Mặt Quỷ (Morinda villosa Wall. ex Hook.f)

Phân loại khoa học
Họ(familia)

Rubiaceae

Chi(genus)

Morinda

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Morinda villosa Wall. ex Hook.f

Danh pháp đồng nghĩa

Morinda umbellata L.

Mặt Quỷ (Morinda villosa Wall. ex Hook.f)

Mặt Quỷ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao dao động từ 1 đến 1,5 mét. Nhân dân thường sử dụng cây Mặt Quỷ để làm thuốc đắp ngoài có công dụng chữa mụn nhọt rất hiệu quả. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Mặt Quỷ

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Morinda villosa Wall. ex Hook.f

Tên đồng nghĩa: Morinda umbellata L.

Tên gọi khác: Nhàu Đỏ, cây Gạnh, Nghề Bà, Dây Ngón Đất.

Họ thực vật: Cà phê Rubiaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Hình ảnh quả
Hình ảnh quả

Mặt Quỷ thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao dao động từ 1 đến 1,5 mét. Thân cây dạng dưa leo.

Cành khi còn non có cạnh, phủ một lớp lông cứng có màu nâu, sau phát triển cành nhẵn có màu xám đen.

Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình xoan rộng, mỗi phiến lá có chiều dài khoảng 5 đến 11cm, rộng từ 2 đến 4,5cm. Gốc lá hình tròn, có khi không đối xứng, đầu lá thuôn thành mũi nhọn. 2 mặt lá đều có lông, mặt trên có màu đậm hơn. Mỗi cuống lá dài khoảng 4 đến 6cm. Lá mọc kèm có dạng hình ống, phủ lông.

Hoa của cây Mặt Quỷ có màu trắng, mọc tụ họp ở đầu cành hoặc kẽ lá, mỗi cụm hoa có từ 5-10 hoa, đài 4-5, tràng 4-5, bầu 2 ô.

Quả có dạng gần giống hình cầu, đầu quả bẹt, nhiều hạch dính liền. Quả có màu da cam, sần sùi giống như Mặt Quỷ.

Mùa hoa rơi vào tháng 5 đến tháng 6, mùa quả rơi vào tháng 7 đến tháng 8.

Dưới đây là hình ảnh cây Mặt Quỷ

Đặc điểm thực vật của cây Mặt Quỷ
Đặc điểm thực vật của cây Mặt Quỷ

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá và rễ.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô. Thông thường không cần chế biến nhưng có thể sao hoặc tẩm rượu.

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây Mặt Quỷ phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Châu Á như Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.

Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng trung du và đồng bằng, thỉnh thoảng có thể bắt gặp ở vùng ven biển hoặc các đảo. Cây mọc tập trung ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An.

Mặt Quỷ là loài cây ưa sáng, chịu hạn tương đối tốt, thường được tìm thấy lẫn trong các cây bụi ở nương rẫy, ven đồi, các lùm bụi quanh làng.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, thụ phấn nhờ côn trùng. Khi quả chín, các loài chim sẽ đến ăn và phát tán hạt khắp nơi.

Mặt Quỷ tái sinh từ chồi khỏe, đặc biệt là sau khi chặt.

2 Thành phần hóa học

Rễ cây chứa:

Các Anthranoid gồm:

  • 2-hydroxy anthraquinone.
  • Alizarin methyl ether.
  • Alizarin.
  • Lucidin.
  • Methoxy 2-methyl anthraquinone.

3 Tác dụng – Công dụng của cây mặt quỷ

Rễ cây Mặt Quỷ
Rễ cây Mặt Quỷ

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng đối với phản ứng quá mẫn ở chuột lang

Tiêm lòng trắng trứng vào màng bụng của chuột lang nhằm mục đích gây nhạy cảm cho chuột.

Sau 4 tuần, tiến hành cạo lông và tiêm lòng trắng trứng vào dưới da lưng của chuột, đồng thời tiến hành tiêm Dung dịch xanh trypan vào tĩnh mạch.

Kết quả cho thấy rằng, lô chuột được uống cao chiết từ cây Mặt Quỷ có khả năng ức chế phản ứng quá mẫn, vết xanh trypan có màu nhạt hơn so với lô không được dùng cao chiết từ cây Mặt Quỷ.

Tác dụng chống dị ứng trên mô hình Schultz-Dale

Tiêm phúc mạc lòng trắng trứng cho chuột lang để gây nhạy cảm.

Sau 2 tuần, tiến hành giết chuột, bóc tách lấy hồi tràng. Hồi tràng xuất hiện tình trạng co bóp mạnh khi cho lòng trắng trứng vào dịch nuôi hồi tràng cô lập.

Cao chiết của cây có tác dụng ức chế phản ứng co bóp này.

3.1.2 Tác dụng chống viêm cấp

Dịch chiết của cây có tác dụng chống viêm khi tiến hành mô hình gây viêm cấp bằng formalin, kaolin hoặc dextran.

3.1.3 Tác dụng chống viêm mạn

Cây có tác dụng chống viêm mạn trên mô hình gây u hạt bằng anian.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Hình ảnh toàn cây Mặt Quỷ
Hình ảnh toàn cây Mặt Quỷ

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tính vị: Vị đắng, tính lạnh.

Tác dụng: Nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tả hỏa.

3.2.2 Công dụng của cây Mặt Quỷ

Cành cây
Cành cây

Toàn cây Mặt Quỷ được sử dụng để chữa thấp khớp, nhức xương, đau lưng với liều dùng được khuyến cáo là 12-20g, đem sắc lấy nước uống.

Có thể dùng riêng cây Mặt Quỷ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như Kim Cang, Dây Đau Xương, Cà Gai Leo, Ngũ Gia Bì, Dây Gắm.

Có thể sử dụng lá, cành tươi của cây Mặt Quỷ đem giã nát đắp ngoài trong những trường hợp mẩn ngứa, mụn nhọt, dị ứng.

4 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2, trang 244-245. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.

Sách Thực Vật Dược, nhà xuất bản Y học. Mặt Quỷ, trang 312. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.

Để lại một bình luận