Sâm Ô Linh (Xylaria nigripes)

Sâm Ô Linh (Xylaria nigripes)

Sâm ô linh hay còn được gọi là nấm ô linh, là 1 trong những loại sâm vô cùng quý hiếm và đắt đỏ, với nhiều giá trị dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe con người. HIện nay những thông tin về đặc điểm và tác dụng của loài sâm này vẫn còn nhiều hạn chế. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về Sâm ô linh.

Hình 1: Sâm ô linh
Hình 1: Sâm ô linh

1 Tổng quan về Sâm ô linh

1.1 Tên gọi, danh pháp

Tên gọi: Sâm ô linh

Tên khác: Nấm ô linh.

Tên khoa học: Xylaria nigripes (Klotzsch.) Cooke

Họ thực vật: Xylariaceae.

1.2 Mô tả đặc điểm

Mặc dù được gọi là sâm nhưng Sâm ô linh không cùng họ với các loài sâm khác. Chúng có hình dáng đặc trưng, là hạch nấm đặc biệt được hình thành từ các sợi nấm bên trong lòng đất.

Cách nhận biết Sâm Ô linh: Sâm ô linh có hình dạng nhìn giống như củ khoai thâm đen nhưng tròn hơn, bề mặt cứng vừa, phía cuối có rễ dài mọc ra, nhìn như đuôi con chuột. Sâm ô linh vô cùng quý hiếm, thậm chí được ví như “vàng đen” do lớp vỏ ngoài màu đen, thịt bên trong màu trắng, kích cỡ đường kính củ trung bình khoảng từ 2cm đến 4cm, đặc biệt có những củ đường kính lên tới 7cm.

Sâm ô linh mọc đơn thân, nhưng thỉnh thoảng cũng bắt gặp các cây nấm phân nhánh từ gốc. Chiều cao mỗi cây sâm khoảng 3,5 đến 16cm. Ruột có màu trắng, đặc, sau đó sẽ chuyển dần sang màu tối. Cuống có chiều dài từ 1,5 đến 7cm, đường kính khoảng 1 đến 2,5 mm, có gân dọc, phần gốc mọc sâu vào lòng đất sau đó hình thành nên hạch nấm, phần đầu có dạng hình trụ tròn, phần đỉnh tròn, tù, vỏ ngoài có màu nâu xám khi còn non sau đó chuyển thành màu đen.

Dưới đây là hình ảnh cây Sâm Ô linh

Hình 2: Đặc điểm Sâm ô linh
Hình 2: Đặc điểm Sâm ô linh

1.3 Phân bố, thu hái và chế biến

Khác các loại sâm khác, củ Sâm ô linh không mọc trong lòng đất mà chúng thường được tìm thấy trong những tổ kiến trắng, tổ mối bỏ hoang nằm rất sâu dưới lòng đất từ 1 mét – 2mét.

Ở Việt Nam, loại sâm đã được tìm thấy ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk, Kom Tum, Lâm Đồng… nhưng rất ít và rất hiếm có thể bắt gặp được loại sâm quý hiếm này.

Ngoài ra, sâm còn có ở 1 số khu vực thuộc Trung Quốc, Hàn Quốc… Ở Trung Quốc đây là một loại thảo dược cực kỳ quý hiếm, Sâm Ô linh hiện được bán trên thị thường với giá dao động từ 20.000 nhân dân tệ/1kg sâm (tức là khoảng 70 triệu Việt Nam đồng) với những cây loại 1.

Những củ sâm ô linh sau khi được tìm thấy sẽ được rửa sạch, loại bỏ tạp chất sẽ được phơi khô rồi bảo quản nguyên củ, khi sử dụng có thể sắc nước hoặc ngâm rượu uống hàng ngày.

Hình 3: Sâm ô linh thường tìm thấy trong các tổ kiến, tổ mối trống
Hình 3: Sâm ô linh thường tìm thấy trong các tổ kiến, tổ mối trống

1.4 Bộ phận sử dụng

Thân nấm: Thân nấm có tính chất xơ cứng và chắc chắn. Bộ phận này được sử dụng làm dược liệu quý, có giá trị trong lĩnh vực y học và sức khỏe. Thân nấm thường được thu hái và chế biến để tạo ra các sản phẩm dùng trong điều trị bệnh và bảo vệ sức khỏe.

Quả nấm: Nấm Ô Linh có những quả nấm to, có đường kính trung bình từ 1cm đến 7cm. Quả nấm được sử dụng như một nguyên liệu trong nấu ăn và chế biến thực phẩm. Nó có thể được chế biến thành các món ăn ngon và bổ dưỡng.

Chiết xuất và tinh chất: Nấm Ô Linh cũng có thể được chế biến thành các loại chiết xuất và tinh chất. Các phương pháp chiết xuất và tinh chất hóa giúp tách lấy các thành phần hữu ích từ nấm Ô Linh. Những chiết xuất và tinh chất này có thể được sử dụng trong sản xuất thuốc, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

2 Thành phần hóa học

Thành phần hóa học trong sâm ô linh bao gồm:

  • Saponin triterpenoid tetracyclic: chủ yếu là nhóm dammaran (còn gọi là ginsenosid). Có hơn 30 loại ginsenosid khác nhau đã được phân lập và xác định trong Sâm Ô Linh.

  • Polysacarit.

  • Protein.

  • Sắt, Mangan và selenium.

Hình 4: Thành phần hóa học của Sâm ô linh
Hình 4: Thành phần hóa học của Sâm ô linh

3 Công dụng của Sâm ô linh

3.1 Theo y học cổ truyền

Tính vị: vị ngọt nhẹ, có mùi thơm, tính bình.

Quy kinh: quy vào các kinh tâm, can và thận.

Công dụng: Theo các nghiên cứu của Đông Y thì sâm ô linh là vị thuốc vô cùng quý hiếm với con người, lợi cho gan, dạ dày, an thần, trị mất ngủ, cầm máu, giảm huyết áp cao và trị táo bón,…..

Hạch nấm màu trắng khi còn non ăn rất ngon. Ngoài ra, hạch nấm còn được sử dụng để làm thuốc trị trẻ em kinh phong, tim đập nhanh, loạn nhịp và các chứng viêm gan.

3.2 Tác dụng dược lý

Theo Y học cổ truyền, Sâm Ô linh được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ và các trường hợp chấn thương, đồng thời cũng được sử dụng như một loại thuốc bổ thần kinh. Các nghiên cứu in vivo và in vitro đã chứng minh hoạt tính sinh học của Sâm Ô linh, bao gồm tác dụng chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, chống viêm, bảo vệ gan, ngăn ngừa ung thư, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, tăng độ nhạy của Insulin và bảo vệ thần kinh.

3.2.1 Hỗ trợ điều trị đau dạ dày

Sâm Ô linh có thể được sử dụng trong điều trị viêm dạ dày. Nó có tác dụng giảm đau tốt đối với loét dạ dày và đau dạ dày. Sâm ô linh có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh dạ dày như viêm dạ dày mãn tính. Trong sâm Ô linh có chứa các axit amin, protein thiết yếu, vitamin, canxi, phốt pho, axit ribonic và các nhiều chất khác cần thiết cho cơ thể con người.

3.2.2 Chống ung thư

Sâm Ô linh là một loại thảo dược bổ dưỡng có nhiều giá trị đối với sức khỏe nhưng lại ít được biết đến. Trong thành phần của Nấm Ô Linh chứa các nguyên tố vi lượng như polysacarit, protein, Sắt, mangan và selenium. Hoạt chất Selenium có thể ức chế tế bào ung thư, đem lại những tác dụng điều trị nhất định trong việc phòng ngừa và chữa trị ung thư.

3.2.3 Kiểm soát đường huyết

Hoạt chất polysacarit có trong nấm Ô Linh cũng được chứng minh có nhiều công dụng khác đối với sức khỏe như điều hòa miễn dịch, hỗ trợ làm hạ đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối.

Hình 5: Tác dụng của Sâm ô linh
Hình 5: Tác dụng của Sâm ô linh

3.2.4 Bảo vệ thần kinh

Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng chiết xuất từ sâm ô linh còn có thể cải thiện đáng kể tình trạng suy giảm trí nhớ, mất ngủ. 

Sâm Ô Linh được xem như một loại dược liệu có khả năng chống trầm cảm. Các chất hoạt chất có trong Sâm Ô Linh có tác động tích cực đến hệ thần kinh và tâm trạng Sâm Ô linh có khả năng làm dịu căng thẳng, giảm lo lắng và nâng cao tinh thần. Việc sử dụng Sâm Ô Linh có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm triệu chứng trầm cảm, ổn định hoạt động điện não, giúp làm giảm tần số và cường độ cơn động kinh.

Ngoài ra Sâm Ô Linh cũng rất tốt cho các trường hợp mất ngủ, kém ăn, phụ nữ sau sinh bị ít hoặc mất sữa.

4 Cách dùng Sâm ô linh

Sâm ô linh cũng giống nhiều dược liệu khác được dùng phổ biến như sau:

4.1 Ngâm rượu

Đây là cách dùng phổ biến của cánh nam giới cách dùng làm đồ ngâm rượu: 100g sâm ô linh đã rửa sạch có thể ngâm nguyên củ nấm cùng 1-2 lít rượu trắng 40-42 độ, ngâm rượu sau 30 ngày là dùng được.

Rượu ngâm sâm ô linh liều dùng ngày 2 lần mỗi lần 15-20ml sau ăn.

Hình 6:  Sâm ô linh ngâm rượu
Hình 6: Sâm ô linh ngâm rượu

4.2 Hãm trà

Chuẩn bị: 10g sâm tươi, một bình thủy tinh đựng nước sôi, một ấm hãm trà.

Cách hãm trà sâm ô linh:

  • Sâm sau khi rửa sạch đem thái thành từng lát mỏng, sau đó bỏ vào ấm hãm như hãm trà. Chế một chút nước sôi vào, lắc nhẹ rồi đổ nước đó đi để tráng qua, chế thêm khoảng 500ml nước vào bình hãm.

  • Đậy kín bình, ủ đợi khoảng 15 phút cho ngấm, chắt nước sử dụng trong ngày. Hết nước đầu, chế thêm nước lần 2 tới khi nước sâm nhạt thì thôi.

4.3 Ngâm mật ong

Chuẩn bị: Sâm ô linh tươi và mật ong nguyên chất (mật ong rừng càng tốt).

Cách làm:

  • Rửa sạch sâm ô linh, để cho sâm ráo nước rồi thái thành từng lát mỏng để ngâm dễ dàng hơn.

  • Đặt sâm đã thái vào hủ thủy tinh đã chuẩn bị sẵn. Tiếp theo, đổ mật ong nguyên chất vào hủ để lấp đầy sâm sau đó đậy nắp hủ thủy tinh kín để bảo quản sản phẩm và sử dụng khi cần thiết. Mật Ong không chỉ có tác dụng làm đẹp da, sát khuẩn, chữa ho, viêm họng, mà còn tăng cường hiệu quả của sâm ô linh.

Hình 7: Sâm ô linh ngâm mật ong
Hình 7: Sâm ô linh ngâm mật ong

4.4 Các cách sử dụng khác

Sâm ô linh có thể dùng để nấu cháo hoặc nấu canh để làm thức ăn.

Tuy sâm ô linh có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng việc sử dụng quá nhiều có thể gây ra những phản ứng phụ không mong muốn, do đó, Sâm Ô linh chỉ nên sử dụng đối đa 3g mỗi ngày.

5 Sâm ô linh giá bao nhiêu tiền 1kg? Giá sâm ô linh tươi

Sâm Ô linh là loại dược liệu nổi tiếng với nhiều công dụng, do đó, giá thành của Sâm ô linh cũng không hề rẻ, thường dao động khoảng vài triệu có khi đến vài trăm triệu đối với những loại thượng hạng, có chất lượng cao.

6 Tài liệu tham khảo

Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Địa thán bông, trang 928. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2024.

Tác giả Rupesh D Divate và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2017). Protective effect of medicinal fungus Xylaria nigripes mycelia extracts against hydrogen peroxide-induced apoptosis in PC12 cells, NCBI. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận