Thông thảo được sử dụng rộng rãi bởi công dụng lợi sữa, trị bệnh tiết niệu, lợi tiêu hóa. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Thông thảo thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Thông thảo là cây gì?
Thông thảo còn có tên gọi khác là Thông thoát, Thông thoát mộc, mọc rải rác trong trảng cây bụi hoặc ở ven rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm vùng núi cao 300-1500m, ưa sáng.
Tên khoa học của Thông thảo là Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch., thuộc họ Nhân Sâm (Araliaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây gỗ hoặc cây gỗ nhỏ cao 2-6m. Thân cành mảnh, cứng, giòn, có lông hình sao màu vàng sỉn, có lõi xốp trắng (tủy) ở giữa, cây càng già lõi càng đặc và chắc hơn. Lá to, mọc so le, phiến lá dài 30-90cm, chia thành nhiều thùy chân vịt, có khi cắt sâu tới giữa lá, mỗi thùy lại chia thành nhiều thùy nhỏ; mép có răng cưa to hay nhỏ, mặt trên nhẵn hoặc ít lông hình sao rải rác trên gân, mặt dưới nhiều lông hơn và gân nổi rõ, cuống lá dài 30cm, đường kính 1cm có lõi mềm và có bẹ ôm lấy nửa thân; lá kèm 2, hình tim nhọn, dài khoảng 4cm, gân gốc 5-7.
Cuống hoa hình tán, hình cầu, họp thành chùy cao 40cm, có lông; phân nhánh nhiều, cuống tán mang 2-3 tán. Lá bắc hình mác, tất cả các bộ phận đều có lông trắng hoặc vàng nâu Hoa có 4-5 cánh màu lục, sớm rụng; bầu 2 ô, 2 vòi nhụy. Quả dẹt hình cầu, màu tía đen, đường kính 3-4mm, có 8 cạnh. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 9-12.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lõi thân, thường gọi là Thông thảo. Rễ, nụ hoa cũng được dùng.
Thu hoạch lõi của cây 2-3 năm tuổi. Vào tháng 9-11, chặt lấy cây đem về chia thành từng đoạn dài 30cm hoặc hơn, phơi khô, dùng một gậy gỗ thân tròn có đường kính gần bằng lõi để đẩy lõi ra. Tiếp tục phơi thật khô, không sấy. Khi dùng thái lát mỏng.
Mô tả dược liệu: Hình trụ dài, mặt ngoài có màu trắng hoặc vàng nhạt, có rãnh dọc nông. Thể nhẹ, chất xốp mềm, hơi đàn hồi, dễ bẻ gãy, mặt bẻ phẳng, có màu trắng bạc sáng bóng, phần giữa có tâm rỗng hoặc màng mỏng trong mờ, sắp xếp hình thang khi nhìn trên mặt cắt dọc; không mùi, vị nhạt, ruột đặc ít gặp.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Đài Loan.
2 Thành phần hóa học
Thông qua việc phân tích hoa, lá, quả và các bộ phận khác của Thông thảo, người ta thấy rằng lõi thân có chứa nhiều thành phần hoạt tính hóa học hơn, chủ yếu là triterpenoid và saponin triterpenoid, cùng một lượng nhỏ các thành phần khác, chủ yếu là các hợp chất steroid, bao gồm sterol, sterone, glycoside steroid và hợp chất ceramide.
Nhóm hợp chất | Thành phần |
Triterpenoid | Papyriogenin A, A1, A2, papyriogenin C – M |
Triterpen saponin | Papyrioside L-Ⅱa, L-Ⅱb, L-Ⅱc, L-Ⅱd, papyrioside La, Lb, Lc, Ld, papyrioside LA, LB, LC, LD, LE, LF, LG, LH |
Steroid | β-sitosterol, daucosterol, 7-oxostigmasterol-3-O-β-D-glucopyranoside, 7-oxositosterol-3-O-β-D-glucopyranoside, stigmasta-5,22-diene-3-O-β-D-glucopyranoside, stigmasta-5-ene-3-O-β-D-glucopyranoside, stigmasta-5,22-diene-7-one-3-O-β-D-glucopyranosi-de, stigmasta-5-ene-7-one-3-O-β-D-glucopyranoside, stigmasta-7-ene-3-O-β-D-glucopyranoside |
Flavonoid | Afzelin, astragalin, kaempferol, 3,7,4′-tri-O-acetylkaempferol, kaempferol 7-O-(2-Ep-coumaroyl-α-rhamnoside), kaempferol 7-O-(2,3-di-E-coumaroyl-α-rhamnoside) |
Ceramide | N-(2′,3′-dihydroxytetracosanol)-2-amino-8-octadecene-1,3 4-triol, N-(2′-hydroxytetracosanol)-2-amino-8-octadecene-1,3,4-triol, araliacerebroside |
Khoáng chất | Zn, Fe, Mn |
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây chè vằng – Vị thuốc bồi bổ cho phụ nữ sau sinh
3 Tác dụng – Công dụng của Thông thảo
3.1 Tác dụng dược lý
Hiện tại, có rất ít nghiên cứu chuyên sâu về dược lý của Thông thảo, nhưng nghiên cứu liên quan về các hợp chất và hoạt chất có trong cây cho thấy Thông thảo chứa giá trị dược liệu tiềm năng đáng kể.
3.1.1 Bảo vệ gan
Lõi thân Thông thảo chứa triterpenoids loại oleanane, có tác dụng chống viêm, chống khối u, bảo vệ gan và hạ đường huyết. Triterpenoids loại oleanane có thể làm giảm nồng độ lipid trong máu, giảm tải cho gan, giảm sự hình thành và lắng đọng của lipid gan, do đó làm giảm tổn thương gan do độc tính của thuốc.
3.1.2 Tác dụng chống apoptotic
Lõi thân Thông thảo rất giàu saponin triterpene, có thể điều chỉnh cân bằng nội môi của mô não chuột, làm chậm quá trình chết theo chương trình của các tế bào lão hóa trong mô não chuột và có chức năng ức chế quá trình chết theo chương trình của tế bào, chống oxy hóa, chống lão hóa, duy trì sức sống của tế bào. Cơ chế hoạt động của nó là làm giảm biểu hiện của protein prooptotic và tăng biểu hiện của protein chống apoptotic.
3.1.3 Chống viêm
Triterpenoids loại oleanane chứa trong lõi thân Thông thảo có tác dụng ức chế rất đáng kể đối với hoạt động của oxit nitric (NO). Chiết xuất metanol của Thông thảo có tác dụng ức chế đáng kể hoạt động NO, cho thấy triterpenoids loại oleanane là nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm năng để ức chế các bệnh thoái hóa thần kinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng triterpenoid và các dẫn xuất của chúng, alkaloid và glycoside có thể ngăn chặn sự hấp phụ của các hạt virus vào tế bào chủ và đóng vai trò kháng virus. Saponin trong Thông thảo có thể ức chế quá trình phosphoryl hóa protein kinase p38 mapk thông qua tác dụng chống viêm, giảm mức độ protein hạch gốc lưng và giảm đau thần kinh tọa.
3.1.4 Kháng thrombin
Nghiên cứu cho thấy các thành phần hoạt chất trong lõi thân Thông thảo có tác dụng tương tự như antithrombin III, có tác động tốt đến hệ thống đông máu và hệ thống chống đông máu của cơ thể con người, đồng thời có thể ngăn ngừa tốt sự hình thành huyết khối.
3.1.5 Chống AIDS
Nghiên cứu đã thử nghiệm với tế bào lympho TH9 của người và nhận thấy số lượng kháng nguyên P24 (protein cốt lõi của HIV) không tăng, chứng tỏ papyriogenin A – hoạt chất trong Thông thảo – có tác dụng ức chế AIDS.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Đu đủ – Loài trái cây nhiệt đới với công dụng tuyệt vời
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Thông thảo có tính hơi hàn, vị ngọt, nhạt, quy vào kinh phế, vị, có tác dụng tả phế, thanh nhiệt lợi tiểu, thông khí hạ nhũ, giải độc, trấn khái. Rễ có tác dụng hành khí, lợi thủy, tiêu thực, thúc sữa.
Trong đông y, Thông thảo được dùng trong chữa sốt khát nước, ho, làm thuốc lợi sữa, bí tiểu, phù thũng.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Thông thảo
4.1 Cách dùng
Ngày dùng 3-10g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Chú ý: Cẩn thận khi dùng cho bệnh nhân khí và âm đều suy, phụ nữ có thai.
Hiện trên thị trường có nhiều chế phẩm lợi sữa từ Thông thảo, như Cốm lợi sữa Thông thảo.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Cách dùng Thông thảo làm thuốc lợi sữa
Bài 1: Thông thảo, cám gạo nếp mỗi thứ 10g, hạt bông (sao vàng) 15g. Sắc với 300ml nước tới khi còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Bài 2: Thông thảo 10-12g, chân giò lợn 1 cái, gạo nếp 30-50g. Chân giò chặt nhỏ, nấu nhừ, thêm thông thảo thái lát mỏng và gạo nếp vào nấu thành cháo trong 1 giờ. Để nguội ăn trong ngày, dùng liên tục trong 3 ngày hoặc hơn. Có nơi còn thêm quả mít non, hoặc đu đủ non, lá sung, vẩy tê tê, hạt mùi.
Bài 3: Thông thảo 12g, móng chân giò lợn 1 đôi, Xuyên Khung 6g, vảy tê tê 8g. Vảy tê tê rang trong cát cho phồng lên tới khi dễ bẻ gãy. Ninh nhừ, ăn cả cái lẫn nước.
4.2.2 Chữa tiểu tiện đau, nước tiểu đỏ
Nguyên liệu: Thông thảo, Cam Thảo mỗi vị 3g, cù mạch, hoạt thạch, thạch vĩ mỗi vị 6g.
Cách làm: Sắc uống.
4.2.3 Thông thảo thang trị chứng phù do tiểu ít, thấp nhiệt
Nguyên liệu: Thông thảo, cù mạch, thiên hoa phấn, liên kiều mỗi vị 10g, Cát Cánh, mộc thông, Sài Hồ, thanh bì, Xích Thược, Bạch Chỉ mỗi vị 8g, cam thảo 3g.
Cách làm: Sắc uống.
4.2.4 Trị viêm tiết niệu
Nguyên liệu: Thông thảo, cù mạch, liên kiều mỗi vị 10g, mộc thông 6g, cam thảo 3g.
Cách làm: Sắc uống mỗi ngày.
4.2.5 Trị viêm thận cấp, phù
Nguyên liệu: Thông thảo 8g, Phục Linh bì 12g, đại phúc bì 10g.
Cách làm: Sắc dùng uống mỗi ngày.
4.2.6 Chữa nôn khan, nôn thổ sau khi bị thương hàn, đường ruột
Nguyên liệu: Thông thảo 6g, lô căn 30g, gạo tẻ 60g, Trần Bì 2g.
Cách làm: Nấu thành cháo loãng, ăn.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Sun Feifei và cộng sự (Đăng vào năm 2020). 药用植物通脱木的研究进展 (Tiến độ nghiên cứu của cây thuốc Tongtuomu), Khoa học Quảng Tây. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Thông thảo trang 916-917, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2023.
3. Chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Thông thảo trang 287=288, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2023.