Trà hoa vàng được biết tới là một loại cây cảnh với những đặc tính, cùng những ứng dụng trong y học đặc biệt là với sức khỏe con người. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về loại cây này.
1 Giới thiệu về Trà hoa vàng
Trà hoa vàng hay còn được gọi là chè hoa vàng, có tên khoa học là Trà hoa vàng, Chè hoa vàng – Camellia chrysantha (Hu) Tuyama, thuộc họ Chè – Theaceae.
Đây là một loại cây cảnh có hoạt tính chống oxy hóa và bảo vệ Đường tiêu hóa, đã được pha vào trà và uống vì lợi ích sức khỏe của nó.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây chè hoa vàng nhỏ có nhánh mảnh, không lông. Lá có phiến thuôn, dài 11-14cm, rộng 4-5cm, không lông, mép có răng nhỏ, gân bên khoảng 10 đôi; cuống lá dài 6-7mm. Hoa đơn độc trên cuống dài 7-10mm; lá bắc 5. Lá đài 5; cánh hoa 8-10, màu vàng đậm, cao 3cm; nhị nhiều; bầu không lông, vòi nhuỵ 3-4, dính nhau một phần. Quả nang to 3cm, vỏ quả dày 3mm.
1.2 Đặc điểm phân bố
Camellia – là chi lớn nhất và quan trọng nhất về mặt kinh tế trong họ Chè – Theaceae. Camellia chrysantha là cây thuộc nhóm các loài hoa màu vàng được gọi là hoa trà vàng có nguồn gốc ở phía nam Trung Quốc, được trồng làm cây cảnh trên toàn thế giới. Ở miền nam Trung Quốc, cây thường được người dân địa phương sử dụng để pha trà vì những đặc tính có lợi của nó.
Trà hoa vàng mọc rải rác trong rừng. Ra hoa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
1.3 Thu hái và chế biến
Trà hoa vàng dùng lá – Folium Camelliae Chrysanthae để sử dụng tươi hoặc chế biến thành dược liệu bằng cách phơi, sấy khô và sao vàng. Lá của trà có vị đắng nhẹ và mùi hoa thoang thoảng.
2 Thành phần hóa học
Bên cạnh những công dụng như làm cây cảnh và trang trí nhà cửa, trà hoa vàng còn chứa hơn 400 hợp chất bổ ích và có lợi cho sức khỏe con người như protein, Flavonoid, Acid amin, threonine, polysaccharide, polyphenol Saponin, cùng các loại vitamin và khoáng chất khác (Vitamin B1, B2, Vitamin C, Vitamin E, axit folic, axit béo, B-caroten….)
3 Công dụng của Trà hoa vàng với sức khỏe
Với thành phần đa dạng cùng những hoạt tính hỗ trợ sức khỏe, trà hoa vàng dần trở thành một loại thức uống ngon, bổ dưỡng. Một số công dụng của trà như
3.1 Bảo vệ và ngăn ngừa ung thư da
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng các chiết xuất từ lá chè hoa vàng có hoạt tính chống oxy hóa các gốc tự do giúp giảm các đặc tính xấu đến làn da cũng như giảm thiểu các tình trạng nám da, sạm, lão hóa,…
3.2 Nâng cao sức khỏe tim mạch
Những hợp chất tự nhiên quan trọng trong trà hoa vàng như polyphenol và polysaccharide đã được chứng minh có khả năng bảo vệ tim mạch, đồng thời điều hòa mỡ máu, giúp lưu thông khí huyết và ức chế sự tạo thành của các acid béo trong cơ thể.
3.3 Thanh lọc cơ thể
Một trong những công dụng của trà hoa vàng là giúp thanh lọc cơ thể, giúp loại bỏ những độc tố. Ngoài ra, trà hoa vàng cùng những thành phần trong nó giúp giảm các chỉ số cholesterol trong gan và ngăn chặn sự tấn công của virus viêm gan.
3.4 Một số tác dụng khác của trà hoa vàng
- Giảm stress, thư giãn tinh thần
- Hỗ trợ cải thiện giấc ngủ
- Điều hòa các chỉ số huyết áp, tim mạch
- Nâng cao sức khỏe não bộ
- Kháng viêm, chống dị ứng
- Giúp giảm cân
4 Tác dụng phụ của trà hoa vàng
Trên thực tế, trà hoa vàng là loại thảo mộc an toàn và tốt cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi. Vậy nên, những báo cáo về tác dụng không mong muốn khi sử dụng trà gần như là chưa có. Tuy nhiên, để giúp sử dụng trà một cách có hiệu quả nhất, bạn đọc nên sử dụng sau khi ăn và những đối tượng như phụ nữ mang thai và cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2021). Trà hoa vàng, trang 1025, từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2023.
- Tác giả Jin-Bin Wei và cộng sự, ngày đăng báo năm 2015. Characterization and determination of antioxidant components in the leaves of Camellia chrysantha (Hu) Tuyama based on composition-activity relationship approach, pmc. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2023.