Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
BISACODYL
Tên chung quốc tế: Bisacodyl.
Mã ATC: A06AB02, A06AG02.
Loại thuốc: Thuốc nhuận tràng kích thích.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Viên bao tan trong ruột: 5 mg.
Viên đạn đặt trực tràng: 5 mg, 10 mg.
Viên đạn đặt trực tràng dùng cho trẻ em: 5 mg.
Hỗn dịch để thụt: 10 mg/30 ml.
2 Dược lực học
Bisacodyl là dẫn chất của diphenylmethan, có tác dụng nhuận tràng kích thích dùng để điều trị ngắn ngày táo bón hoặc làm sạch đại tràng trước khi làm thủ thuật hoặc phẫu thuật. Bisacodyl kích thích đám rối thần kinh trong thành ruột, chủ yếu ở đại tràng nên tác dụng trực tiếp lên cơ trơn ruột, làm tăng nhu động đại tràng; thuốc cũng làm tăng bài tiết chất điện giải và dịch thể trong đại tràng, gây nhuận tràng.
Acid tanic có trong phức hợp bisacodyl tannex làm kết tủa protein và tác dụng làm săn niêm mạc của tanin, làm giảm bài tiết chất
nhảy ở đại tràng. Cũng có người cho là acid tanic có khả năng làm các chất cản quang dễ bám vào niêm mạc đại tràng nhưng điều này còn chưa được công nhận. Một số người cho là acid tanic làm tăng sạch đại tràng, một số khác lại cho là acid tanic gây táo bón do tinh chất làm săn niêm mạc.
3 Dược động học
Bisacodyl rất ít bị hấp thu khi uống hoặc dùng đường trực tràng (< 5%). Khi uống, bisacodyl bắt đầu tác dụng trong vòng 6 – 10 giờ sau khi uống. Khi đặt viên đạn vào trực tràng, tác dụng bắt đầu trong vòng sau 15 – 60 phút. Nếu thụt tháo dùng hỗn dịch bisacodyl, tác dụng bắt đầu sau 5 – 20 phút. Bisacodyl được chuyển hóa ở gan thành dạng chuyển hóa desacetyl có hoạt tính là bis(p-hydroxyphenyl)-pyridyl-2-methan nhờ một số enzym ruột và vi khuẩn. Một lượng nhỏ thuốc được hấp thu thải trừ qua nước tiểu ở dạng glucuronid, thuốc thải trừ chủ yếu qua phân.
4 Chỉ định và chống chỉ định
4.1 Chỉ định
Để giảm chứng táo bón không thường xuyên trong thời gian ngắn.
Làm sạch ruột trước khi thăm khám hoặc trước khi phẫu thuật, thủ thuật.
4.2 Chống chỉ định
Các tình trạng cấp tính ở ổ bụng, tắc ruột, viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm ruột cấp, mất nước nặng.
Chống chỉ định dùng bisacodyl tannex cho trẻ em dưới 10 tuổi vì chưa có nghiên cứu đầy đủ sự hấp thu acid tanic ở lứa tuổi này (acid tanic có thể gây độc với gan).
5 Thận trọng
Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến lệ thuộc thuốc, đại tràng mất trương lực, không hoạt động, ỉa chảy và gây hạ Kali huyết, mất nước, rối loạn chất điện giải. Thận trọng ở những đối tượng dễ có nguy cơ mất nước khi dùng thuốc dài ngày như người già, người suy thận. Tránh dùng các thuốc nhuận tràng kéo dài quá 1 tuần, trừ khi có hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu táo bón kéo dài phải điều tra nguyên nhân táo bón.
Thông thường, nên tránh dùng các thuốc nhuận tràng kích thích cho trẻ em dưới 6 – 10 tuổi.
Tránh dùng ở bệnh nhân đau bụng, buồn nôn, nôn mửa; chảy máu trực tràng hoặc không thể đại tiện sau khi dùng thuốc; viêm trực tràng, nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ loét trực tràng.
6 Thời kỳ mang thai và cho con bú
6.1 Thời kỳ mang thai
Hiện nay, chưa có dữ liệu đáng tin cậy về thuốc gây quái thai ở động vật. Trong lâm sàng, chưa có dữ liệu đầy đủ để đánh giá bisacodyl gây dị dạng hoặc độc cho thai khi dùng bisacodyl ở người mang thai. Độ an toàn khi dùng bisacodyl tannex cho phụ nữ mang thai cũng chưa được xác định. Do đó, không nên dùng bisacodyl cho phụ nữ mang thai. Nếu dùng, phải theo dõi cẩn thận.
6.2 Thời kỳ cho con bú
Thuốc qua sữa với một lượng rất nhỏ. Rất thận trọng dùng thuốc cho người mẹ đang cho con bú.
7 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Ngay cả với liều điều trị, bisacodyl uống có thể gây buồn nôn, đau quặn bụng nhẹ. Viên đạn hay hỗn dịch dùng qua đường trực tràng có thể gây kích ứng, cảm giác nóng rát ở niêm mạc đại tràng và gây viêm nhẹ trực tràng.
7.1 Thường gặp
Tiêu hóa: đau bụng, nôn, buồn nôn, ỉa chảy.
Nội tiết và chuyển hóa: mất cân bằng dịch và điện giải.
7.2 Ít gặp
Kích ứng trực tràng, viêm trực tràng (dùng dạng viên đạn đặt trực tràng).
Dùng dài ngày làm đại tràng mất trương lực và giảm kali huyết, giảm calci huyết.
7.3 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các ADR thường nhẹ nếu dùng ngắn ngày và thường tự hết. Tránh dùng thuốc đạn hoặc hỗn dịch để thụt cho người hay bị đau quặn ruột, nứt kẽ hậu môn hoặc trĩ bị loét. Viên bao không được nhai, phải nuốt cả viên. Nếu ỉa chảy, cần giảm liều.
8 Liều lượng và cách dùng
8.1 Cách dùng
Bisacodyl dùng đường uống hoặc đường trực tràng dưới dạng viên đạn hay thụt rửa. Dạng viên bao bisacodyl tan trong ruột phải nuốt cả viên, không được nhai. Các thuốc kháng acid và sữa phải uống cách nhau ít nhất 1 giờ.
8.2 Liều dùng
8.2.1 Điều trị ngắn hạn chứng táo bón
Đường uống: Trẻ em 4 – 17 tuổi: 5 – 20 mg, uống 1 lần vào buổi tối, điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng. Người lớn: 5 – 10 mg, tăng lên đến 20 mg nếu cần thiết, uống 1 lần vào buổi tối.
Đường trực tràng: Trẻ em 4 – 9 tuổi: 5 mg x 1 lần/ngày, trẻ 10 – 17 tuổi: 10 mg x 1 lần/ngày, điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng. Người lớn: 10 mg × 1 lần/ngày. Dùng vào buổi sáng để có tác dụng ngay.
8.2.2 Làm sạch ruột trước khi làm thủ thuật X-quang và phẫu thuật
Người lớn: Ban đầu uống 10 mg × 2 lần/ngày, uống buổi sáng và buổi tối vào ngày trước khi làm thủ thuật và qua trực tràng: 10 mg. Ngày hôm sau, dùng 1 – 2 giờ trước khi làm thủ thuật.
Bisacodyl đường trực tràng có thể được sử dụng cho trẻ em dưới 10 tuổi để điều trị táo bón, liều cao hơn chưa được cấp phép. Bisacodyl đường uống có thể được sử dụng cho trẻ em để điều trị táo bón, liều cao hơn chưa được cấp phép.
9 Tương tác thuốc
Tránh phối hợp với các thuốc như amiodaron, astemisol, bepridil, bretylium, disopyramid, Erythromycin tiêm tĩnh mạch, halofantrin, pentamidin, quinidin, Sparfloxacin, sotalol, sultoprid, terfenadin, vincamin: Làm tăng nguy cơ gây rối loạn nhịp thất, đặc biệt xoắn đỉnh, do giảm kali huyết.
9.1 Thận trọng khi phối hợp
Các glycosid tim: Giảm kali huyết dễ làm tăng tác dụng độc của các glycosid tim. Phải theo dõi kali huyết, làm điện tâm đồ nếu cần.
Các thuốc làm giảm kali huyết khác (như thuốc lợi tiểu làm giảm kali huyết, amphotericin tiêm tĩnh mạch, corticoid toàn thân, tetracosactid): Tác dụng hiệp đồng làm tăng nguy cơ giảm kali huyết.
Dùng phối hợp các thuốc kháng acid, các thuốc đối kháng thụ thể H1 như cimetidin, famotidin, nizatidin, ranitidin, hoặc sữa với bisacodyl trong vòng 1 giờ, sẽ làm cho dạ dày và tá tràng bị kích ứng do thuốc bị tan quá nhanh.
10 Quá liều và xử trí
10.1 Triệu chứng
Đau bụng có thể kèm với dấu hiệu mất nước, đặc biệt ở người cao tuổi và trẻ em. Yếu cơ. Nhiễm toan chuyển hóa, giảm kali huyết.
10.2 Xử trí
Rửa dạ dày. Cần duy trì bù nước và theo dõi kali huyết. Thuốc chống co thắt có thể phần nào có giá trị. Đặc biệt chú ý cân bằng điện giải thể dịch ở người cao tuổi và trẻ em. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.
Cập nhật lần cuối: 2020