Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
CEFADROXIL
Tên chung quốc tế: Cefadroxil.
Mã ATC: J01DB05.
Loại thuốc: Kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 1.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang: 500 mg.
Viên nén: 1 g.
Bột pha hỗn dịch: 125 mg/5 ml, 250 mg/5 ml, 500 mg/5 ml.
2 Dược lực học
2.1 Cơ chế tác dụng
Cefadroxil là một kháng sinh nhóm cephalosporin i thế hệ 1. Tác dụng diệt khuẩn của thuốc là do ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc liên kết với một hoặc nhiều protein gắn penicilin (PBP), qua đó ức chế quá trình sinh tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Kết quả là thành tế bào được tạo thành có độ thẩm thấu không ổn định và tế bào vi khuẩn bị ly giải.
Phổ tác dụng: Cefadroxil có phổ kháng khuẩn tương tự các cephalosporin thế hệ 1 khác (cephalexin, Cefazolin và Cefradin), tác dụng trên nhiều vi khuẩn Gram dương, còn tác dụng trên vi khuẩn Gram âm kém hơn các cephalosporin thế hệ 2 và 3.
2.2 Vi khuẩn nhạy cảm với cefadroxil
Vi khuan Gram dương: Staphylococcus aureus và Staphylococcus epidermidis (gồm cả chủng kháng penicilin), Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus viridans.
Vi khuẩn Gram âm: Escherichia coli, các chủng Klebsiella, Proteus mirabilis, Moraxella catarrahlis, Shigella.
2.3 Kháng thuốc
Các cephalosporin thế hệ 1 không có hoạt tính đối với Enterococcus faecalis (trước đây là Streptococcus faecalis) và Enterococcus faecium (trước đây là Streptococcus faecium), Bacteroides fragilis, Citrobacter, Enterobacter, Listeria monocytogenes, Proteus trù P. mirabilis, Peovidencia, Pseudomonas, Serratia và Acinetobacter calcoaceticus (trước đây là các loài Mima và Herellea).
Cefadroxil có tác dụng vừa phải trên các vi khuẩn sản xuất một số beta-lactamase như TEM-1. Tuy nhiên, thuốc bị mất hoạt tính bởi các beta-lactamase có khả năng thủy phân các cephalosporin như beta-lactamase phổ rộng hoặc cephalosporinase được mã hóa trên nhiễm sắc thể như các enzym AmpC. Ngoài ra, vi khuẩn có thể kháng cefadroxil thông qua làm giảm ái lực của các protein gắn thuốc (PBP) với thuốc, giảm tính thấm thuốc qua màng tế bào, hoặc sản xuất các bơm đẩy thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc có thể có một hoặc nhiều cơ chế kháng này.
3 Dược động học
3.1 Hấp thu
Cefadroxil bền vững trong acid, được hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn ở đường tiêu hóa. Thức ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thu và nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương. Trên người lớn khỏe mạnh và có chức năng thận bình thường, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống 1 – 2 giờ, với nồng độ đỉnh trung bình là 10 – 18 microgam/ml sau khi uống liều 500 mg và 24 – 35 microgam/ml sau khi uống liều 1 g.
Đối với trẻ em từ 13 tháng đến 12 tuổi có chức năng thận bình thường, nồng độ đỉnh trong huyết tương trung bình khoảng 13,7 microgam/ml và đạt được trong vòng 1 giờ sau khi uống liều duy nhất 15 mg/kg; nồng độ của thuốc trong huyết thanh sau 6 giờ là 0,6 – 1,8 microgam/ml.
3.2 Phân bố
Khi vào trong cơ thể, cefadroxil gắn với protein huyết tương khoảng 20%. Cefadroxil phân bố rộng khắp các mô và dịch cơ thể. Thể tích phân bố trung bình của thuốc là 0,31 lít/kg Cefadroxil qua nhau thai và được bài tiết vào sữa mẹ. Giống như các cephalosporin khác, cefadroxil không xâm nhập được vào thần kinh trung ương.
3.3 Chuyển hóa
Thuốc không bị chuyển hóa.
3.4 Thải trừ
Quá trình thải trừ của cefadroxil chậm hơn nhiều so với các cephalosporin đường uống khác, nên khoảng đưa liều của thuốc có thể kéo dài 12 – 24 giờ. Nửa đời thải trừ của cefadroxil trong huyết tương là 1,1 – 2 giờ ở người lớn có chức năng thận bình thường, và kéo dài trên người có chức năng thận suy giảm. Nửa đời thải trừ của thuốc ở người có Độ thanh thải creatinin 20 – 50 ml/phút/1,73 m2 và dưới 20 ml/phút/1,73 m2 lần lượt là 2,5 – 8,5 giờ và 13,3 – 25,5 giờ. Cefadroxil được thải trừ chủ yếu nước tiểu ở dạng không đổi. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, từ 70% đến hơn 90% liều cefadroxil 500 mg hoặc 1 g được thải trừ vào nước tiểu ở dạng không đổi trong vòng 24 giờ, quá trình thải trì diễn ra chủ yếu trong vòng 6 – 9 giờ đầu sau khi uống. Cefadroxil được thải loại qua thẩm tách máu, nồng độ thuốc giảm khoảng 75% sau thẩm tách máu trong 6 – 8 giờ.
4 Chỉ định
Cefadroxil được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm ở người lớn và trẻ em, bao gồm:
-
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do E. coli, P. mirabilis và Klebsiella.
-
Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm amidan, viêm họng do Steptococcus pyogenes; viêm phế quản – phổi và viêm phổi.
-
Nhiễm khuẩn da và mô mềm do Staphylococcus hoặc Streptococcus.
5 Chống chỉ định
Quả mẫn với cefadroxil.
Có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.
6 Thận trọng
Tiền sử quá mẫn với kháng sinh nhóm beta-lactam: Trước khi sử dụng cefadroxil, cần khai thác bệnh nhân về tiền sử quá mẫn với cefadroxil, cephalosporin, penicilin hay các dị nguyên khác. Nếu sử dụng cefadroxil trên bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicilin, cần thận trọng và sẵn sàng mọi phương tiện để điều trị phản ứng phản vệ, do đã ghi nhận nguy cơ quá mẫn chéo xảy ra giữa penicilin và các kháng sinh nhóm beta-lactam khoảng 10%. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với cefadroxil, dừng thuốc và xử trí cấp cứu phản vệ.
Suy giảm chức năng thận: Thận trọng khi dùng cefadroxil cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận rõ rệt. Trên bệnh nhân suy thận, giảm liều theo mức độ suy thận.
Vi khuẩn kháng thuốc: Dùng cefadroxil dài ngày có thể làm phát triển quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm. Nếu bội nhiễm xảy ra, cần chuyển sang liệu pháp kháng sinh thích hợp.
Viêm đại tràng giả mạc: Đã có báo cáo viêm đại tràng giả mạc khi sử dụng các kháng sinh, gồm cả cefadroxil, vì vậy cần phải quan tâm tới chẩn đoán này trên những bệnh nhân bị tiêu chảy nặng có liên quan tới việc sử dụng kháng sinh. Trường hợp xảy ra viêm đại tràng giả mạc, ngừng cefadroxil ngay và điều trị bằng kháng sinh phù hợp, không dùng thuốc giảm nhu động ruột. Nên thận trọng khi kê đơn cefadroxil cho những người có bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng.
7 Thời kỳ mang thai
Các cephalosporin thường được coi như an toàn khi dùng cho người mang thai. Dữ liệu trên chuột không ghi nhận ảnh hưởng của thuốc lên thai ngay cả khi dùng liều cao gấp 11 lần liều dùng trên người. Dữ liệu trên người chưa xác định được nguy cơ của cefadroxil lên thai. Tuy nhiên do còn thiếu những nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ để xác định nguy cơ của thuốc trong thời kỳ mang thai, do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong thời kỳ này,
8 Thời kỳ cho con bú
Cefadroxil được bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. Tuy nhiên trẻ bú mẹ vẫn có nguy cơ bị tiêu chảy, tưa và nổi ban. Sử dụng cefadroxil trong thời kỳ cho con bú cần được giám sát chặt.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ước tính tần suất gặp tác dụng không mong muốn là 6 – 7%.
9.1 Thường gặp
Tiêu hóa: buồn nôn, đau bụng, nôn, tiêu chảy, khó tiêu, viêm lưỡi.
Da: ngứa, phát ban, dị ứng, mày đay.
9.2 Ít gặp
Nhiễm trùng: nấm âm đạo, tưa miệng.
9.3 Hiếm gặp
Toàn thân: sốt do thuốc.
Miễn dịch: phản ứng giống bệnh huyết thanh.
Máu: tăng bạch cầu ưa acid, giảm số lượng bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt. Các phản ứng này giảm dần khi ngừng thuốc, hiếm khi kéo dài.
Gan: vàng da ứ mật, tăng nhẹ AST, ALT, suy gan do thuốc.
Khác: phù mạch, đau khớp, viêm thận kẽ.
9.4 Rất hiếm gặp
Máu: thiếu máu tan huyết.
Miễn dịch: phản ứng dị ứng cấp tính, gồm cả sốc phản vệ.
Thần kinh: đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, lo âu.
Tiêu hóa: viêm đại tràng giả mạc, mức độ từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.
Da: ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson.
Toàn thân: mệt mỏi.
9.5 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Trường hợp phản ứng quá mẫn nghiêm trọng: Ngừng cefadroxil, xử trí cấp cứu phản vệ.
Trường hợp bị viêm đại tràng giả mạc: Ngừng cefadroxil, điều trị triệu chứng và kháng sinh thích hợp.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Cefadroxil được dùng theo đường uống. Có thể giảm bớt tác dụng phụ Đường tiêu hóa nếu uống thuốc cùng với thức ăn.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Người lớn:
-
Đối với nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không biến chứng (viêm bàng quang): 1 hoặc 2 g/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần.
-
Đối với các nhiễm khuẩn đường tiết niệu khác: 2 g/ngày chia 2 lần.
Trẻ em: 30 – 50 mg/kg/ngày chia 2 lần.
10.2.2 Viêm họng, viêm amidan do Streptococcus pyogenes
Người lớn: 1 g/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần, uống ít nhất trong 10 ngày.
Trẻ em: 30 mg/kg/ngày, dùng 1 lần hay chia 2 lần, uống ít nhất trong 10 ngày.
10.2.3 Viêm phế quản – phổi, viêm phổi
Người lớn và trẻ em ≥ 6 tuổi có cân nặng ≥ 40 kg: 1 g/lần, ngày 2 lần.
Trẻ em ≥ 6 tuổi có cân nặng < 40 kg: 30 – 50 mg/kg/ngày chia 2 lần.
Trẻ em < 6 tuổi: Không khuyến cáo dùng.
10.2.4 Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da
Người lớn: 1 g/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần.
Trẻ em: 30 mg/kg/ngày chia 2 lần.
Liều dùng ở trẻ em có thể tăng đến 100 mg/kg/ngày. Liều tối đa ở người lớn là 4 g/ngày.
Người cao tuổi: Kiểm tra chức năng thận và điều chỉnh liều dùng như bệnh nhân suy thận.
Bệnh nhân suy thận: Đối với người lớn suy thận, liều cefadroxil được hiệu chỉnh theo độ thanh thải creatinin (Clcr) trên bệnh nhân có Clcr ≤ 50 ml/phút như sau:
|
Liều khởi đầu |
Liều duy trì |
---|---|---|
0 – 10 ml/phút |
1 g |
500 mg, cách 24 giờ/lần |
11 – 25 ml/phút |
1 g |
500 mg, cách 36 giờ/lần |
26 – 50 ml/phút |
1 g |
500 mg, cách 12 giờ/lần |
Bệnh nhân thẩm tách máu: Ở người lớn, bổ sung cefadroxil liều 0,5 – 1 khi kết thúc quá trình thẩm tách.
Không sử dụng cefadroxil cho trẻ em suy giảm chức năng thận và trẻ cần thẩm tách máu.
Bệnh nhân suy gan: Không cần hiệu chỉnh liều.
11 Tương tác thuốc
Cholestyramin: Sự gắn kết cholestyramin với cefadroxil ở ruột làm chậm sự hấp thu của cefadroxil.
Probenecid: Dùng cùng lúc cefadroxil với probenecid có thể làm giảm thải trừ cefadroxil.
Tương tác tăng độc tính trên thận: Dùng cefadroxil cùng với kháng sinh aminoglycosid, polymycin B, colistin hoặc lợi tiểu quai có thể hiệp đồng tăng độc tính với thận.
Vắc xin thương hàn: Cefadroxil có thể làm giảm tác dụng của vắc xin thương hàn (dạng sống). Nên tiêm vắc xin sau khi dùng cefadroxil ít nhất 24 giờ.
Vắc xin tả: Cefadroxil có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin tả (dạng sống). Không dùng 2 thuốc này cùng lúc, không nên dùng vắc xin trong vòng 14 ngày sau khi dùng kháng sinh.
Warfarin: Dùng cùng lúc cefadroxil và warfarin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, có thể do làm thay đổi hệ vi khuẩn chí sinh tổng hợp vitamin K. Giám sát INR khi bệnh nhân dùng phối hợp 2 thuốc này.
12 Quá liều và xử trí
12.1 Triệu chứng
Các triệu chứng quá liều có thể xảy ra là buồn nôn, ảo giác, tăng phản xạ, các triệu chứng ngoại tháp, mất ý thức, thậm chí hôn mê.
12.2 Xử trí
Nếu cần có thể gây nôn, rửa dạ dày, hoặc thẩm tách máu. Sau đó theo dõi bệnh nhân, cân bằng nước và điện giải, theo dõi chức năng thận.
Cập nhật lần cuối: 2020