Nhân trần được biết đến khá phổ biến với công dụng trị các bệnh như ngộ độc, tiểu tiện khó khăn, ăn uống kém tiêu, viêm gan vàng da, cảm cúm, sốt. Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nhân trần.
1 Giới thiệu về cây Nhân trần. Cây nhân trần có mấy loại?
Cây Nhân trần có hai loại phổ biến tại Việt Nam là Nhân trần Tía và Nhân trần Bắc.
Nhân Trần Tía hay còn gọi là Nhân trần nhiều lá bắc, Nhân trần Tây Ninh, Chè cát có tên khoa học là Adenosma bracteosum Bonati, thuộc họ Mã Đề – Plantaginaceae. Vị thuốc Nhân trần tía trong Dược điển Việt Nam 5 tập 2 có tên là Herba Adenosmatis bracteosi. Nhân dân miền núi phía Bắc sử dụng cây Nhân trần cái, tên khoa học là Adenosma caeruleum, ở một số nơi khác còn sử dụng cây Bồ Bồ (gọi là nhân trần đực) có tên khoa học là Adenosma indianum (Lour.) Merr.
Trong khi đó, Nhân trần Bắc (Yinchen) được biết đến với nhiều tên gọi như Nhân trần Hao hay Ngải lá kim, và có tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb., thuộc họ Cúc – Asteraceae. Dược liệu sử dụng là phần trên mặt đất của Nhân trần hao (Artemisia capillaris Thunb.) và Trư mao hao (Artemisia scoparia Wadlst. & Kit). Tùy thuộc vào thời điểm thu hái mà loại dược liệu này có tên gọi khác nhau: Dược liệu thu hái vào mùa cuân gọi là Mian-Yinchen, dược liệu thu hái vào mùa thu gọi là Hao-Yinchen có những đặc điểm hình thái và hàm lượng dược chất khác nhau, cụ thể:
- Acid chlorogenic (acid phenolic) và Scoparone (coumarin) đều là những thành phần đặc trung của Nhân trần Bắc, tuy nhiên, hàm lượng Acid chlorogenic (acid phenolic) cao nhất khi thu hái cây vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 4. Ngược lại, hàm lượng Scoparone (coumarin) tăng cao vào mùa thu.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo có chiều cao trung bình khoảng 30-40 cm. Thân cây hình trụ, phân cành từ gốc, mang màu sắc hơi tím. Lá mọc đối, có hình mác thuôn dài, không có cuống, gốc gần như ôm quanh thân cây. Mép lá nguyên hoặc có răng cưa tròn, gân lá rõ nét. Cụm hoa ngắn, mọc ở đầu cành và tạo thành bông dày đặc. Tổng bao lá bắc của hoa bao gồm nhiều lá bắc hình tim, đầu nhọn, mép nguyên và có nhiều lông thô. Đài hoa có 5 răng không đều, trong đó 3 răng ngoài rộng hơn và 2 răng trong hẹp hơn. Tràng hoa gồm các cánh hoa màu lam hợp lại thành ống hình trụ, chia làm hai môi. Môi trên chia đôi và bằng đầu, môi dưới chia làm 3 thùy gần bằng nhau. Nhị hoa có bao phấn 1 ô, nhụy hoa có bầu nhẵn. Quả của cây là nang chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu, hình trứng, không có lông và thắt ở đầu.
1.2 Thu hái và chế biến cây nhân trần khô
Các phần của cây được sử dụng: Cả cây ngoại trừ rễ có thể sử dụng. Thu hái vào thời điểm cây đang hoa.
Cả cây (Herba Artemisiae capillaris) có thể sử dụng. Thu hái vào thời điểm cây đang hoa và phơi khô dưới bóng mát.
Dược liệu có thân hình trụ, màu tím nâu, bên trong rỗng, có các lông nhỏ, mịn. Vị cay mát, hơi đắng, hơi ngọt, và có mùi thơm nhẹ.
Chế biến: Thu hái khi cây đang ra hoa, phơi hay sấy ở nhiệt độ từ 40-50 độ C cho đến khô, tránh sấy ở nhiệt độ quá cao sẽ khiến tinh dầu trong Nhân trần bay hơi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Loài cây này có nguồn gốc từ khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản. Trên lãnh thổ Việt Nam, cây Nhân trần được phân bố chủ yếu tại các tỉnh Lâm Đồng, Hà Giang và Lào Cai. Đây là cây ưa ẩm mát, thường sinh sống ở các vùng đất có độ cao lên đến 1.800 mét, như các khu vực ven rừng và các chu trảng cỏ.
2 Thành phần hóa học
Tinh dầu được chiết xuất từ phần trên mặt đất của cây A. bracteosum chứa các chất chính gồm thymol, linalool và (E)-β-farnesene.
3 Tác dụng – Công dụng của cây Nhân trần
3.1 Tác dụng dược lý
Các hoạt chất của nhân trần bắc có nhiều tác dụng khác nhau như: Scoparon và coumarin giúp tăng giải phóng dopamin, giảm lipid máu, ức chế các chất trung gian gây viêm (PGE2, TNF-a), ức chế phản ứng dị ứng và tăng tiết bilirubin. Ngoài ra, nhân trần bắc còn có tác dụng chống tế bào ung thư, bảo vệ gan, chống xơ gan, viêm gan, trị tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, kháng viêm và kháng virus.
Cao chiết từ nhân trần tía có khả năng kích thích tiết mật, giúp phục hồi tế bào gan và giải độc cho gan. Tinh dầu của nhân trần tía chứa thành phần carvacrol có tác dụng kháng khuẩn mạnh và có lợi cho chức năng mật.
Từ chiết xuất của A. bracteosum, nghiên cứu đã chứng minh khả năng chống oxy hóa, chống bệnh gút, bảo vệ gan và chống tăng đường huyết, mang lại tiềm năng lớn cho việc phát triển các loại thuốc tự nhiên chống bệnh tiểu đường. Đặc biệt, A. bracteosum có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở cả người lẫn tôm ngâm nước muối. Một hợp chất mới, được đặt tên là 5,4′-dihydroxy-6,7,8,3′-tetramethoxyflavone, đã được phát hiện và chứng minh là có thể làm kích hoạt caspase-3 thông qua con đường ROS trung gian, dẫn đến sự tự hủy của tế bào ung thư. Những kết quả này mở ra cơ hội cho việc phát triển các loại thuốc chống ung thư mới từ A. bracteosum và hợp chất mới này.
3.2 Vị thuốc Nhân trần – Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Những tài liệu cổ xưa ghi nhận về Nhân trần cho biết loại thảo dược này có vị đắng, tính bình, hơi hàn, quy kinh can, đởm, và có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp. Nó được sử dụng để điều trị các triệu chứng như cơ thể nóng, da vàng và tiểu tiện không đều, phụ nữ sau sinh ăn chậm tiêu.
Ngày dùng 10g – 15g ở dạng thuốc sắc, có thể dùng ngoài với liều lượng thích hợp, sắc hoặc giã nhỏ đắp nơi bị đau.
3.2.2 Uống nước trà nhân trần có tác dụng gì và có tốt không?
Adenosma bracteosum Bonati (Nhân trần) là một loại thảo dược được sử dụng trong y học cổ truyền và hiện đại ở Việt Nam để điều trị các bệnh như ngộ độc, tiểu tiện khó khăn, ăn uống kém tiêu, viêm gan vàng da, cảm cúm, sốt. Nhân trần có tác dụng giải nhiệt, lợi mật và điều trị các vấn đề về da như mụn nhọt, viêm da.
4 Bài thuốc từ Nhân trần
4.1 Viêm gan siêu vi
Sử dụng 63g nhân trần sắc uống để trị viêm gan siêu vi.
4.2 Trị vàng da do viêm gan
Sử dụng 24g nhân trần, 8g đại hoàng và 12g Chi Tử, sắc uống để trị vàng da do viêm gan siêu vi, tiểu tiện ít, vàng đậm, đầy bụng, bí đại tiện.
4.3 Viêm gan, thanh nhiệt
Sử dụng nhân trần 30g sau đó cắt nhỏ, sau đó đun với nước sôi trong một bình kín trong vòng 15 phút, pha thêm một chút đường phèn và uống thay cho trà hàng ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, dùng để phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra và điều trị viêm gan.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu, chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Nhân trần trang 74 – 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Nhân trần, nhân trần tía, trang 1280 – 1283, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 20 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả Ngoc Hong Nguyen và cộng sự (Đăng ngày 24 tháng 6 năm 2020). Anticancer Activity of Novel Plant Extracts and Compounds from Adenosma bracteosum (Bonati) in Human Lung and Liver Cancer Cells, PubMed. Truy cập ngày 10 tháng 04 năm 2023.
- Tác giả Ngoc Hong Nguyen và cộng sự (Đăng ngày 29 tháng 1 năm 2020). Potential Antidiabetic Activity of Extracts and Isolated Compound from Adenosma bracteosum (Bonati), PubMed. Truy cập ngày 10 tháng 04 năm 2023.