Cây Tiểu Kế có tên khoa học là Cirsium lineare (Thunb.) Sch – Bip.). Nhân dân thường sử dụng Tiểu Kế để chữa kinh nguyệt không đều, Đau Bụng Kinh, vô kinh. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Tiểu Kế
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cirsium lineare (Thunb.) Sch – Bip.
Tên gọi khác: Luân Kế.
Họ thực vật: cúc Asteraceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Tiểu Kế thuộc dạng cây thảo có kích thước khoảng 0,6 đến 1 mét. Cây sống lâu năm. Rễ có dạng hình trụ, kích thước to bằng ngón tay.
Thân cây thẳng, trên thân có khía những rãnh dọc, có nhiều lông màu trắng bạc.
Lá mọc so le, cuống lá rất ngắn hoặc gần như không cuống. Gốc lá có dạng hình tròn, đầu là thuôn nhọn, mép lá có khía răng không đều. Trên mép lá cũng có những gai nhỏ mềm sắc. Mặt trên của lá có màu lục, mặt dưới của lá có lông màu trắng bạc.
Cụm hoa mọc thành đầu tròn ở kẽ lá và đầu cành. Lá bắc xếp thành nhiều hàng, những lá bên ngoài có hình dạng nhọn sắc, nhiều hoa, lưỡng tính, hoa có màu tím hồng.
Nhị 5, bầu nhẵn.
Quả bế, trên quả có chia thành 5 khía mờ.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 4 đến tháng 9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cirsium Mill. là một chi lớn, trong đó có 380 loài là những dạng cây cỏ, cây bụi có gai, các loài này được phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới thuộc Bắc bán cầu. Tại nước ta, có khoảng 3-4 loài. Tiểu kế là loài thuốc quý.
Tiểu Kế là cây thuộc vùng ôn đới ẩm phía Bắc, thường được tìm thấy trên các vùng đồng cỏ hoặc vùng đồi của Ấn Độ, Trung Quốc và một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Một số tỉnh có thể kể đến như Lào Cai, Hà Giang và một số khu vực thuộc Tây Nguyên.
Tiểu Kế là loại cây ưa sáng, có thể chịu bóng. Khi còn nhỏ, cây thường mọc lẫn với các loài cây bụi và cỏ khác ở khu vực ven đồi, chân núi, ven bờ nương rẫy.
Hàng năm, vào tháng 4 đến tháng 5 cây con thường mọc từ hạt, sau đó vào mùa thu cây sẽ ra quả và tàn lụi vào mùa đông.
Phần gốc cây mang nhiều rễ củ vẫn tiếp tục tồn tại dưới mặt đất và mọc lại vào mùa xuân năm sau.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, trên hạt có túm lông và phân tán được nhờ gió. Tuy nhiên, do hạt nhẹ nên thường bị mắc lại trên các đám cỏ, không rơi xuống được mặt đất nên số lượng cây con trong tự nhiên không nhiều.
Tiểu Kế là loại cây được xếp vào loại quý hiếm.
2 Công dụng của cây tiểu kế
2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Tiểu Kế là loài cây có vị chua, tính ôn.
Tác dụng: Tán ứ, hoạt huyết, tiêu viêm, tiêu phù.
2.2 Chữa kinh nguyệt không đều, vô kinh, đau bụng kinh, bệnh đường tiết niệu
Sử dụng cả cây Tiểu Kế với lượng 10-30g mỗi ngày, đem sắc lấy nước uống.
2.3 Chữa viêm vú, đòn ngã tổn thương, mụn nhọt, rắn cắn
Sử dụng rễ cây tươi, đem giã và đắp lên vùng tổn thương
3 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Tiểu Kế, trang 963-964. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2024.