huyết tán, giảm tiểu cầu. 

Khác: co giật, vã mồ hôi, đau cơ, dị cảm, tác dụng ngoại tháp, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lú lẫn, ù tai, hạ huyết áp, rụng tóc.

8.4 Chưa xác định được tần suất 

Tăng tiết dịch phế quản, yếu cơ, phản ứng nhạy cảm ánh sáng. 

9 Liều lượng và cách dùng 

Liều lượng clorpheniramin được sử dụng tùy theo đáp ứng và sự dung nạp của từng bệnh nhân. 

9.1 Cách dùng 

Thuốc được dùng đường uống hoặc tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch. 

Uống viên nén thông thường hoặc sirô lúc no hoặc trước khi đi ngủ. Uống viên nên tác dụng kéo dài không được nhai, không bẻ gãy viên. Thuốc được tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 1 phút. Viên nén tác dụng kéo dài 12 mg duy trì giải phóng dược chất trong vòng 12 giờ. Viên nén không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, sirô không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

9.2 Liều lượng 

9.2.1 Điều trị dị ứng do viêm mũi dị ứng, mày đay, dị ứng do thuốc hoặc thức ăn, ngứa do thủy đậu

Đường uống: 

  • Trẻ em 1 – dưới 2 tuổi: 1 mg, 2 lần/ngày; 
  • Trẻ em 2 – dưới 6 tuổi: 1 mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa 6 mg/ngày;
  • Trẻ em 6 – dưới 12 tuổi: 2 mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa: 12 mg/ ngày. Viên nén giải phóng kéo dài: Uống viên 8 mg, 1 lần/ngày lúc đi ngủ hoặc trong ngày. 
  • Trẻ em 12 – dưới 18 tuổi: 4 mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa 24 mg/ ngày. Viên nén giải phóng kéo dài: Uống viên 8 mg, 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối, không dùng quá 24mg/ngày. 
  • Người lớn: 4 mg, cách 4 – 6 giờ/lần. Tối đa 24 mg/ngày (người cao tuổi tối đa 12 mg/ngày). Viên nén giải phóng kéo dài: Uống viên 8 mg hoặc 12 mg, 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối, không dùng quả 24 mg/ngày. 

Đường tiêm:

  • Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da trong vòng 1 phút. 
  • Trẻ em 1 tháng – dưới 6 tháng: 250 microgam/kg (tối đa 2,5 mg), tiêm lặp lại nếu cần, tối đa 4 lần/24 giờ. 
  • Trẻ em 6 tháng – 6 tuổi: 2,5 mg, tiêm lặp lại nếu cần, tối đa 4 lần/24 giờ. 
  • Trẻ em 6 tuổi – dưới 12 tuổi: 5 mg, tiêm lặp lại nếu cần, tối đa 4 lần/24 giờ. 
  • Trẻ em 12 tuổi – 18 tuổi: 10 mg, tiêm lặp lại nếu cần, tối đa 4 lần/ 24 giờ. 
  • Người lớn: 10 mg, tiêm lặp lại nếu cần, tối đa 4 lần/24 giờ. 

9.2.2 Điều trị hỗ trợ phản vệ

Dùng đường tiêm, liều như ở trên. 

10 Tương tác thuốc 

IMAO: Làm tăng tác dụng kháng cholinergic của clorpheniramin (xem mục Chống chỉ định). 

Ethanol, thuốc an thần gây ngủ: Có thể tăng tác dụng ức chế hệ TKTW của clorpheniramin. 

Phenytoin: Clorpheniramin ức chế chuyển hóa Phenytoin, có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin. 

Thuốc ức chế CYP3A4 (như dasatinib, pramilintid): Làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của clorpheniramin. 

Chất ức chế cholinesterase và betahistidin: Clorpheniramin làm giảm tác dụng của các chất ức chế cholinesterase và betahistidin.

Thuốc giảm đau nhóm opioid: Có thể làm tăng tác dụng an thần của clorpheniramin. 

11 Tương kỵ 

Clorpheniramin tương kỵ với Calci clorid, Kanamycin sulfat, noradrenalin acid tartrat, pentobarbital, meglumin adipiodon. 

12 Quá liều và xử trí 

12.1 Triệu chứng

Liều gây chết của clorpheniramin khoảng 25 – 50 mg/kg. Những triệu chứng và dấu hiệu quả liều bao gồm ngủ nhiều, kích thích nghịch thường hệ TKTW, loạn tâm thần, cơn động kinh, ngừng thở, co giật, tác dụng kháng cholinergic, phản ứng loạn trương lực và trụy tim mạch, loạn nhịp. 

12.2 Xử trí

Điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống, cần chú ý đặc biệt đến chức năng gan, thận, hô hấp, tim và cân bằng nước, điện giải. 

Rửa dạ dày hoặc gây nôn. Sau đó, cho dùng than hoạt và thuốc tẩy để hạn chế hấp thu. 

Khi gặp hạ huyết áp và loạn nhịp, cần được điều trị tích cực. Có thể điều trị co giật bằng tiêm tĩnh mạch Diazepam hoặc phenytoin. Có thể phải truyền máu trong những ca nặng. 

Cập nhật lần cuối: 2019


Nội dung sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam năm 2022

13 Phức hợp Dexlomine – Sự kết hợp độc đáo giữa Chlopheniramin và Dextromethorphan

Dexlomine là một phức hợp mới trong công nghệ sản xuất được ứng dụng trong sản phẩm giảm các tình trạng ho đêm, ho do dị ứng, ho khan,…. Phức hợp Dexlomine là sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ bào chế giữa dextromethorphan và clopheniramin, giúp mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc dùng từng thành phần riêng lẻ. 

Dextromethorphan là một dược chất có khả năng ức chế phản xạ ho do tác dụng trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não. Dextromethorpharn có cấu trúc hóa học tương tự morphine, nhưng không có tác dụng giảm đau và hầu như không an thần.

Hoạt chất này được chỉ định để làm dịu các cơn ho tạm thời, đặc biệt trong trường hợp cổ họng hoặc phế quản bị kích ứng nhẹ, chẳng hạn như khi bị cảm lạnh thông thường hoặc hít phải chất kích thích từ môi trường

Bên cạnh đó, Clopheniramin thuộc nhóm kháng histamine, giúp giảm nhanh các triệu chứng trong các bệnh lý liên quan dị ứng như viêm mũi dị ứng, ho dị ứng, …. Vì vậy, clopheniramin hay xuất hiện trong bảng thành phần của nhiều sản phẩm siro ho, sản phẩm cảm lạnh. Clorpheniramin hoạt động theo cơ chế cạnh tranh phong bế có đảo ngược histamin ở các thụ thể trên đường tiêu hóa, đường hô hấp từ đó làm giảm hoạt tính của Histamin. Tuy nhiên không ngăn cản tổng hợp hoặc giải phóng histamin.

Dexlomine
Dexlomine – phức hợp công nghệ mới

Việc kết hợp 2 thành phần này trong cùng 1 sản phẩm sẽ giúp tăng cường hiệu quả trên nhiều tình trạng viêm đường hô hấp trên đặc biệt với triệu chứng ho. Sự ra đời của phức hợp Dexlomine chứa 2 thành phần còn mang lại nhiều ưu điểm hơn so với việc kết hợp riêng lẻ:

  1. Tăng cường độ ổn định thành phần: Các chế phẩm giảm ho chứa 2 thành phần này thường bào chế dưới dạng siro đóng chai. Sau khi mở nắp 1 thời gian, các thành phần tiếp xúc với không khí sẽ làm giảm độ ổn định của hoạt chất trong sản phẩm, do đó giảm hiệu quả tác dụng. Việc đưa 2 thành phần vào trong phức hợp Dexlomine sẽ giúp tăng cường độ ổn định của cả 2 hoạt chất từ đó duy trì được tác dụng cũng như kéo dài hạn mở nắp của sản phẩm.
  2. Rút ngắn thời gian hiệu quả tác dụng giảm ho: Clopheniramin có tác dụng giảm kích ứng tại niêm mạc họng, dịu họng theo cơ chế kháng histamin tại chỗ trong khi Dextromethorphan giảm ho theo cơ chế tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. Sử dụng phức hợp Dexlomine giúp 2 thành phần phát huy tác dụng cùng lúc, người dùng cảm nhận hiệu quả giảm ho nhanh hơn so với 2 thành phần riêng lẻ. 
  3. Tăng cường sự tuân thủ điều trị:
    • Dễ dàng sử dụng: Thay vì phải dùng 2 thành phần khác nhau, người dùng chỉ cần một liều duy nhất để cải thiện nhiều triệu chứng.
    • Giảm ho hiệu quả: Dextromethorphan ức chế trung tâm ho, giúp giảm ho do kích ứng hoặc viêm nhiễm đường hô hấp.
    • Giảm số lượng thuốc cần dùng: Việc chỉ cần dùng một liều lượng nhất định giúp người bệnh dễ dàng hơn trong việc tuân thủ phác đồ điều trị.
    • Cải thiện trải nghiệm người dùng: Sự tiện lợi và hiệu quả của phức hợp có thể làm tăng sự hài lòng của người bệnh.

Tóm lại, Phức hợp Dexlomine không chỉ mang lại hiệu quả cao hơn mà còn giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ dàng hơn trong việc quản lý triệu chứng của mình.

Xem thêm: Dextromethorphan – Thuốc trị ho mạn tính – Dược thư Quốc gia 2022

Để lại một bình luận