Ngải Đắng (Artemisia absinthium L.)

Ngải Đắng (Artemisia absinthium L.)

Ngải đắng được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị đầy hơi, đau dạ dày, đau gan, ho, sốt… Trong bài viết này, Thuốc Gia Đình xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Ngải đắng.

1 Giới thiệu về cây Ngải đắng

Ngải Đắng còn có tên gọi khác là Ngải áp xanh, mọc trên đất khô và ở vùng núi cao 800-2000m.

Tên khoa học của Ngải đắng là Artemisia absinthium L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Hình ảnh cây Ngải đắng
Hình ảnh cây Ngải đắng

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo sống lâu năm, cao 0,4-1m, màu trăng trắng, phân nhánh nhiều, có mùi rất thơm. Lá hình trứng, các lá phía dưới xẻ lông chim 2-3 lần, có cuống và lông mềm, mặt trên màu lục, mặt dưới hơi trắng. Các lá phía trên thường nguyên và có hình mũi mác.

Cụm hoa nhỏ dạng đầu hình cầu mọc từ nách lá, gồm các hoa màu vàng, các hoa đầu lại xếp thành chùm bên trải ra, tạo hình chùy có lá. Đế hoa có lông, lá bắc của tổng bao màu lục và dạng vảy nhiều hay ít. Hoa hình ống. Quả bế, nhỏ, nhẵn, có sọc nâu, không có mào lông. Mùa hoa quả vào tháng 8-11.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá, quả.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây được trồng ở Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng. Ngoài ra còn phổ biến ở châu  u, một phần châu Á, Bắc Phi; cũng có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma.

2 Thành phần hóa học

2.1 Tinh dầu

Ngải đắng chứa nhiều hợp chất chịu trách nhiệm cho các hoạt động sinh học của nó. Trong đó, tinh dầu là thành phần chính. Các hợp chất được liệt kê thường xuyên nhất là este của thujyl alcohol, α-thujone, β-thujone, camphene, α-cadinene, guaiazulene (Z)-epoxyocimene, (E)-sabinyl axetat, (Z)-chrysantenyl axetat. 

2.2 Chất đắng

Các hợp chất quan trọng khác của Ngải đắng là sesquiterpenoid lactone đắng, trong đó chất chuyển hóa chính là dimer guaianolide – absinthin (0,2–0,28%). Các hợp chất khác được tìm thấy ở nồng độ cao như các chất đồng phân absinthin – anabsinthin, anabsin, artabsin (0,04–0,16%) và absintholide. Các hợp chất đắng khác đã được phân lập từ cây bao gồm artamaridinin, artamarin, artamarinin và artamaridin.

2.3 Azulen

Chiết xuất Ngải đắng chứa nồng độ cao chamazulene xanh lam. Các azulen khác được phân lập từ cây là 3,6-dihydrochamazulene, 7-ethyl-1,4-dimethylazulene, 7-ethyl-5,6-dihydro-1,4-dimethylazulene, đồng phân dihydrochamazulene, prochamazulenogen và azulene.

2.4 Flavonoid

Cây cũng chứa nhiều flavonoid, bao gồm: quercetin, kaempferol, apigenin, artemethin và rutoside cùng nhiều axit phenolic như: chlorogenic, ferulic, gallic, caffeic, syringic, và vanillic, và các dẫn xuất của axit caffeoylquinic.

2.5 Hợp chất khác

Các hợp chất khác được tìm thấy với lượng nhỏ hơn là chalcone (cardamonin), coumarin (herniarin, coumarin), axit béo, tanin, caroten, lignan và chất Nhựa.

Cấu trúc các chất chính trong tinh dầu Ngải đắng
Cấu trúc các chất chính trong tinh dầu Ngải đắng

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bồ Công Anh và các tác dụng thần kỳ với sức khỏe con người

3 Tác dụng – Công dụng của Ngải đắng

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng trên tiêu hóa

Kích thích tiêu hóa: Các chất đắng có tác dụng tăng tiết dịch tiêu hóa ở người bị giảm sản xuất dịch tiêu hóa, bao gồm gia tăng sản xuất mật và dịch tụy và kích thích các đầu dây thần kinh trên lưỡi, gây ra phản xạ tiết dịch vị. Chất đắng còn tác động trực tiếp lên dạ dày, làm tăng nhu động dạ dày và làm giãn các mạch nhỏ niêm mạc. Người ta đã chứng minh rằng các hợp chất có trong tinh dầu cũng làm tăng sản xuất dịch tiêu hóa và cải thiện lưu lượng máu.

Chống loét: Các chất chiết xuất từ ​​​​cây không ảnh hưởng đến hoạt động của chất nhầy; tuy nhiên, chúng làm giảm đáng kể thể tích dịch vị, giảm tiết axit dạ dày và pepsin, đồng thời giảm tốc độ tiêu hóa; có tác dụng chống loét trên chuột được sử dụng Aspirin.

3.1.2 Tác dụng trên thần kinh

Ngải đắng được chứng minh là đầy hứa hẹn – có bằng chứng về việc giảm stress oxy hóa, mức độ tổn thương não và rối loạn hành vi, cho thấy đây là một tác nhân tiềm năng trong việc ngăn ngừa đột quỵ. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng Ngải đắng có hoạt tính chống trầm cảm tương tự imipramine. Ngoài ra, Ngải đắng có ái lực đáng kể đối với cả thụ thể muscarinic và nicotinic, nghĩa là các chế phẩm từ cây có thể cho thấy tác dụng nhận thức. Hơn nữa, các chiết xuất từ Ngải đắng cho thấy hoạt động dinh dưỡng thần kinh, làm tăng sự phát triển của tế bào thần kinh thông qua cảm ứng các yếu tố tăng trưởng thần kinh.

3.1.3 Kháng khuẩn, kháng nấm

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự nhạy cảm của các vi sinh vật khác nhau đối với các hợp chất chứa trong Ngải đắng. Trong đó có các loại vi khuẩn như: Arthrobacter spp., Bacillus cereus, B.mycoides, B.subtilis, Clostridium perfringens, Enterobacter aerogenes, Enterococcus faecalis, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, Klebsiella oxytoca, K.pneumoniae, Listeria monocytogenes, Micrococcus lylae, Proteus mirabilis, Pseudomonas aeruginosa, Shigella sonnei, Staphylococcus aureus và các loại nấm: Aspergillus niger, Candida albicans, Fusarium culmorum, F.graminearum, F.moniliforme, F.oxysporum fs. lycopersici, F.sambucinum, F.solani, Rhizoctonia solani, Saccharomyces cerevisiae var. chevalieri, Sclerotinia sp. Chất chiết xuất từ ​​​​cây đặc biệt hiệu quả đối với vi khuẩn gram dương. 

3.1.4 Chống viêm, giảm đau

Một số hợp chất trong Ngải đắng chịu trách nhiệm cho hoạt động chống viêm, thông qua làm giảm sản xuất oxit nitric (NO), prostaglandin E2 (PGE2), yếu tố hoại tử khối u (TNF- α), cũng như biểu hiện của nitric oxide synthase cảm ứng (iNOS), cyclooxygenase-2 (COX-2).

Chiết xuất Ngải đắng có tác dụng giảm đau khởi phát nhanh, nhưng vẫn kém hơn aspirin. Ngoài ra, nó cũng được chứng minh là giúp giảm đau trong thí nghiệm quằn quại do acid acetic gây ra.

3.1.5 Chống oxy hóa

Ngải đắng chứa nhiều Flavonoid và các hợp chất phenolic khác có khả năng xác định hoạt tính chống oxy hóa của nó. Trong thử nghiệm DPPH, giá trị IC 50 cho hoạt động nhặt gốc tự do là 612 μg/mL. Chiết xuất metanol từ Ngải đắng cũng cho thấy khả năng khử trong phản ứng với các ion Sắt (III), trong đó tác dụng đã được chứng minh là phụ thuộc vào nồng độ của dịch chiết. Khả năng loại bỏ oxit nitric (NO) và hydro peroxide (H2O2) cũng đã được chứng minh.

3.1.6 Bảo vệ gan

Chiết xuất Ngải đắng làm giảm nồng độ asparagine và alanine aminotransferase trong huyết thanh, cũng như giảm tỷ lệ tử vong do dùng Acetaminophen. Cơ chế là giảm đáng kể nồng độ men gan, ức chế quá trình peroxy hóa lipid và phục hồi hoạt động của superoxide dismutase (SOD) và Glutathione Peroxidase (GPx) trong cả tổn thương gan do hóa chất và miễn dịch. Ngoài ra, giảm đáng kể số lượng chất trung gian gây viêm như TNF-α và IL-1, đã được quan sát trong mô hình miễn dịch. Các xét nghiệm mô bệnh học và gan khác cũng cho thấy số lượng tế bào viêm giảm xuống.

3.1.7 Điều hòa miễn dịch, gây độc tế bào

Chiết xuất làm giảm sự tăng sinh của tế bào lympho T, tạo ra phản ứng TH1 và kích thích sản xuất oxit nitric bởi các đại thực bào phúc mạc của chuột. Phản ứng miễn dịch được tạo ra bởi các polysacarit được phân lập từ Ngải đắng rất hiệu quả trong việc chống lại virus và vi khuẩn nội bào.

Ngải đắng có thể là một nguồn tiềm năng của các hợp chất mới hạn chế sự phát triển của ung thư vú và ung thư biểu mô tuyến vú. Tinh dầu cũng có tác dụng gây độc đối với SK-MEL-5 (dòng tế bào khối u ác tính), HCT116 (dòng tế bào ung thư ruột kết)…

Tác dụng của Ngải đắng
Tác dụng của Ngải đắng

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Rau Ngải cứu – Vị thuốc thần kỳ cho sức khỏe nữ giới

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Ngải đắng có tính ấm, vị đắng, mùi thơm, có tác dụng bổ tiêu hóa, hạ nhiệt, giảm đau, chỉ ho, trừ giun và điều kinh.

Trong đông y, Ngải đắng được dùng trong chữa đầy hơi, đau dạ dày, đau gan, tăng huyết áp, ho, sốt, sốt rét giãn cách, dùng làm thuốc trị giun sán.

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Ngải đắng

4.1 Cách dùng

Dùng dưới dạng thuốc hãm, cồn chiết, rượu thuốc, còn dùng chiết làm nước uống, là chất thơm cho rượu vang và đồ uống khác.

Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai. Có dược tính mạnh, không dùng quá liều vì có thể dẫn tới ngộ độc.

4.2 Bài thuốc

4.2.1 Chữa đầy hơi và đau dạ dày

Dùng Ngải đắng khô hãm với nước sôi, uống như trà.

4.2.2 Giảm cơn đau dạ dày

Dùng Ngải đắng vừa đủ, sắc lấy nước uống trong ngày.

4.2.3 Rượu Ngải đắng bổ tiêu hóa

Ngâm 1kg lá, thân (đã phơi khô trong râm) với khoảng 5 – 6L rượu 40 độ trong ít nhất 1 tháng. Mỗi ngày dùng 2-3 chén nhỏ.

Rượu thuốc Ngải đắng lợi tiêu hóa
Rượu thuốc Ngải đắng lợi tiêu hóa

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Agnieszka Szopa và cộng sự (Ngày đăng 19 tháng 8 năm 2023). Artemisia absinthium L.—Importance in the History of Medicine, the Latest Advances in Phytochemistry and Therapeutical, Cosmetological and Culinary Uses, NCBI. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2023. 

2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Ngải đắng trang 261-262, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2023.

Để lại một bình luận