Rau tàu bay được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa khó tiêu, đau bụng, cảm mạo và vết thương. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Rau tàu bay.
1 Giới thiệu về cây Rau tàu bay
Rau tàu bay là một loại rau được biết đến với tên khoa học là Crassocephalum crepidioides (Benth.) S. Moore (Gynura crepidioides Benth.) và thuộc họ Cúc – Asteraceae.
1.1 Hình ảnh cây rau tàu bay
Cây thảo thường mọc hàng năm, thân to và cao khoảng 1m, phân nhánh và có các gờ dọc, phủ lông tơ phía trên thân. Lá có hình dạng trứng dài, chóp lá có hình thoi và phần dưới có các rãnh sâu, mép lá có răng cưa, mặt trên lá nhẵn và mặt dưới có lớp lông tơ mảnh. Cụm hoa tập trung ở đỉnh hay nách lá và có dạng ngù. Hoa gồm 2 hàng lá bắc; hàng lá bắc ngoài có 18-21 chiếc, màu xanh lục kết hợp với màu nâu tối, hàng lá bắc trong có màu xanh lục. Tràng hoa của cây đều có màu vàng, phía đầu màu đỏ nâu. Quả của cây có hình dạng trụ, dài khoảng 2mm, với mào lông trắng phía trên đỉnh quả dài khoảng 9-12mm.
⇒ Xem thêm dược liệu khác tại đây: Rau Húng quế – Trị sổ mũi, đau đầu và tiêu hoá kém
1.2 Thu hái và chế biến
Cây rau tàu bay có thể sử dụng toàn cây để chế biến – Herba Crassocephali Crepidioides. Người ta có thể thu hái cả năm và sử dụng cây tươi hoặc phơi khô để sử dụng sau này.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây rau tàu bay là một loài thảo dược truyền thống được phát hiện tại nhiều vùng đất ở châu Á, châu Phi và Úc. Nó thường mọc ở những vùng đất hoang vu sau khi được đốn cắt, ở bờ sông, ven suối và bên lề đường dọc theo rừng. Thời gian hoa đến từ mùa xuân đến mùa hè.
Cây phổ biến tại nhiều vùng đất từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Ninh Bình, Hà Nội, Hoà Bình, Bắc Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu và lan rộng đến Tây Nguyên và các tỉnh miền tây như Long An, Đồng Tháp.
Cũng có mặt ở nhiều quốc gia trên châu Á và châu Phi.
⇒ Xem thêm dược liệu khác tại đây: Rau Kinh giới – Vị thuốc trị mụn và cảm cúm hiệu quả
2 Thành phần hóa học
Trong lá của C. crepidioides, đã được phát hiện một số hợp chất có hoạt tính sinh học, bao gồm các hợp chất phenolic và Flavonoid. Tinh dầu được chiết xuất từ lá của C. crepidioides chứa các hợp chất β-cubebene, α-farnesene và α-caryophyllene.
3 Rau tàu bay có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Cây C. crepidioides được ghi nhận có khả năng hỗ trợ điều trị vết thương, chống viêm, kháng khuẩn, hạ đường huyết, chống oxy hóa, phòng chống ung thư và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Nó cũng được xem là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và bảo vệ gan khỏi tác động của các chất độc.
3.2 Vị thuốc Rau tàu bay – Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Cây có vị cay, tính bình, có tác dụng tiêu thũng, chỉ khái và thanh nhiệt giải độc.
3.2.2 Công dụng của cây Rau tàu bay
C. crepidioides từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian để điều trị nhiều bệnh như khó tiêu, đau bụng và vết thương. Ngoài ra, nó còn được sử dụng làm rau ăn sống, luộc, xào, nấu canh hoặc muối dưa ăn.
Lá tươi của cây cũng được sử dụng để điều trị các vết rắn, rết cắn bằng cách giã nát hoặc nhai nát đắp lên.
Trong y học dân tộc của Campuchia, C. crepidioides được dùng để điều trị các biến chứng sau khi sinh.
Ở Trung Quốc, toàn cây được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như sốt cao, cảm mạo, viêm khí quản, sưng amydal, tiêu hoá không bình thường, lở miệng, viêm ruột, viêm nhiễm niệu đạo, sái chân và ngoại thương cảm nhiễm. Trong khi ở Quảng Tây, cây được dùng để điều trị viêm dạ dày ruột, lỵ, và thuỷ thũng.
4 Cây tàu bay có ăn được không? Cách chế biến rau tàu bay
Cách chế biến rau tàu bay: Rau tàu bay thường được dùng làm rau sống, luộc hoặc nấu canh. Khi sử dụng rau tàu bay, cần rửa sạch rau trước khi luộc trong nước sôi khoảng từ 30 giây đến 1 phút. Sau đó, rau cần được vớt ra đĩa ngay để tránh làm rau bị nát do để quá lâu trong nước sôi.
Rau tàu bay xào tỏi: Đầu tiên, nhặt rau tàu bay rồi rửa sạch và luộc sơ qua. Sau đó, đập tỏi và cho vào chảo dầu phi thơm. Tiếp theo, thêm rau đã luộc sẵn và bột canh vừa ăn vào chảo, đảo khoảng 1 phút. Cuối cùng, cho thêm bột ngọt, đảo đều và thưởng thức.
Khi nấu canh, phải để lắng, gạn bỏ hết dầu và thêm mắm muối để đỡ mùi hắc.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Rau tàu bay trang 90 – 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Nguyen Minh Can và cộng sự (Đăng ngày 22 tháng 8 năm 2020). Wound Healing Activity of Crassocephalum crepidioides (Benth.) S. Moore. Leaf Hydroethanolic Extract, PubMed. Truy cập ngày 20 tháng 04 năm 2023.