Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) |
Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) |
Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) |
Rutaceae (Cam) |
Chi(genus) |
Clausena |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Clausena lansium (Lour.) Skeels |
|
Danh pháp đồng nghĩa | |
Clausena wampi (Blanco) Ohver |
Hồng bì thuộc dạng cây nhỏ, mỗi cây có chiều cao từ 3 đến 5 mét. Cành lá luôn xanh. Nhân dân thường sử dụng để làm thuốc kích thích tiêu hóa, phòng bệnh cho phụ nữ sau sinh. Bài viết dưới đây, Thuốc Gia Đình sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Hồng bì.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Clausena lansium (Lour.) Skeels
Tên đồng nghĩa: Clausena wampi (Blanco) Ohver
Tên gọi khác: Hoàng bì, Mạy mật.
Họ thực vật: Cam Rutaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Hồng bì thuộc dạng cây nhỏ, mỗi cây có chiều cao từ 3 đến 5 mét. Cành lá luôn xanh.
Bề mặt cành sần sùi, có màu xám đen.
Lá kép, mọc so le, có từ 7-9 lá chét, phiến lá dạng hình trái xoan, chiều dài từ 5 đến 14cm, chiều rộng từ 3 đến 7cm. Gốc lá lệch, đầu nhọn, méo lá uốn lượng không khía răng cưa. Các gân trên mặt dưới của lá nổi rõ, hai mặt nhẵn, không có lông.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùy, có chiều dài khoảng 20-40cm gồm nhiều hoa nhỏ, hoa có màu trắng, đài 5, tràng 5, bầu dài, có lông.
Quả mọng, có dạng hình trứng hoặc hình cầu. Vỏ quả có màu vàng, phủ thêm một lớp lông tơ mịn.
Mỗi quả gồm 1-3 hạt, có kích thước lớn.
1.2 Thu hái và chế biến
Quả sau khi hái về, bổ theo chiều dọc và đem phơi nắng. Quả sau khi khô còn được gọi là Hồng bì hay Quất bì.
Sau khi quả chín, tiến hành thu hái hạt và đem phơi khô.
Lá có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.
Rễ sau khi thu hái về, tiến hành nạo lấy vỏ sau đó phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Hồng bì có nguồn gốc từ các tỉnh ở phía Bắc Việt Nam hoặc phía Nam của Trung Quốc. Đây là loài có biên độ sinh thái rộng, nhiệt độ sinh sống trung bình từ 15-25 độ C hoặc hơn.
Cây có thể rụng lá vào mùa đông, có khả năng chịu lạnh trong thời gian ngắn. Hồng bì là loài ra hoa quả nhiều hàng năm, cây thụ phấn được nhờ gió hoặc nhờ côn trùng.
Người ta nhận thấy rằng, những cây Hồng bì trồng ở chỗ nắng thường kết quả nhiều hơn những cây Hồng bì trồng trong bóng mát.
Tại nước ta có Hồng bì trắng và Hồng bì bồ hóng có quả màu hơi nâu.
Hồng bi sinh trưởng và phát triển được trên đất feralit ở trên núi có độ cao dưới 1000 mét, đặc biệt là khu vực chân núi đá vôi.
1.4 Cách trồng
Cây được trồng chủ yếu từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc Việt Nam.
Nhân dân ta thường sử dụng hạt để nhân giống, chỉ có một số ít khu vực sử dụng cành để chiết hoặc ghép.
Hạt Hồng bì có khả năng nảy mầm kém do đó, khi ủ cần ủ trên luống có thiết kế giàn che trong khoảng vài tháng. Sau khi hạt nảy mầm, tiến hành đánh đi trồng để làm gốc ghép.
Sau khi cây con có đường kính thân từ 1,2 đến 1,5cm thì tiến hành ghép. Cây cũng có thể chiết dễ dàng.
Cây có thể trồng được trên nhiều loại đất nhưng có khả năng phát triển tốt nếu trồng trên đất sâu, dễ thoát nước.
Sử dụng phân chuồng để bón lót vào hố cho cây. Hàng năm tiến hành bón thúc 2 đợt vào tháng 7 sau khi đã thu quả và tháng 10 đến tháng 11 để cây có đủ khả năng chống chịu qua mùa đông. Có thể sử dụng nước giải, phân chuồng, phân bón để bón cho cây.
Cây có thể xuất hiện rệp, muội đen hai lá, chim ăn quả chín do đó, cần xác định thời điểm thu hoạch sao cho hợp lý.
2 Thành phần hóa học
Hạt có chứa lansumamid A, lansumamid B, lansumamid C. Ngoài ra còn chứa tinh dầu.
Lá có chứa neoclausenamid, isoneoclausenamid,…
Bộ phận trên mặt đất có chứa lansimid, imperatorin, lansiol.
3 Tác dụng – Công dụng của cây hồng bì
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống co thắt
Khi nghiên cứu cao chiết thô từ cành và lá của cây bằng cồn 50 độ, người ta nhận thấy tác dụng chống co thắt đối với hồi tràng của chuột lang sau khi đã bị cô lập. Đây là tác dụng của lansimid, trong đó hoạt chất có tác dụng mạnh nhất là lansimid 3.
3.1.2 Tác dụng đối với ký sinh trùng sốt rét
Cao khô chiết từ lá với methanol đã được chứng minh có tác dụng đối với ký sinh trùng sốt rét nhưng yếu hơn so với thường sơn và dây ký sinh.
3.1.3 Tác dụng đối với ký sinh trùng
Cao khô từ lá chiết với methanol của Hồng bì đã được chứng minh có tác dụng đối với nhiều loại ký sinh trùng khác nhau như Entamoeba histolytica, Paramecium caudateum,…
3.1.4 Tác dụng kháng khuẩn
Cao khô chiết từ lá với methanol của cây Hồng bì có tác dụng kháng khuẩn đối với Escherichia coli và Staphylococcus aureus 209P
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Lá cây có vị đắng, cay, tính bình có tác dụng trong các trường hợp như cảm cúm, sốt, ho đờm, cảm nắng.
Quả có vị chua ngọt, tính bình, hơi ấm được sử dụng trong các trường hợp như ho đờm, nôn, kích thích tiêu hóa.
Hạt và vỏ rễ của Hồng bì có vị đắng, the, tính ẩm được sử dụng trong các trường hợp giảm đau, kích thích tiêu hóa.
3.2.2 Công dụng
Lá cây dùng để trị sốt, cảm mạo. Có thể dùng ngoài để làm nước gội đầu giúp sạch gàu, mượt tóc.
Quả dùng trong các trường hợp buồn nôn, tiêu hóa kém, ho gà.
Hạt và lá dùng trong các trường hợp đau dạ dày, đau thượng vị. Hạt còn được dùng để trị rắn cắn.
Rễ dùng trong các trường hợp thấp khớp, cảm mạo, phụ nữ sau sinh.
Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo như sau:
- 20-40g lá Hồng bì.
- 10-20g rễ.
- 6-10g hạt.
- 5-7 quả tươi.
- 4-6g quả khô.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Hồng bì
4.1 Chữa ho gà
3-4g quả Hồng bì.
3-4g vỏ rễ dâu.
3-4g củ sả.
3-4g củ Bách Bộ.
3-4g Ô mai.
3-4g Cát Cánh.
3-4g Hạnh nhân.
3-4g Kinh Giới.
3-4g Bạc Hà.
3-4g Cam Thảo.
Các vị đem sắc đặc, có thể thêm đường để tạo siro. Mỗi lần uống 1-5 thìa cà phê tùy thuộc vào độ tuổi, ngày uống 3-4 lần.
4.2 Chữa rắn cắn
Hạt nhai nát, nuốt nước còn bã dùng đắp lên chỗ bị rắn cắn.
4.3 Thuốc kích thích tiêu hóa, phòng bệnh cho phụ nữ sau sinh
30g vỏ thân hoặc vỏ rễ Hồng bì.
20g rễ Sử quân.
20g Khế chua.
Các vị đem thái nhỏ, phơi khô sau đó sao vàng để sắc lấy nước uống trong ngày, dùng nhiều ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Hồng bì, trang 997-999, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2024.