Mật Cá Trắm

Mật Cá Trắm

Theo Y học cổ truyền, Mật cá còn được gọi là Thanh ngư đởm có vị đắng, tính hàn, có độc, được sử dụng phổ biến với tác dụng giải độc, minh mục, chống viêm, dùng để trị viêm họng, đau mắt. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Mật cá trắm là gì?

Mật cá trắm chính là mật lấy từ Cá trắm, có 2 loài phổ biến là Cá trắm cỏ (tên khoa học là Ctenopharyngodon idellus Cuvier Valenciennes) và Cá trắm đen (tên khoa học là Mylopharyngodon piceus Richardson).

Đặc điểm: Cá trắm là cá nước ngọt có thân thuôn dài, hơi tròn 2 bên, vây to, đầu ngắn, miệng rộng, mắt nhỏ, vây không có tia gai cứng. Cá trắm cỏ có màu xanh hơi vàng, cá trắm đen có màu đậm hơn ở lưng và vây.

Cá trắm gồm 2 loại là cá trắm cỏ và cá trắm đen
Cá trắm gồm 2 loại là cá trắm cỏ và cá trắm đen

2 Mật cá trắm có độc không?

Theo Y học cổ truyền, Mật cá còn được gọi là Thanh ngư đởm có vị đắng, tính hàn, có độc, được sử dụng phổ biến với tác dụng giải độc, minh mục, chống viêm.

Các sách cổ thường ghi chép mật cá chỉ nên dùng ngoài, ít khi được sử dụng theo đường uống. Nhân dân ở một số nơi sử dụng mật cá trắm bằng cách nuốt cả túi mật còn tươi hoặc pha với rượu để uống, không cân nhắc liều lượng, do đó đã xuất hiện tình trạng ngộ độc dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng ngộ độc Mật cá trắm bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội.
  • Nôn nhiều.
  • Tiêu chảy nặng.
  • Phù nề.
  • Khó thở.
  • Bí đái.
  • Nôn ra máu.
  • Hôn mê.
  • Tử vong.

Mật cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idellus) có thể ức chế sự giải phóng Dipeptidase thận từ các ống thận gần bằng cách tạo ra Nitric Oxide, điều này cho thấy rằng, việc tạo ra Nitric Oxide và con đường phospholipase C ảnh hưởng đến việc giải phóng Dipeptidase thận từ ống lượn gần và có thể liên quan đến sự xuất hiện các phản ứng bất lợi trong cơ thể sau khi ăn mật cá trắm.

Mật cá trắm có liều chữa bệnh gần với liều gây độc do đó, nếu không có kinh nghiệm thì không được tự ý sử dụng.

Triệu chứng ngộ độc mật cá trắm
Triệu chứng ngộ độc mật cá trắm

3 Thành phần hóa học

Trong mật cá trắm có chứa sterol.

4 Mật cá trắm có tác dụng gì?

4.1 Theo y học cổ truyền

Từ lâu đời, Cá trắm được sử dụng phổ biến trong nhân dân ta. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã sử dụng mật cá trắm để:

Chữa cổ họng sưng đau (thường dùng mật cá trắm đen) rút lấy nước đem trộn cùng với Mật Ong với lượng bằng nhau, dùng để ngậm. Ngày có thể ngậm nhiều lần.

Chữa đau mắt đỏ có màng: Sử dụng nước từ mật cá để nhỏ vào mắt.

Mật cá trắm có tác dụng gì?
Mật cá trắm có tác dụng gì?

4.2 Theo Y học hiện đại

Mật cá trắm đen được dùng để điều trị viêm kết mạc cấp tính và đau mắt. Một số nghiên cứu cho rằng, mật cá trắm đen có hiệu quả trong điều trị mụn rộp (herpes), mụn nhọt, viêm amidan và viêm họng.

Mật cá trắm cỏ sau khi pha loãng với nước được dùng trong các bệnh lý liên quan đến họng đặc biệt là viêm họng cấp tính. Mật cá trắm cỏ pha loãng với rượu cho bệnh nhân súc miệng có thể làm mềm xương trong trường hợp bị hóc xương.

5 Một số câu hỏi thường gặp

5.1 Mật cá trắm nấu chín có ăn được không?

Chất độc như cyprinol có trong mật của cá trắm cỏ và một số loại cá nước ngọt khác thuộc họ cá chép có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc thậm chí gây tử vong. Điều cần lưu ý rằng, chất độc này không bị phân hủy bởi nhiệt do đó không ăn mật cá trắm kể cả khi còn sống hay đã nấu chín để đảm bảo an toàn.

5.2 Cách sử dụng mật cá trắm

Mật cá trắm có thể đem trộn cùng với mật ong trong trường hợp viêm họng hoặc nhỏ vào mắt khi bị đau mắt đỏ có màng. Tuy nhiên, mật cá trắm khi nhỏ vào mắt nếu không đảm bảo vô khuẩn có thể làm nặng thêm tình trạng đau mắt, liều điều trị và liều gây độc của mật cá trắm rất gần nhau do đó nếu sử dụng mật cá trắm để chữa viêm họng thì tuyệt đối không được nuốt. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thay thế có độ an toàn cao hơn, bạn đọc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.

5.3 Mật cá trắm đen ngâm rượu có tác dụng gì?

Mật cá trắm ngâm rượu có tác dụng làm mềm xương trong trường hợp bị hóc xương. Chỉ dùng để súc họng hoặc ngậm, không được nuốt.

5.4 Làm cá trắm bị vỡ mật phải làm sao?

Trong quá trình sơ chế, việc làm cá trắm bị vỡ mật có thể dính vào thịt cá gây ảnh hưởng đến hương vị của món ăn, nguy hiểm hơn có thể gây độc cho người thưởng thức. Trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng một số cách sau để loại bỏ mật cá trắm bị vỡ:

  • Dùng chanh vào phần thịt cá bị dính mật sau đó rửa lại bằng nước sạch.
  • Sử dụng rượu trắng đổ vào phần thịt cá bị dính mật, để khoảng vài phút và rửa lại bằng nước sạch.
  • Dùng giấm để rửa giúp loại bỏ mật cá bị vỡ.

6 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cá trắm, trang 1091-1092. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.

Tác giả David QH Wang và cộng sự (Ngày đăng 7 tháng 8 năm 2014). Therapeutic uses of animal biles in traditional Chinese medicine: An ethnopharmacological, biophysical chemical and medicinal review, NCBI. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Kyong Choi và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2000). Grass Carp (Ctenopharyngodon idellus) Bile may Inhibit the Release of Renal Dipeptidase from the Proximal Tubules by Nitric Oxide Generation, Research Gate. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2024.

Để lại một bình luận