Xương Rồng Ông (Euphorbia antiquorum)

Xương Rồng Ông (Euphorbia antiquorum)

Xương rồng ông là một loài thực vật được biết đến với công dụng giúp sữa trị sâu răng, mun nhọt,… Ngoài ra những loài, đặc điểm phân bố, cùng các dược tính của cây là gì? Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về loài cây này.

1 Giới thiệu về Xương rồng ông

Xương rồng ông hay còn gọi là xương rồng ba cạnh với tên khoa học là Euphorbia antiquorum L., thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.

Đây là loài thực vật không thuộc họ xương rồng nhưng vẫn có một số đặc điểm sinh trưởng và phát triển các cây thuộc họ này như chịu được thời tiết nắng nóng, ở các nơi sa mạc,…

1.1 Đặc điểm thực vật

Xương rồng ông là cây nhỏ mọng nước, có chiều cao khoảng 1-3m hoặc hơn, được phân thành nhiều cành. Cành có 3 cạnh lồi với lá nhỏ, mọng nước, mọc ở trên cạnh lồi của cành, cuống rất ngắn. Hai lá kèm biến thành gai. Cụm hoa mọc ở những chỗ lõm của mép cành, có 1-7 bao chung, họp thành ngù; mỗi bao chung nằm trên 2 lá bắc phân thùy rộng, các tuyến mật chẻ đôi. Trong bao chung có nhiều nhị tương ứng với các hoa đực thoái hóa và một nhụy ứng với một hoa cái. Quả nhỏ màu xanh có 3 mảnh, mang vòi nhụy tồn tại.

xuong rong ong 2
Ảnh cây xương rồng ông

2 Đặc điểm phân bố

Lâu nay xương rồng được biết thuộc nhóm cây cổ nhiệt đới có khả năng chịu hạn, ưa sáng, mọc ven rừng hay trảng cây bụi, ở độ cao 100-500m. Ra hoa tháng 3 – 4. Mặc dù sống ở trên các vùng cát, trên đất đồi khô cằn, cây vẫn có thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Đặc biệt thân và cành đều mọng nước, lá tiêu giảm rất nhỏ từ đó giúp cây có thể lưu trữ được nhiều nước, tránh sự thoát hơi nước mạnh trong điều kiện khắc nghiệt.

Cây phân bố phổ biến khắp nơi, mọc hoang trên núi đá vôi trọc, các vùng nhiệt đới thuộc châu Á như Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Nam Trung Quốc,…. Tại Việt Na, ta có thể bắt gặp ở những hàng rào nương rẫy, vườn,….

xuong rong ong 5

Thu hái và chế biến

Xương rồng có thể sử dụng hầu như các bộ phận của cây như thân, lá, nhựa, nhị hoa với các tên khoa học là Caulis, Folium, Latex et Samen Euphorbiae Antiquori. 

Thông thường thân và cành được thu hái quanh năm, bóc lấy vỏ và loại bỏ gai, nướng tới khi có màu nâu hoặc rang với gạo đến khi xuất hiện màu nâu thì dừng.

Xương rồng có thể ra hoa và quả hằng năm và có khả năng tái sinh dinh dưỡng rất mạnh. Cây sẽ bắt đầu từ đoạn thân hoặc nơi cành được tiếp xúc với đất, sẽ mọc thành cây mới. Nhựa được lấy từ cây tươi. 

3 Thành phần hóa học

Thân xương rồng ông có chứa các triterpenoid: taraxerol, taraxerone, friedelan-3α-ol, friedelan-3ẞ-ol, epifriedelanol. Còn có các acid citric, tartric và fumaric. 

Nhựa cây Xương rồng ông chứa euphorbol, euphol, B-amyrin, cycloartenol. 

Rễ cũng chứa taraxerol.

Ngoài ra theo nghiên cứu mới nhất hiện nay, cây xương rồng còn có đa dạng các chất diterpenoids lathyane, ent -atisane, ent -abietane và ent -kaurane,…

xuong rong ong 4

4 Tác dụng – Công dụng của cây Xương Rồng ông theo Y học cổ truyền

4.1 Tác dụng dược lý

Lâu nay, cây Xương rồng ông được sử dụng cho các phương pháp điều trị khác nhau như:

Nhựa cây được dùng để điều trị nôn, tẩy và lợi tiểu

Thân cây tươi để điều trị vết loét ngoài da, ghẻ và đau răng

Theo báo cáo gần đây nhất hoạt tính diterpenoid được phát hiện thì cây còn gây độc tế bào, chống viêm, chống HIV và ức chế sản xuất oxit nitric.

4.2 Công dụng cây Xương rồng ông theo Y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng: 

Vị đắng, tính hàn, có độc. 

  • Thân cây có tác dụng tiêu thũng, thông tiện, sát trùng
  • Lá có tác dụng thanh nhiệt hoá trệ, giải độc hành ở
  • Nhựa cây có tác dụng tả hạ trục thuỷ, chống ngứa
  • Nhị hoa có tác dụng thanh nhiệt tiêu thũng. 

Ở Ấn Độ, cây được xem như có tác dụng xổ, lợi tiêu hoá; vỏ rễ có tác dụng xổ; nhựa cây có tác dụng xổ, kích thích. 

Ở Thái Lan, lõi gỗ khô của cây được xem như có tác dụng hạ nhiệt; nhựa cây gây xổ.

4.2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Thông thường dân gian dùng cành chữa đau răng, sâu răng và mụn nhọt. Để chữa đau răng người ta lấy cành Xương rồng, cạo bỏ gai đem nướng nóng rồi giã nát, loại bỏ xơ, thêm muối vào lấy nước ngậm. Để chữa đinh nhọt, viêm mủ da, dùng thân Xương rồng ông hơ trên lửa và đắp vào chỗ bị thương.

Ở Trung Quốc, người ta dùng thân cây trị viêm dạ dày ruột cấp, sốt rét, đòn ngã sưng đau. Dùng ngoài trị đinh nhọt, viêm mủ da và bệnh ecpet mảng tròn. Còn dùng chữa đau răng, sâu răng, làm thuốc sát trùng, diệt sâu bọ và trị ghẻ. Lá có thể trị nhiệt trệ gây tiết tả, có thể trị đòn ngã và bệnh bí đại tiện, tiểu tiện do ứ tích gây ra, chứa đinh sang. Nhựa được dùng chữa xơ gan cổ trướng và nấm ngoài da. Liều dùng thân 3-6g, sắc nước uống. Dùng ngoài lấy nhựa bôi, xoa ngoài.

Ở Ấn Độ, nước sắc thân dùng trị bệnh thống phong; nhựa cây được dùng trong điều trị bệnh thấp khớp, đau răng, bệnh đau thần kinh, phù thũng, bại liệt, điếc tai, làm mưng mủ mụn nhọt và dùng ngoài trị một số bệnh ngoài da.

Ở Thái Lan, người ta dùng nhựa tươi để trị mụn cóc.

xuong rong ong 6

5 Một số bài thuốc từ cây Xương rồng ông

5.1 Bài thuốc chữa sâu răng, đau răng

Lấy khoảng 50g cành xương rồng rồi cạo bỏ gai, đem đi nướng vàng hoặc vùi tro nóng khoảng 1-2 tiếng. Sau đó đem đi giã nát cùng với ít muối, rồi ép lấy nước và ngậm. Trong lúc đó nếu có chảy nước dãi thì phải nhổ đi, không nên nuốt. Sau 10 phút thì nhổ đi và súc miệng sạch, không được nuốt nước vì có thể bị tiêu chảy. Duy trì trong ngày ngậm khoảng 3-4 lần.

5.2 Bài thuốc chữa viêm da mủ, mụn nhọt

Lấy thân cây đem cạo bỏ gai đem nướng chín vàng rồi đập dập xong đắp lên vết thương đau. Ngoài ra có thể dùng cành đem bổ đôi rồi hơ nóng để đắp.

5.3 Công thức làm thuốc tẩy

Lấy khoảng 0.5ml mủ xương rồng ông rồi tẩm ướp vào thịt cá trê, nướng lên ăn. Do thuốc tây có tác dụng rất mạnh nên khuyến cáo không dùng cho phụ nữ có thai, người già hay người yếu.

6 Tài liệu tham khảo

  1. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (xuất bản 2021), tác giả Vũ Văn Chi. Xương rồng ông trang 1233, từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
  2. Tác giả Miêu Đông và cộng sự, Ngày đăng 22 tháng 3 năm 2018. Terpenes from Euphorbia antiquorum and Their in Vitro Anti-HIV Activity, Wiley Online Library. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2023.
  3. Tác giả Trần Công Luân và cộng sự ( Ngày đăng năm 2021). Alpha-Glucosidase Inhibitory Diterpenes from Euphorbia antiquorum Growing in Vietnam, mdpi. Truy cập ngày 110 tháng 6 năm 2023.

Để lại một bình luận